Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

8113 - Cuộc đấu tranh đòi đất đầu tiên trong bang giao Việt-Trung (P4)



4. Ngoại giao đòi lại đất: các phái đoàn Lương Dụng Luật, Đào Tông Nguyên, Lê Văn Thịnh

Về việc nhà Tống trả đất cho nước Đại Việt vào năm Nguyên Phong thứ 2 [1079]; chính sử Trung Quốc như Tống Sử[1]  chép “ bèn đem tất cả 4 châu 1 huyện trả lại (乃悉以四州一縣還之), Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên[2] ghi “bỏ Thuận Châu, đưa đất này cho Giao Chỉ (廢順州,以其地畀交阯). Nhưng dân và triều đình Đại Việt không tin những lời tuyên bố huyênh hoang; “kẻ nằm trong chăn biết có rận”, cẩn thận xét thấy việc trả như vậy là chưa đủ, bèn tiếp tục đòi hỏi. Cuối cùng vua Tống đành phải chấp nhận cho xét lại; lệnh đặt nơi bàn bạc về biên giới, đích thân đặt tên là Kế nghị biện chính cương chí sở (計議辦正疆至所 – Nơi bàn bạc sửa lại đúng cương giới).
Mở đầu cho cuộc đòi hỏi này Vua Lý Nhân Tông cử một phái đoàn sang Trung Quốc, do Lễ tân phó sứ Lương Dụng Luật cầm đầu, mang nhiều vật cống. Không muốn đồ vật bị thất lạc, nhà Vua yêu cầu được chở đi kèm để phái đoàn có thể giám sát; Vua Tống không những chấp nhận lời yêu cầu, lại cho một viên quan làm bạn tống hướng dẫn:
Trường Biên, quyển 313. Năm Nguyên Phong thứ 4 [1081]
Ngày Nhâm Ngọ tháng 6 [4/8/1081], Giao Chỉ Quận vương Lý Càn Đức dâng biểu tâu:
“Mới đây sai Sứ thần Đào Tông Nguyên đến triều cống, bị Quảng Châu [Quảng Đông] ngăn cấm, không cho đồ vận tải cùng đi theo. Nay sai Lễ tân phó sứ Lương Dụng Luật, bọn Trước tác lang Nguyễn Văn Bồi vào cống, xin  triều đình ban chiếu chỉ cho tiến phụng giống như cũ.”
Chiếu ban cho Quảng Châu chuẩn theo lệ cũ, không được cản trở. Sai 1 viên Nội sứ thần bạn tống, lại giáng chiếu dụ cho biết trước.[3]
Qua 1 tháng sau phái đoàn đến quan ải, ty Chuyển vận sứ Quảng Nam Đông Lộ [Quảng Đông] tâu về triều, cẩn thận hỏi về đường đi của sứ bộ,Vua Tống trả lời rằng muốn đi đường thủy cũng chấp nhận:
Trường Biên, quyển 314. Năm Nguyên Phong thứ 4 [1081]
Ngày Canh Tuất tháng 7 [1/9/1081], ty Chuyển vận Quảng Nam Đông Lộ tâu:
“Cửa quan Tây Lộ báo người Giao vào cống, xin ra lệnh theo đường Kinh Hồ [Hồ Nam, Hồ Bắc]”
Chiếu ban:
“Người Giao như muốn theo đường thủy đến kinh khuyết, lệnh Quảng Tây kinh lộ chỉ huy; nên y theo đường cũ, không phải thay đổi.”[4]
Trái với thường lệ, lần này sứ bộ tăng thêm 56 người; quan địa phương tỉnh Quảng Tây lại phải gửi văn thư tâu lên; Vua Tống chấp nhận số lượng mới 156 người:
Trường Biên, quyển 315. Năm Nguyên Phong thứ 4 [1081]
Ngày Canh Ngọ tháng 8 [21/9/1081], ty Kinh lược Quảng Tây tâu:
“Giao Chỉ vào cống gồm 156 người, so theo qui chế cũ tăng 56 người; Thiên tử phê:
“Nên ra lệnh bây giờ cho số lượng đó đến kinh khuyết; từ nay trở về sau chấp thuận như vậy.”[5]
Phái bộ Lương Dụng Luật dâng vật cống rất hậu hỉ, trong đó có 50 sừng tê ngưu,[6] 50 ngà voi; kèm theo yêu cầu trả lại động Cổ Đán do Nùng Dũng trước đó giao nạp. Triều đình nhà Tống không chấp nhận, viện cớ rằng Nùng Dũng đã theo Tống trước khi cuộc chiến tranh Lý Tống xảy ra, động Cổ Đán coi như là đất nội địa:
Trường Biên, quyển 327. Năm Nguyên Phong thứ 5 [1082]
Ngày Nhâm Thân tháng 6 [20/7/1082], Giao Chỉ Quận vương Lý Càn Đức hiến sừng tê ngưu thuần ngà voi mỗi thứ số lượng 50; lại tâu:
“Nùng Dũng Thủ lính động Cổ Đản do châu Quảng Nguyên cai quản mang cả dân động phản, nhập vào Ung Châu; mấy lần gửi thông điệp cho Ung Châu, nhưng không thi hành.”
Chiếu ban:
“Nùng Dũng vốn không do Giao Chỉ quản lý, theo triều đình trước khi Giao Chỉ xin hàng, là đất thuộc tỉnh Trung Quốc, theo lý khó mà cấp hoàn lại.”[7]
Tuy nhiên Sứ bộ Lương Dụng Luật đã thành công trong việc đòi hỏi nhà Tống xét lại về biên giới, vua Tống chấp nhận lập Kế Nghị Biện Chính Cương Chí Sở [nơi bàn bạc sửa lại đúng cương giới] tại trại Vĩnh Bình [Bằng Tường thị, Quảng Tây; Pingxiang Guangxi]. Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ Hùng Bản được lệnh sai quan đến chờ sẵn tại biên giới để cùng Sứ thần Đại Việt thương nghị:
Trường Biên, quyển 335. Năm Nguyên Phong thứ 6 [1083]
Ngày Mậu Thân tháng 6 [21/6/1083], Kinh lược sứ Quảng Nam Tây Lộ Hùng Bản lại tâu:
“Đã sai Đề cử Tả Giang đô tuần kiểm Cung phụng quan Cáp môn chi hầu Thành Trác cùng Giám trấn nãi kim khanh Triều phụng lang Đặng Khuyết cùng đến trại Vĩnh Bình [Bằng Tường thị, Quảng Tây] hẹn với An Nam định biên giới, y theo chiếu đặt tên ‘Kế Nghị Biện Chính Cương Chí Sở’.”
Thiên tử đều chấp nhận.[8]
Rút kinh nghiệm những lần thương lượng trước, sách lược của Đại Việt nhu kèm theo cương; nhà Tống lo Đại Việt sẽ tìm cách gây hấn để thúc đẩy đàm phán, nên tránh đặt những viên quan như Tri Khâm Châu Ôn Cảo, từng gây ác cảm với Đại Việt tại biên giới:
Trường Biên, quyển 331. Năm Nguyên Phong thứ 5 [1082]
Ngày Đinh Vị mồng một tháng 12 [22/12/1082], Chuyển vận phó sứ Quảng Tây, Ngô Tiềm, tâu:
“Gần đây sai Ôn Cảo làm Tri Khâm Châu; trộm nghe rằng giặc Giao Chỉ giận nghiến răng muốn ăn thịt Cảo; Cảo đến đó vạn nhất sẽ sinh cướp phá.”
Thiên tử phê:
“Cảo tư chất tốt, nhưng có hiềm khích với người Giao, thực không nên ở nơi cực biên quan trọng; có thể sai viên Kiềm hạt Lưu Hy tại lộ này kiêm Tri Khâm Châu.”[9]
Theo văn bản ngày 21/6/1083 đã dẫn, nhà Tống sai “Đề cử Tả Giang đô tuần kiểm Cung phụng quan Cáp môn chi hầu Thành Trác cùng Giám trấn nãi kim khanh Triều phụng lang Đặng Khuyết cùng đến trại Vĩnh Bình [Bằng Tường thị] hẹn với An Nam định biên giới.” Phía Đại Việt, Sứ thần Đào Tông Nguyên giữ chức trưởng phái đoàn lần thứ hai. Sau khi thương lượng với đại biểu Tống không có kết quả, Tông Nguyên không tuân theo lời áp đặt của quan lại Tống; tự viết tấu chương về biên giới theo quan điểm của Đại Việt, trao cho Sứ thần đối phương rồi trở về nước. Vua Tống thấy tình hình găng, hạ lệnh điều nào có thể chấp nhận được thì chấp nhận, điều nào khó khăn thì đem ra thương lượng, nhằm kết thúc không để dây dưa:
Trường Biên, quyển 339. Năm Nguyên Phong thứ 6 [1083]
Ngày Ất Tỵ tháng 9 [16/10/1083], ty Kinh lược Quảng Tây tâu:
“Câu đang công sự Đàm Thiểm tâu: ‘Bọn Đào Tông Nguyên xưng rằng về thước tấc đất Quảng Nguyên khó mà bàn phân chia ra; muốn tự viết chương tấu dâng lên để triều đình giải quyết đúng hay sai.’ Tông Nguyên không tuân mệnh, hiện đã trở về An Nam.”
Chiếu ban:
“Hùng Bản chỉ huy các quan bàn nghị, khi cùng với Đào Tông Nguyên nghị bàn, đã tỏ tường những lời trong văn tự triều đình ban cho, hãy chấp nhận việc hợp đạo lý, đưa những điều khó khăn ra thương lượng, không để lưu liên xúc bách, khiến dân man tỏ ý kinh nhờn.”[10]
Sau khi sứ bộ Đào Tông Nguyên bỏ hội đàm trở về nước, tình hình trở nên căng thẳng, Đại Việt điều binh đánh Qui Hóa châu, đòi bắt Nùng Trí Hội; y nguyên là Tù trưởng Đại Việt, trước kia đem Qui Hóa nạp cho nhà Tống. Triều thần nhà Tống giải quyết bằng cách đem Nùng Trí Hội vào nội địa lánh mặt; cử một viên chức khác coi giữ Qui Hóa:
Trường Biên, quyển 341. Năm Nguyên Phong thứ 6 [1083]
Ngày Ất Vị tháng chạp [3/2/1084], ty Kinh lược Quảng Tây tâu:
“ Qui Hóa châu tâu Giao Chỉ tụ binh, muốn chiếm châu. Người Giao rêu rao truy bắt Nùng Trí Hội, xâm phạm Qui Hóa; nay tuy đã rút trở về sào huyệt, nhưng vẫn thường có ý dòm ngó. Nay Trí Hội bảo rằng: ‘Nếu như Giao Chỉ xâm phạm một lần nữa, bản châu khó mà chống cự; xin vào đất trong tỉnh.’ Trí Hội thiếu vững tâm chống cự Giao Chỉ, nếu còn ở tại Qui Hóa, không khỏi bị giặc cướp phá.”
Chiếu ban Hùng Bản dụ Trí Hội khúc chiết việc đi vào nội địa, cân nhắc giao phó người coi giữ các ải quan trọng tại Qui Hóa; nếu như Giao Chỉ đến, tức vô cớ vào đất nội địa, có thể gửi thông điệp hỏi tội.[11]
Ngoài việc đưa Nùng Trí Hội vào nội địa, Kinh lược Quảng Tây Hùng Bản sai Sứ đến biên giới thu xếp với Đai Việt ngừng gây hấn, cho người đến biên giới bàn lại về ranh giới; một mặt đề nghị với triều đình trả lại cho Đại Việt 8 động:
Trường Biên, quyển 346. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084]                   
Ngày 4 Nhâm Thân tháng 6 [9/7/1084]…Trước đây Quách Quì đánh dẹp An Nam, dùng quận Quảng Nguyên làm Thuận Châu; triều đình cho rằng không đáng để lấy, chiếu ban cho Lý Càn Đức. Nhưng hoạch định cương giới chưa rõ ràng, người Giao lại dòm ngó hấn khích tại Nghi Châu, muốn lấy đất Vật Dương của Nùng Trí Hội, bèn đánh Qui Hóa, đuổi Nùng Trí Hội. Trí Hội chạy đến Hữu Giang xin quân. Hùng Bản sai Sứ hỏi sự việc, người Giao bèn rút quân, Càn Đức tạ tội; Bản xin ban cho An Nam 8 động tại Túc Tang, chỗ này đất xấu cỏ không mọc; miền lãnh biểu[12] do đó được yên.[13]
Đáp lại yêu cầu của nhà Tống mở hội đàm tiếp, người cầm đầu Sứ bộ Đại Việt lần này là danh sĩ Lê Văn Thịnh, đậu thủ khoa đầu tiên dưới triều Lý vào năm Thái Ninh thứ 4 [1075],[14] phụ tá là Nguyễn Bồi. Phía Tống, Cung phụng quan Cáp môn chi hầu Thành Trác cầm đầu, Đặng Tích làm phụ tá; nơi hội đàm vẫn là Kế Nghị Biện Chính Cương Chí Sở  tại trại Vĩnh Bình [Bằng Tường thị, Quảng Tây]. Ngoài ra Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ Hùng Bản tại Quế Lâm, giữ nhiệm vụ trung gian giữa triều đình và phái đoàn Kế Nghị Biện Chính.
Lập trường của phía Tống nêu trong cuộc hội đàm như sau:
‘Những vùng đất mới đây Vương sư chiếm được đáng trả lại; còn những đất do quan lại [An Nam] mang đi qui minh,[15] thì khó mà trả lại. [16] (Trường Biên, quyển 349. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084])
Những vùng đất mới đây Vương sư chiếm được” chỉ những đất nhà Tống chiếm được trong cuộc chiến tranh Lý Tống; cụ thể là phần còn lại của châu Quảng Nguyên. Còn đất do “quan lại  mang đi qui minh” là đất do các Tù trưởng họ Nùng nạp cho nhà Tống. Kinh lược sứ Hùng Bản nêu lai lịch những vùng đất này như sau:
Vào thời Gia Hựu [1056-1059], bọn Nùng Tôn Đán đem động Vật Ác qui phụ, ban tên Thuận An châu; thời Trị Bình [1064-1067] Nùng Trí Hội đem động Vật Dương qui phụ, ban tên là Qui Hóa châu.[17] (Trường Biên, quyển 349. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084])[18]
Phía Đại Việt, Lê Văn Thịnh lập luận rằng những kẻ theo nhà Tống mang đất hiến, giống như tên trộm lấy vật của chủ mang đi; các động Vật Dương, Vật Ác đều coi như những tang vật ăn trộm, đáng phải hoàn lại chủ cũ:
Văn Thịnh lập luận rằng: “ Đất đai thuộc quyền sở hữu của chủ [Đại Việt], viên quan lại mang đất đi, là ăn trộm vật của chủ mang đi; chủ phải giữ tang vật của kẻ trộm, kẻ ăn trộm mang tang vật đi, pháp luật không cho phép, huống lại làm dơ đến đất đai tỉnh nội địa.”[19]
Lập luận của Sứ thần Lê Văn Thịnh rất sắc bén, nhưng không hiểu tại sao sau đó ông lại đổi sách lược, tỏ ra nhượng bộ; trong thư gửi cho Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ có đoạn như sau:
Trường Biên, quyển 349. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084]
Vào năm này, Thành Trác, Đặng Tịch cùng Sứ giả Nam Bình Lê Văn Thịnh, Nguyễn Bồi hội đàm, y như chiếu thư vào ngày Kỷ Tỵ tháng 10. Còn Lê Văn Thịnh gửi thư cho Hùng Bản rằng:
“Thành Trác nói: ‘Thượng Điện, Hạ Lôi, Ôn, Nhuận, Anh, Giao, Vật Dương, Vật Ác, Kế, Thành, Cống, Lục, Tần, Nhiệm Động, Cảnh Tư, Hà Kỷ huyện, gồm 18 xứ[20]thuộc đất tỉnh nội địa, biên giới tại phía nam. Tiểu tử Bồi thần nghe theo mệnh, không dám tranh chấp…[21]
Sử nước ta Cương Mục cho rằng Lê Văn Thịnh giữ thái dộ mềm dẻo, đã lấy được một số đất, Cương Mục chép như sau:
(Giáp Tí, năm th 9 (1084). (Tng, năm Nguyên Phong th 7).
Tháng 6, mùa hạ. Sai Lê Văn Thịnh sang bên Tống, bàn định việc cương giới. Bấy giờ, bờ cõi giữa nước ta và nhà Tống chưa được ngã ngũ. Nhà vua sai Binh Bộ thị lang Lê Văn Thịnh sang Tống để hội nghị, nhà Tống trả lại ta 6 huyện và 3 động.
Theo Danh tiết lục của Trần Ký Đằng, Lê Văn Thịnh sang Quảng Tây, hội nghị với tuần kiểm ti nhà Tống, là Thành Trác. Văn Thịnh thường giữ thái độ mềm dẻo, từ từ lấy lý lẽ mà giải thích, và nói “kẻ bồi thần này không dám tranh giành”. Vua Tống khen là biết cung kính, biết lẽ phải, bèn hạ chiếu trả lại cho ta 6 huyện Bảo Lạc và 6 động Túc Tang.
Hoặc giả Sứ thần Lê Văn Thịnh xét tình hình bấy giờ, thấy rằng phía nhà Tống không thể nhượng bộ thêm, nên thỏa hiệp chăng? Riêng câu nói “Tiểu tử Bồi thần nghe theo mệnh, không dám tranh chấp; người viết trộm nghĩ rằng dù khéo nói đến đâu cũng không nên nói như vậy; vì tranh chấp là sứ mệnh của Sứ thần tranh luận về biên giới!
Lời nói của Lê Văn Thịnh coi như phá vỡ bế tắc, Kinh lược Hùng Bản báo về triều, Vua Tống ban chiếu trả lại đất đã lấy trong cuộc chiến tranh Lý Tống cho Đại Việt, riêng phần đất do những người họ Nùng nạp cho Tống trước kia thì không trả:
Trường Biên, quyển 348. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084]
Ngày Mậu Tý 21 tháng 8 [23/9/1084], bàn về cải chính biên giới An Nam, Thành Trác tâu đã cùng bọn Lê Văn Thịnh cải chính, xin giảng chiếu ban cho An Nam. Chiếu ban Hùng Bản để hỏi Thành Trác:
“Qua thông điệp cùng đích thân Lê Văn Thịnh nói rằng không dám tranh chiếm những châu động do Nùng Trí Hội, Nùng Tôn Đán nạp; có thể dựa vào đó mà ban chiếu cho An Nam không? ”
Hùng Bản tâu:
“Thành Trác căn cứ vào lời Lê Văn Thịnh nói: ‘Như Thành Trác bàn, tại phía nam các động Vật Dương, Thuận An  hoạch định biên giới, Bồi thần không dám tranh chấp; như vậy việc cải chính biên giới đã có bằng cớ rõ.”
Chiếu ban cho Giao Chỉ 8 xứ huyện, động ngoài ải; lại ban cho Sứ thần và Phó đại y phục, Lê Văn Thịnh 500 bộ, Nguyễn Bồi 300 bộ.[22]
Với nội dung tương tự như văn bản nêu trên, Vua Tống Thần Tông chính thức gửi chiếu thư cho Vua Lý Nhân Tông nước Đại Việt như sau:
Trường Biên, quyển 349. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084]
Ngày Mậu Tý tháng 10 [22/11/1084], sắc Giao Chỉ Quận vương Càn Đức biết:
“Ty Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ tâu:
‘Mới đây được triều mệnh về việc An Nam tâu rằng các châu động thuộc khe động Vật Dương, Vật Ác, cương giới chưa rõ ràng. Lệnh bản ty hội bàn với bản đạo sai quan biện chính. Nay chuẩn cho An Nam sai bọn Lê Văn Thịnh đến, biên giới đã được biện chính; xin giảng chiếu chỉ để An Nam tuân theo.’
Xem các tờ tâu trước kia trình bày về biên giới, đặc mệnh các quan tại biên giới bàn bạc biện chính. Khanh vốn được ân sủng tước lộc, đời đời trung thuần; hãy khâm phụng chiếu chỉ, thân sức các quan dưới quyền, phân hoạch châu động, đầu đuôi đã rõ ràng: Hai động Vật Dương, Vật Ác đã đặt chỉ huy coi sóc; dùng  8 ải sau đây làm biên giới: Canh Kiệm, Khâu Cự, Khiếu Nhạc, Thông Khoáng, Canh Nghiễm, Đốn Lợi, Đa Nhân, Câu Nan. Ngoài biên giới có 6 huyện: Bảo, Lạc, Luyện, Miêu, Đinh, Phóng; 2 động Túc, Tang,  giao cho khanh lãnh làm chủ. Khanh hãy thể theo lòng quyến luyến, càng ôm lòng cung thuận, cẩn thận tuân theo giao ước, chớ dung túng xâm lấn.”[23]
Chiếu thư của vua Tống xác định “Hai động Vật Dương, Vật Ác đã đặt chỉ huy coi sóc”, tức do nhà Tống cho đóng quân cai trị.  Lịch sử ghi nhận 2 vùng đất, đều do người họ Nùng giao nạp; Nùng Trí Hội nạp động Vật Ác, được nhà Tống đổi tên là Thuận An châu; Nùng Tông Đán nạp châu Vật Dương, Tống đổi tên là Qui Hóa châu; theo bản đồ Quảng Nam Tây Lộ thời Bắc Tống; vị trí hai châu Thuận An và Qui Hóa hiện nay đều thuộc Tĩnh Tây thị [Jingxi Guangxi]  tỉnh Quảng Tây. Về phần đất dành cho Đại Việt, chiếu thư ghi như sau: “Ngoài biên giới có 6 huyện: Bảo, Lạc, Luyện, Miêu, Đinh, Phóng; 2 động Túc, Tang,  giao cho khanh lãnh làm chủ”; tra cứu về 6 huyện, 2 động hiện nay, chỉ biết chắc rằng Bảo, Lạc tức huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Các địa danh Tĩnh Tây thị [Jingxi Guangxi], Bảo Lạc; có thể tìm thấy trên bản đồ Google hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét