Vài mươi năm trôi qua, đất nước từ chỗ hàng dài người xếp hàng chờ miếng thịt heo, ký gạo hạt muối của bà lương thực, đã chuyển sang xếp hàng dài mua đồ hiệu vào Black Friday. Nhiều người tự hỏi đâu rồi cái thời hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, đâu rồi cái thời lương y như từ mẫu, đâu rồi cái thời cô giáo như mẹ hiền. Ơ không, đất nước đã đổi màu, người ta tranh giành nhau từng cm vuông đất, từng mét khối khí thở, người ta mặc nhiên chẳng ngạc nhiên gì khi bá c sĩ bị bêu tên, nhà giáo vào quán bar dùng ma túy hay vài anh lãnh đạo làng, xã, huyện, công ty, vài anh mang danh trí thức cướp trắng thứ gì của ai hay là đầu đời của một nàng con gái, một chàng con trai… Đôi khi tôi tự hỏi, người ta đang sống hay sống để chết, một cái chết chẳng chi tức tưởi bởi người ta chọn vậy.
Với hơn 23 triệu người làm việc trong nông nghiệp, chiếm tỷ lệ khoảng 25% dân số Việt Nam hiện tại so với con số 80% trước đây, rõ ràng đã có sự chuyển dịch đáng mừng trong cơ cấu kinh tế hiện tại của đất nước. Du lịch mở cửa, nhiều nơi trước đây là đất trống, nhà thưa, biển hoang, đảo hẹp giờ đã trở thành điểm đến du lịch của nhiều du khách. Người dân cũng nhờ đó mà chuyển dần ngành nghề từ nông nghiệp sang kinh doanh, dịch vụ. Cộng thêm với các nhu cầu về lao động trình độ cao, các nhóm ngành nghề mới xuất hiện, lao động trẻ ngày càng học hỏi để có thể thích ứng và đáp ứng các nhu cầu mới của công việc. Riêng ở nông thôn, nơi có số đông lượng thanh niên trong độ tuổi lao động, với đặc thù nông nghiệp nhỏ lẻ, năng suất không cao, mang lại thu nhấp thấp hoặc lỗ vốn, cộng thêm sự giúp sức của một số máy móc nông nghiệp nên bản thân những thế hệ lớn tuổi vẫn có thể tự làm ruộng, làm vườn kiếm chén cơm con cá được… Người trẻ dần tiến vào Nam, tiến ra thành phố và phần đông vẫn chọn vào các khu công nghiệp, nơi giải quyết được nhu cầu việc làm của họ và không phải phơi nắng phơi sương.
Sự chuyển dịch kinh tế với nhiều việc làm mới được tạo ra và mang lại nguồn thu nhập lớn hơn trước đây cũng chính là căn nguyên của vấn đề. Đến đây, khi mọi sự không còn nằm trong miếng cơm, manh áo mà chuyển sang đặc sản vùng miền, đặc sản các quốc gia khác, mặc hàng hiệu, nhà triệu đô, lớp trẻ cuống cuồng trong cơn lốc mới của thời đại để rồi họ đang sống, thế hệ trước đang sống hay chỉ là sự sống để chết. Trong một sự khoanh vùng đại đa số nào đó, bỏ qua một bộ phận nhỏ những con người đang sống với ý nghĩa con người, người ta hình dung đến hai bộ phận thanh niên đang ở lưỡng lự trong cái sống để chết này.
Những người nông dân tay lấm chân bùn, ít suy nghĩ hoặc không muốn nghĩ gì bởi đời họ đã gắn với con trâu, máy cày, đám ruộng, luống rau… Họ cặm cụi làm lụng và hối hả với những đợt thuốc tăng trưởng, tăng trọng từ Trung Quốc, những loại nông sản thời vụ hoặc thi thoảng có đôi người đánh đổi để theo một loại nông sản mới… đôi khi chỉ vì mục đích kiếm gạo nuôi con, nuôi con ăn học. Con cái chịu khó ăn học nên người thì bản thân nhờ, cha mẹ nhờ, con cái phụ thuộc tiền cha mẹ làm ra và bắt đầu học đòi. Sở hữu cái này, tán gái kiểu kia, trang điểm kiểu nọ… không ít “cô chiêu cậu ấm nhà nghèo” dùng cả nắm tiền từ từng đồng chắt chiu của cha mẹ để thỏa mãn với cái thú vui thời cuộc, để bằng người bằng bạn. Họ thiêu thân vào những đề đóm, ma túy, mại dâm ở các vùng quê nghèo hoặc ven thị… Ngặt nỗi cha mẹ vì thiếu chữ, thiếu sức mạnh trong lời nói, hoặc là cả đời không biết ngoài kia con cái sao, hoặc giả bất lực.
Những nông dân bỏ cày bỏ cuốc, theo thời đại với dịch vụ, kinh doanh. Tiền làm ra với họ như nước khi ngày đến là tiền vào, hoặc kiểu này, hoặc kiểu nọ hoặc đất lên giá. Họ bận bịu với công việc và thuê các gia sư, người giúp việc hoặc cho con tiền hằng ngày để chúng tự lo. Để rồi con cái họ dần dà xa rời mọi thứ, ý nghĩa cuộc sống chẳng còn gì ngoài các cuộc vui hoặc phá phách. Không cần học bởi suy cho cùng cũng chỉ để kiếm tiền, không cần làm bởi ngồi không đã có tiền cha mẹ chu cấp. Họ chẳng cần sống mà chỉ tìm đến cảm giác đang sống hoặc sống để chết. Những cuộc thác loạn, đua xe, băng nhóm, bão… đời đôi khi là một phút huy hoàng rồi chợt tắt cũng ý nghĩa với họ.
Phải chăng, dòng thời gian trôi nhanh như những bánh xe lăn bánh trên đường. Người ta vừa quen với xe đạp thì xe máy Trung Quốc đã lăn bánh đầy đường, người ta chưa kịp làm xong đường cho xe máy thì ô tô đã đỗ khắp mọi ngõ? Người ta chưa kịp hồi tỉnh sau cơn binh biến thì việc bị tính miếng ăn đổ xuống đầu, chưa kịp chuẩn bị tinh thần thì kinh tế mới đã gõ cửa? Phải chăng khi nền tảng văn hóa chưa vững thì mọi thứ dường như vô nghĩa? Người nông dân thuần chưa kịp chuẩn bị cho mình nền tảng để dạy con cái, để đương đầu với thực tại, người nhà buôn, người nông dân làm giàu theo thời mới chưa kịp chuẩn bị cho mình một nền tảng để có thể sống giữ đúng mình trước cơn lốc tiền bạc, để trân giữ giá trị gia đình và dạy dỗ con cái?
Không có gì ngạc nhiên với việc người ta “buôn chổi đót để xây biệt phủ”, việc một người làm quan cả họ làm quan, việc bác sĩ chỉ lên lịch mổ khi đã được ‘bồi dưỡng’, việc thầy giáo tấn công tình dục học sinh hay cô giáo dùng thuốc lắc, vào nhà nghỉ, tát tai học trò hay việc học trò đấm đánh giáo viên. Suy cho cùng khi giá trị đạo đức ngủ quên hoặc bị đánh cắp thì người ta chẳng cần nghĩ gì đến việc đang sống hay sống để chết. Một xã hội lao dốc hay một xã hội thiêu thân hay một xã hội tỉnh thức…? Dường như lúc này, câu trả lời đã rõ và đôi khi người ta tự huyễn hoặc mình bằng một thứ gì đó cũng rất huyễn hoặc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét