3. Ngoại giao đòi lại đất: Các phái đoàn Lý Kế Nguyên, Đào Tông Nguyên
Người xưa có câu “Tiên lễ hậu binh”, có ý khuyên dùng nghi lễ ngoại giao trước, nếu không có kết quả mới phải dùng binh. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngược lại, đôi khi phải dùng binh biểu dương lực lượng khiến đối phương bối rối, mới đề nghị giải pháp ngoại giao. Tình hình Trung Quốc vào thời Tống Thần Tông năm Hy Ninh thứ 10 [1077], phía bắc bị các nước Liêu, Hạ gây áp lực; phía nam sau khi quân Tống rút, quân Đại Việt theo sau lưng và chiếm lại được huyện Quang Lang.
Bấy giờ vua Đại Việt sai Sứ thần Lý Kế Nguyên đến biên giới ngỏ lời xin trả lại đất. Lời yêu cầu đúng lúc, vua Tống cũng muốn giải quyết cho yên việc tại phương nam, bèn theo lời đề nghị của Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ, hứa trả lại đất sau khi nước Đại Việt trả tù binh bị bắt trước kia tại 3 châu Ung, Khâm, Liêm:
Bấy giờ vua Đại Việt sai Sứ thần Lý Kế Nguyên đến biên giới ngỏ lời xin trả lại đất. Lời yêu cầu đúng lúc, vua Tống cũng muốn giải quyết cho yên việc tại phương nam, bèn theo lời đề nghị của Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ, hứa trả lại đất sau khi nước Đại Việt trả tù binh bị bắt trước kia tại 3 châu Ung, Khâm, Liêm:
Trường Biên, quyển 285. Năm Hy Ninh thứ 10 [1077]
Ngày Bính Tuất tháng 10 [28/10/1077], ty Kinh lược an phủ Quảng Nam Tây Lộ tâu:“Người Giao sai bọn Lý Kế Nguyên và quan được sai bàn việc tại biên giới. Muốn ra lệnh quan được sai lấy ân tín của triều đình dụ Càn Đức, lệnh trả lại nhân khẩu đã cướp, rồi cấp cho đất đai.”Thiên tử chấp thuận.[1]
Xác minh lời hứa trả lại đất sau khi Đại Việt trả lại tù binh, Vua Tống Thần Tông gửi chiếu thư cho Vua Lý Nhân Tông nước ta, nguyên văn như sau:
“Chiếu thư cho biết rằng:Khanh được trông coi tại Nam Giao, đời đời nhận tước Vương, nhưng phản bội đức, gian giảo không tuân triều mệnh, trộm gây bạo động tại vùng biên cảnh; bỏ chính sách trung thuận của tổ tiên, phiền triều đình phải cử binh thảo phạt. Khi quân lính thâm nhập, tình thế khẩn trương mới qui thuận; xét về tội lớn, đáng phải truất tước. Nay sai sứ đến cống, dâng lên lời rất cung kính, đọc kỹ nội dung, thấy được sự hối hận. Trẫm trông coi vạn nước, không phân biệt xa gần; chỉ hiềm những dân Liêm châu, Ung châu bị cướp dời đến vùng xa xôi nóng bức, xa quê hương lâu ngày, đợi khi đưa hết về biên giới tỉnh, sẽ đem Quảng Nguyên trả lại Giao Châu.” (Tống Sử quyển 488, Liệt Truyện Giao Chỉ)[2]
Đáp lời, Vua Lý Nhân Tông dâng thư cảm ơn và xin trả lại đất châu Quảng Nguyên và huyện Quang Lang. Huyện Quang Lang tuy đã bị quân Đại Việt chiếm vào năm trước, nhưng tại đây được nhắc lại với dụng ý muốn vua Tống công nhận việc xảy ra là hợp pháp:
Trường Biên, quyển 287. Năm Nguyên Phong thứ nhất [1078]
Ngày Ất Mão tháng giêng [25/1/1078], Giao Chỉ Quận vương Lý Càn Đức dâng biểu rằng:“Được ơn ban chiếu chấp nhận lời xin của thần; từ nay lại tu chức cống; đã ra lệnh ty An phủ sai người vẽ xác định cương giới, không còn dám xâm phạm. Thần đã phụng chiếu sai người cống sản vật địa phương, xin trả lại các châu huyện Cơ Lang [Quang Lang], Quảng Nguyên.”Chiếu ban:“Đợi người tiến phụng đến kinh khuyết, sẽ đem việc biên giới phân xử riêng.”[3]
Cũng cần phải ôn lại trong văn bản ngày 20/10/1078 đề cập tại bài thứ nhất, rằng vua Lý Nhân Tông xin hoàn lại các châu Quảng Nguyên, Tô Mậu, Môn, cùng huyện Cơ Lang. Nếu so sánh, thì văn bản phía trên thiếu hai châu Môn và Tô Mậu; có thể giải thích rằng châu Môn giáp với huyện Cơ Lang, chắc cùng chung số phận bị Đại Việt đánh chiếm nên không cần nhắc tới. Riêng châu Tô Mậu thì Toàn Thư chép rằng vào tháng giêng năm Mậu Ngọ [28/1/1078], sai Đào Tông Nguyên đem biếu nhà Tống 5 con voi thuần, xin trả lại các châu Quảng Nguyên, Tô Mậu và những người các châu ấy bị bắt đi. Sứ bộ Đào Tông Nguyên kế tiếp Lý Kế Nguyên trong việc bang giao.
Gần 2 tháng sau ty chuyển vận Quảng Nam Tây Lộ [Quảng Tây], là giới chức tại tỉnh địa đầu biên giới sơ khởi tiếp xúc với sứ bộ Đào Tông Nguyên, nêu lên 3 việc cần triều đình giải quyết gấp, gồm: tờ biểu của Giao Chỉ phạm húy, đòi trả người bị bắt, và hoạch định lại biên giới. Vua Thần Tông muốn giải quyết nhanh nên bỏ qua việc phạm húy; riêng 2 việc còn lại thì quyết định đợi Sứ thần đến sẽ cùng bàn bạc. Ngoài ra nhà Vua lại chấp nhận cho đặt thêm viên Chủ bạ tại trại Thái Bình [Sùng Tả thị, Quảng Tây; Chongzuo, Guangxi], để tiện việc liên lạc với An Nam sau này:
Trường Biên, quyển 287. Năm Nguyên Phong thứ nhất [1078]
Ngày Đinh Dậu tháng giêng nhuần [8/3/1078], ty Chuyển vận Quảng Nam Tây Lộ tâu:“Mới đây có 3 việc: trả biểu cho người Giao vì phạm miếu húy,[4] đòi trả người bị bắt, đưa người đi Sứ vào cống. Nay người Giao đã tuân sửa; nhưng ty Kinh lược Câu đang công sự Dương Nguyên Khanh chưa chịu thu tiếp, sợ trở ngại việc công.”Chiếu ban:“Bọn Nguyên Khanh hãy mau nhận biểu, phụ đệ lên để biết; đưa người đi Sứ đến kinh khuyết. Việc hoạch định cương giới, trả lại người, sẽ phân xử riêng.”Lại tâu:“Trại Thái Bình [Sùng Tả Thị, Quảng Tây] châu Ung xin theo lệ các vùng duyên biên Thiểm Tây, tăng đặt 1 viên Chủ bạ.”Thiên tử chấp nhận.[5]
Nhắm chuẩn bị cho việc trả đất đang điều đình, nhà Tống bèn đưa các vùng đất trước kia đã cho sáp nhập châu Thuận trả lại cho Ung Châu [Nam Ninh]; để châu này chỉ còn lại đất Quảng Nguyên cũ, trước kia đã chiếm từ Đại Việt:
Quyển 297. Năm Nguyên Phong thứ 2 [1079]
Ngày Bính Thìn tháng 4 [21/5/1079], ty Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ tâu:“Thuận An châu, các động như Cống Động trước lệ Ung Châu, mới đây ty Tuyên phủ nhân thu phục Quảng Nguyên cho lệ vào châu Thuận; xin trở lại lệ thuộc theo cũ.”Chấp nhận.[6]
Trong khi đang cố gắng thu xếp giới hạn diện tích châu Thuận tương đương với châu Quảng Nguyên cũ; thì Đại Việt dùng binh gây áp lực. Tại châu Thuận, trước đây đồn trú 17 chỉ huy[7]quân tinh nhuệ Uy Quả cũng bị uy hiếp nặng nề, khiến vua Tống đành phải điều tiếp quân Đoàn Kết Toàn Tương tại Hồ Nam đến tăng viện:
Quyển 297. Năm Nguyên Phong thứ 2 [1079]
Ngày Kỷ Vị [24/5/1079], ty Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ tâu rằng man cướp phá châu Thuận, xin thêm quân. Thiên tử phê:“Có thể điều động quân Đoàn Kết Binh Toàn Tương tại Đàm Châu [Hồ Nam] tạm thời đóng tại đó; khiến có thể trấn an nhân tâm hai xứ Quảng, không để khiếp sợ. Chờ cho việc biên giới ỗn định thì cho trở về.”[8]
Phái đoàn Đào Tông Nguyên phải chờ đợi tại kinh sư trong mấy tháng, đến ngày 9/11/1079 Quảng Nam Tây Lộ tâu rằng Giao Chỉ đã trả lại 221 người bị bắt, tuy không đủ số lượng đòi hỏi, triều đình nhà Tống cũng miễn cưởng trao trả đất Thuận Châu:
Quyển 300. Năm Nguyên Phong thứ 2 [1079]
Ngày Mậu Thân tháng 10 [9/11/1079], ty Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ tâu Giao Chỉ trả 221 người bị bắt, chiếu cho thâu nạp; bỏ Thuận Châu, đưa đất này cho Giao Chỉ.Trước đây Càn Đức [Vua Lý Nhân Tông] sai Sứ đến cống và xin các châu như Quảng Nguyên; Tri Quế Châu Triệu Tiết xin lưu lại không cho, hàng năm đóng quân 3.000, thì 10 phần chết mất 6,7, giữ không được. Thiên tử bảo:“ Càn Đức phản nghịch tác loạn nên mang quân thảo phạt; bọn Quì không tru diệt được, gần thành công rồi phải trở về. Nay châu Thuận là đất xa xôi lam chướng, triều đình chiếm được cũng chưa có lợi, há lại xua đuổi quân lính đến nơi chướng độc! Một người lính không yên trẫm cũng lấy làm thương xót, huống gì 10 người mà chết mất 5,6 ư!”[9]
Tống Sử vạch rõ rằng vua Lý Nhân Tông hứa trả 1.000 quan lại bị bắt tại 3 châu Ung, Khâm, Liêm; nhưng thực sự chỉ trả 221 người dân, lại bị khắc chữ trên mặt và tay; đổi lại, nhà Tống tuyên bố trả hết 4 châu 1 huyện. Theo các văn bản đã được đề cập, 4 châu chỉ Quảng Nguyên, Tư Lang, Môn, Tô Mậu, 1 huyện tức Quang Lang; nhưng châu Quảng Nguyên nhà Tống không thực sự trả hết, khiến triều đình ta phải tiếp tục đòi lại sau này:
Tống Sử quyển 488, Liệt Truyện Giao Chỉ
Càn Đức lúc đầu hứa trả về 1.000 quan lại thuộc 3 châu, chờ lâu mới đưa về 221 người dân, con trai trên 15 đều bị khắc vào trán hàng chữ “Thiên tử binh”, trên 20 tuổi khắc “Đầu [đầu hàng]Nam triều”, phụ nữ bị khắc vào tay trái “Quan khách”. Dùng thuyền chở về, nhưng dùng bùn bịt kín các cửa, ở trong thắp đèn; ngày đi được 1, 2 chục lý thì dừng, nhưng giả bộ đánh trống điểm canh để báo, mất mấy tháng trời mới đến được, tỏ cho biết thuỷ trình xa xôi. Châu Thuận sâu vào phía nam, đặt quân trấn thủ; do chướng lệ nhiều người bị bệnh chết, Đào Bật cũng chết trong quân. Triều đình biết là vô dụng, đem tất cả 4 châu 1 huyện trả lại; nhưng Quảng Nguyên từ lâu do châu Ung ky my, vốn không phải thuộc quyền sở hữu của Giao Chỉ.[10]
Vùng đất Quảng Nguyên nhà Tống đã đổ ra nhiều công sức để đầu tư khai thác các mỏ vàng bạc, cuối cùng trở về với nước Đại Việt. Dân Trung Quốc bị đày tại đó chết đến 5,6 phần 10; nên không khỏi oán hận, có thơ mỉa mai rằng “Nhân tham Giao Chỉ tượng, khước thất Quảng Nguyên kim” (Vì tham voi Giao Chỉ, bỏ mất vàng Quảng Nguyên).
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét