Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

8082 - Tự do Tôn giáo ở Việt Nam: một năm nhìn lại!


Ông Bùi Văn Trung trong phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 9/2/2018.
Ông Bùi Văn Trung trong phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 9/2/2018.


Chính phủ Hà Nội tuyên bố với thế giới rằng quyền tự do tín ngưỡng- tôn giáo của người dân luôn được tôn trọng. Minh chứng được đưa ra là tại những thành phố lớn số chùa chiền, nhà thờ được tu sửa, xây dựng mới khá nhiều và mỗi dịp lễ tôn giáo đông đảo tín đồ tham dự…Tuy nhiên ngoài bề nổi của những giáo hội phải nương theo Nhà Nước để tồn tại thì những hội thánh không chấp nhận sự can thiệp của chính quyền vào hoạt động tôn giáo của họ tiếp tục gặp muôn vàn khó khăn; đặc biệt do chính quyền địa phương gây nên.

Tín đồ vẫn bị đàn áp vì đức tin

Năm qua, thành viên và tín đồ thuộc các tổ chức tôn giáo không được Hà Nội thừa nhận như Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Khối Nhơn Sanh Cao Đài Chơn Truyền, Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy, Cộng đồng Thiên Chúa Giáo người sắc tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên – Montagnards, Hội thánh tin lành Đấng Christ, Hội Thánh Lutheran… thường xuyên bị chính quyền đe dọa, cản trở việc hành đạo.
Một vị mục sư dấu tên chia sẻ với RFA nhận định của ông như sau:
Trong năm vừa qua, tình hình tự do tôn giáo Việt Nam rất tồi tệ. Không có quyền tự do cho anh em ở trong nước, đặc biệt là ở Tây Nguyên. Tất cả những anh em cộng đồng sắc tộc của chúng tôi tại Tây Nguyên đang gặp rất nhiều khó khăn, bắt bớ vì hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Tôn giáo nào (chính quyền) có thể giám sát được thì tôn giáo đó được tự do một chút. Còn tôn giáo nào không giám sát được thì (chính quyền) luôn luôn cảnh giác, đến từng nhà anh em để hù dọa, bảo anh em phải từ bỏ hội Thánh đó.
Một  số báo cáo quốc tế từng nêu rõ chính quyền địa phương Việt Nam thường yêu cầu những người sắc tộc thiểu số phải từ bỏ niềm tin Thiên Chúa Giáo; nếu không sẽ bị buộc phải rời làng quê.
Những người Thượng Tây Nguyên bỏ trốn từ Việt Nam sang Campuchia tìm quy chế tỵ nạn hôm 22/7/2004.
Những người Thượng Tây Nguyên bỏ trốn từ Việt Nam sang Campuchia tìm quy chế tỵ nạn hôm 22/7/2004. AP

Thầy truyền đạo Y Jon Ayun, từng ngụ tại Buôn Puăn B, Xã Ea Phê, Huyện Krông Pắc, Tỉnh Đăk Lắk, và nay phải trốn sang Thái Lan vì không muốn tiếp tục bị bách hại xác nhận:
Từ năm 2013, tôi đã gia nhập phái Tin Lành Đấng Christ, và từ đó đến bây giờ họ liên tục mời miếc. Vào năm 2013, họ đánh đập tôi rất dã man. Tới ngày 14 tháng 10 vừa qua họ mời tôi họp dân, và nói là phái Tin Lành Đấng Christ này chống phá đảng, nhà nước. Họ muốn trục xuất hai anh em mình ra khỏi buôn làng.
Ông Y Jon Ayun cho biết gương của một mục sư tên A Đào hiện đang bị ở tù khiến ông không dám có ý nghĩ trở về lại Việt Nam.
Các dịp lễ như Giáng Sinh thường là lúc chính quyền gây khó dễ cho các tín đồ. Mục sư Tin Lành Y Khen Bdap, ngụ tại Buôn Ea khit, Huyện Cư Kuiñ, tỉnh Đắk Lắk thuật lại vụ việc xảy ra với Hội Thánh của ông như sau:
Ngày 24/12/2018, vào khoảng 3 giờ 45 sau khi làm lều xong, Hội Thánh chuẩn bị thờ phượng Chúa thì lượng lực chính quyền xã và nhiều ban ngành, trong đó có 5 chiếc ô tô và hơn 30 xe honda gồm hơn 50 người xông vào ồ ạt bao vây Hội Thánh. Họ gọi tôi và nói tôi vi phạm pháp luật, nghiêm cấm tuyệt đối không được thờ phượng Chúa, không được tụ tập đông người, bắt ép tôi ký vào biên bản nhưng tôi không ký.
Vào sáng 25/12, lực lượng an ninh thường phục nói trên được nói lại tiếp tục xuất hiện và bắt ông Y Khen Bdap phải ký giấy tờ buộc ông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mục sư Y Khen Bdap bày tỏ lo lắng không biết sắp tới chính quyền sẽ làm những gì và ông cầu cứu:
Hội thánh chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp. Nếu không có ai giúp đỡ, Hội Thánh chúng tôi sẽ chết trong tay của chúng.
Một bản phúc trình dài 25 trang được công bố vào ngày 3/5 do Tổ chức Nhân Quyền Montagnards (MHRO) và Nhóm Vận Động Bãi Bỏ Tra Tấn tại Việt Nam (CAT-VN) nhấn mạnh cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục bách hại nặng nề những tín đồ Thiên Chúa Giáo người sắc tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên - Montagnards. Nhóm người này được nói bị đối xử như kẻ thù ngay tại quê nhà của họ.
Những tín đồ nếu thực hành tôn giáo của họ một cách độc lập hoặc chống lại biện pháp cưỡng chế đất đai, thì sẽ bị kết tội ‘làm gián điệp’ hay ‘muốn lật đổ chính quyền.’
Điển hình như vụ Mục sư Tin Lành Đinh Diêm thuộc Hội Thánh Lutheran không được Hà Nội thừa nhận ở Quảng Ngãi vào hôm 12/7 bị tòa án tỉnh này tuyên án 16 năm tù với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.’
Hoặc như vụ bốn gia đình người H’Mông có tổng cộng 24 thành viên vừa cải đạo sang Thiên Chúa Giáo đã bị tấn công khiến 4 người phải nhập viện vào hôm 19/3, theo Tổ chức Nhân Dân Và Các Quốc Gia Không Có Được Đại Diện – UNPO.

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Trung

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Trung Courtesy FB Đạo Tràng Út Trung


Đối với Phật giáo Hòa Hảo không theo Ban Trị Sự do chính phủ Hà Nội lập nên, Ông Nguyễn Văn Điểm, Cư sĩ Phật Giáo Hòa Hảo Truyền Thống, cho biết cảm nhận của ông trong năm qua.
Nhìn chung thì cũng có phần bị hạn chế về vấn đề tự do tôn giáo tại vì có nhiều anh em cũng bị khó khăn. Những đám tiệc trong làng Đạo cũng bị ngăn cản này nọ.
Thực tế cho thấy các vụ đàn áp, bắt bớ và bỏ tù các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy vẫn đang diễn ra. Hôm 24/5, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên y án sơ thẩm cho 6 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 245 và 257 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định vụ xử là biểu hiện mới nhất về chủ trương đàn áp của chính quyền nhằm vào các thành viên nhóm tôn giáo này. Ông nói thêm:
Chính quyền cần chấm dứt việc sách nhiễu và bắt bớ những người tham gia các nhóm tôn giáo không theo phái nhà nước và để cho người dân thực hành tín ngưỡng theo ý mình.
Cư sĩ Nguyễn Văn Điểm nhận định về phản ứng của người dân khi bị đàn áp.
Đối với lối sống của người nông dân thì thật ra những bức xúc có lời qua tiếng lại, nhưng đó là sự việc bình thường. Mình thấy con kiến mình đạp nó còn ngo ngoe mà.

Đàn áp giáo chức và cưỡng chế cơ sở tôn giáo

Tình trạng các chức sắc tôn giáo không theo phái nhà nước lập nên lâu nay bị sách nhiễu, thậm chí hành hung vẫn được ghi nhận trong năm qua.
Đáng chú ý là trường hợp của ông Hứa Phi, Chánh trị sự đạo Cao Đài, đồng Chủ Tịch Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, bị đánh đập vào hôm 22/6 trước khi ông được mời gặp viên chức đại sứ quán Úc.
Chánh trị sự Hứa Phi sau khi bị đánh và cắt râu hôm 22/6/2018
Chánh trị sự Hứa Phi sau khi bị đánh và cắt râu hôm 22/6/2018 FB Hứa Phi

Ông Hứa Phi từ trước đến nay từng nhiều lần bị đánh đập nặng nề mỗi khi ông tiếp xúc với giới ngoại giao nước ngoài. Nhà sản xuất cà phê của ông ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cũng đã bị đốt cháy vào cuối tháng 11 năm nay.
Ông Hứa Phi trả lời phỏng vấn với RFA hôm 29/11 cho biết từ đầu năm ông đã nhận được 12 giấy triệu tập của công an với cáo buộc ‘có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật cho bên ngoài, xúc phạm dân tộc Việt Nam.’
Một điển hình khác là linh mục Đặng Hữu Nam, người từng mạnh mẽ thay mặt giáo dân lên tiếng phản đối vụ ô nhiễm biển do Formosa gây ra, trong năm qua đã bị thuyên chuyển phụ trách giáo xứ, và bị chính quyền tỉnh Nghệ An liên tục tổ chức hội nghị đòi trục xuất ông khỏi địa phương. Bản thân ông cho biết thường xuyên bị côn đồ đột nhập vào giáo xứ để đe dọa. Linh mục Đặng Hữu Nam nói với chúng tôi.
Ở đâu mà các linh mục lên tiếng cho công lý, sự thật thì ở đó chắc chắn sẽ có đàn áp, ngăn cản, thậm chí việc dâng lễ thôi cũng đã khó khăn.
Bên cạnh đó, việc cưỡng chế, di dời các cơ sở tôn giáo không theo phái nhà nước với lý do phát triển đô thị, văn hóa cũng vẫn được ghi nhận trong năm 2018. Sáng 9/11, Chùa An Cư tại phường An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng đã bị lực lượng chức năng địa phương cưỡng chế. Thượng Tọa Thích Thiện Phúc, vị trụ trì Chùa An Cư, phải miễn cưỡng giao Chùa cho đoàn cưỡng chế để về Huế xin tá túc.
Trả lời phỏng vấn hôm 9/11, Thượng Tọa Thích Thiện Phúc nhấn mạnh với chúng tôi lý do cưỡng chế là vì chùa An Cư thuộc Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất không được Chính quyền Việt Nam công nhận. Ông nói:
Biết và đọc được ý nghĩ của họ là họ sẽ tìm cách phá tất cả các cơ sở của Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất. Họ không muốn tồn tại. Các thành viên của Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất thì bị họ đàn áp khốc liệt.
Ngoài ra, các vụ tranh chấp đất đai giữa cơ sở tôn giáo với chính quyền vẫn được ghi nhận trong năm 2018. Nổi bật là trường hợp Đan Viện Thiên An ở Huế, vụ cưỡng chế đất Nhà Dòng của Dòng Thánh Phaolô ở Hà Nội, tranh chấp công trình số 29 Phố giữa Tổng Giáo Phận Hà Nội và Ủy Ban Nhân Dân Quận Hoàn Kiếm.

“Tự do tôn giáo là nền tảng của nhân quyền.”

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo Việt Nam bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018. Nhiều cá nhân và các tổ chức trong và ngoài đã từng lên tiếng phản đối vì cho rằng Luật này thể hiện biện pháp đàn áp tự do tôn giáo một cách tinh vi hơn.
Trong một bài phỏng vấn với RFA hồi tháng 3, Tiến sĩ Ahmed Shaheed, Báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn Giáo, từng nhận định Việt Nam là một trong năm quốc gia có số lượng thông báo vi phạm tự do tôn giáo cao nhất trên thế giới trong suốt thập niên qua.
Tiến sĩ Admed Shaheed cho hay tự do tôn giáo tín ngưỡng là nền tảng của nhân quyền và không thể bắt đầu với sự thừa nhận của nhà nước.
Phúc trình của ông nhấn mạnh bất cứ ai cũng đều có quyền tự do tôn giáo, và sự thừa nhận của nhà nước chỉ là quy trình giúp bảo vệ quyền này chứ không thể ngược lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét