![](https://www.danluan.org/files/timgs/thiu_tng_phan_anh_minh_noi_v_v_quan_xin_chao.jpg)
Thiếu tướng Phan Anh Minh.
Vụ án 2 hiệp sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh bị nhóm trộm xe máy đâm chết đang là vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, làm tốn rất nhiều "giấy mực" của báo chí và mạng xã hội. Bởi đây không chỉ là vụ án nghiêm trọng, chết và bị thương nhiều người mà nó còn liên quan đến tính chính danh của các nhóm “hiệp sĩ” đường phố tự phát.
Trả lời báo chí về vụ việc trên, thiếu tướng Phan Minh Anh, phó giám đốc Công an TP.HCM có hai phát biểu gây sốc như sau:
- Về nguyên tắc, tất cả người dân phải có trách nhiệm tự bảo vệ tài sản và quyền lợi của mình. Nhà nước có trách nhiệm bồi dưỡng kỹ năng, hỗ trợ người dân thực hiện quyền tự vệ (news.zing.vn/thieu-tuong-phan-anh-minh-13-giay-lam-duoc-gi-sao-che-trach-cong-an-post842687.html)
- Tôi mong muốn 'hiệp sĩ đường phố' sẽ là mô hình chính thức, ổn định và lâu dài. Lâu dài chứ không phải vĩnh viễn, nhưng sẽ không bị hiện tượng sáng mọc tối tàn (news.zing.vn/tuong-phan-anh-minh-muon-xay-dung-lai-mo-hinh-hiep-si-duong-pho-post842859.html)
Thiếu tướng Phan Minh Anh nói không sai, người dân phải có trách nhiệm tự bảo vệ tài sản và quyền lợi của mình. Nhưng xin hỏi thiếu tướng, bảo vệ bằng cách nào ? Câu nói của thiếu tướng làm tôi nhớ đến những vụ án người dân đi tù vì bắt trộm ở Bến Tre, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu hay những nông dân đấu tranh bảo vệ đất đai ở Long An, Dương Nội, Tiên Lãng bị bỏ tù.
Việc để ra trộm cướp lộng hành ở TP. HCM là trách nhiệm của ai ? Chẳng phải là của thiếu tướng và các vị lãnh đạo thành phố đó sao. Ai cũng biết, nguyên tắc đầu tiên khi đối diện với cướp có vũ trang là phải tránh được thương vong, không nên vì tiếc tài sản mà phản ứng. Có chống trả, bắt giữ đối tượng thì trước tiên là phải đảm bảo an toàn cho mình và người xung quanh, nếu không thì cố gắng ghi nhớ đặc điểm của các đối tượng để cung cấp cho cơ quan Công an, phục vụ công tác điều tra phá án. Nếu trong vụ án trên, các hiệp sĩ đường phố biết điểm dừng thì đã không xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Xin nói thêm, còn một loại cướp nữa, đó là cướp đất. Đấy, như Thiếu tướng đã biết, người dân Thủ Thiêm cũng như mọi dân oan mất đất trên đất nước này, họ cũng đang ra sức bảo vệ tài sản và quyền lợi của mình. Họ đấu tranh, họ tự thiêu, họ kiện hết năm này qua năm khác, hết đời cha đến đời con nhưng vẫn có bảo vệ được tài sản và quyền lợi của mình đâu ?
Còn về mô hình “hiệp sĩ” đường phố thì đã có nhiều bài phân tích rồi. Tôi chỉ tóm lược thế này: Phòng chống tội phạm là trách nhiệm của mọi công dân, nhưng điều đó không có nghĩa là toàn dân ai cũng có thể đi bắt trộm cướp. Nghĩa vụ của người dân là hỗ trợ lực lượng chức năng phản ánh, tố giác, làm nhân chứng trước tòa, vạch mặt kẻ có tội để công lý được thực thi. Nhiệm vụ còn lại thuộc về công an, cảnh sát, các cơ quan chuyên trách… vì họ được trang bị đầy đủ chứng thực pháp lý, công cụ để bảo vệ pháp luật.
Từ vụ việc trên, chúng ta đặt giả thuyết ngược lại, nếu trong quá trình truy bắt nhóm trộm xe máy, các hiệp sĩ làm chết người thì sẽ thế nào ? Tất nhiên họ sẽ bị truy tố về tội giết người. Trong lúc truy bắt nghi phạm, nếu bị chống trả thì Công an được quyền tiêu diệt, đó là thi hành công vụ. Theo quy định của pháp luật, việc truy đuổi, bắt giữ một người bị tình nghi có hành vi phạm tội không chỉ là quy trình xử lý tội phạm mà còn liên quan đến quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp bảo vệ. Vậy nên, nếu giao trọng trách truy bắt nghi can cho các hiệp sĩ thì không đúng pháp luật bởi họ không được pháp luật trao quyền thực thi pháp luật như các lực lượng chuyên trách.
Suy cho cùng, việc sử dụng các nhóm hiệp sĩ để trấn áp tội phạm chỉ là lợi dụng tinh thần nghĩa hiệp của một số người dân và đẩy họ vào tình thế nguy hiểm. Hay nói đúng hơn là sử dụng bạo lực để trấn áp bạo lực, giang hồ chống giang hồ. Hiệp sĩ, hiệp khách chỉ là sản phẩm của thời loạn, vô chính phủ hay chính phủ bất lực. Trong một xã hội pháp trị, có sự phân công xã hội, thượng tôn pháp luật thì không cần có những hiệp sĩ “thế thiên hành đạo”, “diệt ác trừ gian” như trong truyện kiếm hiệp Trung Quốc.
Hơn nữa, việc phải xử dụng các nhóm hiệp sĩ đường phố để giữ gìn an ninh trật tự, trấn áp tội phạm cho thấy Công an TP.HCM đang bất lực trước tội phạm. Nói như Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương: “Nếu Công an TP.HCM làm tròn trách nhiệm, chắc chắn các hiệp sĩ đường phố không cần có những hành động nguy hiểm đến tính mạng như vậy. Nói rộng hơn, nếu an ninh trật tự được bảo đảm thì không cần thiết phải xuất hiện các hiệp sĩ đường phố”. Hà Nội và các thành phố khác không có các nhóm hiệp sĩ săn bắt cướp nhưng nạn trộm cướp đâu có nở rộ như TP.HCM.
Tôi cho rằng các lãnh đạo TP.HCM đã nhầm lần khi đưa ra đề xuất cấp vũ khí, trang bị áo giáp, đào tạo, cho công an bảo vệ hiệp sĩ, hợp thức hoá lực mô hình hiệp sĩ… Bởi, hiệp sĩ không phải là lực lượng vũ trang, không chính danh. Và ai bảo đảm rằng họ không lợi dụng danh nghĩa "hiệp sĩ" để làm bậy, trục lợi. Còn nếu nhà nước tuyển dụng họ làm lực lượng để giữ gìn an ninh, trật tự thì đó lại là vấn đề khác.
Tóm lại, các vị nói vòng vo chỉ là để né tránh và đùn đẩy trách nhiệm, không dám nhìn thẳng vào sự thật rằng, để nạn trộm cướp trở trở thành đặc sản ở TP.HCM là trách nhiệm của các vị.
Người xưa đúc kết: “thượng bất chính thì hạ tất loạn”, “bần cùng sinh đạo tặc”, trong một xã hội vô pháp vô cương thì trộm cướp hoành hoành cũng là điều dễ hiểu. Chỉ khi pháp luật được thượng tôn thì xã hội ổn định và phát triển lành mạnh, người dân ai cũng có công ăn việc làm ổn định thì tự nhiên tội phạm sẽ giảm. Còn không, chẳng đủ nhà tù để nhốt tội phạm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét