Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

8121 - ‘Củi’ từng là danh mộc hay gỗ tạp…

Nguyễn Hồng Phúc (VNTB) 

Những ‘củi’ đó từng được Bộ Chính trị xem là ‘gỗ quý’ thông qua những lần cơ cấu nhân sự - kiểu như vừa diễn ra ở Hội nghị Trung ương 9 về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 – 2026 của đảng cộng sản.

“Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ví von như vậy tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tổ chức tại Hà Nội ngày 31-7-2017. [xem clip tường thuật của VTV1: http://bit.ly/2LCoNaV]

Hạt giống đỏ sao lại là gỗ tạp?

Hạt giống đỏ là một thuật ngữ mang tính khái niệm để chỉ những thanh niên có tiềm năng, tri thức và khả năng lãnh đạo được đảng cộng sản Việt Nam quy hoạch, định hướng để làm cán bộ lãnh đạo trong tương lai.

Như nhận định của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, phó bí thư Thành ủy TP.HCM thì ‘hạt giống đỏ’ còn có tính kế thừa (kiểu như một gene di truyền!?): “Nếu như con em cán bộ lãnh đạo có sự trưởng thành và được các đại hội Đảng tín nhiệm, được tổ chức tín nhiệm giao những trọng trách thì đó là điều hạnh phúc của dân tộc, của đảng. Tôi nghĩ như vậy. Không có gì nghi ngại cả. Đó là sự kế thừa truyền thống, họ giữ gìn truyền thống đó và biết phát huy truyền thống đó để làm tiếp sự nghiệp mà cha ông họ đã đi” [http://bit.ly/2yPmqLM]

Thế nhưng dường như hạt giống đỏ nhiều khi lại thuộc giống gỗ tạp, chứ không hề là danh mộc.

Có hai ý mà bài viết xin được luận bàn: thứ nhứt, cho đến nay chưa có quan chức nào của đảng bị xem xét trách nhiệm hình sự với tội danh tham nhũng, lẽ ấy nên tài sản có được từ tham nhũng của các quan chức này vẫn không bị tịch biên.


Vấn đề thứ hai, những ‘củi’ đó từng được Bộ Chính trị xem là ‘gỗ quý’ thông qua những lần cơ cấu nhân sự - kiểu như vừa diễn ra ở Hội nghị Trung ương 9 về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 – 2026 của đảng cộng sản.

Chuyện quan chức chóp bu của đảng như Đinh La Thăng hầu tòa thì ai cũng rõ rồi. Khi ấy báo chí từng ngợi ca là “công cuộc chống tham nhũng của đảng không có vùng cấm”. Thế nhưng không một tài sản nào có được từ tham nhũng của ông Thăng bị tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm tuyên tịch biên.

Một vụ nữa khá rõ về tham nhũng. Ngày 16-2-2017, báo chí đưa tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ thông tin báo chí nêu liên quan tài sản của Thứ trưởng Bộ Công thương, Hồ Thị Kim Thoa. Sau đó, bà Thoa bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận hàng loạt sai phạm.

Ngày 8-8-2017, bà Thoa bị Ban Bí thư quyết định miễn nhiệm chức vụ ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công thương, và đề nghị Thủ tướng miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công thương. Ngày 16-8-2017, Thủ tướng quyết định miễn nhiệm chức Thứ trưởng của bà Thoa, và… chấm hết.

Đến nay thì bà Hồ Thị Kim Thoa đã dư dã thời gian để ‘thoái vốn’ sạch sẽ trên sàn chứng khoán [http://bit.ly/2RmFHzs]. Giờ có muốn khởi tố vụ án về tham nhũng để khẳng định “công cuộc chống tham nhũng của đảng không có vùng cấm”, thì coi như phần tịch biên tài sản tham nhũng là con số 0.

Cần xác định rõ rằng tất cả những lời hoa mỹ về phòng chống tham nhũng kiểu ‘cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy’ là dành để phục vụ tuyên truyền. Người dân chỉ cần biết, tài sản tham nhũng đó đã thu hồi được chưa?

Bởi ở đây dù là ‘củi’ hay đang là ‘gỗ quý pơ mu’, thì tham nhũng về bản chất là một hành vi có tính chất vụ lợi, và một trong những hậu quả mà tham nhũng gây ra là tài sản công bị chiếm đoạt. Chính vì vậy, mục tiêu quan trọng của đấu tranh chống tham nhũng, là phải bảo vệ được lợi ích của nhà nước cũng như lợi ích của tập thể và cá nhân.

Nói theo ngôn từ của tuyên giáo đảng, thì dường như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên sớm phải đăng đàn để nhắc nhở thuộc cấp, là chống tham nhũng cần quan tâm đến việc tịch biên, thu hồi tài sản tham nhũng, tránh tình trạng chỉ quan tâm đến việc xử lý người vi phạm về kỷ luật hay hình sự, mà thiếu biện pháp hữu hiệu để thu hồi lại số tài sản mà kẻ tham nhũng đã chiếm đoạt từ việc thực hiện hành vi tham nhũng.

Điều 70, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định rằng cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để, thu hồi, tịch thu tài sản tham nhũng; tài sản tham nhũng phải được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước.

Tuy nhiên khi năm 2018 đi qua, nhiệt năng có từ lò đốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không sinh ra được một công năng thiết thực nào; chưa tài sản tham nhũng nào bị tịch biên và thành ngữ ‘hy sinh đời bố, củng cố đời con’ vẫn đúng.

Làm gì để rừng không thành củi?

Việc trồng rừng với những giống danh mộc đã khó, vậy sao lại dễ dàng để những danh mộc ấy thành củi để chụm lò? Và vì sao nhiệt năng lò đốt lại không sản sinh ra công năng hữu ích cho người dân? Phải chăng là đã sai ngay từ ban đầu cách thức chọn giống trồng rừng, cũng như tàn phá rừng để kiếm củi?

Sinh tiền, nhà báo Lý Tiến Dũng, Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, cơ quan được gọi là tiếng nói của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam - một đoàn thể chính trị giám sát việc đảng, việc chính quyền… đã từng báo động vào năm 2007 về Ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải trong vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, rằng đang có chuyện đèn cù “Bí thư Lê Thanh Hải phê bình Chủ tịch Lê Thanh Hải” [http://bit.ly/2Spk52L]. Tuy nhiên khi ấy cả Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và sau đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều bỏ qua những khuyến cáo này từ báo chí.

Bổn cũ vẫn được soạn lại. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9 hôm 25-12-2018 [http://bit.ly/2BP8TFs], Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nói rằng (trích): “Năm 2004, Bộ Chính trị khoá IX đã ra Nghị quyết số 42 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. (…) Để chuẩn bị nội dung trình hội nghị Trung ương hôm nay, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo gồm một số đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Ban Bí thư đã quyết định thành lập Tổ giúp việc gồm một số đồng chí ủỷ viên Trung ương và cán bộ của các ban Đảng. Ban Chỉ đạo đã ban hành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc, chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc.

(…) Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 chưa phải là “làm nhân sự” cụ thể cho nhiệm kỳ tới, nhưng là một bước chuẩn bị rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành nhiệm kỳ XIII của Đảng. Vì thế, trong quá trình thực hiện phải hết sức thận trọng, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng về công tác cán bộ, phải thật sự công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực”.

Như vậy, một lần nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tin cách chọn giống để ươm mầm của mình trong trồng rừng là đúng, là sẽ sinh ra những danh mộc.

Ở đây, ông Nguyễn Phú Trọng quên mất rằng đây đâu phải chuyện nội bộ đảng của ông. Do Hiến pháp quy định điều 4 về sự lãnh đạo của đảng dẫn đến đồng nhất lãnh đạo đảng là lãnh đạo quốc gia, nên đảng nếu thực lòng vì dân, vì nước thì cần biết quên cái chuyện chọn toàn bộ lãnh đạo chiến lược quốc gia chỉ trong nội bộ tổ chức đảng đi.

Vậy thì cần phải làm gì?

Câu chuyện thay cho lời kết

Nhà báo Lưu Trọng Văn kể: “Năm 2003, một nữ sinh viên luật chính trị của đại học Carleton Canada vừa 19 tuổi, thủ lĩnh của 8.000 sinh viên ủng hộ các tư tưởng trị quốc của ngài Paul Martin - bộ trưởng Tài chính, khi tranh cử thủ tướng đã mở chiến dịch vận động cử tri bỏ phiếu cho ngài Martin. Rồi Martin trúng cử thủ tướng, khi cô sinh viên tốt nghiệp đại học, Martin đã mời cô làm trợ lý cho mình.

Trong một buổi tiếp đoàn chính phủ Việt Nam bên cạnh thủ tướng Martin có cô gái này. Nhìn hình dáng đặc sệt châu Á của cô, thủ tướng Phan Văn Khải đã bắt tay và hỏi, cô gốc nước nào, cô đáp: Việt Nam.

Một lần cô về Việt Nam, gã chở xe máy đưa cô về thăm ngôi nhà ba mẹ cô ở gần chợ Tân Định, Sài Gòn trước khi vượt biên. Cô đã đứng lặng hồi lâu rồi lén gã lau nước mắt.

Gã hỏi, ước mơ của cháu là gì? “Làm chính trị”. Cô nói. Rồi sau khi Martin không làm thủ tướng nữa, cô hoạt động nhiều lĩnh vực rồi lập gia đình và vừa sinh con. Khi đứa trẻ có dòng máu Việt ra đời, thủ tướng đương nhiệm trẻ trung của Canada Justin Trudeau điện thoại cho cô, mời cô làm trợ lý chuyên viết phát biểu cho mình.

Cô cười đáp: “tôi vừa có em bé”. “Cô cứ vừa ở nhà nuôi con và vừa làm việc cho tôi”. Thủ tướng nói. Thế đấy, nếu cô về Việt Nam thì cô làm sao lọt vào được các vòng quy hoạch của đảng để trổ tài chính trị của mình phục vụ quê hương? Nếu bạn hỏi cô gái kia là ai, xin thưa: Lưu Trọng Xuân An. Ông nội của An là anh ruột cha gã (tức thi sĩ Lưu Trọng Lư). Bố của An là Lưu Trọng Hồ, dược sĩ đại uý biệt phái quân đội Việt Nam Cộng Hòa, bị học tập cải tạo sau đó vượt biên…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét