Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

2775 - Bài toán khó của Mỹ trong quan hệ với Pakistan

Biên dịch: Đậu Thế Hoàng

 Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp



Harold Brown, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, được cho là đã mô tả cuộc chạy đua vũ trang giữa Hoa Kỳ và Liên Xô như sau: “Khi chúng ta phát triển vũ khí, họ cũng phát triển. Khi chúng ta dừng lại, họ vẫn tiếp tục.”
Dưới góc nhìn của chính phủ Mỹ, thực trạng mối quan hệ với Pakistan có sự tương đồng đáng kể. Khi chúng ta ủng hộ Pakistan, họ làm những việc chúng ta không muốn; và khi chúng ta trừng phạt Pakistan, họ vẫn làm những điều trái ý chúng ta. Còn đối với Pakistan, quá khứ quan hệ song phương đa phần là câu chuyện của những phản bội lặp đi lặp lại, trong đó điển hình là việc Mỹ trở nên gần gũi với Pakistan rồi đột nhiên cắt viện trợ bất cứ lúc nào giới lãnh đạo nước này thấy cần thiết.
Chẳng hạn, Mỹ đã trang bị vũ khí cho lực lượng thánh chiến chống Liên Xô tại nước láng giềng Afghanistan vào những năm 1980, nhưng sau đó gần như bỏ rơi khu vực này sau khi Liên Xô rút quân vào năm 1989. Song, một chi tiết chưa được đề cập trong câu chuyện này, đó là việc Pakistan phát triển vũ khí hạt nhân đi ngược lại luật pháp của Mỹ và buộc Mỹ phải ngừng viện trợ cho Pakistan.
Chương trình viện trợ về cơ bản đã được Mỹ khôi phục trong những năm sau đó. Tuy nhiên, niềm tin của hai bên đã suy giảm, một phần là do cha đẻ của chương trình hạt nhân của Pakistan đã hỗ trợ và khuyến khích Libya, Triều Tiên và Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Sau sự kiện ngày 11 tháng 9, quan hệ hai nước đã gần gũi hơn khi chính quyền George W. Bush gửi một tối hậu thư tới chính quyền Pakistan, yêu cầu Pakistan lựa chọn duy trì mối quan hệ hoặc với Hoa Kỳ hoặc với Taliban, tổ chức đã cho phép al-Qaeda trú ngụ trong lãnh thổ Afghanistan. Pakistan hứa sẽ trở thành một đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố và đã được tưởng thưởng vào năm 2004 khi được xác định là một “đồng minh chủ chốt không thuộc NATO” của Mỹ, qua đó tạo điều kiện cho Pakistan được tiếp nhận một số công nghệ và khí tài quân sự tiên tiến nhất.
Thế nhưng, hiện nay, một vị tổng thống Mỹ khác lại đang tỏ ra khó chịu với Pakistan. Thay vì gửi thông điệp riêng tại Washington hay Islamabad, Donald Trump lựa chọn công khai với dư luận rằng: “Hoa Kỳ thật ngu ngốc khi đã viện trợ hơn 33 tỷ đôla cho Pakistan trong suốt 15 năm qua, và chúng ta không nhận được gì ngoài sự lừa dối, họ coi lãnh đạo chúng ta là những tên ngốc. Họ còn cung cấp chỗ trú ẩn cho những tên khủng bố mà chúng ta đang săn lung ở Afghanistan mà không hề giúp gì. Không thể tiếp tục như vậy được nữa!”
Nếu được hỏi, tôi sẽ chọn cách truyền tải thông điệp này qua các kênh ngoại giao, bởi vì việc chỉ trích công khai như vậy chỉ khiến việc thay đổi chính sách của Pakistan, được cho là mục tiêu của các quan chức Mỹ, trở nên khó khăn hơn, vì Pakistan không muốn bị xem là một quốc gia chư hầu của Mỹ. Đồng thời tôi cũng sẽ phản đối việc chấm dứt các mối quan hệ an ninh, thay vào đó tôi ủng hộ viện trợ của Mỹ nếu Pakistan có một số hành động  nhất định.
Thực tế, sai lầm lớn của Mỹ sau ngày 11/09 là đã coi Pakistan như là đồng minh. Với một đồng minh, có thể giả định là hai bên có sự song trùng lớn về chính sách. Nhưng với Pakistan thì không thể đưa ra giả định này.
Pakistan sở hữu kho vũ khí hạt nhân có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, là nơi trú ẩn của một số tên khủng bố nguy hiểm nhất thế giới (có lúc bao gồm Osama bin Laden), và như Trump từng đề cập, Pakistan còn cung cấp chỗ ẩn náu cho lực lượng Taliban khi tổ chức này đang tìm mọi cách đẩy Afghanistan vào tình trạng bất ổn. Chính sách của Pakistan không những đe doạ những nỗ lực trong suốt mười lăm năm qua tại Afghanistan của Mỹ, mà còn đe doạ cả tính mạng của hàng nghìn binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại đó.
Song, ngay cả một mối quan hệ toan tính được đong đếm kỹ lưỡng hơn cũng không thể hàn gắn quan hệ Mỹ-Pakistan. Là một quốc gia dân chủ chỉ trên danh nghĩa do sự chi phối chính trị của lực lượng tình báo và quân đội, Pakistan muốn Afghanistan nằm dưới quyền kiểm soát của Taliban. Phía Mỹ, vì nhiều lý do, lại không muốn vậy.
Hơn nữa, trong những năm gần đây, Mỹ đã củng cố quan hệ với kẻ thù số một của Pakistan là Ấn Độ, khi các động lực kinh tế và chiến lược đang đưa quan hệ song phương Mỹ-Ấn tiến về phía trước. Trung Quốc ngày càng đóng vai trò là đối tác tự nhiên của Pakistan, và đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực hạ tầng tại Pakistan, đồng thời trở thành nguồn cung cấp khí tài quân sự chính cho nước này. Trung Quốc cũng đang quan ngại về Ấn Độ khi nước này trong tương lai gần sẽ vượt Trung Quốc về quy mô dân số và nổi lên như là một đối thủ cạnh tranh về chiến lược lẫn kinh tế trong khi hai bên đang có các tranh chấp về biên giới.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ không nên bỏ rơi Pakistan. Tình hình xấu luôn có thể xấu hơn. Ngày nay, Pakistan là một nhà nước yếu; ngày mai, nó có thể là một nhà nước thất bại. Đó sẽ là một cơn ác mộng đối với khu vực lẫn toàn cầu, nếu xét sự hiện diện của vũ khí hạt nhân và các lực lượng khủng bố ở đó.
Do đó, hỗ trợ kinh tế và nhân đạo vẫn nên được duy trì dù phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng các khoản viện trợ  này. Một số hoạt động hợp tác hạn chế để chống khủng bố và giải quyết vấn đề Afghanistan vẫn có thể khả thi. Để giảm thiểu nguy cơ chiến tranh, Mỹ cũng cần tiếp tục phối hợp với cả Ấn Độ lẫn Pakistan nhằm củng cố quan hệ giữa hai quốc gia này (vốn còn kém phát triển hơn nhiều so với quan hệ Xô-Mỹ tại thời điểm cao trào của Chiến tranh Lạnh).
Việc Pakistan trở thành chủ đề thường xuyên được nhắc tới trong nghị trình Mỹ-Trung cũng là điều dễ hiểu. Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận các kịch bản khác nhau tại Bán đảo Triều Tiên liên quan tới lực lượng đóng quân, vũ khí hạt nhân, và tình trạng bất ổn trong khu vực. Các cuộc đàm thoại về việc làm thế nào để tránh một cuộc khủng hoảng liên quan tới Pakistan, và phương án giải quyết khủng hoảng nếu nó xảy ra, đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, từng là Giám đốc Hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2001-2003), đặc phái viên của Tổng thống George W. Bush tại Bắc Ireland và điều phối viên chương trình Vì tương lai Afganistan. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “A world in Disarray: American Foreign Policy and the Crisis of the Old Order”.

Nguồn: Richard N. Haass, “The Pakistan Conundrum?”, Project Syndicate, 12/01/2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét