Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

8196 - Thế nào là trái ý đảng?



Phải chăng đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn đúng?

Hồ sơ các vụ án nói trên cho thấy tất cả các công dân đều phản đối độc đảng toàn trị, chứ không chống đối nhà nước được hình thành từ lá phiếu bầu chọn của cử tri.

Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2019. Điều 16.1 của Luật An ninh mạng quy định nội dung tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b) Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; c) Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

Tái hiện điều 88 ‘lừng danh’

Những nội dung này tương ứng với điều 117.1 của Bộ Luật hình sự (phiên bản sửa đổi 2017) về “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”: Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.

Tiền thân của điều 117 chính là điều 88 nổi tiếng của Bộ Luật hình sự 1999. Trong những vụ án liên quan đến cáo buộc từ điều 88, có thể kể đến những nhân vật được nhiều người biết đến, như Nguyễn Văn Đài, Tạ Phong Tần, Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Văn Hải (Blogger Điếu Cày), Trần Đức Thạch, Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Trội, Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyển, Huỳnh Nguyên Đạo; Linh mục Nguyễn Văn Lý, Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ, Đinh Đăng Định,  Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm)…

Hồ sơ các vụ án nói trên cho thấy tất cả các công dân đều phản đối độc đảng toàn trị, chứ không chống đối nhà nước được hình thành từ lá phiếu bầu chọn của cử tri. Tuy nhiên tất cả tiến trình tố tụng hình sự đều đánh đồng việc ‘chỉ trích đảng cộng sản’ là chống nhà nước.

Như vậy phải chăng với Luật An ninh mạng, một lần nữa sẽ cùng đánh đồng cách hiểu ‘chỉ trích đảng cộng sản’ là chống nhà nước?. Nói một cách khác, đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn đúng, nên trái ý đảng là vi phạm cần trừng trị.

Đảng đang phân hóa?

Trong một chia sẻ trên trang cá nhân facebook cận kề thời điểm 1-1-2019, luật sư đảng viên Nguyễn Thanh Bình nói rằng chủ nghĩa hình thức trong thời gian rất dài đã sản sinh ra nhiều con sâu bự trong đảng và ngày càng “trẻ hóa”. Nói như dân gian: “Ban ngày quan lớn như thần/ Ban đêm quan lớn tần mần như ma…”.

Đảng hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, cá nhân phục tùng tổ chức, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, toàn đảng phục tùng Trung ương. Căn bệnh hữu khuynh lâu nay núp bóng “đoàn kết nội bộ” đã làm suy yếu sức chiến đấu của đảng nay lại “phân nhánh” theo hướng càng tiêu cực hơn.

“Nếu như trước đây có đến 100% biểu quyết ủng hộ Ban chấp hành Trung ương về một vấn đề nhân sự nào đó thì trong Hội nghị Trung ương 9, khóa XII mới đây, hơn 1/3 (36%) Ủy viên Ban chấp hành Trung ương không đồng ý cách chức Tất Thành Cang. Nếu Tất Thành Cang là một nhân tố mới cần được bảo vệ, một cán bộ trẻ, chính trực, có năng lực, không tham nhũng thì đó là điều đáng mừng. Nhưng không, Cang hãnh tiến, vi phạm kỷ luật rất nghiêm trọng và có thể dính án hình sự. Vậy thì những kẻ 36% này, mình không gọi họ là đồng chí, thuộc thành phần, đối tượng nào?”. Luật sư đảng viên Nguyễn Thanh Bình bày tỏ.

Từ góc nhìn đó của luật sư đảng viên Nguyễn Thanh Bình, cho thấy đảng không phải lúc nào cũng đúng. Điều 4.2 của Hiến pháp 2013 ghi rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Vậy thì người dân có phê phán đảng, chê trách đảng bằng cách này, cách khác trên mạng xã hội, thì đó là quyền hiến định về một chính quyền thực sự của nhân dân.

Bất kỳ những ai lợi dụng luật hình sự, luật an ninh mạng để đe dọa những tiếng nói phê phán này của người dân, thì người đó cần phải được xem xét về hành vi “phỉ báng chính quyền nhân dân” được quy định ở điều 117, Bộ Luật hình sự và điều 16.1 Luật An ninh mạng.

Đảng viên cần chịu sự phê bình, chỉ trích của nhân dân

Đến nay, chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng. Do đó để tránh những oan sai, những lạm dụng quyền lực, cần thiết bổ sung về điều khoản xác định rõ về quyền của công dân bị hạn chế ra sao khi họ đề cập đến công việc của đảng cộng sản, trong các nội dung ở Hiến pháp 2013 tại những điều 4.2; điều 14.1 “các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”; điều 25 “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”; điều 28 “quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”.

Tin rằng đảng cộng sản Việt Nam không độc tài đến độ dị ứng với mọi lời góp ý, chỉ trích. Trong bốn nhóm giải pháp về xây dựng đảng do Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đề ra, thì “Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên” được Trung ương xác định là nhóm giải pháp số một.

Trong tình hình hiện nay, thiết nghĩ để một đảng vững mạnh bền vững, cần mở rộng “tự phê bình và phê bình” ra trong quần chúng. Người dân được quyền phê bình, và cả phê phán bất kỳ đảng viên sai trái mà không phải chịu một vùng cấm nào. Mong rằng đừng để Luật An ninh mạng được hiểu là một trở lực trên bước đường tự do, dân chủ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân được ghi ở điều 2.1, Hiến pháp 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét