Ngày 20-12, cuộc hội thảo về triển vọng của Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) được tổ chức tại Paris, nhằm đánh giá những cơ hội cho cả hai bên trong thời gian tới. Các nhà chính trị và chuyên gia kinh tế Pháp cho rằng hiệp định này rất quan trọng và có lợi cho cả hai bên, do đó cần sớm hoàn tất việc phê chuẩn.
Hội thảo "Quan hệ đối tác kinh tế Việt - Pháp ngày càng được tăng cường. Các triển vọng của Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - EU" được tổ chức vào ngày 20/2/2018 tại Paris không còn phát ra thông điệp ‘EVFTA sắp được ký kết và đi vào thực hiện’ hoặc ‘Việt Nam thành công với việc EVFTA sắp được ký kết’, mà chỉ rụt rè với câu ‘đang chờ Nghị viện châu Âu và 28 nước thành viên phê duyệt’.
Cuộc hội thảo trên do Hội Hữu nghị Pháp - Việt, Hội người Việt Nam tại Pháp và Hội "Nhà Việt Nam" phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 45 quan hệ ngoại giao và năm năm quan hệ đối tác chiến lược, được báo đảng Nhân Dân tường thuật.
Vì sao lại có sự thay đổi đáng kể về giọng điệu và ngữ điệu của các cơ quan tuyên truyền Việt Nam khi đề cập về thì tương lai gần của EVFTA, khi mới cách đây vài tháng bầu không khí tuyên truyền này vẫn còn rất phấn khích và đắc thắng?
Cần nhắc lại, ngay khi hồ sơ EVFTA được Ủy ban châu Âu tổ chức điều trần tại Brussels vào tháng Mười năm 2018 và sau đó Ủy ban Thương mại châu Âu có tờ trình cho Cộng đồng châu Âu (cơ quan cấp trên của ủy ban này) đề xuất cho phép ủy ban này ký với Việt Nam về EVFTA, khả năng lớn là EVFTA sẽ được ký kết trong tháng 11 hoặc chậm lắm là 12 năm 2018, để sau đó còn được đệ trình cho Nghị viện châu Âu để bỏ phiếu quyết định.
Nhưng trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2018 đến nay, đã xảy ra một động thái mà chính phủ lẫn các cơ quan tuyên truyền của Việt Nam rất có thể đã bị sốc và bị kéo chân xuống mặt đất gồ ghề và trần trụi. Đó là việc vào ngày 15/11/2018, Nghị viện châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền mà đã nhấn kỳ vọng ‘EVFTA được ký kết’ từ xác suất cao hoặc rất cao xuống mốc 50/50.
Khác nhiều với quan điểm không mấy rõ ràng và dứt khoát của Ủy ban châu Âu, ngay phần đầu của nghị quyết 2018/2925(RSP) đã khẳng định: “Quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam phải căn cứ trước hết trên nền tảng tôn trọng nhân quyền, dân chủ và pháp quyền; và trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế về lĩnh vực này”.
Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về các quyền tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do báo chí và Internet, bắt bớ người hoạt động nhân quyền, đàn áp người biểu tình, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Động thái tung ra bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện châu Âu vào ngày 15/11/2018 đã hàm ý như một thông điệp trực tiếp cho Cộng đồng châu Âu về quan điểm ‘nhân quyền trước hết’, trước khi cơ quan này họp để quyết định có cho phép Ủy ban châu Âu ký EVFTA với Việt Nam hay không.
Bản nghị quyết trên cũng chính thức xác lập quan điểm rất rõ ràng của Nghị viện châu Âu về EVFTA. Điều đó có nghĩa là cho dù EVFTA có được Cộng đồng châu Âu cho phép ký kết, nhưng tại cuộc họp vào tháng Ba năm 2019, rất có thể Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu phản bác hiệp định này, đưa mối quan hệ giữa châu Âu và Việt Nam về thời… tiền sử.
Hoàn toàn có thể hiểu rằng bản nghị quyết nhân quyền trên chính là điều kiện cần để Cộng đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu lấy đó là thươc đó chính yếu trong việc xem xét có ký kết EVFTA với Việt Nam hay là chưa hoặc không. Và kết quả cho đến giờ này là chưa ký.
Mà EVFTA chưa ký thì không thể nào trình cho Nghị viện châu Âu được. Nói cách khác, động tác EVFTA ‘đang chờ Nghị viện châu Âu và 28 nước thành viên phê duyệt’ mà báo đảng Nhân Dân tường thuật chỉ là công đoạn sau của việc ký kết EVFTA.
Từ trước khi hồ sơ EVFTA được Ủy ban châu Âu tổ chức điều trần tại Brussels vào tháng Mười năm 2018, đã xuất hiện nhiều cảnh báo từ giới quan chức châu Âu về việc nếu EVFTA không kịp được phê chuẩn trước khi Nghị viện châu Âu tổ chức bầu cử, sẽ không có gì chắc chắn là nghị viện mới của châu Âu - với nhiều gương mặt nghị sĩ mới và quan điểm cũng khác biệt - sẽ dễ dàng thông qua EVFTA. Thậm chí trong trường hợp ‘xấu nhất’, bản hiệp định này sẽ bị một nghị viện mới bộn bề công việc, trong đó bao gồm cả quan điểm chiếm số đông về không thể chấp nhận cho một nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng được hưởng lợi từ thị trường chung châu Âu, gạt phắt sang một bên để số phận của EVFTA cũng hẩm hiu tương tự như Hiệp định TPP vào đầu năm 2017 khi bị Mỹ rút ra.
Vào lúc này đây, giới chóp bu Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ quyết định và sống còn cho sự tồn tại được ngày nào hay ngày đó của thể chế này: nếu không thực tâm cải thiện nhân quyền và cả cải cách chính trị, sẽ chẳng có bất kỳ tương lai nào cho EVFTA - cả về ký kết lẫn triển khai hưởng lợi sau ký kết.
Thời gian của EVFTA đang là kẻ thù của giới chóp bu Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét