Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

9318 - Biểu tình : Thói quen "ngấm vào máu" của người Pháp


Biểu tình : Thói quen
Cuộc biểu tình của phong trào Áo Vàng trên đại lộ Champs Elysées, Paris, ngày 17/11/2018. Eric FEFERBERG / AFP

Tại Pháp, khác với quyền bãi công, quyền biểu tình không được ghi trong Hiến Pháp. Nhưng đối với người Pháp, biểu tình là một quyền cơ bản của con người để thể hiện tự do ngôn luận. Nhìn từ nước ngoài, biểu tình là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Pháp, cũng giống như rượu vang và pho mai. Nhiều người đùa vui nói rằng thói quen biểu tình đã ngấm vào máu, là một phần trong chuỗi ADN của người Pháp.

Ông Elie Lambert, tổng thư ký Liên minh Các nghiệp đoàn Union syndicale solidaire, nhận định trên báo La Croix ngày 09/10/2017 là ngoài các kỳ bầu cử mà lá phiếu cử tri có thể là một phần thưởng hay hình phạt, thì người Pháp ít có cơ hội để biểu đạt sự không tán thành hay tức giận về các chính sách của nhà nước.
Có những công dân, với tư cách cá nhân, không đồng ý với một biện pháp nào đó của chính quyền, nhưng nếu họ đứng tách biệt, họ không thể làm được gì. Xuống đường, tập trung, tuần hành, biểu tình là dùng sức mạnh của số đông để khiến chính quyền nghe thấy các yêu sách của họ, khiến sự phản kháng của họ trở nên hữu hình. Biểu tình là cách công dân thể hiện sức mạnh đối với chính phủ.
Trong chuyên mục French Connections trên đài France 24, ngày 30/01/2019, nhà báo Florence Villeminot nhấn mạnh : « Cần biết là có rất nhiều cuộc biểu tình tại Pháp. Người ta thống kê là, tính trung bình thì có 10.000 cuộc biểu tình được tổ chức tại Pháp mỗi năm. Đó là nơi tập hợp xã hội, cũng là nơi chúng tôi khám phá về chính trị, là nơi chúng tôi nhớ đến với rất nhiều cảm xúc về những lần đầu tiên tham gia biểu tình. Chúng tôi thường nhớ về các biểu ngữ, ca khúc, chẳng hạn Bella Chaos mà chúng tôi hát trong những ngày đó ».
Một điều không thể phủ nhận là các cuộc biểu tình ở Pháp « nhiều như cơm bữa », liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ bảo vệ môi trường, hôn nhân đồng giới, cải cách luật lao động, hưu trí, giáo dục…, từ quy mô thành phố đến toàn quốc.
Điển hình nhất là phong trào biểu tình, với hàng triệu người tham gia hồi tháng 05/1968, ban đầu nổ ra trong giới sinh viên ở Paris, rồi lan dần sang giới công nhân và nhiều lĩnh vực khác trên toàn nước Pháp, trở thành phong trào đấu tranh, nổi dậy làm rung chuyển xã hội và mang lại nhiều đổi thay cho nước Pháp. Năm 2002, có tới 1,5 triệu người xuống đường phản đối chính trị gia cực hữu Jean-Marie Le Pen lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống.
Nhà báo Florence Villeminot cho biết thêm : « Gần đây hơn, người ta nhắc nhiều đặc biệt đến các cuộc biểu tình để tang và bảo vệ các giá trị của nước Pháp, tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố nhắm vào của tòa soạn tuần báo châm biếm Charlie Hebdo. Ngày 11/01/2015, một cuộc biểu tình quy mô khổng lồ trên khắp nước Pháp quy tụ tới 3 triệu 7 trăm ngàn người ».
Trong thời gian qua, được nói tới nhiều nhất là cuộc biểu tình « dài hơi » của phong trào Áo Vàng. Bắt đầu từ ngày thứ Bảy 17/11/2018, với khoảng 288.000 người tham gia đòi chống tăng thuế xăng dầu, trong 14 ngày thứ Bảy liên tiếp, những người Áo Vàng biểu tình khắp nơi trên cả nước, từ Paris, Lille, đến Lyon, Bordeaux, Nantes, Montpellier… với rất nhiều đòi hỏi khác nhau.
Không chỉ biểu tình vào ngày thứ Bảy, các thành viên của phong trào Áo Vàng còn được kêu gọi xuống đường biểu tình vào ngày Chủ Nhật, kể từ ngày 17/02. Nhưng theo số liệu thống kê của chính phủ Pháp, chỉ có khoảng 51.400 người biểu tình vào thứ Bảy 16/02 và khoảng 1.500 người xuống đường hôm Chủ Nhật 17/02.
Dường như phong trào biểu tình đang thoái trào, nhiều thành viên tiêu biểu của Áo Vàng tỏ ra kín đáo hơn. Eric Drouet, một trong những người khởi xướng phong trào, đã bị kết án một tháng tù treo vì « tổ chức tập hợp không thống báo trước ». Trước ngày biểu tình đầu tiên của Áo Vàng, thủ tướng Pháp Edouard Philippe phát biểu ngày 14/11/2018 trên kênh RTL : « Tôi xin nói điều này với người dân Pháp : quý vị có quyền biểu tình, đương nhiên là như thế, nhưng cần có trách nhiệm và tôn trọng pháp luật ».
Quyền biểu tình
Quyền biểu tình không được ghi trong Hiến Pháp, nhưng được ghi trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, cũng như trong Công ước châu Âu về Nhân quyền. Trên thực tế, quyền biểu tình được chi phối bởi các sắc lệnh và pháp chế, các quy định về quyền đi lại biểu đạt ý kiến. Đối với chính quyền, biểu tình phải đảm bảo trật tự, không gây mất an ninh cho con người và tài sản.
Vậy, người tổ chức biểu tình hay tham gia biểu tình phải tuân thủ quy định nào ? Nhà báo Florence Villeminot nhấn mạnh : « Mọi cuộc biểu tình tổ chức tại đường đi lối lại công cộng, cho dù là tuần hành của người đồng tính Gay Pride, Techno Parade hay các cuộc biểu tình do các nghiệp đoàn tổ chức đều phải thông báo trước. Chẳng hạn nếu quý vị thuộc một hiệp hội và muốn tổ chức biểu tình, cần thông báo cho tòa đô chính trước từ 48 giờ đến 15 ngày. Tại Paris thì khác, phải thông báo cho sở Cảnh Sát trước 2 tháng ».
Nếu tổ chức biểu tình không thông báo trước, không đúng luật, hậu quả sẽ là gì ? Nhà báo Florence Villeminot giải thích tiếp : « Hình phạt là 6 tháng tù giam và phải nộp phạt số tiền 7.500 euro. Nhưng hình phạt này chỉ dành cho những người tổ chức biểu tình ». Người tham gia vào cuộc biểu tình không đúng luật có thể bị phạt 38 euro.
Về số người tham gia biểu tình, con số do Cảnh sát và các nhà tổ chức cung cấp thường có nhiều chênh lệch, người ta gọi đó là « cuộc chiến về số liệu ». Vậy chính quyền thống kê số người biểu tình bằng cách nào ?
Nhà báo Florence Villeminot giải thích trên đài France 24 : « Đôi khi có chuyện rất buồn cười, bởi vì sự khác biệt về số liệu là rất, rất lớn. Nhưng chuyện này mang tính chính trị, bởi vì con số đó thể hiện mức độ thành công của một cuộc biểu tình. Chúng ta sẽ nói về kỹ thuật chính thức, thực ra là kỹ thuật mà cảnh sát dùng là theo phương pháp thủ công. Các nhân viên cảnh sát dùng dụng cụ bấm số cầm tay, rồi sau đó họ kiểm tra lại con số bằng cách xem lại băng video ».
Liên quan đến kỹ thuật thống kê số người biểu tình, một cựu giám đốc tình báo của Sở cảnh sát Paris giải thích cụ thể : « Thực ra, chúng tôi đếm tất cả mọi người, chúng tôi đếm số người đứng dưới lòng đường, số người trên vỉa hè. Có hai điểm cao để đếm đoàn người. Ở mỗi điểm, có hai nhân viên cảnh sát đứng đếm số người biểu tình. Tôi có thể nói là đây không phải nhiệm vụ tuyệt vời nhất trong hoạt động của họ, nhưng họ làm rất tốt công việc đó, họ biết cách làm và họ làm công việc đó với ý thức, quyết tâm và tính trung thực ».
Cái van xả nỗi bất mãn trong xã hội
Vào tháng 06/1984, hai triệu người (theo số liệu của ban tổ chức) tuần hành ở Paris để phản đối dự luật Savary liên quan đến việc sáp nhập các trường tư vào hệ thống giáo dục công. Trước sự phản ứng dữ dội của công luận, dự luật Savary đã bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, biểu tình không phải lúc nào cũng mang lại kết quả. Chẳng hạn, cho dù cuộc biểu tình chống cải cách luật lao động được tổ chức ngày 12/09/2016 quy tụ rất đông người - 200.000 người (theo số liệu của Cảnh sát), 400.000 người (theo thông báo của ban tổ chức) - nhưng dự luật cải cách luật lao động vẫn được thông qua. Nhà báo Florence Villeminot chơi chữ, ví những cuộc biểu tình như cái van qua đó người Pháp xả bỏ những bất mãn trong xã hội :
« Biểu tình như vậy có thể có hiệu quả không ? Tuần hành có thể mang lại kết quả và làm chính phủ phải lui bước. Nếu nhìn lại lịch sử nước Pháp, có những cuộc biểu tình đã ngăn chặn được các dự luật. Chúng ta có thể nói như vậy, chẳng hạn dự luật về cải cách chế độ an sinh xã hội năm 1995, dự luật về hợp đồng tuyển dụng lần đầu năm 2006.
Đôi khi biểu tình không mang lại thay đổi gì, không cản được chính phủ, chẳng hạn cuộc biểu tình phản đối hôn nhân đồng giới không ngăn cản được việc hợp pháp hóa đám cưới đồng tính vào năm 2012. Tuy nhiên, tổ chức Manif pour tous đã ghi được dấu ấn mạnh mẽ trong tâm trí mọi người và trên chính trường. Vì thế, nhiều người có thể nói rằng vai trò quan trọng nhất của một cuộc biểu tình tại Pháp là làm cái van xả nỗi bất mãn trong xã hội. »
Trong bài viết « Biểu tình có để làm gì (nữa) không ? » của báo La Croix đăng ngày 09/10/2017, ông Elie Lambert, tổng thư ký Liên minh các nghiệp đoàn Union syndicale solidaire, công nhận là từ năm 2006, các cuộc biểu tình rất hiếm khi làm chính phủ phải chùn bước. Những người có công ăn việc làm đôi khi do dự không muốn tham gia biểu tình, bởi vì họ cho rằng phải nghỉ làm, kéo theo đó là mất thu nhập mà biểu tình cũng không mang lại kết quả gì. Điều đó tạo ra một « vòng luẩn quẩn ».
Theo ông Elie Lambert, « để có kết quả tốt, các cuộc biểu tình cần được tổ chức theo một phương pháp có thể ít hữu hình hơn, nhưng cụ thể hơn, giống như bãi công, đình công vốn cản trở nền kinh tế hoặc các dịch vụ công, khiến người dân cảm thấy phiền phức, nhờ thế mà gây được sức ép cho chính phủ. Biểu tình là gióng lên một hồi chuông cảnh báo, để kêu gọi đối thoại và bàn bạc tìm giải pháp cho một vấn đề ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét