Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

8152 - Viết vào ngày cuối năm: nghèo đói và ổn định


Năm 2018 đang khép lại, và chúng ta có cơ hội được nhìn về vận hội của cả một dân tộc.

Năm 2018, hai tiếng Việt Nam được hô vang trên trường quốc tế, và ba trong số đó là cuộc thi sắc đẹp. Năm 2018, hai tiếng Việt Nam được nhắc nhiều trên báo giới, trong đó gồm: bắt và kết án lãnh đạo tham nhũng; bắt cóc tại Berlin; trấn áp nhân quyền; luật an ninh mạng; và cuối cùng là 152 người bỏ trốn tại Đài Loan.

Nếu đứng vị trí của một nhà lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam, những nhóm người đa phần ưa sự ổn định thì năm qua là một năm thành công. Tuy nhiên, đứng góc nhìn là một công dân ở một chính thể độc đảng, chứa đựng trong mình sự khao khát nhân quyền và mong muốn tiềm lực quốc gia được phân bổ trên cơ sở công bằng thì năm 2018 chứa chấp một nền tảng sơ khai của sự nghèo đói.

Một em bé nằm ngủ trên tấm chăn mỏng được trải xuống nền gạch trong đêm gió lạnh, mưa phùn tại Hà Nội vào những ngày cuối năm 2018. Ảnh: kienthuc.net.vn
Không ai phủ nhận những gì mà những nhà lãnh đạo Cộng sản làm trong năm qua, rõ ràng – tốt hơn năm ngoái, trừ khoản thuế phí gia tăng. Nhưng ca tụng vẫn là sự dễ dãi đến lợm người, bởi năm ngoái có tồi tệ đến mấy thì cũng là do người Cộng sản làm ra. Tốt – xấu, bê bết hay vực dậy cũng đều do người Cộng sản. Thế nhưng, người Cộng sản trước sau như một luôn tìm cách biện minh cho sự lãnh đạo và quản lý quốc gia đầy tính trì trệ của mình.

2 năm nữa, chúng ta sẽ bước vào ĐH XVIII của ĐCSVN, nó thực ra không quá quan trọng, nhưng vì Điều 4 Hiến pháp, nên thành ra nhân sự và bầu cử đợt tới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của quốc gia trong 5 năm tiếp theo. 

Ai đó nói rằng, chúng ta cần học cách chấp nhận nền dân chủ đầy thiếu sót vì lợi ích phát triển và ổn định. Ổn định là có, nhưng phát triển thì chưa. Nếu so với Malaysia, Singapore hay Trung Quốc, rõ ràng, người dân Việt Nam đã chấp nhận sự thiếu dân chủ nhưng họ đã không nhận lại được gì nhiều. Chúng ta rõ ràng thua thiệt, bởi gần ½ thế kỷ trôi qua, một số nền dân chủ hạn chế (thậm chí độc tài) thời kỳ đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc đã vươn lên tầm thế giới, trong khi Việt Nam vẫn đang loay hoay trong cái ao làng Đông Nam Á. Và vĩnh viễn, sẽ không có giới hạn cho sự chấp nhận này. Nhưng chúng ta lại thấy một nước thiếu dân chủ như Zimbabwe, Venezuela,… Những nước khoác lên mình bộ áo “cánh tả” hay “CNXH” và kết cục là sự nghèo đói và bất ổn.

Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, văn minh, công bằng chỉ là câu khẩu hiệu trong hội trường Quốc hội.

Chúng ta sẽ vĩnh viễn không thể phát triển, trong khi ổn định chỉ mang tính chất tạm thời (như Zimbabwe, Venezuela) cho đến lúc, bản thân đảng cầm quyền nhận ra đặc trưng của sự phát triển không phải là vun đắp quyền lực trong đảng, mà là giám sát quyền lực, phân chia quyền lực, và kỷ luật sắt trong nội bộ đảng. Không có sự phát triển cho một bộ máy quan liêu với tham nhũng, sân sau và chủ nghĩa thân hữu.

Thứ hai, Việt Nam sẽ không phát triển như cách Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản – những nước từng trải qua giai đoạn “cực kỳ độc tài”. Lý do là bởi, 4 nước trên rất chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực - đặc biệt là giáo dục (cung cấp giáo dục phổ cập chất lượng cao và giáo dục đại học đẳng cấp thế giới được xem là mục tiêu cơ bản của các quốc gia này_. Hãy nhìn xem giáo dục Việt Nam trong những năm qua với hàng tá cuộc cải cách lớn nhỏ nhưng không hề hiệu quả, vô kỷ luật, thiếu công bằng và đầy sự lãng phí.

Việt Nam đang thừa sự độc tài, nhưng lại thiếu những dấu ấn quan trọng nhất để phát triển như các quốc gia Đông Á độc tài khác. Bởi chính lãnh đạo đảng chỉ hướng đến sự vun vén quyền lực như Venezuela, chứ không phải là Hàn Quốc với sự phân chia quyền lực.

Cấm tam quyền phân lập, cấm thể chế xã hội dân sự trở thành một dấu mốc đặc trưng biểu hiện cho tinh thần co cụm quyền lực đó.

Thứ ba, hãy nhìn 152 người bỏ trốn lại Đài Loan. Đó là mẫu số của sự bất ổn tiềm năng của xã hội Việt Nam, một xã hội thừa lạm phát và thuế phí nhưng thiếu điều kiện để sinh tồn cho người dân nghèo.

Ly hương là trạng thái của xã hội bất công. Bất công bởi họ được hưởng thụ một nền giáo dục, nhưng sau đó phải “bán mình” cho các công việc độc hại (mà công dân Đài Loan không muốn làm) tại xứ người. Bất công vì họ không hưởng thụ được những thành tựu về tăng trưởng kinh tế, nói đúng hơn, 152 người là con số bị bỏ rơi khỏi sự phát triển, bỏ rơi khỏi chính sách phát triển. Lợi ích tăng trưởng chưa được chia sẻ tốt cho người nghèo.

Hãy đặt câu hỏi, khi Chính phủ kêu gọi báo cáo về tình trạng 152 người trốn tại Đài Loan, Chính phủ có nhận biết tình trạng này đã kéo dài rất nhiều năm, và lần này nổi lên chỉ vì con số trốn đi quá lớn? Vậy - chính phủ hiện tại đang làm gì? Chính phủ có đặt mục tiêu gắn tốc độ tăng trưởng cao hơn cho người nghèo và tốc độ tăng trưởng thấp hơn cho người giàu? Chính phủ có đề án gia tăng thu nhập lao động, thông qua gia tăng năng lực giáo dục của người nghèo?.

Chính phủ sẽ khó trả lời điều đó khi trong năm 2018, nền giáo dục bê bết và đầy rẫy những chính sách tiêu cực, tùy tiện chi tiêu ngân sách và vô giá trị với việc “đào tạo” để tạo công ăn việc làm cho người lao động, đáp ứng nhu cầu xã hội. Từ việc cào bằng bằng chính quy với tại chức; từ việc tiêu cực ở Hà Giang, Lạng Sơn không được giải quyết triệt để,… cho đến một ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đạo văn nhưng lại tiếp tục là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023.

Chính phủ cũng chẳng thể trả lời khi BOT vẫn là quả bóng được đá qua lại bởi các cơ quan hữu quan, thuế phí vẫn tiếp tục theo xu hướng đẻ ra và kịch khung.

Câu chuyện giáo dục hay cách mà nhà nước “hút sức dân” nó không khác gì câu chuyện “ổn định chính trị” mà đảng và nhà nước Việt Nam bầu chữa cho sự yếu kém và trì trệ trong hàng thập niên qua. Trong khi lại loại bỏ thể chế xã hội dân sự và tam quyền phân lập ra khỏi sự phát triển, trong khi nó là nền tảng giúp tạo ra sự ổn định, phát triển và giảm đói nghèo. Chính vì vậy, năm 2018 khép lại với hai tiêu chí: nghèo đói và ổn định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét