Cựu bộ trưởng thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn - bị tống giam vào ngày 23/2/2019 - thực chất là người thế nào?
Từ giữa năm 2016, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã hiện ra như một “sát thủ báo chí”. Trương Minh Tuấn được xem là một thủ hạ đắc lực của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và được ông Trọng nâng đỡ.
Khi đó, báo giới nhà nước rúng động ghê gớm. Chỉ dám thầm thì hoặc tảng lờ trong các cuộc họp nội bộ, nhưng bùng phát trong các quán cà phê, nhiều nhà báo cho rằng đây thực sự là một chiến dịch “đánh” báo chí mà ông Trương Minh Tuấn là “tay kiếm” chủ công và có đủ đức tính lạnh lùng, tàn nhẫn.
Vào tháng Bảy năm 2016 và sau khi nổ ra vụ Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang, Tổng bí thư Trọng đã khởi động chiến dịch “nhất thể hóa chức danh đảng và nhà nước” bằng việc cho Bộ trưởng thông tin Trương Minh Tuấn kiêm chức Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương. Từ lúc đó trở đi, vai trò của Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng là hoàn toàn mờ nhạt. Thay vào đó, người ta nhìn thấy một “trưởng ban tuyên giáo” khác đi nhiều nơi, nói nhiều chuyện và không thiếu chỉ đạo nhân danh “ban tuyên giáo”.
Cũng bởi quá sốt sắng biểu hiện “tính đảng,” trong bài hai của loạt bài đăng trên báo Nhân Dân vào tháng Mười năm 2016 với tựa đề “Nhận diện nguy cơ ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa’ trong lĩnh vực báo chí và một số giải pháp khắc phục”, ông Trương Minh Tuấn đã phạm một sai lầm nghiêm trọng và mang tính xúc phạm nhân cách khi quy “các phần tử cơ hội chính trị” vào nhóm lợi ích kim tiền như sau:
“Một số tờ báo, trang tin phụ họa một số phần tử cơ hội chính trị tranh thủ sự hậu thuẫn của các thế lực chính trị nước ngoài hòng tạo ra thực lực chính trị nhằm thay đổi chế độ trong tương lai. (Liệu có nên coi đây là loại hành vi hỗ trợ các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình?”)
Cái cách mà ông Tuấn quy kết đối với giới bất đồng chính kiến đã khiến cho nhiều người đọc nhìn nhận về giọng điệu của ông không khác gì “cảnh sát tư tưởng,” và ông đang làm thay nhiệm vụ trấn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí của ngành công an.
Không chỉ cần thiết cho Nguyễn Phú Trọng trong chủ trương kiên định ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’, Trương Minh Tuấn còn có thể trở thành nhân vật khó có thể thay thế trong bối cảnh năm 2018 và năm 2019 khi luật An ninh mạng đã được một quốc hội ‘nghị gật’ cắm đầu bấm nút thông qua, một tổng bí thư muốn ‘vận dụng’ luật này để ‘bảo vệ chế độ’ và áp chế mọi tiếng nói khác biệt chính kiến, và được triển khai từ đầu năm 2019. Trương Minh Tuấn chính là công cụ đắc lực để một đảng toàn trị và độc đoán được bảo vệ và kéo dài hơi thở phập phù ngày nào hay ngày nấy.
Hẳn cung mệnh Trương Minh Tuấn sẽ lên như diều gặp gió nếu không nổ ra vụ ‘MobiFone mua AVG’…
Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, trong khi Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 - 15% trong số 7000 tỷ, Trương Minh Tuấn là quan chức bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi nhân vật này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho đàn anh Nguyễn Bắc Son, để Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG. Trương Minh Tuấn cũng là quan chức bị dư luận nghi ngờ về việc đã nhận một ngôi biệt thự trị giá hàng triệu USD của Phạm Nhật Vũ - em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và là một trong những kẻ chủ mưu vụ AVG nhưng cho tới nay vẫn không hề xuất hiện tên tuổi trong kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ về vụ AVG cũng như trong công bố khởi tố và bắt giam của Bộ Công an.
Trong chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ và cá nhân Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt chú tâm. Nếu ông Trọng xử vụ Trương Minh Tuấn quá nhẹ nhàng theo cách ‘đập chuột sợ vỡ bình’, điều được ông Trọng tuyên xưng là ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ sẽ hoàn toàn vô giá trị trong con mắt thế thái nhân tình, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và gần đây nhất là ‘Người đốt lò vĩ đại’ sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay và chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
Là người đặc biệt quan tâm dư luận giới cách mạng lão thành và thường xuyên tham khảo ý kiến của các cựu thần trong đảng, hẳn Nguyễn Phú Trọng đã nhận ra rằng ông ta sẽ bị bất lợi lớn về uy tín nếu chỉ đốt ‘củi rừng’ mà chừa ‘củi nhà’. Đây có thể là nguồn cơn chính dẫn đến quyết định cho bắt Trương Minh Tuấn - dù trước đó Tuấn đã tưởng thoát khi được Trọng cho chuyển công tác làm phó ban Tuyên giáo trung ương để vẫn tiếp tục lên lớp cho báo giới về ‘đạo đức cách mạng sáng ngời’ và cũng là một cách để hạ cánh an toàn.
Nhưng một kịch bản khác cũng có thể đang lộ dần: Nguyễn Phú Trọng mệt mỏi trong cuộc chiến được xem là ‘chống tham nhũng’ nhưng chẳng đi tới đâu của ông ta mà do đó bắt đầu tìm cách thoái lui khỏi cái ghế quyền lực, hoặc ‘im cho nó lành’ trong cơn bể dâu chính trị nội bộ và những đối ngoại xáo xào chẳng biết đâu mà lường, hoặc chính quyền lực của ông Trọng bị lấn át bởi những thế lực mới nổi lên trong nội bộ đảng. Theo đó, vụ Trương Minh Tuấn đang bị một phe cánh chính trị nào đó trong đảng ‘xới’ lại, chưa kể vài trăm tờ báo nhà nước từng bị Trương Minh Tuấn ‘bóp miệng’ sẽ đồng loạt nhảy chồm lên đầu ông ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét