Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

8146 - Cuộc đấu tranh đòi đất đầu tiên trong bang giao Việt-Trung (P5)






5. Tiếp tục ngoại giao đòi đất cùng vụ án Lê Văn Thịnh

Theo Toàn Thư, Lê Văn Thịnh được thăng chức Thái sư vào năm Quảng Hựu thứ nhất [1085]; Thái sư là chức quan cao nhất dưới thời quân chủ; thăng sau lúc đi sứ về; chứng tỏ vua Lý Nhân Tông thưởng  cho Văn Thịnh vì có công trong việc giành lại đất. Tuy nhiên nhà Vua vẫn chưa hài lòng việc nhà Tống không chịu trả lại các động Vật Dương, Vật Ác;[1] nên vẫn tiếp tục liên lạc ngoại giao đòi hỏi. Vua Triết Tông lấy cớ mới lên ngôi, phải tuân theo mệnh của vua cha không thể sửa đổi, bèn từ chối:
Trường Biên, quyển 357. Năm Nguyên Phong thứ 8 [1085]
Ngày Bính Tuất tháng 6 [18/7/1085], ban cho Giao Chỉ Quận vương Lý Càn Đức chiếu rằng:
“Tỉnh dâng biểu trình bày về cương giới các động Vật Dương, Vật Ác; đã hiểu rõ. Khanh trước kia thời Tiên đế [Thần Tông] mấy lần tự thuật về biên cương; đã giảng chiếu dụ đầu đuôi rất rõ ràng, đặc cách xét theo lời yêu cầu, cắt đất ban cho. Nay chợt xem lời tâu, lại còn phân trần. Trẫm vừa thừa mệnh, cần tuân theo liệt thánh trước, mệnh đã định, về đạo nghĩa khó mà sửa đổi. Nên gắng lòng trung, tuân theo chiếu chỉ trước.”
Do Càn Đức dâng thư, xin sắc ban cho các động Vật Dương, Vật Ác; Khu mật viện tâu nên giảng chiếu thuật lại chiếu chỉ triều trước, lệnh Càn Đức tuân theo.[2]
Vua Lý Nhân Tông nước ta không bằng lòng lập luận vua Triết Tông nhà Tống cho rằng đã hoàn thành việc trao trả đất. Qua thư gửi cho Vua Tống, với lời lẽ thống thiết nhà Vua trình bày công lao của tổ tiên xông pha nơi gian lao nguy hiểm mới có được các động Vật Dương, Vật Ác, chẳng may kẻ dưới làm phản mang đất nạp, nên cương quyết đòi trả:
Trường Biên quyển 380. Tống Triết Tông năm Nguyên Hựu thứ nhất [1086]
Ngày Nhâm Tý tháng 6 [8/8/1086], Giao Chỉ Quận vương Lý Càn Đức tâu:
“Ấp của kẻ dưới có 2 động Vật Dương, Vật Ác, 8 huyện tiếp giáp với tỉnh nội địa; trước sau bị kẻ giữ đất làm phản, đem thân qui thuận. Vật Dương vào năm Bính Thìn [1076] bị thu vào đất tỉnh, Vật Ác vào năm Nhâm Tuất [1082] bị thu, lập ải Thông Khang. Tuy những đất này chỉ nhỏ như viên đạn, nhưng rất đau đớn trong lòng, thường không rời trong giấc mộng; thực do tổ tiên thần trước đây giết, bắt kẻ tiếm nghịch, xông pha nơi gian nan nguy hiểm, liều chết mới có được. Nay kẻ hậu sinh không thừa kế được tổ tiên, chưa tròn phận sự nơi cương vực, chỉ sống tạm trong khoảnh khắc mà thôi. Vào năm Giáp Tý [1084], ty Kinh lược Quảng Tây từng đem sự việc tâu lên triều trước [Thần Tông], bèn đem 2 động Túc, Tang , 6 huyện cho thần quản lãnh. Xét Túc, Tang hiện thuộc ấp của kẻ dưới; không phải là đất thỉnh cầu ngày nay, nên không dám bái mệnh. Nay gặp lúc Bệ hạ canh tân trong nước, cẩn thận dâng biểu tâu lên trình bày sự việc.”
Chiếu thư đáp:
“Trước đây quan tại biên giới tâu, viên Thủ lãnh [chỉ Lý Thường Kiệt] của khanh xâm lăng biên thùy nước ta; tiên Hoàng đế [Thần Tông] với lòng khoan nhân, đích thân ban chiếu dụ cho cải chính biên giới, cùng xét rõ đặc cách cắt khu Khang ải, để làm vật vua ban ơn. Dư âm như tồn tại, nét mực vẫn  còn tươi; đáng nên nghĩ đến sự bao dung, kính cẩn tuân theo phân hoạch; cớ sao mấy lần tâu cáo, vẫn cố chấp con đường mê. Lại đòi hỏi biên giới mới làm vật cũ của mỉnh; lòng tham không chán, còn đâu thấy được việc thờ người trên! Phải chăng ý của khanh như vậy, hoặc do người khác xui nên mê hoặc? Huống các châu động này từ xưa vốn là dân của vua, một lần lấy lại đất Quảng Nguyên, cho đến việc ban cấp châu Thuận, đất đai của khanh vốn không xâm phạm. Khanh hãy đem hết lòng chí thành, tuân theo chiếu chỉ trước, cẩn thận giữ đất phong, chớ mưu mô sinh sự; gắng sức đáp ứng với lòng quan hoài, để vĩnh viễn được ân sủng.”
Lại ra lệnh cho Kinh lược sứ Miêu Thời Trung gửi thông điệp giải đáp những điểm khó khăn.[3]
Bức thư của Vua nhà Lý làm lời mở đầu cho Sứ bộ với danh nghĩa triều cống, đến Trung Quốc nghị bàn về biên giới. Phía nhà Tống lo sợ Đại Việt dùng binh gây áp lực, bèn chuyển quân từ phương bắc đến biên giới Việt Hoa, chuẩn bị đối phó với tình hình:
Trường Biên, quyển 390. Năm Nguyên Hựu thứ nhất [1086]
Ngày Kỷ Dậu tháng 10 [3/12/1086], Khu mật viện tâu:
“Ty Kinh lược an phủ sứ Quảng Tây báo sau khi người Giao vào cống, lo rằng bọn chúng sẽ thêm chuyện làm điều trái; xin sai tăng quân phòng thủ.”
Chiếu ban ty Đô kiềm hạt Quảng Nam Tây Lộ nếu như do thám được người Giao thực sự lúc hoãn lúc gấp tiến hành điều sai trái, thì một mặt điều động Đệ bát tướng đang trú đóng tại đông nam Đàm Châu [Hồ Nam; Xiangtan Hunan] đến Quế Châu đóng [Quế Lâm, Quảng Tây; Guilin Guangxi]; lại ra lệnh ty Kiềm hạt Kinh Hồ [Hồ Bắc, Hồ Nam] chờ cho quân Quảng Tây [Guangxi] điều động thì sai quân đi, cùng trình lên để biết. Đang bàn tính từ kinh đô điều dộng quân xuống Hồ Nam [Hunan] bổ sung; cùng sai 3 Chỉ huy quân Hổ Dực đến ty Kiềm hạt Hồ Nam trú đóng, nhắm hoàn bị việc điều động binh tướng để thêm vào việc sai phái. Chờ khi người Giao vào cống, thì lập tức điều động.[4]
Sứ bộ Đại Việt do Lê Chung cầm đầu trước khi đến kinh đô, đi qua Ung châu [Nam Ninh] gặp viên Tả tàng khố phó sứ Thành Trác, viên quan này trước kia đã từng hội đàm với Lê Văn Thịnh. Tại đây Lê Chung báo cho Thành Trác biết nhiệm vụ Sứ bộ là tiếp tục đòi đất tại biên giới; ngoài ra còn yêu cầu Thành Trác cho sao lục những thư từ của cựu Sứ thần Lê Văn Thịnh trước đây gửi cho triều đình và quan lại nhà Tống. Điều này có thể rọi thêm ánh sáng về vụ án Lê Văn Thịnh thời Lý Nhân Tông năm Hội Phong thứ 5 [1096], Toàn Thư chép, bản dịch như sau:
“Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm [Hồ Tây, Hà Nội], ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: “Việc nguy rồi!”. Người đánh cá là Mạc Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Thưởng cho Mục Thận quan chức và tiền của, lại cho đất ở Tây Hồ làm thực ấp”.[5]
Xét về việc Lê Văn Thịnh biến thành hổ giết vua hiển nhiên đã vô lý; điều kế tiếp là Lê Văn Thịnh sau đó bị an trí tại Thao Giang cũng vô lý luôn; nếu quả Lê Văn Thịnh mưu giết vua, tức phạm tội đại hình, cớ sao chỉ an trí?
Qua sự kiện Sứ thần Lê Chung được giao việc sao lục các văn thư và lời nói của Lê Văn Thịnh gửi cho vua quan triều Tống, chứng tỏ Vua Lý Nhân Tông lúc này nhận được báo cáo rằng Lê Văn Thịnh đã gửi những văn thư cho nhà Tống mà không trình cho nhà Vua biết, nên cần phải điều tra. Ngược dòng thời gian, vào năm 1084 trong cuộc hội đàm cương giới, phái đoàn Lê Văn Thịnh giành lại được 6 huyện, 2 động. Với thành tích này, sau khi trở về nước Văn Thịnh được thăng chức Thái sư. Nhưng ông ta không tâu báo hết với Vua về những thư từ giao dịch với vua quan nhà Tống; bí mật này cũng như chiếc kim để trong bọc, lâu ngày sẽ lộ ra.
Đến khi Sứ thần Lê Chung trở về nước, Vua nhận được bản sao các văn thư, đại loại như thư gửi cho Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ Hùng Bản có đoạn như sau:
Lê Văn Thịnh gửi thư cho Hùng Bản rằng:
“Thành Trác nói: ‘Thượng Điện, Hạ Lôi [huyện Đại Tân, Quảng Tây], Ôn, Nhuận, Anh, Giao, Vật Dương, Vật Ác, Kế, Thành, Cống, Lục, Tần, Nhiệm Động, Cảnh Tư, huyện Hà Kỷ gồm 18 xứ thuộc đất tỉnh nội địa; biên giới tại phía nam. Tiểu tử Bồi thần nghe theo mệnh, không dám tranh chấp.[6] (Quyển 349. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084])
Rõ ràng nội dung thư gửi cho Hùng Bản hoàn toàn trái ngược với quan điểm của nhà vua quyết đòi các động Vật Dương, Vật Ác, được trình bày trong thư gửi cho Vua Triết Tông trích ở trên. Thư Văn Thịnh gửi cho người nước ngoài, trái với chính sách của nhà Vua, lại không cho Vua biết; dưới thời quân chủ việc làm như vậy phạm tội “khi quân”; vì là thầy học Vua, chắc nội vụ được xử kín trong cung đình; chỉ bắt đi an trí, tức quản thúc, chỉ định nơi cư trú mà thôi. Người ngoài không biết đầu đuôi, nên dư luận đồn thổi rằng Văn Thịnh có phép biến thành hổ mưu giết Vua, nên bị đày![7]
Cũng nên hiểu về thân thế của Lê Văn Thịnh, người đậu thủ khoa đầu tiên dưới triều nhà Lý, cũng tương tự như Trạng Nguyên, lại từng được mời vào kinh đô dạy Vua học. Những ông Trạng trong lịch sử Việt Nam, thường tự thị tài năng, làm theo ý riêng, nên triều đình thường rất kiêng kỵ; chính quyền chuyên chế nhà Nguyễn chủ trương, quan không đặt Tể tướng,  khoa cử không lấy Trạng nguyên. Ông Trạng Thịnh,  thầy học của vua, lại là người cực thông minh; có lẽ qua những lần giao tiếp hội đàm, nắm bắt tình thế, thấy được hiện tại chỉ có thể lấy được một số đất như vậy, chứ không thể hơn; nên tự động giải quyết bằng lời nói khéo chăng? Cương Mục  có nhận xét, cũng cần tham khảo:
 “Văn Thịnh thường giữ thái độ mềm dẻo, từ từ lấy lý lẽ mà giải thích, và nói “kẻ bồi thần này không dám tranh giành”. Vua Tống khen là biết cung kính, biết lẽ phải, bèn hạ chiếu trả lại cho ta 6 huyện Bảo Lạc và 6 động Túc Tang.”[8]
Văn bản liên quan đến việc Sứ thần nước Đại Việt Lê Chung yêu cầu Thành Trác cho sao lục thư từ của Lê Văn Thịnh gửi cho triều thần nhà Tống như sau:
Trường Biên, quyển 393. Năm Nguyên Hựu thứ nhất [1087]
Ngày Mậu Thân tháng chạp [31/1/1087], Khu mật viện báo:
“Ty Kinh lược Quảng Tây tâu rằng Tả tàng khố phó sứ Đô tuần kiểm Tả Giang Ung Châu Thành Trác trình bày: ‘Tiến phụng sứ Lê Chung mật cáo rằng Quận Vương [vua Lý Nhân Tông] xin đất tại biên giới; nhưng chưa được chiếu thư trả lời. Xin sao lục thư của Lê văn Thịnh trình lên, cùng những lời tuyên bố của ông ta, để lúc trở về bẩm lại với Quận vương.’ Nếu Lê Chung đến kinh khuyết trình bày để xin đất, nên đem các thư dài của Lê Văn Thịnh chi tiết ngọn ngành bảo cho Lê Chung biết để hiểu. Mới đây Thành Trác thân minh rằng người Giao bàn bạc biên giới không nên để phải nói đi nói lại; hãy theo tình trạng như vậy giải quyết ban chiếu ngay; đừng để tương lai người Giao đến kinh khuyết [phái đoàn Lê Chung] dám trình bày láo, thì triều đình khó mà phân xử.”
Chiếu ban Miêu Thời Trung:
“Nếu người Giao không ngừng gửi văn thư về biên giới đất đai, thì đem lời giải thích, khiến cho chúng chịu phục; riêng Thành Trác lệnh ty Kinh lược lấy lý do thương lượng việc công dẫn đến Quế Châu [Quế Lâm].”[9]
Vua Tống Thần Tông mệnh Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ [Quảng Tây] Miêu Thời Trung giải quyết trước việc đất đai với Sứ bộ Lê Chung, không một chút nhượng bộ; nên lúc Sứ bộ đến kinh đô chỉ còn thủ tục nghi lễ, được nhà Vua ban chức tước. Riêng Thành Trác bị tội giáng chức vì tự tiện trao thư từ, tờ trình của Sứ thần Lê Văn Thịnh cho Sứ Đại Việt; việc này cũng chứng tỏ những thư từ đó khá quan trọng:
Trường Biên, quyển 400. Năm Nguyên Hựu thứ 2 [1087]
Ngày Ất Mão tháng 5 [7/6/1087],cho Tiến phụng sứ Giao Chỉ Triều tán lang hộ bộ viên ngoại lang Lê Chung làm Lại bộ viên ngoại lang; Phó sứ tuyên tiết phó hiệu úy tây đầu cung phụng quan cáp môn chi hầu Đỗ Anh Bối làm Đông đầu cung phụng quan Tây kinh tả tàng khố phó sứ.
Ung Châu Tả, Hữu Giang Đô tuần kiểm sứ Thành Trác bị phạt giao chức Nội điện thừa chế thiêm sai giám sát thuế rượu Quân Châu [Hồ Bắc], sai người đưa đi rồi giao phó cho nơi nhận. Do Khu mật viện tâu y có tội gánh vác công việc về giao dịch với người Giao không đúng; lại tự tiện sao lục thư và tờ trình của Lê Văn Thịnh cho An Nam.[10]
Triều Tống muốn xoa dịu Vua Lý Nhân Tông, nên phá lệ cũ phong nhà Vua từ  Quận vương lên tước Vương:
Trường Biên, quyển 403. Năm Nguyên Hựu thứ 2 [1087]
Ngày Canh Thân tháng 7 [11/8/1087], Giao Chỉ quận vương Lý Càn Đức được tấn phong Nam bình vương.[11]
Bấy giờ tình hình tại phia bắc nước Bắc Tống tương đối ổn định, quân Tống bắt được Thủ lãnh nước Tây Hạ là Quỉ Chương. Khởi đầu triều đình Tống chủ trương giữ Quỉ Chương tại biên giới để dụ người con ra hàng. nhưng viên Tiến sĩ Phạm Thuần Nhân con danh thần Phạm Trọng Yêm dâng sớ lập mưu rằng con Quỉ Chương sẽ không hàng vì nó nghĩ rằng “Cha ta sống do ta không hàng, nếu ta hàng thì 2 cha con đều chết”; vậy cách hay nhất là giết Quỉ Chương, công bố ra khắp nơi, nhắm cảnh cáo Giao Chỉ [Đại Việt] thường gây sự tại phương nam; nội dung trích dẫn như sau:
Trường Biên, quyển 406. Năm Nguyên Hựu thứ 2 [1087]
Ngày Bính Ngọ tháng 10 [25/11/1087], Chiếu ban Quỉ Chương[12] được đưa sang xe chở tù, do Hộ tống đại lý tự thẩm vấn báo cho biết, sẽ dẫn gặp Chuẩn tịch tù áp giải đến điện. Lúc đầu định giữ Ngụy Chương tại biên giới, Phạm Thuần Nhân[13] tâu:
…Nếu lưu mạng sống cho Quỉ Chương nhắm chiêu dụ con; người con sẽ nghĩ rằng: “Cha ta sống do ta không hàng, nếu ta hàng thì hai cha con đều chết.”; như vậy, không có lý nó theo triều đình…..
…..Giao Chỉ mới đây gây sự vô lối, nếu Quỉ Chương bị giết tại kinh sư, tin tức truyền ra 4 phương, e người Giao sợ nên phải đình chỉ âm mưu; khiến cho uy danh triều đính chấn động nơi tuyệt vức, thế nước tôn nghiêm.[14]
Mặc cho những ý đồ đe dọa, với tinh thần bất khuất Vua Lý Nhân Tông vẫn tiếp tục đòi hỏi các động Vật Dương, Vật Ác, và cảnh cáo việc xây đồn lũy, tăng cường phòng thủ tại biên giới. Vua Tống lại một lần nữa dùng chiếu chỉ thuyết phục cùng trấn an:
Trường Biên, quyển 413. Năm Nguyên Hựu thứ 3 [1088]
Ngày Ất Vị tháng 8 [9/9/1088], chiếu ban Lý Càn Đức rằng:
“Trẫm thể theo Tiên đế [Tống Thần Tông] thánh đức kiêm ái, mềm dẽo vỗ về   người phương xa; nên chẳng mấy chốc sau khi rút quân từ sông Phú Lương [sông Cầu], xét lời xin khẩn khoản của khanh, lấy các đất như châu Quảng Nguyên ban cấp. Rồi nhân thủ lãnh An Nam nhận lầm vào đất tỉnh nội địa, bèn sai quan biện chính [cải chính sai lầm] phân hoạch; lại từ bên ngoài 8 cửa ải, lấy 6 huyện, 2 động, cho khanh lãnh làm chủ; ơn đức ban ra như vậy, có thể nói đến nơi rồi! Trẫm tuân theo lời dạy vua trước, chỉ muốn yên biên cương; huống mấy lần giảng chiếu dụ hết sức rõ ràng; rằng các động Vật Ác, Vật Dương, không thể bàn lại nữa. Việc xây sửa sơn trại, cắt đặt quân phòng thủ, là việc bình thường tại biên cương; huống đất trước đó đã qui minh,[15] rồi sau mới xây, về lý không thể không được làm; như vậy còn có gì nghi ngờ nữa mà phải trình bày?
Đạo nghĩa phiên bang giữ đất, lấy lòng tin làm đầu; sự việc không có gì dối trá, Trẫm không nói lời thứ hai. Việc Thành Trác nhân đi tuần kiểm soát các ải, tự tiện lấy đồ vật vải vóc đưa cho thủ lãnh biên giới, vi phạm qui chế; mới đây ty Kinh lược kiểm soát biết được, bèn đưa lời tâu đàn hạch lỗi sinh sự, đã cho thi hành biếm trích; khanh có thể truy đòi những vật đó  rồi giao cho quan.
Với tấm lòng quyến luyến kẻ xa, nên hướng vào sự nghiệp cao cả mà gắng sức; thể theo tấm lòng hoài nhu, giữ yên bờ cõi để được hưởng nhiều phúc.”[16]
Thời cuộc Việt – Trung lúc bấy giờ ở thế thăng bằng, hai bên không ai chiếm được thế thượng phong, Vua Lý Nhân Tông mấy lần đòi hỏi thêm về đất đai, nhưng phía Tống quyết không nhượng bộ, lại còn tăng cường phòng thủ biên giới nghiêm ngặt hơn. Tuy lúc này nước Chiêm Thành xích mích với Đại Việt, Sứ Chiêm xin nhà Tống đánh Đại Việt, sẽ mang quân hợp lực; nhưng phía Tống cũng từ chối:
Trường Biên, quyển 470. Năm Nguyên Hựu thứ 7 [1092]
Ngày Đinh Tỵ tháng 2 [14/3/1092], nước Chiêm Thành dâng biểu tâu:
“Cùng với đại triều đỉnh muốn dẹp sạch Giao Chỉ, xin mang quân hợp lực tập kích.”
Lúc bấy giờ Chiêm Thành và Giao Chỉ có mối thù lâu đời; nhưng Giao Chỉ hiện nay vào cống, không dứt lễ bề tôi, khó có thể bàn việc mang quân đánh. Lệnh Học sĩ viện hầu tướng giảng sắc thư cho Chiêm Thành, cứ y như vậy mà hồi đáp.[17]
Trầm trọng hơn, có 17 quan chức và gia nhân thuộc các châu Ung, Khâm, Liêm bị phía Đại Việt bắt trong cuộc chiến tranh Lý Tống trốn thoát trở về nước. Bằng cớ chứng tỏ rằng còn có rất nhiều tù nhân bị giữ lại tại nước Đại Việt, nhưng nhà Tống vẫn im lặng, ngậm bồ hòn làm ngọt, không ra mặt phản đối hoặc đòi hỏi:
Trường Biên, quyển 476. Năm Nguyên Hựu thứ 7 [1092]
Ngày Ất Hợi tháng 8 [28/9/1092], ty Kinh lược Quảng Tây tâu:
“Nguyên Đông đầu cung phụng quan, Giám áp trại Vĩnh Bình [Bằng Tường thị, Quảng Tây] Tô Tá, từ Giao Chỉ về. Cùng với những người như bà vợ họ Lý của cố Ung Châu Trú bạc đô giám Cung bị khố phó sứ Tào Xuân Khanh gồm 17 người; họ vượt biển trốn về.”
Chiếu ban, Tô Tá cùng người nhà 9 người, lệnh ty Kinh lược Quảng Tây thẩm vấn xong, cấp cho bằng khoán sử dụng phương tiện trạm dịch, ưu đãi tiền tiêu dùng, cử 1 viên Chỉ sử đem đi đến kinh đô. Số còn lại 8 người, cho cư trú tại chỗ, ưu đãi thêm trợ cấp. Việc sắp xếp, ban cấp ra sao phải tâu lên. [18]
***
Sự thành bại ở đời dựa 3 yếu tố: thời, thế, cơ; thời thế cơ hội chưa đến, nên tấm lòng yêu nước, quyết giành lại đất đai của tổ tiên, chưa hoàn thành một cách mỹ mãn. Chỉ tiếc rằng mấy chục năm sau đó, vào năm 1126 Bắc Tống gặp cái gọi là Mối Nhục Thời Tĩnh Khang [靖康之恥Tĩnh Khang Chi Sỉ]; quân nước Kim từ phương bắc, hai mặt tấn công, đánh tan Biện kinh [Khai Phong thị, Hà Nam] “bắt sống 2 vua Huy Tông và Khâm Tông, cùng Hoàng hậu, Phi Tần, Tôn thất..” (驅擄徽、欽二帝和宗室、后妃). Sự thế lúc bấy giờ nhà Lý muốn lấy lại đất đai cũ không mấy khó khăn; nhưng lúc này vua Lý Nhân Tông đã già sắp mất, nên đành bỏ lỡ cơ hội; đó là điều đáng tiếc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét