Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Liệu ông Trọng có loại được Đinh La Thăng?






Cuộc chiến nội bộ dưới danh nghĩa “làm trong sạch đảng” của ông Nguyễn Phú Trọng tung ra từ tháng 6 năm 2016 đã đến hồi gay cấn.



Ngày 26 tháng 4 vừa qua, Ủy ban kiểm tra trung ương đảng đã đề nghị Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương đảng CSVN xem xét và thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng, do thiếu trách nhiệm trong việc làm mất 900 tỷ đồng khi làm Chủ tịch Tập đoàn dầu khí trong giai đoạn 2009 – 2011. Trong số tiền mất đi, có phần hùn 800 tỷ đồng góp vốn của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).



Đề nghị nói trên của Ủy ban kiểm tra trung ương đã tạo một chấn động chính trị trong nội bộ đảng CSVN với những phản ứng khá nghịch chiều. Đa số báo chí ở miền Bắc thì nói rõ ông Đinh La Thăng bị đề nghị kỷ luật, trong khi báo chí miền Nam chỉ nói nguyên lãnh đạo Tập đoàn dầu khí bị đề nghị kỷ luật chứ không nhắc đến tên ông Thăng.



Một số cựu cán bộ CSVN cũng đã lên tiếng cho rằng việc ông Thăng bị đề nghị kỷ luật là điều đáng tiếc. Một số khác thì cho rằng đề nghị của Ủy ban kiểm tra đã biểu hiện quyết tâm của ông Nguyễn Phú Trọng trong việc chống tham nhũng.



Sự kiện ông Đinh La Thăng bị đề nghị kỷ luật sau một loạt những con dê tế thần trong Tập đoàn dầu khí bị truy tố như Trịnh Xuân Thanh, Đỗ Văn Hồng, Nguyễn Mạnh Tiến thuộc Tổng công ty PVC, Nguyễn Xuân Sơn, nguyên chủ tịch Tập đoàn dầu khí đang bị bắt vì dính đến vụ án Ngân hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm, cho thấy là phe ông Nguyễn Phú Trọng khá dụng công trong việc triệt hạ Đinh La Thăng, một mắc xích quan trọng của phe ông Nguyễn Tấn Dũng sau Đại hội 12.






Với vị trí của ông Thăng hiện nay, nếu không triệt hạ sớm, quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ bị khựng ở miền Nam và chỉ loay hoay ở miền Bắc cùng một số tỉnh ở miền Trung mà thôi.



Dù trên danh nghĩa Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã không thể vói quyền lực đến những khu vực miền Nam, nơi ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Đinh La Thăng kiểm soát.



Điều thấy rõ nhất là từ sau khi lên làm Tổng bí thư ở nhiệm kỳ hai từ tháng 2/2016 cho đến nay là đã hơn 1 năm, nhưng ông Nguyễn Phú Trọng chưa lần nào đến làm việc ở một số đảng ủy ở miền Nam, nhất là Đảng ủy Sài Gòn, vì lý do duy nhất là không an toàn cho chính cá nhân ông Trọng. Trong khi đó, ông đã đi rất nhiều nơi ở miền Bắc và chủ tọa nhiều cuộc họp quan trọng ở Hà Nội so với nhiệm kỳ 5 (2011-2016) trước đây. Phải chăng cuộc chiến nội bộ mà ông Trọng mở ra với đối thủ Nguyễn Tấn Dũng buộc ông ta phải giữ lấy cái mạng của chính mình?



Vấn đề đặt ra là ông Trọng có triệt hạ được ông Đinh La Thăng hay không, hay là sẽ thất bại như kỳ xử ông Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2011.



Mặc dù Ủy ban kiểm tra trung ương đảng đề nghị Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương đảng có biện pháp kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng, nhưng vì ông Thăng do Ban chấp hành trung ương đảng bầu vào làm thành viên Bộ chính trị, nên mọi quyết định kỷ luật nằm ở lá phiếu của 180 ủy viên trung ương chính thức.



Theo điều lệ đảng CSVN thì các hình thức kỷ luật đối với một đảng viên gồm có: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.



Dựa theo các hình thức nói trên, Bộ chính trị sẽ thảo luận và sau đó bỏ phiếu kín chung quyết biện pháp kỷ luật. Dựa theo kết quả này, Bộ chính trị sẽ đề nghị Ban chấp hành trung ương đảng bỏ phiếu.



Chưa biết Bộ chính trị hiện nay sẽ đề nghị biện pháp kỷ luật khiển trách hay cảnh cáo cho Ban chấp hành trung ương đảng bỏ phiếu, nhưng hiện có ba xác suất xảy ra.



Thứ nhất là Ban chấp hành Trung ương sẽ bỏ phiếu chấp thuận biện pháp khiển trách ông Đinh La Thăng đã “buông lỏng” chỉ đạo đưa đến hệ quả Tập đoàn dầu khí mất trắng 800 tỷ đồng. Nếu kỷ luật ở mức này thì vị trí Bí thư Sài Gòn của ông Thăng vẫn còn vững vàng và phe ông Trọng sẽ phải xóa bài làm lại nếu muốn tiếp tục tấn công phe ông Dũng và ông Thăng.



Thứ hai là Ban chấp hành trung ương sẽ bỏ phiếu chấp nhận biện pháp cảnh cáo ông Đinh La Thăng đã không chỉ buông lỏng, mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng theo đúng nội dung cáo buộc của Ủy ban kiểm tra. Nếu kỷ luật ở mức này thì tương lai chính trị của ông Đinh La Thăng sẽ chấm dứt trong thời gian tới và sẽ không còn giữ được ghế Bí Thư Sài Gòn. Liên minh giữa ông Dũng và ông Thăng ở miền Nam sẽ tan rã và đây là mục tiêu của ông Trọng nhắm tới, trước khi tấn công vào sào huyệt cha con ông Dũng ở Hà Tiên – Phú Quốc.



Thứ ba là Ban chấp hành trung ương sẽ không bỏ phiếu việc kỷ luật ông Đinh La Thăng vì cho rằng ông Thăng không có trách nhiệm trong việc làm thất thoát 800 tỷ đồng, mà chính ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí sau ông Thăng, mới chịu trách nhiệm và đang bị ở tù. Nếu đạt kết quả này, tức là phe nhóm của ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn rất mạnh ở Trung ương 12, và cho thấy là cuộc nội chiến do ông Trọng khởi động còn nhiều vất vả.




Ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí, bị bắt vào năm 2015 liên quan đến vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).



Sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng chưa một lần đặt chân đến miền Nam kể từ tháng 2/2016 cho thấy sự xung đột quyết liệt ở thượng tầng lãnh đạo và tình hình nội bộ bất ổn của CSVN đã không hề thuyên giảm từ sau Đại hội đảng 12. Các phe quyền lực đang dùng tiền bạc và các thủ thuật chính trị, khuynh loát và ngáng cẳng lẫn nhau, ảnh hưởng tai hại đến khả năng giải quyết những vấn đề trầm trọng mà chế độ đang phải trực diện như vụ Formosa, kinh tế suy thoái, chính sách cướp đất của dân, nạn tham nhũng – cửa quyền hoành hành khắp nước ...



Sự “xuống nước” của lãnh đạo Thảnh phố Hà Nội khi phải chấp nhận một số yêu sách của người dân xã Hoành, thuộc Huyện Mỹ Đức, qua biến cố Đồng Tâm xảy ra vào ngày 15/4 là một điển hình. Chế độ lo ngại những tác động tiêu cực lên tình hình chính trị đang rối ren của đảng.



Trong bối cảnh đó, kỳ họp lần thứ 5 của Trung ương đảng CSVN vào giữa tháng 5 tới đây sẽ vô cùng căng thẳng, không khí sẽ chẳng khác gì những cuộc họp “vỡ chợ” của Trung ương đảng nhiệm kỳ 11 hồi cuối năm 2015 để chuẩn bị đại hội đảng lần thứ 12.



Truy kích Đinh La Thăng, ông Trọng hẳn tự tin rằng phe mình đang nắm thế thượng phong so với phe cánh Nguyễn Tấn Dũng trong Trung ương đảng, nhất là sau một năm củng cố quyền lực thượng tầng; hoặc chính ông Trọng đã trông thấy nguy cơ phục hồi thế lực của ông Dũng để phải ra tay như lẽ sống còn. Vì thế việc loại được Đinh La Thăng hay không trong thời gian trước mặt cũng cùng nghĩa với việc ông Trọng sẽ có giữ được chiếc ghế Tổng bí thư đang lung lay của chính mình hay không!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét