Người Việt Nam Cộng sản cho rằng Việt Nam Cộng hòa đã thua trận thì chẳng còn tư cách gì để nói người khác. Nhưng thắng thua liệu có phải là tất cả?
Cuộc chiến không công bằng
Một cuộc đấu võ đúng tinh thần thể thao phải diễn ra trên võ đài với đầy đủ luật lệ và yêu cầu về hạng cân thì mới công bằng. Đương nhiên cũng có loại đánh nhau trên đường phố bất chấp luật lệ. Giống như thời La Mã, ngoài võ sĩ trên đấu trường thì còn có những võ sĩ thi đấu vô luật lệ dưới hầm mỏ.
Nhưng không phải chiến thắng nào cũng như chiến thắng nào. Ngoài đường phố nếu dùng mọi trò bẩn hoặc thắng một đối thủ quá chênh lệch thì có gì vinh hạnh? Võ sĩ La Mã chỉ có thể giành được vinh quang trên đấu trường, chứ không phải chiến thắng vô luật lệ ở hầm mỏ - nơi dơ bẩn và bị khinh bỉ.
Trong chiến tranh cũng thế, đâu phải cứ là chiến tranh thì anh có thể dùng bất cứ thủ đoạn nào để giành phần thắng. Nếu nói cứ đánh nhau là bất chấp luật lệ, thì anh còn ngồi vào bàn để ký mấy cái hiệp định làm chi? Nếu là một tổ chức tự phát như tổ chức khủng bố chẳng hạn, thì không cần luật lệ; còn khi đã là một quốc gia thì phải có luật chứ. Sau này Việt Nam Cộng sản chẳng xin vào các tổ chức khu vực và quốc tế như ASEAN, Liên Hợp Quốc, WTO… để nâng cao vị thế là gì? Và đã xin vào thì phải chấp nhận luật của người ta, đâu dùng luật rừng được nữa.
Có nghĩa là gì, nếu muốn được tôn trọng như một quốc gia thì phải có luật pháp và tôn trọng luật pháp. Kể cả chiến tranh cũng vậy.
Chiến tranh Việt Nam không phải là chiến tranh quy ước - loại chiến tranh mà các lực lượng tham chiến của mỗi bên đã được xác định rõ. Phe Việt Nam Cộng sản trộn lẫn vào trong dân gây khó khăn cho Việt Nam Cộng hòa, vì bản chất của chiến tranh là tiêu diệt đối phương, nhưng nếu giết dân thì thế giới lại lên án. Khi không thể xác định rõ kẻ thù thì đánh kiểu gì?
Rất nhiều người nghĩ rằng kiểu “Chiến tranh du kích” ấy là bình thường. Nó không bình thường đâu! Mỹ cũng có một cuộc nội chiến Nam – Bắc. Khi phe miền Nam sắp thua cuộc, Bộ tham mưu của tướng Lee đề nghị phân tán lực lượng, ẩn nấp trong nhà dân, trong rừng núi để đánh du kích nhưng vị tướng chỉ huy quân đội miền Nam đã từ chối vì “Chiến tranh là nghiệp của người lính, là nhiệm vụ của chúng ta, không được đẩy trách nhiệm này vào người dân vô tội. Cho dù ta là tướng bại trận cũng không thể dùng cách này, nếu phải dùng sinh mạng của mình để đổi lấy bình an cho người dân miền Nam thì ta thà lựa chọn trở thành tội phạm chiến tranh và chịu hành quyết còn hơn”.
Nó khác hẳn với Chủ nghĩa Cộng sản sẵn sàng “hy sinh tất cả” hay “phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn” để đạt được mục đích. Phía Bắc Việt huy động mọi thành phần dân tộc tham gia cuộc chiến gồm cả phụ nữ, trẻ em lẫn người già – một đối tượng là phái yếu cần được bảo vệ, một đối tượng cần phải cho ăn học, một đối tượng đã đến lúc nghỉ ngơi mà phải chịu đói khổ, dấn thân vào nguy hiểm chết người. Cái gọi là cuộc chiến “của toàn dân tộc” ấy chẳng có gì đáng để tự hào cả.
Người Việt Nam Cộng hòa không coi chiến tranh là tất cả, không dồn tất cả để đánh nhau, họ còn phải sống, làm việc và phát triển; vì thế, tất nhiên chỉ có quân đội chiến đấu. Trong quân đội ấy chỉ có nam giới đủ tuổi đi quân ngũ, không người già, không trẻ em và phụ nữ không phải tham gia tác chiến. Lực lượng tham chiến hai bên như vậy đã không rõ ràng (phía Cộng sản), lại còn không cân bằng.
Việc cho cả trẻ em, người già tham gia chiến tranh còn một mục đích khác, đấy là tạo nên sự thương sót của dư luận nếu những đối tượng này tử trận. Nó giống việc đặt các cơ sở quân sự gần các khu dân cư, bệnh viện… vậy. Người dân đáng lẽ ra là đối tượng được bảo vệ thì lại bị đem ra làm bia đỡ đạn.
Cuộc chiến còn không công bằng ở chỗ Việt Nam Cộng hòa là một đất nước tự do dân chủ, người dân có quyền chỉ trích, biểu tình, mà có nước tự do dân chủ nào mà lãnh đạo làm hài lòng được người dân? https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/what-if-the-republic-of-vietnam-survived-04132018130758.html
Việt Nam Cộng hòa tất nhiên còn tự do báo chí – điều tối kỵ trong chiến tranh. Thế nên mới có chuyện ông Nick Út được đi theo lính miền Nam để chụp ảnh, máy bay đánh bom tiêu diệt Cộng sản nhưng ai ngờ lính miền Bắc xâm nhập chui vào nơi có dân để chốn. Dân chạy ra cầu cứu lính Việt Nam Cộng hòa thì bị Nick Út giơ máy ảnh lên chụp xong đăng lên toàn thế giới mà ai nhìn vào cũng nghĩ rằng “lính Mỹ ăn thịt trẻ em Việt Nam”. Vậy mà bức ảnh ấy cũng có thể trở thành biểu tượng của chiến tranh Việt Nam được?
Bức ảnh chỉ nói lên một nửa sự thật ấy khi về Mỹ được trao giải Pulitzer – giải thưởng danh giá bậc nhất cho báo chí để rồi cả nước Mỹ lên án cuộc chiến. Như thế thì còn đánh đấm gì?
Mai Chí Thọ từng nói toạc với tù nhân chính trị rằng: “Hồ Chí Minh có thể là một kẻ độc ác, Nixon có thể là một người vĩ đại. Người Mỹ có thể có chính nghĩa, chúng tôi có thể không có chính nghĩa. Nhưng chúng tôi đã thắng và người Mỹ đã bị đánh bại vì chúng tôi đã thuyết phục được người dân rằng Hồ Chí Minh là một người vĩ đại, rằng Nixon là một kẻ giết người và người Mỹ là những kẻ xâm lược. Yếu tố then chốt là kiểm soát được người dân và quan điểm của họ. Chỉ có chủ nghĩa Marx-Lenin là có thể làm được điều đó”.
Chính vì sự giả dối ấy nên những vụ giết người của Bắc Việt với cách thức không khác gì khủng bố như đánh bom nhà hàng Mỹ Cảnh, ném lựu đạn vào dân đang xem hát ở Cần Thơ hay thảm sát Huế Mậu Thân chẳng hạn thì bị xem nhẹ, dường như người nào sống ở miền Nam đều đáng chết cả. Còn khi người Cộng sản bị chết thì lại thành sự kiện nổi tiếng.
Quân đội Mỹ luôn tin vào chính nghĩa nên luôn hành động chính trực, thẳng thừng giữa thanh thiên bạch nhật, chính vì vậy nên dễ bị hiểu lầm. Họ đã thua trên mặt trận tuyên truyền trước những kẻ nham hiểm.
Tại sao dám vu khống Mỹ xâm lược khi họ chỉ giúp giữ chế độ tự do dân chủ ở miền Nam? Việt Nam Cộng hòa chỉ lo phòng thủ chứ đâu có đánh ra Bắc. Mỹ chỉ ném bom vì miền Bắc đã xâm phạm miền Nam.
Trong khi Mỹ vẫn xử phạt binh lính nếu có hành động đi quá giới hạn thì Bắc Việt lại trao huân chương cho những kẻ đánh bom khủng bố chết dân thường. 2 thái cực hoàn toàn trái ngược cho thấy truyền thông đã hết sức bất công. Trong một cuộc chiến mà trọng tài chỉ bênh một bên thì bên kia có cơ hội giành phần thắng?
Một ví dụ nữa là phe Cộng sản luôn cố tình tạo cho người ta cảm giác rằng họ với vũ khí thô sơ phải đánh nhau với một phe được trang bị vũ khí hiện đại. Thực tế bộ đội miền Bắc không hề thiếu vũ khí, ra trận là có đạn “bắn thoải mái” do Nga Tàu cung cấp; đó là sự hỗ trợ tương đương nhưng kín đáo. Chính vì vậy nói rằng miền Nam không làm được gì khi không có Mỹ là không công bằng, miền Bắc nếu không được viện trợ từ nước ngoài thì chắc chắn phải cưỡi ngựa bắn cung để ra trận, vì họ đâu có tự sản xuất ra được đạn dược, xăng dầu…
Thắng rồi để làm gì?
Người Việt coi việc Nhật Bản “phải chấp nhận để Mỹ đóng quân” là kém cỏi, nhưng gặp người Nhật thì không khác gì gặp thánh sống. Người Việt cũng xem việc Triều Tiên không thể thống nhất đất nước là không bằng Việt Nam, nhưng bây giờ thậm chí không dám mơ có ngày được như Nam Triều Tiên.
Nói đâu xa, Việt Nam Cộng hòa bị coi là “đu càng” , nhưng những cư dân “đu càng” như cầu thủ bóng đá Lee Nguyễn, đầu bếp Christine Ha thì được trọng vọng hơn bất cứ đồng nghiệp nào tại Việt Nam. Thù lao mà Lee Nguyễn nhận được khủng khiếp đến mức cho đến nay không ai biết đích xác là bao nhiêu, chỉ biết rằng trong 2 năm ngắn ngủi ở Việt Nam, cầu thủ “đu càng” này nói rằng đã kiếm đủ cho phần đời còn lại. Chắc chắn không một cầu thủ Việt Nam Cộng sản nào dám mơ có một ngày đội bóng quê hương sẽ trả mức lương như vậy cho mình.
Gia đình Việt Nam Cộng sản cũng co ro cúm rúm khi tiếp đón gia đình Việt Nam Cộng hòa “đu càng” từ Mỹ, Pháp… trở về, đi ăn cũng gia đình “đu càng” trả tiền. Vậy thì ai thắng ai? Ai mang tư thế của người chiến thắng?
Thái Lan không dám đánh nhau, Nhật Bản từng thua trận, Đức cũng thua, Pháp thì khỏi nói: nổi tiếng về đánh nhau kém. Nhưng hỡi ôi, đánh nhau quan trọng đến thế ư? Chỉ những anh choai choai mới khoái đánh nhau như thế. Chả trách mà Tản Đà làm thơ: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn. Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.”
Mà ngay trong cái việc đánh nhau thôi, tại sao anh không tiếc xương máu lúc đánh nhau với Pháp, Mỹ, mà giờ động đến một chữ Trung Quốc cũng không dám? Suốt ngày tự hào đánh Pháp đánh Mỹ nhưng nếu có ai nhắc đến giặc Tàu là cả quan lẫn dân đều nạt ngay: “Thế muốn chiến tranh hay hòa bình? Nó mà đánh cho thì…”.
Chao ôi, dân tộc “Việt Nam anh hùng” đây ư? Té ra việc chửi giặc Pháp giặc Mỹ hàng ngày là do biết chúng nó là người quân tử, chúng nó người lớn không thèm chấp mình, chứ chẳng phải mình anh dũng anh hùng gì cho cam.
Cái giá của thủ đoạn đê hèn
Nói tóm lại rằng: bất chấp luật lệ, dùng mọi thủ đoạn để thắng không phải hành động của người quân tử. Việt Nam Cộng hòa cũng như các nước văn minh khác: tôn trọng pháp luật ngay cả trong thời chiến – lúc mà đáng lẽ có thể áp dụng tình trạng khẩn cấp hay thiết quân luật để siết chặt quyền tự do dân chủ.
Người Cộng sản có thể mãi hát bài ca chế giễu phe thua cuộc nhưng trên thực tế, người Việt Nam Cộng hòa lên tiếng chỉ vì họ còn có tâm với đất nước đấy thôi. Sau năm 1975 họ được các nước giàu có văn minh dang tay đón nhận, họ có cuộc sống sung túc ở nơi mà chỉ số ít doanh nhân và chủ yếu là con cháu quan chức Cộng sản mới có cơ hội đặt chân đến.
Người Việt Nam Cộng hòa ừ thì “thua” đấy, nhưng họ được sống cùng những người quân tử. Còn những người “chiến thắng” ở lại, khi anh không phải người quân tử, sẽ có thằng không quân tử khác trị anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét