Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

8197 - Trung Quốc thao túng truyền thông thế giới như thế nào? (Bài 2)

Tiếp theo Bài 1
Không rõ nhóm nhà báo Việt Nam sang Trung Quốc năm ngoái, và khi về nhà đã tung ra loạt bài ca ngợi đặc khu Thâm Quyến, có nhận tiền của Trung Quốc hay không nhưng việc Trung Quốc mua chuộc phóng viên nước ngoài là một chiến lược công khai của họ…
Bài 2: “Cổ vy kim dụng, dương vy Trung dụng”
Năm 2013, tại hội nghị quốc gia về công tác tuyên truyền, Tập Cận Bình nhắc lại câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông từ thập niên 1930: “Bắt quá khứ phục vụ hiện tại, bắt nước ngoài phụng sự Trung Quốc” (“Cổ vy kim dụng, dương vy Trung dụng”). Dưới thời Tập Cận Bình, chiến lược này đã được thực hiện ráo riết với những bài bản cực kỳ tinh vi…
“Tá thuyền xuất hải”
Trong loạt chương trình họp báo nhân kỳ họp Quốc hội năm 2012, giới chức Bắc Kinh liên tục mời đặt câu hỏi từ một “phóng viên” trẻ lạ mặt người Úc. Cô này nói tiếng Hoa như gió và cũng đặt câu hỏi nhanh như gió. Hầu hết câu hỏi đều mang nội dung “gài hàng” sao cho người trả lời có dịp ca ngợi thành tích phát triển Trung Quốc. Cô “phóng viên”, tên Andrea Yu, hóa ra là người của Global CAMG Media Group có trụ sở ở Melbourne. Được thành lập bởi doanh nhân địa phương tên Tommy Jiang, Global CAMG là công ty truyền thông sân sau của bộ máy tuyên truyền Trung Quốc, với 60% vốn thuộc về Guoguang Century Media Consultancy mà công ty này lại thuộc sở hữu của tập đoàn truyền thông nhà nước China Radio International (CRI- “Trung Quốc quốc tế quảng bá điện đài”). Global CAMG và một công ty khác của Tommy Jiang – Ostar – chịu trách nhiệm quản lý ít nhất 11 đài phát thanh tại Úc, với nội dung do CRI biên tập và các chương trình đều phù hợp “tôn chỉ” Bắc Kinh. Khi bị lật tẩy là “phóng viên” dỏm, Andrea Yu nghỉ việc khỏi Global CAMG. Tuy nhiên, tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc vào hai năm sau (2014), người ta lại phát hiện một “ký giả” dỏm tương tự – Louise Kenney – cũng làm việc cho Global CAMG.
Việc sử dụng các đài phát thanh nước ngoài để truyền bá nội dung phù hợp Trung Quốc là một chiến lược mà chủ tịch CRI Vương Canh Niên (Wang Gengnian) gọi là “tá thuyền xuất hải” (mượn thuyền qua biển). Năm 2015, một phóng sự điều tra công phu của Reuters cho biết, Global CAMG là một trong ba công ty điều hành mạng lưới truyền thông gồm 33 đài phát thanh ở 14 quốc gia. Ba năm sau, năm 2018, mạng lưới này – trong đó có Ostar – hiện phủ sóng với 58 đài tại 35 nước! Chỉ riêng Mỹ, nội dung CRI (China Radio International) được phát bởi hơn 30 đài. Bắc Kinh cũng “mượn thuyền” để tung ra các sản phẩm ấn loát. Tờ tiếng Anh China Daily đã ký hợp đồng với ít nhất 30 tờ báo nước ngoài, trong đó có New York Times, Wall Street Journal, Washington Post, Daily Telegraph, để thực hiện chuyên đề 4-8 trang gọi là “China Watch” xuất hiện gần như đều đặn hàng tháng. Hiện phát hành bốn thứ tiếng (Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Đức), “China Watch” xuất hiện trên Le Figaro tại Pháp; trên tờ Handelsblatt tại Đức; The Nation tại Thái Lan; Jakarta Post tại Indonesia; El Cronista tại Argentina… Dĩ nhiên “China Watch” chỉ mang nội dung ca ngợi Trung Quốc và tuyên truyền cho chính sách Bắc Kinh, chẳng hạn những bài gần đây: “Tây Tạng chứng kiến 40 năm thành công chói lọi”, “Tập công bố các chính sách mở rộng cửa”, hoặc thậm chí “Tập ca ngợi các đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc”.
Theo công trình nghiên cứu China’s Foreign Propaganda Machine của Anne-Marie Brady (đăng trên Journal of Democracy, Johns Hopkins University Press, Volume 26, Number 4, October 2015, trang 51-59), tờ Telegraph của Anh được trả 750.000 bảng (khoảng 950.000 USD) mỗi năm để đăng “China Watch”. Nội dung chuyên đề cung cấp độc giả “những câu chuyện đa dạng đầy ắp thông tin về sự phát triển năng động của Trung Quốc đương đại” – chẳng hạn, một “phóng sự” “lay động lòng người” cho thấy cảnh hạnh phúc của những gia đình Tây Tạng dọn qua nhà mới như là một phần trong chính sách tái định cư được “Đảng và Nhà nước Trung Quốc chăm lo” (bài báo thuật lại “cảm xúc” của một người dân Tây Tạng: “Chủ tịch Mao đã cho chúng tôi những cánh đồng từng thuộc sở hữu của giới quý tộc; bây giờ, những người kế nhiệm ông lại cho chúng tôi nhà ở”)… Câu chuyện “đa dạng” cũng có khi là một video cho thấy cảnh nô lệ tình dục khổ sở như thế nào dưới tay lính Nhật thời Thế chiến thứ hai. Song song việc “mua trang”, Trung Quốc cũng “mua sóng” bằng cách cho giới chức ngoại giao, chẳng hạn đại sứ Trung Quốc tại Anh, Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming), thường xuyên xuất hiện trên các đài truyền hình như BBC. Tại Anh, Trung Quốc cũng có kênh phát sóng bằng tiếng Anh (CCTV News)…
Không chỉ “mượn thuyền”, Bắc Kinh còn “mua thuyền” (“mãi thuyền xuất hải”). Năm 2015, Jack Ma – ông trùm tập đoàn Alibaba – mua tờ báo 115 tuổi South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong. Điều hành SCMP được giao cho Gary Liu, một gương mặt trẻ (35 tuổi) sinh tại Mỹ, tốt nghiệp Harvard, có kinh nghiệm kinh doanh báo chí. Trước khi ngồi ghế CEO của SCMP, Gary là CEO của tờ Digg (New York) và trước đó nữa là giám đốc công ty nhạc số Spotify. Dù Gary Liu luôn khẳng định SCMP không chịu ảnh hưởng Bắc Kinh nhưng thực tế lại khác. SCMP bây giờ được xem là một phiên bản “nhẹ” của China Daily. Tháng 11-2018, một ký giả lão làng, Stephen Vines – người chuyên viết về châu Á cho các tờ Guardian, Daily Telegraph, BBC, Asia Times, Independent và là tác giả một số quyển sách trong đó có Hong Kong: China’s New Colony, The Years of Living Dangerously – tuyên bố ngưng làm việc cho SCMP vì bất bình trước đường hướng và chính sách kiểm duyệt của tờ báo này.
“Dương vy Trung dụng” và hơn thế nữa
Tiền Trung Quốc đang đổ vào Úc như thác, từ bất động sản đến các thương vụ “đầu tư chính trị”. Truyền thông cũng không ngoại lệ. Quan hệ với tỷ phú Trung Quốc Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo) đã khiến thượng nghị sĩ Sam Dastyari phải từ chức năm 2017. Ba năm trước, 2014, Hoàng đã chi 1,8 triệu đôla Úc (gần 1,3 triệu USD) để thành lập Viện quan hệ Úc-Trung (Australia China Relations Institute-ACRI), một tổ chức nghiên cứu độc lập (thinktank) thuộc Đại học kỹ thuật Sydney. ACRI, hiện nằm dưới sự điều hành của cựu Ngoại trưởng Bob Carr, cho biết chủ trương của họ là cổ xúy “một cái nhìn tích cực và lạc quan về mối quan hệ Úc-Trung”.
Từ 2016 đến nay, ACRI liên tục thực hiện chương trình “tour khảo sát” đến Trung Quốc cho ít nhất 28 ký giả thuộc hàng top nước Úc với chi phí được đài thọ toàn bộ. Dĩ nhiên sau chuyến đi luôn có những bài báo tô hồng Trung Quốc. Thậm chí những nhà báo này còn “khuyên” chính phủ Úc không quay lưng lại với sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” cũng như ngưng chỉ trích chính sách Trung Quốc về biển Đông hoặc bất kỳ vấn đề nào khác. Kinh tế gia Stephen Joske đã không giấu được bất bình: “Giới tinh hoa Úc được tiếp cận rất ít thông tin về Trung Quốc. Có một khoảng trống chân không giữa những bình luận có thông tin chiều sâu với những bài viết một chiều của cánh nhà báo được ACRI tài trợ”.
Các chuyến “đi thực tế” chỉ là kế hoạch ngắn hạn. Có tính chất lâu dài hơn là những chương trình đào tạo phóng viên từ các nước đang phát triển. Kế hoạch này được thực hiện dưới bảo trợ của Hiệp hội ngoại giao công chúng Trung Quốc (thành lập năm 2012), với mục tiêu đào tạo 500 phóng viên Mỹ Latin và Caribê trong 5 năm, và 1.000 phóng viên châu Phi mỗi năm từ nay đến năm 2020. Trong 10 tháng mỗi năm, bắt đầu từ năm 2016, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp đón khoảng 100 nhà báo nước ngoài đến dự chương trình đào tạo-tập huấn báo chí, chủ yếu từ châu Phi và châu Á (Philippines, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh…). Họ được đưa đi khắp Trung Quốc, chưa kể 6 tuần thực tập tại một đài truyền hình nhà nước. Mỗi tuần hai lần, họ dự các lớp về ngôn ngữ, văn hóa, chính trị và truyền thông tại Đại học Nhân dân (Bắc Kinh). Họ được tiếp đãi như thượng khách, được cho ăn ở tại khu Kiến Quốc Môn sang trọng vốn dành cho các đoàn ngoại giao (“Kiến Quốc môn ngoại giao công ngụ”), và được đài thọ hoàn toàn.
China Daily (8-12-2018) đã tường thuật lễ bế mạc khóa đào tạo 10 tháng tổ chức ngày 5-12-2018 tại Bắc Kinh cho 27 phóng viên từ châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á, với việc trích lời Hồ Chấn Nhạc (Hu Zhenyue) – phó chủ tịch Hiệp hội ngoại giao công chúng: “Trung Quốc đánh giá rất cao sự phát triển trong việc trao đổi hữu nghị và hợp tác tương quan với các nước châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á”, rằng “dưới Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, sự hợp tác của chúng ta sẽ bước lên tầm cao mới”…
Đại diện đồng nghiệp châu Phi, phóng viên Kimeng Hilton Ndukong (Cameroon) phát biểu: “Người dân châu Phi đã trưởng thành đủ để biết chọn đúng bạn”. Ndukong cũng kêu gọi đồng nghiệp tiếp tục chia sẻ những câu chuyện “đúng” về Trung Quốc. Trong khi đó, nhà báo Jelly Musico (Philippines) nói: “Trung Quốc đã chinh phục trái tim lẫn niềm kính trọng của tôi”, và sau 10 tháng, Musico đã “học được rằng, Trung Quốc đã chuẩn bị tốt để trở thành đối tác gần gũi và là bằng hữu của bất kỳ quốc gia nào muốn mang lại thịnh vượng cho dân tộc mình”. Tương tự, một nhà báo Philippines khác, Greggy Eugenio, cũng tâng bốc Trung Quốc lên mây xanh. Sau khi trở về nước, Eugenio sẽ làm việc trong bộ phận truyền thông của Tổng thống Rodrigo Duterte. Có thể hình dung Eugenio sẽ viết những gì và dư luận Philippines bị ảnh hưởng như thế nào với những bài báo “bốc mùi” được nêm nấu bằng thứ gia vị được “ủ” sau 10 tháng tại Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét