Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

9282 - Việt Nam là Việt Nam nào?



Có ít nhất hai hay ba nước Việt Nam đang tồn tại trong nhận thức hay quan điểm tùy thuộc bạn là ai. Thứ nhất, một “Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, gọi đúng là Cộng Sản Việt Nam. Nước Việt Nam này tồn tại trong nhận thức của những người đang cai trị Việt Nam hay chấp nhận sự cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam. Đảng quan tâm đến việc duy trì quyền lực hơn là những nhu cầu hay hướng đi lâu dài của đất nước.

Tương tự, những kẻ chấp nhận sự cai trị của đảng CS quan tâm đến quyền lợi bản thân và gia đình họ hơn nhu cầu và hướng đi của đất nước. “Thành phần phên dậu” này ngụy biện “hòa bình”, “ổn định” để phát triển nhưng thật sự chỉ là những kẻ bán chất xám cho đảng, cong lưng làm nô lệ cho đảng bất chấp sự chịu đựng triền miên của đất nước. Nhưng coi chừng, với vốn liếng kiến thức học được tại các trường đại học Đức, Pháp, Mỹ, những kẻ cơ hội này sẽ lớn tiếng rao giảng về dân chủ, tự do ngay sau khi cuộc cách mạng dân chủ thành công.
Thứ hai, một Việt Nam số phận an bài.
Nước Việt Nam này tồn tại trong nhận thức của đa số người Việt chấp nhận cuộc sống như số phận an bài. Một số nhỏ đã từng mơ ước vươn lên nhưng ước mơ đã mỏi mòn theo thời gian và họ đang quen dần với cuộc sống. Một số lớn hơn mất hẳn ý chí đấu tranh để sinh tồn của con người và hoàn toàn trông cậy vào một lực siêu nhiên nào đó. Không ngạc nhiên khi hàng ngàn người chen lấn nhau, đạp lên nhau trước các chùa trong rằm tháng Giêng vừa qua để dâng sao giải hạn mà không biết những sao La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô đang sống trong các biệt thự nguy nga dựng bằng máu, mồ hôi và nước mắt của hơn chín chục triệu người Việt.
Ngoài những Việt Nam trong nhận thức của người Việt, một Việt Nam khác đang được hình thành trong quan điểm của các nhà kiến trúc chính trị Mỹ, đó là một Việt Nam trái độn (buffer state) mà Mỹ đang cố gây ảnh hưởng.
Việt Nam này đóng vai trò tương tự như Rumania trong giai đoạn chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Sô trước 1991.
Nhắc lại, vào thập niên 1970, quan hệ giữa Mỹ và Rumania cải thiện nhiều sau khi Nicolae Ceausescu phê bình Liên Sô xâm lăng Tiệp Khắc và sau đó là Afghanistan cũng như không cho phép Liên Sô diễn tập quân sự trên lãnh thổ Rumania. Rumania cũng là quốc gia duy nhất duy trì ngoại giao với Do Thái, đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông. Đổi lại, Mỹ chấp nhận Rumania được hưởng Tối huệ quốc (most-favored-nation status), xuất cảng máy bay và bán vũ khí cho chế độ Nicolae Ceausescu.
Mặc dù hai tổ chức Amnesty International và Helsinki Watch công bố những vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Rumania, Nicolae Ceausescu vẫn được các chính phủ Mỹ từ Richard Nixon, Gerald Ford đến Jimmy Carter tiếp đón một cách trang trọng qua ba lần viếng thăm Mỹ vào những năm 1970, 1973 và 1978.
Hình ảnh của Nicolae Ceausescu trên chính trường quốc tế được bộ máy tuyên truyền CS Rumania đánh bóng không thể nào bóng hơn và tính chính danh của đảng CS chưa bao giờ được đề cao hơn. Trong lúc các nước CS khác như Hungary hay Ba Lan có điều kiện nhân quyền khá hơn so với Rumania thì lại bị Mỹ cấm vận hay bỏ rơi như trường hợp chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Ba Lan vào tháng 5, 1973 bị hủy bỏ để ưu tiên cho chuyến viếng thăm của Nicolae Ceausescu.
Bộ máy tuyên truyền CSVN cũng đang đánh bóng chế độ như Rumania CS đã làm.
Cuộc Chiến Tranh Lạnh tại Châu Âu đã tàn và cuộc Chiến tranh Lạnh khác ở Á Châu vừa mới bắt đầu. Mục đích chính của Mỹ là siết chặt vòng vây Trung Cộng. Chính sách ngăn chận mới (new containment) của Mỹ lần này mang nội dung kinh tế và quân sự để phân biệt với chính sách ngăn chận thời Chiến Tranh Lạnh mang nội dung chống Cộng Sản Quốc Tế bành trướng sang Tây Âu.
Bức điện tín của George F. Kennan được đem ra nghiên cứu lại. Mỹ cần một vùng độn có vị trí nguy hiểm đối với Trung Cộng và nhìn chung Đông Nam Á không nơi nào khác hơn là Việt Nam.
CSVN hiện nay khác với Rumania trước đây vài điểm như không có tranh chấp biên giới, xung đột lãnh hải nhưng các quan hệ về ý thức hệ, cơ chế chính trị và vị trí chiến lược quân sự thì không khác.
Những chuyến viếng thăm Việt Nam của TT Donald Trump (2018), Bộ trưởng Ngoại Giao Michael R. Pompeo (2018), Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis (1/2018, 10/2018) và cả của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson (2018) cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam về địa lý chính trị trong chính sách và chiến lược của Mỹ tại Á Châu.
Quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và Mỹ từ 451 triệu Mỹ kim vào năm 1995 lên tới 54 tỉ Mỹ kim vào năm 2017. Đó là một tiến trình giao thương phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, giao thương kinh tế chưa phải là quan tâm lớn nhất của Mỹ. Đúng như giáo sư Alexander Vuving, một chuyên gia về Việt Nam thuộc trung tâm Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies phát biểu, Mỹ quan tâm nhiều đến Việt Nam vì “Việt Nam giữ chìa khóa đối với sự cân bằng sức mạnh trong khu vực.”
Khi bàn đến chính sách đối ngoại của Mỹ vấn đề nhân quyền thường được nhắc đến. Vâng. Nhân quyền là một phần nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhưng luôn được áp dụng một cách tương hợp với quyền lợi của Mỹ và chưa bao giờ vượt lên trên quyền lợi của nước Mỹ.
Sau đây là một ví dụ về tương hợp giữa nhân quyền và chính sách đối ngoại của Mỹ.
Dưới chính quyền Jimmy Carter (1977-1981) với Zbigniew Brzezinski làm cố vấn an ninh quốc gia, Mỹ chuyển trục đương đầu từ Á Châu sang Trung Đông, Đông Âu và Liên Sô. Vấn đề nhân quyền tại các quốc gia CS Đông Âu được đặt nặng sau nhiều năm gần như không nghe nhắc đến. Zbigniew Brzezinski là người gốc Ba Lan. Chủ trương của Zbigniew Brzezinski thúc đẩy nhân quyền đã giúp xây dựng nền móng cho Phong Trào Đoàn Kết (Solidarity) tại quê hương của ông cũng như Tiệp Khắc trong Hiến Chương 77 nhưng cùng lúc đã thả lỏng Á Châu cho Trung Cộng tự do thao túng.
Phân tích về chính sách đối ngoại của các cường quốc để vận dụng chứ không phải để đổ thừa, binh vực, biện minh hay trách cứ.
Chính trị là chính trị. TT Jimmy Carter giới thiệu Nicolae Ceausescu là “một lãnh tụ vĩ đại” trong buổi tiếp đón y ngày 12 tháng 4, 1978. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau khi cách mạng dân chủ Rumania thành công vào cuối năm 1989, ngoại trưởng Mỹ James Baker đã có mặt tại Bucharest và tức khắc viện trợ nhân đạo 80 triệu Mỹ Kim để tái thiết Rumania. Nước Mỹ xây dựng trên nền tảng dân chủ nên luôn sẵn sàng chào đón các quốc gia hội nhập vào thế giới tự do dân chủ.
Tuy nhiên, có một Việt Nam khác mà có lẽ cả CSVN và chính phủ Mỹ không đánh giá đúng mức, đó là Việt Nam khát vọng tự do dân chủ.
Nước Việt Nam này tồn tại trong nhận thức của những người Việt trong và ngoài nước đang miệt mài tranh đấu cho tự do dân chủ dưới nhiều hình thức.
Họ là Lê Đình Lượng, Trần Huỳnh Duy Thức, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Trung Trực , Trần Thị Nga. Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội và trên 200 người khác hiện đang ở trong tù, và bên ngoài còn nhiều hàng người đang sống trong đe dọa, trù dập cả về thể xác lẫn tinh thần.
Ngoại trừ thỉnh thoảng CS phải trả tự do cho một vài nhà tranh đấu có tên tuổi, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam ngày càng tệ hại. Năm 2017, theo tổng kết của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, CSVN bị xếp vào hạng 175 trong số 179 quốc gia được quan sát, chỉ đứng trên Trung Cộng, Syria, Turkmenistan, Eritrea và Bắc Hàn.
Dù nhiều năm dài chịu đựng, từng lớp này sang lớp khác, những người Việt ôm khát vọng tự do dân chủ vẫn không ngừng tranh đấu bất chấp đàn áp và khủng bố của chế độ CS. Chính họ chứ không ai khác mới là những người quyết định vận mệnh Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét