Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Bóng ma Việt Nam vẫn còn sống

Nguyễn Quang Dy



Hàng tháng nay, báo chí trong và ngoài nước (đặc biệt là ở Mỹ) tiếp tục bình luận về Chiến tranh Việt Nam, như “đến hẹn lại lên” (khi sắp đến 30/4). Hãng phim Florentine sắp chiếu (trên PBS, 9/2017) bộ phim tài liệu 10 tập “Vietnam War” (Ken Burns & Lynn Novick). Có lẽ “Bóng ma Viêt Nam” vẫn còn sống, tiếp tục ám ảnh người Mỹ và người Việt.

Ngày 30/4/1975, khi cuộc chiến kết thúc, lúc chiếc xe tăng số 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập, và Tổng thống cuối cùng của VNCH Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi đang ngồi trong một phòng họp tại Amsterdam (dự một hội nghị quốc tế vì hòa bình). Tôi đã khóc vì cuộc chiến đẫm máu kết thúc, tuy chưa biết các bạn tôi trong “Trại David” sống chết ra sao khi sân bay Tân Sơn Nhất bị pháo kích. Đáng nhẽ lúc đó tôi còn trong đó cùng với họ, nếu số phận không lôi tôi ra khỏi đó trước khi cuộc chiến kết thúc. Một cảm giác vui buồn lẫn lộn.

Ngày 30/4/1985, tôi vào Sài Gòn để tham gia sự kiện “kỷ niệm 10 năm kết thúc chiến tranh”. Đó là một kỷ niệm khó quên khi lần đầu tiên sau chiến tranh, mấy trăm nhà báo Mỹ đã quay trở lại, và Việt Nam lại xuất hiện trên màn hình radar quốc tế. Người ta gọi đó là “cuộc đổ bộ” của báo chí Mỹ (US media invasion), một sự kiện làm nhiều người buồn vui lẫn lộn, như báo hiệu đất nước đang trở mình đổi mới (tại Đại hội Đảng VI, tháng 12/1986).

Ngày 30/4/1995, nhân dịp “kỷ niệm 20 năm kết thúc chiến tranh”, tôi đã nhận lời tham gia một nhóm nhà báo làm diễn giả tại các sự kiện kỷ niệm ngày 30/4 tại Mỹ và Việt Nam. Đó là một dịp để nhìn lại quá khứ và nhìn tới tương lai, khi bình thường hóa Mỹ-Việt đang trở thành hiện thực, sau khi tiến trình đó đã thất bại hai lần (năm 1978 và năm 1993).

Năm 1995, Robert McNamara xuất bản cuốn sách “Hồi tưởng” (“In Retrospect: the Tragedy and Lessons of Vietnam”, Robert McNamara, Vintage Books, 1995). Trong cuốn sách đó, McNamara đã “thừa nhận 11 sai lầm” trong Chiến tranh Việt Nam. Nhưng tại sao ông ấy phải chờ 30 năm sau mới nhận ra và thừa nhận sai lầm mà George Ball (nguyên Thứ trưởng Ngoại giao) đã nhận ra từ trước khi Tổng thống John Kennedy quyết định can thiệp vào Việt Nam? George Ball đã cố khuyên can Tổng thống từ bỏ ý định đưa quân chiến đấu vào Việt Nam, nhưng lúc đó không ai thèm nghe ông ấy (trong đó có McNamara). Nên nhớ lúc đó McNamara là một trong những người Mỹ “thông minh và tài giỏi nhất” (“the Best and the Brightest”, David Halberstam, Random House, 1972). Phải chăng đó chính là sự “Ngạo mạn về Quyền lực” (“the Arrogance of Power”, William Fulbright, Random House, 1967)?

Nhiều người Mỹ gọi thái độ ứng xử đó của McNamara là thiếu tử tế (indecent). Tôi tán thành và (trong một buổi nói chuyện tại Mỹ) đã nói rằng nếu 20 năm sau chúng ta vẫn nói về quá khứ mà không nói về tương lai, thì cũng là thiếu tử tế và thiếu khôn ngoan. Đó có thể là lần cuối cùng tôi tham gia bàn luận về “ngày kết thúc chiến tranh”, vì từ ngày đó tôi không tham gia các lần kỷ niệm sau này nữa, mặc dù các bạn báo chí còn sống sót (gọi là “Old Hacks”) vẫn tụ tập tại Sài Gòn vào ngày 30/4. Nếu buộc phải có mặt thì tôi không biết nói gì.

Cách đây 2 năm, nhân kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh, tôi đã viết 2 bài về hệ quả của chiến tranh (“40 năm sau: Hệ quả Chiến tranh”, Viet-studies, 30/4/2015 và “40 năm: Lịch sử đang lặp lại”, Việt-studies, 24/6/2015). Điều đáng nói là 40 năm sau, người Mỹ và người Việt cuối cùng đang làm những gì mà đáng lẽ họ phải làm từ năm 1978 khi hai nước đã tiến gần đến bình thường hóa (chỉ còn gang tấc). Nhưng đáng tiếc là điều đó đã không xảy ra, cho tới năm 1995 (mới bắt đầu) và năm 2016 mới hoàn toàn bình thường hóa, khi tổng thống Obama thăm Việt Nam và tuyên bố bỏ hoàn toàn “cấm vận vũ khí” (arms ban).

Nay 42 năm đã trôi qua, nhưng “Bóng ma Việt Nam” vẫn chưa chết, tiếp tục ám ảnh nước Mỹ và Việt Nam. Đại học Fulbright (FUV) là một câu chuyện hay đáng mừng, nhưng Bob Kerey là một câu chuyện dở đáng lo, như bị ma ám. Đó là một thực tế đáng buồn. Nước Mỹ thời Donald Trump đầy bất ổn, và bất định. Tại Việt Nam, các phe phái và các nhóm lợi ích tiếp tục tranh giành quyền lực quyết liệt như có nội chiến, dù người ta có thừa nhận hay không. Tiếng súng Yên Bái (8/2016) là một cảnh báo về cực đoan và bạo lực leo thang. Trong khi thảm họa môi trường Miền Trung do Formosa gây ra (4/2016) làm cả nước khủng hoảng, sự cố Đồng Tâm đã làm cả nước bức xúc, cho đến khi quả bom được tháo ngòi (22/4/2017). Hội nghị Trung ương 5 & 6 cũng gần như “Đại hội Giữa kỳ”, không khác mấy Đại hội XII. Kỷ luật ông Đinh La Thăng là tiếng súng mở màn cho một trận chiến mới giành quyền lực.

Trong khi hai nước cựu thù (Mỹ và Việt Nam) đã bình thường hóa, và đang trở thành đối tác chiến lược, thì người Việt vẫn chưa thể hòa giải được với nhau, dù với người còn sống hay đã chết. Không những thế, người Việt trong cùng một bên, thậm chí cùng một đảng, cũng mâu thuẫn nặng nề, coi nhau như kẻ thù không nhìn mặt. Phải chăng cực đoan và thù hận là di sản của chiến tranh, đã ăn vào máu người Việt, như một nghiệp chướng?

Năm 2005, ông Võ Văn Kiệt nói, “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Đó là một suy nghĩ đúng, dù muộn còn hơn không. Nhưng đáng tiếc suy nghĩ đó chỉ là một thiểu số trong một đất nước mà tư duy cực đoan và hận thù vẫn còn ngự trị giới cầm quyền. Tranh giành quyền lực giữa các nhóm lợi ích vẫn đang diễn ra quyết liệt như nội chiến, nên buồn nhiều hơn vui.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét