Nguyễn Hà Hùng (từ Hà Nội)
Loa phường vẫn được sử dụng phổ biến ở Việt Nam
Thu hút sự chú ý bằng cách đặt loa ở mặt tiền, phát hết công suất các bản nhạc (1), trong sự ầm ĩ bát nháo của đường phố, tất nhiên không hiệu quả. Tương tự như thế, hô khẩu hiệu trong một cộng đồng đã bội thực khẩu hiệu là một cách làm thiếu sáng suốt.
Gần đây hệ thống truyền thông nhà nước và mạng xã hội nhắc đi nhắc lại nhiều câu, "Nội dung là Vua"- Lotus, "Mãnh liệt tinh thần Việt Nam" - Vinfast, " Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản- Asanzo", vân vân và vân vân. Không thể nhớ hết.
Bất kể định danh những câu chữ đó là gì, bài viết này chỉ xem xét các quảng cáo có biểu hiện giống với tuyên truyền. (2)
Tuyên truyền (propaganda) là một dạng truyền thông mang tính chất thiên vị, kích thích cảm tính, chỉ đề cập một phần thông tin, hay một mặt của vấn đề. Khác với marketing hiện đại lấy khách hàng làm trung tâm, khách hàng và người bán đều được lợi, tuyên truyền là một vũ khí nguy hiểm chỉ giúp cho người tuyên truyền đạt mục đích. Nói nôm na, nó "nhằm thẳng quân thù mà bắn".
Các chiến dịch tuyên truyền thường nhắm đến hầu hết mọi đối tượng, thậm chí toàn dân. Nó không màng giới tính, tuổi tác, vùng miền, trình độ, nghề nghiệp, sở thích, mức thu nhập, thói quen, tình trạng hôn nhân… Tuyên truyền thường có kích thước lớn về nhiều mặt, sử dụng toàn bộ các hình thức, các kênh truyền thông. Mục tiêu của nó là thúc đẩy các hành động bất hợp lý.
Hành động bất hợp lý là gì? Ở đây là các quyết định tham gia, mua hàng không dựa vào lợi ích của hàng hóa, giá cả và chất lượng.
Vì nêu cao tinh thần yêu nước, nên "đắt một tí cũng được", "hơi kém một tí cũng được", "so bì thì làm sao nước Việt hùng cường".
Thế là người mua không quan tâm nhiều đến chất lượng và mức giá. Xúc cảm mạnh làm người mua quên không so sánh với những hàng hóa khác cùng loại.
"Nội dung là Vua" không phải là một triết lý mới, vì Facebook, Twitter đều lấy nội dung là trọng tâm và xoay quanh khách hàng. Hơn nữa, họ đã đi trước cả thập kỷ.
"Nội dung là Vua" không phải là một khái niệm do Lotus tạo ra. Chính ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp, cũng nói rằng nó cũng tàm tạm, chưa thể nói trước được. Nhưng, họ hy vọng "sản phẩm thuần Việt" có khả năng thuyết phục.
"Mãnh liệt tinh thần Việt Nam" mang lại lợi ích gì?
Khách hàng sẽ mua tinh thần Việt Nam với giá cao? Cái tinh thần mãnh liệt đó nếu có, không làm xe của Vinfast chạy được khi chết máy, không thay thế được gioăng cao su ngăn nước vào đèn xe, không thay thế được các đánh giá kiểm định chất lượng của các tổ chức xe hơi thế giới. Măc dù vậy, người ta vẫn lặp lại thông điệp đó khắp nơi.
"Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" thì đang vướng mắc, có thể bị kiện tụng, báo chí trong nước liên tuc đưa tin. Chứng minh công nghệ Nhật Bản chỉ là một vế. Asanzo còn phải chứng minh nó là đỉnh cao. Không chỉ là cao, mà còn là cao nhất. Đặc biệt là hoàn toàn hợp pháp. Nếu không chứng minh được, họ có thể bị qui kết là lừa dối khách hàng, là không trung thực.
Người Việt Nam, đặc biệt là người Bắc đã chung sống với tuyên truyền nhiều năm.
Khẩu hiệu hiện diện khắp mọi nơi, ở cơ quan và nơi công cộng, nó cũng từng xuất hiện trên tường nhiều gia đình.
Họ hiểu khẩu hiệu "Một người làm việc bằng hai" vô lý. Làm việc hết mình đã là lý tưởng, lấy sức lực đâu mà gấp đôi. "Ta nhất định thắng, địch nhất định thua" cũng không đúng. Chẳng có gì khẳng định điều đó.
Người Việt Nam đã bão hòa với những khẩu hiệu sáo rỗng, vô lý.
Thời kỳ "tiếng hát át tiếng bom"qua lâu rồi, cách làm truyền thông "không cho chúng nó thoát" chỉ làm công chúng bỏ chạy.
Những người làm tuyên truyền nhìn dân bằng "đôi mắt mang hình viên đạn" chỉ làm họ quay lưng.
Hãy thay thế tuyên truyền bằng thông tin chính xác, đầy đủ, khách quan, minh bạch và trách nhiệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét