Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

13995 - Cao tốc Bắc Nam: Nhà thầu ‘ta’ hay nhà thầu ‘lạ’ cũng … rứa



Lời phản đối nhà thầu Trung Quốc xây cao tốc mới ở Việt Nam xuất hiện trên một diễn đàn mạng, 28/5/2019


Nhiều người Việt thở phào khi chỉ có các doanh nghiệp của “ta” đầu tư và thi công đoạn cao tốc từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên – Huế). Đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 100 cây số là 1/11 đoạn cao tốc cần thi công để hoàn tất tuyến cao tốc chạy suốt từ Bắc vào Nam.
Theo chính phủ thì hệ thống công quyền sẽ dùng ngân sách đầu tư 3/11 đoạn góp phần cấu thành cao tốc Bắc Nam, 8/11 đoạn còn lại sẽ được thực hiện theo hình thức BOT.
Đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn là một trong số 8 đoạn được đầu tư theo hình thức BOT. Tổng vốn đầu tư cho đoạn này khoảng 7.700 tỉ đồng.
Có nhiều lý do khiến người Việt âu lo và đòi giới hữu trách không vay, không giao bất kỳ công trình giao thông nào ở Việt Nam cho nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc.
Thể theo nguyện vọng của đồng chí, đồng bào, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã chọn hai liên danh thuần… Việt, thực hiện đoạn Cam Lộ - La Sơn của cao tốc Bắc Nam: Liên danh thứ nhất gồm hai doanh nghiệp là Công ty Đầu tư Xây dựng 703 và Tổng Công ty Thành An. Liên danh thứ hai gồm ba doanh nghiệp là Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty Xây dựng Dịch vụ Thương mại 68 và Công ty Đầu tư xây dựng Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam.
Nếu tuyến metro Cát Linh – Hà Đông đã tạo thêm một trái đắng qua việc vay vốn Trung Quốc, sử dụng nhà thầu Trung Quốc và dù rất… ráng nhưng cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lẫn dân chúng Việt Nam vẫn khó mà nuốt cho trôi thì giao các đoạn của cao tốc Bắc Nam cho những nhà đầu tư, nhà thầu thuần… Việt liệu có… ngọt hơn không? Khẳng định là không thì võ đoán vì công trình xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn chỉ mới khởi công nhưng ai dám bảo là… có vì quả sẽ… “ngọt” hơn?
***
Trong năm doanh nghiệp thuộc hai liên danh được chọn tham gia đầu tư, thi công đoạn Cam Lộ - La Sơn có hai doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng là Tổng Công ty Thành An và Tổng Công ty Trường Sơn. Tuy cuối năm ngoái, Bộ Quốc phòng thông báo giải thể “14 ‘lữ đoàn công binh dự bị động viên’ thuộc bảy tổng công ty” (36, 319, Đông Bắc, Lũng Lô, Thái Sơn, Thành An, Trường Sơn) (1) nhưng về bản chất, vốn liếng, phương tiện, nhân lực của các tổng công ty này vẫn rút từ nguồn dành cho quốc phòng!
So với Trung Quốc, Thành An và Trường Sơn nếu không hơn thì có lẽ cũng bằng ngoại nhân cả về năng lực thi công lẫn mức độ thiện lương. Cả hai tổng công ty này cùng với Tổng Công ty 789 (cũng thuộc Bộ Quốc phòng) là 3/5 nhà thầu thực hiện đoạn quốc lộ chạy ngang Phú Yên và Bình Định. Dẫu đoạn đó của quốc lộ 1 chỉ chừng 140 cây số, ngốn gần 8.000 tỉ và ngay trong thời hạn bảo hành, trên mặt đường có tới 5.300 hố, ổ, gây ra đủ thứ thiệt hại, kể cả thiệt hại nhân mạng nhưng không nhà thầu nào thèm sửa chữa (2)...
Ba doanh nghiệp còn lại thuộc hai liên danh được chọn tham gia đầu tư, thi công đoạn Cam Lộ - La Sơn cũng thế. Công ty Đầu tư Xây dựng 703 chính là bạn đồng hành với Tổng Công ty Trường Sơn trong thi công đoạn cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (3), vốn nổi tiếng vì vừa khánh thành đã lún, lõm, bề mặt bể thành vô số hố, ổ, cầu bị nứt, thấm, (4)… Muốn biết chi tiết hơn về chất lượng đoạn cao tốc trị giá 34.500 tỉ đồng này thế nào, cứ dùng google!
Còn Công ty Xây dựng Dịch vụ Thương mại 68? Doanh nghiệp này nổi tiếng vì “đấu đâu, thắng đó”. Một số tờ báo ở Việt Nam từng thú nhận, họ không hiểu tại sao Công ty Xây dựng Dịch vụ Thương mại 68 liên tục thắng các gói thầu lớn (chừng 15 gói thầu, tổng giá trị khoảng 1.600 tỉ) trong đủ mọi lĩnh vực! Gần đây, Công ty Xây dựng Dịch vụ Thương mại 68 tiếp tục thắng gói thầu xây dựng đường sá ở TP.HCM trị giá 200 tỉ mà báo giới ví von là “gói thầu cấm cửa báo chí” (5)…
Doanh nghiệp cuối cùng trong số năm doanh nghiệp tham gia hai liên danh thực hiện đoạn Cam Lộ - La Sơn: Công ty Đầu tư xây dựng Xuất nhập khẩu 168 cũng thuộc loại lẫy lừng vì tên tuổi gắn chặt với Tổng Công ty Thái Sơn của Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) trong mua – bán các gói thầu (6). Công ty Đầu tư xây dựng Xuất nhập khẩu 168 cũng lả doanh nghiệp mà tên tuổi gắn chặt với trễ hạn, nhiều hạng mục chưa nghiệm thu đã hư khi tham gia thực hiện tuyến tránh Pleiku thuộc dự án đường Hồ chí Minh (7)…
***
Ý tưởng dùng vốn của Trung Quốc và nhà thầu Trung Quốc để hoàn tất cao tốc Bắc Nam từng khuấy động dư luận, khiến đồng chí, đồng bào xúc động mạnh. Chẳng phải công chúng, báo giới mà ngay cả các chuyên gia cũng phản đối tiêu chuẩn chọn thầu (phải có sẵn khoản vốn tối thiểu là 20% tổng giá trị dự án, tìm được ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng nào đó khẳng định cho vay phần còn lại). Hạ tiêu chuẩn chọn thầu để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia, trở thành… nguyện vọng chung (8)!
Cho dù càng ngày càng nhiều người Việt bất bình vì cách thức lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án giao thông theo hình thức BOT: Thiếu cả năng lực tài chính lẫn thi công, chất lượng công trình tồi, dự án trở thành gánh nặng mà cả kinh tế lẫn xã hội khó kham (do có thể vay hơn 90% tổng giá trị dự án, nhà đầu tư biến hệ thống ngân hàng thành con tin, vì vậy được thu phí cao, thời gian thu phí bất hợp lý so với suất đầu tư,…) nhưng ý tưởng chọn Trung Quốc đã đẩy công chúng đến chỗ tự nguyện ủng hộ nhà đầu tư – nhà thầu “ta”!
Nhìn một cách tổng quát, ý tưởng chọn Trung Quốc đã thúc đẩy đồng chí, đồng bào “đại xá” cho nhà đầu tư – nhà thầu “ta”. Viễn cảnh tồi tệ nếu dùng vốn Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc khiến đồng chí, đồng bào bỏ qua chuyện chính phủ sẽ dùng ngân sách hỗ trợ các nhà đầu tư - nhà thầu “ta” hoàn tất những đoạn thuộc cao tốc Bắc Nam theo hình thức BOT để nhà đầu tư, nhà thầu “ta” thu… phí! Chưa kể đó còn có thể là cơ hội để nhà đầu tư - nhà thầu “ta” vừa nhận tiền hỗ trợ của chính phủ, vừa tăng phí ở các dự án BOT khác (9).
Không rõ ý tưởng chọn Trung Quốc – gióng lên hồi chuông cảnh báo dự án, công trình rơi vào tay Trung Quốc - có quan hệ thế nào với Dự luật về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mà chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến. Theo đó, để nhà đầu tư – nhà thầu “ta”, mạnh dạn tranh thầu trong các dự án thuộc loại PPP, chính phủ cam kết sẽ “chia sẻ” đến 50% phần thiếu hụt nếu doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu dự kiến. Điều mà ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, xem là bất hợp lý vì “thua lỗ thì nông dân phải ráng chịu, còn nhà đầu tư – nhà thầu BOT thì được… chia sẻ” (10).
***
Rõ ràng, vốn Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc là một thứ… “vỏ dưa” không người Việt nào muốn vấp để quốc gia, dân tộc trượt dài như đã và đang phải trượt theo những dự án kiểu như Tuyến metro Cát Linh – Hà Đông. Song nhà đầu tư – nhà thầu “ta” có khá hơn hay cũng chỉ là một thứ vỏ như… “vỏ dừa”? Liệu có kẻ nào dùng “vỏ dưa” để dụ đồng chí, đồng bào tự nguyện chọn… “vỏ dừa” không? Chưa rõ nhưng ít nhất có một điều đã rõ là nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện tại vẫn có quyền lựa chọn như trước nay thì đường chúng ta đi sẽ còn vô số loại vỏ do chính họ chọn và bày ra. Tránh được vỏ này sẽ đụng nhằm vỏ kia, không tử thương cũng trọng thương!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét