Tổng thống Mỹ Donald Trump và quốc vương Ả Rập Xê-Út Salman,
ký thỏa thuận ngày 20/05/2017 tại Riyad-REUTERS/Jonathan Ernst
Emmanuel Macron chuẩn bị trận lập pháp, Donald Trump cỗ vũ
Trung Đông đánh Daech nhưng huy động Su-ni cô lập Iran Shi-a, Luân Đôn kỳ kèo với
Bruxelles trên hồ sơ Brexit, cặp Đức-Pháp trước thách thức an ninh và phòng thủ….danh
từ « Trận chiến » chiếm đầy trang nhất báo chí Pháp hôm nay.
Trận chiến Luật Lao Động khai mào. Đề tài số một của Les
Echos. Nhật báo kinh tế cho biết thủ tướng Pháp sẽ gặp các nghiệp đoàn lao động
để thảo luận về đề nghị cải cách bộ luật lao động của cựu ứng cử viên tổng thống
Emmanuel Macron.
Trong khi đó, Le Figaro tập trung trên hồ sơ chính trị : trận
chiến quốc hội bắt đầu, trong bối cảnh phe hữu truyền thống suy yếu . Nhật báo
cánh hữu nhận định rằng tân tổng thống Pháp tìm một đa số ở lập pháp với một đảng
mới, đảng Cộng Hoà Tiến Bước, mà tiền thân được thành lập cách nay hơn một năm.
Riêng Libération đưa tựa báo động : Macron được ăn cả ngã về
không kèm theo câu hỏi « liệu tổng thống sẽ được đa số ở quốc hội hay phải
chung sống với một chính phủ đối lập ? » kể từ tháng 6 tới. Thực ra, theo nhật
báo cánh tả độc lập, Emmanuel Macron đang ở thế thuận buồm xuôi gió. Cơ may
này, theo Le Monde, với tựa lớn trên trang nhất : đảng Mặt Trận Quốc Gia cực hữu
bị khủng hoảng bản sắc.
Pháp : xã hội công
dân trực tiếp tham gia việc nước
Trái lại, La Croix tỏ ý thận trọng. Nhật báo Công giáo dành
nhiều trang tường thuật họat động tranh cử của « những ứng cử viên rất mới,
đông đảo giới trẻ và phái nữ » của những người thuộc « xã hội dân sự » lần đầu
tiên trong đời tham gia họat động chính trị.
Trong bài xã luận « xã hội công dân », La Croix nêu một ưu
điểm hai nghi vấn : Để người công dân trực tiếp tham gia việc nước, thay thế tầng
lớp chính trị gia chuyên nghiệp thiếu minh bạch, là giải pháp tốt để xóa đi hố
sâu ngăn cách giữa dân chúng và chính giới.
Tuy nhiên, khi quyết định lật qua trang sử thống trị của «
chính trị gia chuyên nghiệp » thì các tân dân biểu thiếu kinh nghiệm sẽ xử lý
các hồ sơ thuộc loại hóc búa, phức tạp ra sao ? Và, thứ hai, là để tránh đưa đến
trường hợp quốc hội « làm cây cảnh » thì phải cải cách định chế Đệ Ngũ Cộng
Hoà, tăng cường quyền hạn của lập pháp. Vấn đề là tân tổng thống Macron dường
như xem trọng nền tảng nhà nước Pháp do tướng De Gaulle, nhà sáng lập Đệ Ngũ Cộng
Hoà để lại.
Trung Đông : Donald
Trump xóa bài làm lại ?
Ryad trải thảm đỏ đón tổng thống Mỹ Donald Trump, tin quốc tế
của Le Monde. Donald Trump trong chảo lửa của Trung Đông, nhận định của Les
Echos. Theo Le Monde, báo chí Mỹ dự đóan tổng thống Donald Trump, trong chuyến
công du này, sẽ thông báo thành lập một loại « Liên Minh NATO Ả Rập » để đối đầu
với trục Nga-Iran.
Trong khi đó, không khí tại Israel, trước giờ đón tổng thống
Mỹ, cũng khá căng thẳng. Căng thẳng vì vấn đề an ninh nhưng cũng vì tổng thống
Cộng Hoà, sau những tuyên bố bốc lửa ủng hộ phe hữu Israel, nay dường như đi
theo đường lối của người tiền nhiệm Obama, tìm một quân bình trong quan hệ với
Israel lẫn Palestine. Nói cách khác, giấc mơ gặm nhấm đất đai phải tạm thời dừng
lại.
Với cái nhìn kinh tế gắn liền với địa chính trị, Les Echos
xem chuyến công du đầu tiên của tổng thống Mỹ với trạm đầu tiên Ả rập Xê Út là
một « chiến dịch chinh phục cảm tình vương triều Ryad, đồng minh truyền thống của
Mỹ . Trong khu vực đang được tái phối trí, tổng thống Donald Trump xác định chủ
trương mới của Washington, ủng hộ dứt khóat các nước Hồi Giáo theo hệ phái
Su-ni, kêu gọi họ nỗ lực thêm để chống khủng bố.
Bỏ đi những từ ngữ đồng hóa « Hồi gGáo với thánh chiến », tổng
thống Mỹ tập trung kêu gọi một liên minh Su-ni chống thánh chiến và cô lập Iran
Shi-a. Kết quả thứ nhất là hai bên ký kết một loạt hợp đồng từ năng lượng, hàng
không cho đến quân sự lên đến 380 tỷ đôla. Kết quả thứ hai, các quốc gia vùng Vịnh
chuẩn bị nối lại bang giao với Israel, đồng minh cốt lõi.
Theo La Croix, thông điệp chống khủng bố và ngăn chận Iran «
bành trướng » đã là hài lòng các vương triều Su-ni ở vùng Vịnh. Trong khi đó,
Libération nhấn mạnh đến « các hợp đồng béo bở ».
Phe ôn hoà ở Iran :
lưỡng đầu thọ địch
Thái độ cứng rắn của tổng thống Donald Trump đối với Teheran
, đúng vào lúc tổng thống Iran thuộc xu hướng ôn hoà, Hassan Rohani, tái đắc cử
vẻ vang, đánh bại đối thủ bảo thủ được bình luận rộng rãi.
Tái đắc cử, Hassan Rohani cam kết « tháo bù lon » chính trị
kềm kẹp xã hội Iran, với điều kiện thỏa thuận hạt nhân với quốc tế không bị xét
lại, tựa và nhận định của Libération. Đối thủ bảo thủ Raisi không huy động được
ủng hộ viên của cựu tổng thống cực đoan Ahmadinejad, nhận định của Le Monde.
Khi bầu cho Rohani, người dân Iran chọn con đường cởi mở với tây phương, phân
tích của La Croix.
Les Echos và Le Figaro dự báo những khó khăn cho ước mơ đổi
mới tiếp tục này. Bởi vì, Rohani đối mặt với phe cực bảo thủ trong nước và
Donald Trump ở bên ngoài. Le Figaro liệt kê một loạt chướng ngại : tổng thống
Iran, cho dù được 57% cử tri ủng hộ, không có rộng tay để thực hiện lời hứa cải
cách chính trị. Cản lực lớn nhất là giáo chủ Ali Khamenei. Trong suốt cuộc vận
động tranh cử, ông Rohani không ngừng chỉ trích « hệ thống » chính trị của
Iran. Giáo chủ Ali Khamenei có thể sẽ trả thù. Một ngày sau khi có kết quả,
Ayatollah không một lời chúc mừng Hassan Rohani.
Khó khăn lớn thứ hai là giải quyết nạn thất nghiệp (40%
thanh niên). Giáo chủ lãnh đạo tối cao đã ra một chỉ thị « thúc giục tổng thống
nhanh chóng chăm lo cho người nghèo và bài trừ nạn tham ô ». Vấn đề là phe bảo
thủ, qua đại biểu là lực lượng Vệ Binh Hồi Giáo nắm trong tay toàn bộ lãnh vực
công, nơi tập trung các tệ nạn móc ngoặt, không để cho tổng thống cải tổ kinh tế
vì sợ mất đặc quyền đặc lợi.
Pháp-Đức hãy chiếm lấy
khỏang trống an ninh quốc phòng
Trở lại thời sự châu Âu, Le Monde tìm cách trả lời câu hỏi
vì sao thủ tướng Đức Angela Merkel vui mừng khi thấy nước Pháp chọn một tổng thống
thân châu Âu như Emmanuel Macron và vì sao Đức muốn nước Pháp vững mạnh ?
Câu trả lời xuất phát từ chính bà Merkel : Nước Đức chỉ hùng
mạnh khi châu Âu hùng mạnh. Mà châu Âu chỉ mạnh khi nước Pháp hùng mạnh. Theo
giới phân tích, sự kiện Anh Quốc rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu không phải chỉ có hệ
quả tiêu cực. Trong cái rủi có cái may, đây là cơ hội để quan hệ Pháp-Đức được
tái cân bằng. Nếu Đức mạnh quá, trở thành lãnh tụ thì sẽ gây nhiều nghi ngờ do
quá khứ Đức Quốc xã. Do vậy, không có Pháp bên cạnh thì vai trò đầu tàu của Đức
sẽ bị tẩy chay.
Cũng trong chiều hướng này, trên báo Les Echos, chuyên gia
Dominique Moisi nhận định : sự kiện Anh Quốc ra khơi « với Mỹ » là động lực
thúc đẩy Pháp và Đức, đầu tàu của Liên Hiệp Châu Âu, nắm lấy cơ hội về an ninh
quốc phòng. Hai nước đã từng chứng minh đủ khả năng hành động chung trên trường
quốc tế : từ chối tham gia chiến tranh Irak năm 2003, kiên quyết chống lại
chính sách của Nga tại Ukraina và gần đây nhất là cùng hợp tác chống thánh chiến
ở Mali.
Trong khi chờ đợi Hoa Kỳ trở lại trong một tương lai gần, với
một vị tổng thống « bình thường », Đức và Pháp phải hỗ trợ nhau. Sức mạnh kinh
tế của Đức cộng sức mạnh quân sự của Pháp để hai bên cùng bàn tính những vấn đề
ngoại giao và quân sự như Paris và Luân Đôn trước khi xảy ra vụ Brexit. Khó
khăn của Đức là phải trút bỏ cho được ám ảnh quá khứ cho dù đôi khi Berlin viện
lý do này để tránh đầu tư vào quốc phòng, phát triển quân đội.
Còn đối với Le Figaro, chủ trương bảo vệ Liên Hiệp Châu Âu của
tân tổng thống Pháp sẽ làm cho cuộc đọ sức giữa Luân Đôn và Bruxelles gay go
hơn. Tổng thống Emmanuel Macron sẽ không để cho thủ tướng Theresa May dễ dàng
thương lượng một thỏa ước ly hôn mà không bị một thiệt hại nào. Không có chuyện
đứng ngoài cũng giống như đứng trong, muốn có quyền lợi thì phải có bổn phận.
Emmanuel Macron : thẳng
đường đi tới…
Riêng về phong thái của tân tổng thống Pháp, Libération dành
một cột xã luận để khen ngợi, một điều hiếm thấy ở nhật báo độc lập này.
Từ khi đắc cử, Emmanuel Macron thay đổi nhịp độ làm việc,
không tỏ ra nóng vội lao ra ánh sáng như lúc tranh cử. Ông làm chủ tốc độ, được
ghi dấu qua từng bước chân chậm rải trong ngày nhậm chức. Tuy bị chỉ trích là độc
đóan, tổng thống Pháp không để cho tình thế chi phối.
Trong vòng một tuần lễ, ông áp đặt một phong thái và lịch
trình hành động nghiêm túc. Trong nội các, các bộ trưởng phải dẹp qua một bên
các dị biệt chính trị, phải chọn một trong hai nhiệm vụ hoặc ghế bộ trưởng hoặc
ghế đại biểu địa phương. Các đảng truyền thống được báo trước là sẽ không có hoặc
có rất ít dễ dãi. Phe hữu đã hiểu và đã trình làng hai nhân vật lãnh đạo «
tương đối mới » điều hành tranh cử quốc hội.
Trong đảng Xã Hội, ít ra trong số còn sót lại, tất cả đều phải
săn tay áo tìm một con đường mới. Theo Libération, cử tri có vẻ thích thú phong
thái mới của của tổng thống mới. Emmanuel Macron được cảnh báo : đừng phụ lòng
những người có niềm tin.
Sida : phim « sốc » tại
Cannes
Trong bối cảnh Liên hoan điện ảnh Cannnes bước vào vòng
tranh giải, Libé đưa lên trang nhất cuốn phim « 120 nhịp tim mỗi phút ». Cuốn
phim « sốc » về căn bệnh hiểm nghèo Sida hoành hành trong giới trẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét