Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

8731 - Melbourne: Đáng yêu hay hận?


Cảnh sát chốt chặn một trung tâm mua sắm tại Melbourne, Australia, tháng 11, 2018. Hình minh họa. (REUTERS/Sonali Paul)

Melbourne được bầu chọn là thành phố đáng sống nhất trên thế giới trong bảy năm qua, ngoại trừ năm 2018 vừa qua. Là một thành phố khá an toàn, Melbourne có tỷ lệ tội phạm tương đối thấp. Trong 12 tháng qua, theo Cơ quan Thống kê Tội phạm thì tỷ lệ phạm pháp tại Victoria đã thấp hơn so với các thống kê của mười năm qua, và so với năm 2017 thì đã giảm 3.8 phần trăm. Trong 100 ngàn người thì có trung bình 4,637.3 vụ tội phạm mỗi năm.
Tuy số thống kê như thế, những người biết đến các con số này một cách khách quan sẽ cảm nhận rất khác so với những người từng là nạn nhân, hoặc trực tiếp hay gián tiếp bị ảnh hưởng, từ các vụ tội phạm này.
Tôi quen một cảnh sát an ninh tại Melbourne. Bao lần tôi từng nghe anh nói rằng Melbourne là một thành phố rất nguy hiểm vào ban đêm, có thể không nơi nào nguy hiểm bằng. Theo anh thì các vụ ẩu đả nhau và các băng đảng quấy phá nhau là rất thường xuyên. Tôi không ngạc nhiên về nhận định này bởi những người làm về an ninh như anh thường phải đối diện với đe dọa và nhìn ở lăng kính ngờ vực.
Thời thập niên 1980 và 1990, các băng đảng Việt Nam và các tệ nạn về cờ bạc cũng như buôn bán và sử dụng thuốc phiện đã làm rúng động nước Úc, nhưng giờ đây đã gia giảm đáng kể. Thỉnh thoảng vẫn còn nghe các vụ liên quan đến trồng cần sa nhưng băng đảng hầu như không còn nghe đến nữa. Bây giờ là đến lược các cộng đồng sắc tộc mới nhập cư tại Úc.
Các cộng đồng người Phi châu, đặc biệt là các băng đảng trẻ gốc Sudan, nhất là nhóm Apex, gần đây được thường xuyên tường thuật trên các cơ quan truyền thông. Hàng trăm thanh niên có những đêm đi tàn phá thành phố Melbourne, gây bao nhiêu thiệt hại về vật chất và tinh thần. Nhiều người Melbourne cảm thấy đây là mối đe dọa lớn lao vì trong mắt họ Melbourne không còn là thành phố an toàn nữa. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân bởi sự đe dọa và quấy phá của nhóm trẻ này. Nhưng Phó Ủy viên Cảnh sát Victoria Shane Patton cho rằng không nên gọi họ là băng đảng; tên sử dụng thích hợp hơn là “các tội phạm liên kết nhau” (networked criminal offenders); ông quan niệm rằng ông không ngại gọi người ta là băng đảng, đó không là vấn đề, nhưng không nên nâng vị thế của họ lên khi chưa phải là thế. Nói cách khác, các tổ chức băng đảng tội phạm, theo Patton, thường có tính tổ chức tội phạm cao. Do đó đối với cảnh sát Victoria thì nhóm Apex hay đồng bọn chỉ mang tính liên kết nhau để phá phách thay vì mang tính băng đảng tội phạm truyền thống.
Thẩm phán Peter Kidd, một trong các bộ óc pháp lý cao cấp nhất của Victoria, cũng cho rằng những báo cáo về các tội phạm gây ra bởi các nhóm trẻ Phi châu đã “đưa ra một miêu tả không chính xác” về toàn bức tranh tội phạm tại Victoria.
Melbourne, thành phố đáng sống nhất nhưng vẫn có bao nhiêu vấn đề của riêng nó. Nạn bạo hành gia đình và bạo lực tình dục vẫn thỉnh thoảng xảy ra mặc dầu các chiến dịch vận động ý thức trong cộng đồng gia tăng đáng kể trong nhiều năm qua.
Mới đây nhất là vụ hãm hiếp cô Aiia Maasarwe, 21 tuổi, vào thứ Tư 16 tháng Giêng vừa qua. Xác cô đã được tìm thấy gần trạm xe tram tuyến đường 86, Bắc Melbourne. Cô Maasarwe là một sinh viên Do Thái gốc Ả Rập, đang học nửa chừng của một năm chương trình trao đổi, tại đại học La Trobe. 21 tuổi, đầy sức sống, lý tưởng, và hy vọng. Nhưng cô đã bị tấn công và giết hại trên đường về nhà một mình trên chuyến xe tram sau khi đi xem buổi hài kịch trực thoại tại thành phố Melbourne. Aiia đang nói chuyện điện thoại có hình ảnh (FaceTime) với em gái mình tên Ruba, người đang ở thành phố Baqa Al Gharbiyye tại Do Thái, thì vụ hãm hại xảy ra. Ruba cho biết bất thình lình cô nghe chị gái mình kêu thét lên, điện thoại bị vứt đi nơi khác, tiếng ồn của xe cộ chạy qua lại ở đằng sau, và sau đó điện thoại bị tắt.
Aiia Maasarwe không còn trên thế gian này, nên có lẽ không còn cảm nhận nỗi đau buồn của trần đời. Nhưng những người còn sống, nhất là cha mẹ cô, chị Noor và hai em gái Lena, nhất là Ruba, người đang nói chuyện thì chứng kiến vụ hành hung xẩy ra nhưng không thể làm được gì cho chị mình, có lẽ sẽ đau khổ, tổn thương và bị ám ảnh suốt đời.
Ông Saeed Maasarwe, cha cô Aiia Maasarwe, đã bay liền sang Úc sau đó để nhận diện con gái mình. Nỗi đau mất mát người thân nào cũng khó phôi pha, nhưng nỗi đau mất con có lẽ là chấn thương tâm lý sâu đậm nhất trong tâm khảm của bậc làm cha mẹ. Ông Saeed diễn tả Aiia là người con gái có nhiều ý kiến/tưởng lớn, đầu óc luôn mở mang để cầu tiến, học hỏi và tìm hiểu các văn hóa khác, các sắc tộc khác, với tinh thần tôn kính. Aiia Maasarwe từng vẽ bức tranh “dám mơ” (dare to dream) vào năm 2014 và đã sống với ước mơ của mình cho đến khi bị cắt ngắn.
Người Melbourne đã thương tiếc và hiệp thông với gia đình cô Aiia Maasarwe. Hàng trăm bó hoa được đặt tại nơi cô Aiia Maasarwe lìa trần. Hàng trăm bó hoa khác được đặt tại các trạm xe tram trên tuyến đường 86 mà Aiia Maasarwe đã bao lần đi qua. Một xe tram thuộc tuyến đường 86 chở đầy hoa của người dân Melbourne để tưởng niệm cô. Hàng ngàn người tụ về trước tiền đình quốc hội tiểu bang Victoria để bày tỏ sự hiệp thông với nỗi mất mát to lớn của gia đình cô. Thủ hiến Victoria Daniel Andrews và Thủ tướng Úc Scott Morrison đều đến tận nơi cô tử nạn, nói chuyện trực tiếp với người cha của cô để chia buồn, và lên án sự hèn hạ vô lương của kẻ gây ra cái chết của cô. Thủ tướng Morrison chia sẻ rằng không có lời nào có thể xoa dịu nỗi đau tận cùng này.
Ông Saeed nói ông có rất nhiều ước mơ để được cùng với con gái của mình, nhưng bây giờ thì ông không thể nữa. Ông nói: “Tôi ao ước, tôi hy vọng, tôi cầu chuyện rằng con bây giờ đang ở một nơi dễ thương hơn nơi này và thiên đường này”.
Bạo hành xảy ra ở mọi nơi, mọi văn hóa, từ trong nhà ra ngoài đường. Nạn nhân của bạo hành sau đó lại trở thành thủ phạm (tuy không phải tất cả). Đại đa số là do đàn ông gây ra (tuy không phải tất cả). Một vòng luẩn quẩn như không có lối thoát. Nhưng người ta có thể giảm thiểu tình trạng này nếu ý thức, cam kết và quyết tâm. Xã hội này sẽ văn minh hơn nếu con người nói không với bạo lực và tìm cách đối thoại nhau. Ai cũng có quyền sống trong an toàn thay vì sợ hãi hoặc đe dọa. Ai cũng có quyền trở về nhà mình an toàn sau một ngày đi học, đi làm, đi chơi hay vì bất cứ lý do gì. Chị của Aiia, cô Noor, viết rằng “Bạo lực đối với phụ nữ không phải là vấn đề của nữ giới, mà là vấn đề của nam giới”.
Tất cả chúng ta đều có chị, có em gái, chị em họ, có cô, có gì, có cháu gái, và có con gái. Chúng ta cũng đều có mẹ. Họ là một phần máu thịt của mình. Thấy bạo lực diễn ra cho phái nữ mà không lên tiếng thì một ngày nào đó nó cũng có thể xảy ra với những người thân thương nhất của mình. Chúng ta cần hiệp thông và can đảm lên tiếng để đề cao sự tôn trọng đối với phụ nữ và chấm dứt bạo hành với phái nữ.
Thành phố Melbourne chắc chắn không phải là nơi an toàn nhất, hiền hòa nhất, hay không bạo lực. Nhưng tinh thần của người dân Melbourne đối với bạo hành nói chung và với gia đình cô Aiia Maasarwe nói riêng, hay với các trường hợp bạo hành khác trước đây, làm cho tôi cảm nhận rằng tình người là thông lệ, còn vụ hãm hại Aiia là trường hợp ngoại lệ. Nó là sự bất toàn của sản phẩm con người. Người Melbourne nói riêng, dân Úc nói chung, không kêu gọi hận thù. Họ đến với nhau để có một tiếng nói chung: nói không với hành hung phụ nữ. Xảy ra cho một người là có khả năng xảy ra cho bất cứ một người khác. Không cùng nhau lên tiếng thì cái ác cái xấu vẫn tiếp diễn. Do đó họ liên tục lên tiếng và tiếp tục đề cao các giá trị nhân bản và tương kính đối với phụ nữ cũng như tôn trọng những người thuộc văn hóa hay chủng tộc khác để cùng xây dựng một xã hội văn minh và đa văn hóa.
Người cha Saeed Maasarwe đã cảm nhận được tình người đó tại Melbourne. Ông cảm ơn cảnh sát Victoria đã nhanh chóng bắt giữ thủ phạm bị tình nghi. Trước phiên tòa diễn ra hôm thứ Hai, ông Saeed cầu nguyện rằng thế giới tập trung vào hy vọng, không phải phẫn nộ. Ông nói “Tôi ước mong được tiếp tục ánh sáng với ba con gái của tôi và hướng dẫn các con yêu thương, suy nghĩ tích cực, và với đêm tối trời này thì hãy nhìn tới các vì sao để thấy được thấy ánh sáng trong đêm tối”. Ông nói ông học được điều này từ Aiia, đó là lời của Aiia chứ không phải của ông, và ông mong mọi người thấy được ánh sáng, tìm tới ánh sáng chứ đừng ở trong bóng tối.
Hôm nay cô Aiia Maasarwe sẽ được đưa về Do Thái, về nơi an nghỉ cuối cùng.
Melbourne không vẹn toàn. Có lúc có những tiếng nấc, oan ức và nghẹn ngào. Nhưng cũng nhân bản và đầy tình người.
(Úc Châu, 22/01/2019)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét