Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Ai quyết định hòa hợp hòa giải?





Hơn 44 năm sau ngày ký kết Hiệp định Paris – ngày 27-1-1973 – cụm từ “hòa hợp hòa giải” – một cụm từ đã xuất hiện trong điều 11 của Hiệp định này- vẫn còn xuất hiện trên các tờ báo trong nước. Thế nhưng, chưa hề có một sự “hòa hợp, hòa giải” đúng như điều này mong đợi 44 năm trước đó.



THẢM KỊCH THẮNG-THUA



Hiệp định Paris về Việt Nam hoặc hiệp định Paris 1973 (ở miền Nam còn gọi là Hiệp định Ba Lê) là hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do 4 bên tham chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ký kết tại Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973.


Theo điều 3 khoản (c): ”Các lực lượng chính quy thuộc mọi quân chủng và binh chủng, và các lực lượng không chính quy của các bên ở miền Nam Việt Nam phải ngừng các hoạt động tấn công nhau…”



Trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký hiệp định, khoảng 23.700 quân nhân Hoa Kỳ đã rút về nước theo điều 5 của hiệp định. Như vậy, người Mỹ đã chính thức rời khỏi cuộc chiến dai dẳng.



Trước tháng 1.1974, Mặt trận Giải phóng Miền Nam mở các cuộc phản công nhỏ ở các vùng xa xôi hẻo lánh để giành đất. 55 quân nhân VNCH tử trận sau hai vụ đụng độ. Trong giai đoạn ngưng bắn có 25.000 trường hợp quân nhân miền Nam tử vong. Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố Hiệp định Paris không còn hiệu lực.



Ngày 08.10.1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra tuyên bố không thương thuyết với chính quyền VNCH.



Tiếp theo đó, Bộ Tư lệnh miền phát lệnh cho toàn thể các lực lượng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tiến lên “kiên quyết trừng trị bọn Mỹ – Thiệu ngoan cố và hiếu chiến, kiên quyết đập tan hệ thống đồn bốt của địch, mở rộng vùng giải phóng, giành quyền làm chủ về tay nhân dân”; “Hãy vượt mọi gian khổ, khó khăn, đạp lên đầu thù xốc tới giành thắng lợi. Hãy đánh mạnh, đánh liên tục, đánh tiêu diệt gọn quân địch, đánh cho chúng tan rã về tinh thần, tư tưởng, suy sụp về tổ chức, đạt yêu cầu cao của mùa khô. Hãy đánh giỏi, công tác giỏi, xây dựng giỏi, giành thắng lợi giòn giã. Giương cao cờ quyết chiến, quyết thắng. Tấn công như năm 1972, nổi dậy như đồng khởi, diệt gọn nhiều đơn vị, nhiều đồn bốt địch, giải phóng nhân dân… Toàn thể các đồng chí hãy anh dũng tiến lên!”



Tình trạng miền Nam Việt Nam trở nên nghiêm trọng hơn vào cuối năm 1974 khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật 1974 Đạo luật Viện trợ Ngoại quốc (Foreign Assistance Act), chấm dứt tất cả những viện trợ quân sự. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ không thể thể dùng không lực để trợ giúp miền Nam Việt Nam khi cộng sản Bắc Việt (CSBV) vi phạm Hiệp Định Paris.



Sau khi Đạo Luật Viện Trợ Ngoại Quốc 1974 ban hành ít lâu, CSBV tiến đánh và chiếm tỉnh Phước Long vào ngày 6-1-1975 và tỉnh Bình Long vào ngày 7-1-1975. Khi không thấy Hoa Kỳ có phản ứng nào cả, ngày 8-1-1975 Hà Nội ra lệnh tổng tấn công để giải phóng miền Nam bằng cách ngang nhiên xua quân vượt qua biên giới Bắc -Nam, tấn công toàn diện Vùng I và II Chiến Thuật vào tháng 3-1975 và cuối cùng chiếm Sài Gòn vào 30-4-1975.



Điều 11 của Hiệp định Paris qui định rõ: ”Sau khi ngừng bắn, hai bên ở Việt Nam sẽ: Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân đã hợp tác với bên này, hoặc bên kia”.



Trái với tinh thần đó, sau “đại thắng mùa xuân” năm 1975, một chương trình mang tên “học tập cải tạo” – một hình thức tù đày không xét xử - đã được áp dụng cho những binh lính chế độ VNCH cũng như cho những người phục vụ chính quyền VNCH trước 1975. Như một công bố của nhà cầm quyền mới: "Việc tổ chức cho ngụy quân, ngụy quyền và các đối tượng phản động ra trình diện học tập cải tạo thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, có tác dụng phân hóa hàng ngũ bọn phản động, cô lập bọn đầu sỏ ngoan cố, đập tan luận điệu tuyên truyền chiến tranh tâm lý của địch, tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân."



Có tổng cộng 80 trại cải tạo trải dài khắp nước, đặc biệt là những vùng xa xôi hẻo lánh. Sau 1975 có 1.000.000 người phải ra trình diện. Thông thường, thời gian cải tạo từ 1-12 năm. Cá biệt có trường hợp bị cầm cố đến 33 năm. Những người bị bắt đi học tập cải tạo không được đối xử như tù binh chiến tranh theo công ước Geneve, mà phải lao động khổ sai trong các công trường lao động, ăn uống thiếu thốn. Và khi bỏ mạng, họ chỉ được chôn cất sơ sài, thảm cảnh này thật sự đã gây khó khăn cho thân nhân họ khi tìm kiếm mộ sau này.



Đến năm 1980, nghĩa là 15 năm sau cuộc chiến, Chính phủ Việt Nam thừa nhận còn 26.000 người còn bị giam giữ trong nhiều trại cải tạo. Tuy nhiên, một số quan sát viên ngoại quốc ước tính khoảng 100.000 đến 300.000 vẫn bị giam. Ước tính của Hoa Kỳ cho rằng khoảng 165.000 người đã chết trong khi bị giam giữ.



Bên cạnh đó, thế hệ con em của những người đã “lỡ” tham gia trong chế độ VNCH cũng nhận được sự đối đãi không kém phần tệ bạc. Họ không được cách mạng cho phép vào đại học như là “một cái tát tai nghiệt ngã… Như một thân cây đang vươn lên khao khát đón ánh nắng cuộc đời thì bị bẻ cụt ngọn” (Bên Thắng Cuộc, Giải phóng, Huy Đức).



CÓ HAY KHÔNG HÒA HỢP- HÒA GIẢI?



“The axe forgets, the tree remembers” – “Cây rìu có thể quên nhưng cái cây còn nhớ mãi”… một câu ngạn ngữ nước ngoài nói như vậy.



Chính quyền Việt Nam đã bao giờ sẵn sàng cho việc hòa giải hòa hợp và thực hiện các giải pháp hòa giải hòa hợp? “Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay”, trước khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, những “người anh em” phía Nam đã muốn “nối vòng tay lớn”. Tuy nhiên, dù có “đầu hàng vô điều kiện” nhưng đã không thể có hòa hợp và hòa giải vô điều kiện. Các trại cải tạo lao động- thực chất là các trại giam giữ là minh chứng hùng hồn cho nhận định ấy.



Không thể có hòa hợp- hòa giải khi những cụm từ “sấm sét đêm giao thừa” còn xuất hiện trong sách giáo khoa lịch sử của bậc tiểu học, hay những cụm từ “tổng tiến công tết Mậu Thân” – cuộc tiến công gây tang tóc cho bao người dân Huế, hay “đại thắng mùa xuân” – nhắc về cuộc tiến công mà sau đó bao gia đình miền Nam phải gánh chịu đau thương, cứ hàng năm đến hẹn lại lên.



Không thể có hòa giải và hòa hợp khi mà những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa không nhận được sự chăm sóc về y tế chữa bệnh và các chính sách trợ cấp xã hội giống như các thương phế binh của “bên thắng cuộc”.



Không thể có hòa hợp hòa giải khi mà các nghĩa trang tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa không được phép duy tu và tôn tạo, thân nhân của họ không được phép tự do thăm viếng. Hãy nhớ, không có kẻ thắng người thua trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn kéo dài đến 21 năm dằng dặc, chỉ có nỗi đau ngút ngàn ở lại!



Không thể có hòa hợp- hòa giải khi rất nhiều người đứng đầu chính quyền ở Hà Nội và các cơ quan truyền thông của nhà nước vẫn suốt ngày ra rả về “ thế lực thù địch và phản động”, “âm mưu diễn biến hòa bình”.



Không thể có hòa hợp- hòa giải, khi còn có một quốc hội “đảng cử dân bầu” với 90% là đảng viên, mà tiếng nói của họ không đại diện cho những mong muốn của người dân.



Không thể có hòa hợp- hòa giải, khi những người dân cất tiếng nói đòi phản biện, khiếu kiện, đấu tranh ôn hòa còn bị đánh đập tàn nhẫn và bị giam cầm.



Người đặt các điều kiện cho hòa hợp- hòa giải bây giờ là nhân dân, chứ không phải chính quyền luôn nói những lời “chót lưỡi đầu môi”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét