Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

9292 - Cơ hội để Hà Nội giúp Mỹ-Triều 'đón ánh sáng hòa bình'

"Chúng tôi không có ý định coi Hoa Kỳ là kẻ thù vĩnh viễn. Chúng tôi hy vọng có thể bình thường hóa ngoại giao với Mỹ. Bang giao Mỹ - Triều sẽ được phát triển để phục vụ quyền lợi của nhân dân hai nước nếu Mỹ từ bỏ quan niệm lỗi thời của Chiến Tranh Lạnh là giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng sức mạnh, và tạo điều kiện cho hòa bình và thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên."


Bình NhưỡngBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTự tình dân tộc hai miền Bắc - Nam: Tổng thống Nam Hàn, Moon Jae-in và phu nhân Kim Jung-sook (mặc đồ trắng) được lãnh tụ Kim Jon-Un và phu nhân Ri Sol Ju ra tận cầu thang máy bay ở Bình Nhưỡng đón hôm 18/09/2018.

Tuyên bố của ông Kim Jong-il vào tháng 6/2000 phản ánh giấc mơ của dòng họ Kim muốn khép lại chiến tranh.
Năm 1974, Kim Il-sung (ông nội của Kim Jong-un) đã gửi một lá thư cho Quốc hội Mỹ mời đàm phán về một hiệp ước hòa bình để thay thế Hiệp định đình chiến.
Sau đó, ông còn nêu ý kiến này với Tổng thống Jimmy Carter. Tất cả đều không thành công.
Năm 2000 dưới thời Tổng thống Bill Clinton, hai bên Mỹ - Hàn đã tới sát một giải pháp, nhưng 18 năm sau thì giấc mơ hòa bình mới có hy vọng thành sự thật.
Thông Cáo Chung của cuộc họp thượng đỉnh tại Singapore ngày 12/6/2018 viết:
"Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã tiến hành trao đổi ý kiến toàn diện, sâu đậm và chân thành về các vấn đề liên quan đến việc thiết lập quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên và xây dựng một nền hòa bình lâu dài và vững chãi trên Bán đảo Triều Tiên."
Chỉ mới bắt đầu có hy vọng vì văn bản chỉ nói đại cương về việc hai bên "trao đổi ý kiến" về quan hệ mới giữa hai nước và xây dựng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Như vậy cuộc họp Singapore chỉ là sơ khởi, một dịp cho hai bên gặp nhau lần đầu tiên ở cấp lãnh đạo.
Thù địch Mỹ - Triều 70 năm, gồm 3 năm chiến tranh nóng và 67 năm chiến tranh lạnh có lúc đã đưa bán đảo này tới sát cuộc chiến ác liệt và lan rộng.
Cho nên, thế giới đang kỳ vọng nhiều vào kết quả của cuộc họp Trump - Un cuối tháng Hai tại Hà Nội.
Liệu nó có đưa tới kết quả thực chất nào hay không?

Sự tích hồ Hoàn Kiếm - trả lại lưỡi gươm khi chiến tranh kết thúc, có thể là bài học cho Bắc Hàn tới đâyBản quyền hình ảnhJOHN S LANDER
Image captionSự tích hồ Hoàn Kiếm - trả lại lưỡi gươm khi chiến tranh kết thúc, có thể là bài học cho lãnh đạo Bắc Hàn tới đây thăm

Chúng tôi cho rằng có, tuy với kết quả giới hạn.
Nhưng dù giới hạn, nó cũng sẽ là bước thứ nhất của hành trình Mỹ - Triều thực sự đi tìm hòa bình.
Tại sao như vậy? Đó là vì đến bây giờ thì mới có những động lực mạnh thúc đẩy cả hai bên đi tới kết quả. Muốn có kết quả thì phải chấp nhận một giải pháp dung hòa.
Ta hãy xem các động lực nào thúc đẩy hai bên:
Về phía Chủ tịch Kim Jong-Un:
  • Đã gây được áp lực đối với Mỹ vì có nguyên tử và tên lửa xuyên lục địa ICBM;
  • Tình trạng nghèo đói quá mức của người dân Bắc Hàntrầm trọng thêm trong hai năm qua vì cấm vận, so với sự phồn thịnh của Nam Hàn mà ông Un đã nhìn thấy trong dịp Olympic vừa qua;
  • Cá nhân ông Un không có con trai lớn kế nghiệp cha, bản thân lại là con trai cuối cùng của nhà Kim, cho nên phải chóng thực hiện mộng thống nhất;
  • Kéo dài tình trạng bất an không có lợi cho chính bản thân vì những 'thế lực thù địch' tiềm ẩn trong nước;
Phần nào Kim Jong-Un cũng e ngại ông Trump, vì đã đe dọa bão lửa (with fire and furyvà răn đe thêm cũng chưa thấy đủ. Dù chỉ hù nhưng cũng không biết đâu được vì dư luận cho ông Trump là người khùng.

Báo nhà nước Rodong Sinmun đăng ảnh ông Kim mặc áo may ô và bà Ri Sol-ju vợ ông cầm áo khoác cho chồng.Bản quyền hình ảnhRODONG SINMUN
Image captionTờ Lao Động (Rodong Sinmun) đăng ảnh ông Kim mặc áo may ô và bà Ri Sol-ju vợ ông cầm áo khoác cho chồng khi thăm một nhà máy cá hộp. Thời kỳ cầm quyền của ông Kim Jong-Un được đánh dấu bằng một số thay đổi về chính sách kinh tế tại Bắc Hàn
Tổng thống Richard Nixon đã từng đưa ra thuyết thằng điên (madman theory).
Năm 1953, chính vì Tổng thống Dwight Eisenhower cho Chủ tịch Kim Il-Sung biết sẽ có Hiroshima thứ hai nên chiến tranh Triều Tiên mới ngừng.
Về phía Tổng thống Trump:
  • Cấm vận từ lâu không thành công: Bình Nhưỡng vẫn có thể lách để chuyên chở hàng hóa trên biển và trên bộ thì biên giới Trung-Triều dài 1420 km cũng không dễ kiểm soát.
  • Biện pháp quân sự thì rủi ro quá lớn: đó là mạng sống của các đơn vị Mỹ ở DMZ, của dân thủ đô Seoul và dân Nhật Bảnnên ông Trump cũng không còn sự lựa chọn nào khác ngoài đàm phán;
  • Đây là cơ hội đối với ông Trump:biết những điểm yếu và nhu cầu hiện nay của ông Un, nhất là ước mong thực hiện sớm sứ mệnh thống nhất.
  • Cá nhân ông Trump đang cần một thắng lợi lớn về ngoại giao để cân bằng những khó khăn trong nước, nhất là khi thù nghịch leo thang với truyền thông, điều tra của Robert Mueller, và quan trọng nhất: Hạ Viện đã vào tay Đảng Dân Chủ. Ngoài ra ông Trump muốn có thời giờ để tập trung vào những ưu tiên khác: xây tường biên giới, Iran, Syria.
Vì động lực mạnh cho nên cả hai bên sẽ xuống thang để dung hòa. Ta hãy xem yếu tố 'thiên thời' ra sao.

Quả vậy, chính Mỹ đã xuống thang

Mùa Thu năm 2017: tên lửa xuyên lục địa, đầu đạn nguyên tử, vũ khí hóa học, chiến tranh trên mạng. Khi Kim Jong-Un phóng tên lửa Hwasong-15 với tầm bay tới Los Angeles, Denver, Chicago, rồi đe dọa tấn công phủ đầu nước Mỹ, nhiều người lo sợ về một cuộc chiến khốc liệt sẽ xảy ra.

Kim và TrumpBản quyền hình ảnhSAUL LOEB
Image captionTT Trump trìu mến nhìn Kim Jong-Un trong cuộc gặp mặt lần đầu ở Singapore tháng 6/2018

Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis trình bày với Quốc Hội Mỹ là Bắc Hàn đã "thay thế Nga thành mối nguy hiểm số một cho Mỹ" (6/2017).
Tổng thống Donald Trump đe dọa tấn công Bình Nhưỡng. Dân chúng ở Hawaii chuẩn bị hầm trú ẩn.
Nhưng trên mạng BBC News Tiếng Việt, chúng tôi đã giải mã chiến lược của ông Kim Jong-Un và khẳng định rằng: chắc chắn là ông không thực sự nhắm vào lục địa Mỹ như dư luận lo sợ, hay muốn cho Mỹ "nếm mùi cay đắng".
Mục đích thực sự của ông Un chỉ là gây áp lực tối đa đối với Mỹ.
Ông đã theo mưu kế của người cha và người ông là phải có cả nguyên tử, cả sức phóng để dồn Mỹ vào thế phải điều đình. Điều đình để đi tới một Hiệp ước Hòa Bình chấm dứt tình trạng chiến tranh. Khi có hiệp ước thì việc bang giao với Mỹ là đương nhiên và mộng thống nhất Bắc - Nam sẽ được thực hiện.
Áp lực ấy đã có kết quả. Bây giờ thì Hoa Kỳ xuống thang để điều đình - không phải giữa cấp bộ trưởng mà là ở cấp thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo.

Nhu cầu của Hoa Kỳ

Lập trường cố hữu của Hoa Kỳ là Bắc Hàn phải đơn phương phi nguyên tử hóa trước rồi Mỹ ký một Hiệp Ước Hòa Bình và Mỹ cũng không đưa ra những bảo đảm vững chắc về an ninh cho Bắc Hàn.
Lập trường cố hữu của Bắc Hàn là ngược lại: ký Hiệp ước Hòa bình trước như chúng tôi sẽ đề cập sau.
Lập trường ban đầu của ông Trump còn mạnh hơn nữa: Bắc Hàn phải cam kết đơn phương, toàn diện, không thể đổi ngược về phi nguyên tử hóa và chấp nhận kiểm tra chặt chẽ của quốc tế.
Kiểm tra là vấn đề khó khăn nhất, chưa bao giờ Bình Nhưỡng chấp nhận hoàn toàn việc này, cho nên nó đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất làm thất bại điều đình trong quá khứ.
Tuy nhiên đây là đòi hỏi tối đa của ông Trump. Ông luôn tự hào về nghệ thuật điều đình của mình. Căn bản là một thương gia nên ông rất thực tế.
Ông viết trong cuốn The Art of the Deal:
"Tôi không bao giờ gắn bó quá mức với chỉ một cái 'deal' hoặc một sự lựa chọn... Tôi thả rất nhiều quả bóng, bởi vì hầu hết các 'deals' đều không thành, bất kể lúc đầu chúng có vẻ hứa hẹn như thế nào" (I never get too attached to one deal or one approach...I keep a lot of balls in the air, because most deals fall out, no matter how promising they seem at first).
Theo ông, một trong 11 kế sách để thành công trong các cuộc thương thuyết là phải chuẩn bị cho sự bết bát nhất:
"Tôi luôn bắt đầu các cuộc thương thuyết bằng dự đoán điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Nếu bạn lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất - và nếu bạn có thể sống với điều tồi tệ nhất - thì điều tốt đẹp sẽ tự nó tới..." (I always go into the deal anticipating the worst. If you plan for the worst--if you can live with the worst--the good will always take care of itself).
Xem như vậy, mặc dù ông Trump đòi hỏi ông Un phải đơn phương phi nguyên tử hóa toàn diện (complete denuclearization), tức là phải phá hủy tất cả những loại khí giới và phương tiện phóng nguyên tử hiện có, hủy toàn bộ kho dự trữ uranium và lò tinh luyện, phải chỉ rõ những khu vực sản xuất nguyên tử, nhưng trong thâm tâm - ít nhất là trong lúc đầu - chắc chắn là ông đã chuẩn bị để chấp nhận ít hơn nhiều.
Ông thừa biết rằng Bắc Hàn đã không 'trường kỳ kháng chiến' 70 năm (1949 - 2019) để nhượng bộ ngay tức khắc toàn diện về nguyên tử - cái bảo đảm chắc chắn nhất về sự sống còn của Nhà Kim.
Cho nên mục đích điều đình của ông Trump là giới hạn:
  • Bắc Hàn từng bước phi nguyên tử hóa Bán Đảo Triều Tiên;
  • Bước thực tế ban đầu là Bắc Hàn ngừng hẳn việc thử nghiệm nguyên tử và phóng tên lửa;
  • Bắc Hàn chấp nhận tái tham gia 'Hiệp ước Ngăn chặn Phát triển Nguyên tử' (Nuclear Proliferation Treaty) và việc quốc tế kiểm soát vũ khí.

Nhưng về phía mình, Bắc Hàn cũng xuống thang

Như đề cập trên đây, lập trường của Bắc Hàn là ngược lại: phải có một Hiệp ước Hòa bình trước rồi mới tiến hành phi nguyên tử hóa.
Mục đích của Kim Jong-Un đã được phác họa rõ ràng từ người cha, vào tháng 6 năm 2000, và trước đó, từ ý tưởng của người ông, vào tháng 4, 1975) đó là:
  • Hiệp ước Hòa bình (Peace Treaty) để thay thế cho Thỏa thuận đình chiến 1953;
  • Mỹ rút quân khỏi DMZ và lãnh thổ Nam Hàn;
  • Kết thúc tất cả can thiệp vào nội bộ của Nam Hàn (gồm cả tháo gỡ khí giới nguyên tử - và ngày nay thì kể cả việc rút hệ thống THAAD);
Tuy nhiên, đây là mục đích tối đa. Bây giờ ông Kim Jong-Un sẽ chỉ chấp nhận những mục đích điều đình tối thiểu:
  • Hiệp ước Hòa bình để chấm dứt tình trạng chiến tranh;
  • Mỹ cam kết bảo đảm an ninh cho Bắc Hàn.
  • Bang giao với Mỹ
Vào thời điểm này, hiệp ước sẽ không (hay chưa) đặt vấn đề Mỹ rút quân. Nếu có thì cũng chỉ nêu ra trên nguyên tắc: Mỹ cam kết sẽ rút quân khi Bán đảo Triều Tiên được hoàn toàn phi nguyên tử hóa. Ông Kim Jong-Un thừa biết rằng 11 đời tổng thống Mỹ không trường kỳ 70 năm để chấp nhận rút quân trong mấy tháng.
Vấn đề này còn cần thời gian để giải quyết, vì chính Nam Hàn cũng chưa an tâm đủ để Mỹ rút quân. Mới đây Seoul đã đồng ý trả cho Mỹ $890 triệu một năm để giúp tài trợ việc đóng quân ở Nam Hàn - xin nhắc ông Trump là thương gia nên rất thực tế, thấy vấn đề là phải ra tiền.

Kết quả ở Hà Nội sẽ ra sao?

Hai ngày họp ở Hà Nội không phải là để đàm phán mà chỉ là để chính thức hóa kết quả đã đạt được trong thời gian bảy tháng kể từ cuộc họp tại Singapore 12/6/2018.
Kết quả thì chắc chắn là khiêm nhượng vì vấn đề chính là phi hạt nhân hóa thì chưa thấy có bước nào rõ ràng.
Trái lại, vừa mới đây, ngày 5/02, 2019, Reuters trích dẫn báo cáo bí mật của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là các chương trình tên lửa đạn đạo và nguyên tử của Triều Tiên vẫn còn y nguyên và nước này đang nỗ lực để đảm bảo rằng các cơ sở đó không thể bị phá hủy bởi bất kỳ cuộc tấn công phủ đầu nào.
Có thể ông Kim Jong-Un lo mình đã bị mắc mưu vì đã tiết lộ một số các địa điểm lắp ráp và sản xuất tên lửa và nguyên tử.
Báo cáo còn cho biết đã tìm thấy bằng chứng Bắc Hàn đang cho phân tán các địa điểm lắp ráp, tàng trữ và thử nghiệm.
Tuy nhiên vì bây giờ cả hai bên đều có động lực mạnh để đi tới kết quả về thực chất, cho nên cuộc họp tại Hà Nội rất có thể sẽ kết thúc bằng việc hai bên đồng ý đàm phán về một Hiệp ước Hòa bình thay thế cho Thỏa thuận Đình chiến.
Những nét chính của hòa ước sẽ bao gồm:
  • Chấm dứt chiến tranh
  • Bắc Hàn cam kết từng bước phi nguyên tử hóa
  • Mỹ cam kết bảo đảm an ninh cho Bắc Hàn
  • Bang giao với Mỹ
Để chấm dứt tình trạng chiến tranh về lâu dài, hiệp định sẽ bao gồm giải pháp dung hòa.
Thông cáo chung tại Singapore đã nói tới việc trao đổi ý kiến về quan hệ mới giữa hai nước và về việc Tổng thống Trump cam kết đưa bảo đảm an ninh cho Bắc Hàn và Chủ tịch Kim Jong-Un tái khẳng định cam kết phi nguyên tử hóa Bán đảo Triều Tiên."

Một phi đội của Hoa Kỳ trên bầu trời Bắc Triều Tiên năm 1951Bản quyền hình ảnhHISTORICAL/GETTY IMAGES
Image captionMột phi đội của Hoa Kỳ trên bầu trời Bắc Triều Tiên năm 1951. Chiến tranh chỉ ngưng bằng hiệp định đình chiến tháng 7/1953, chia cắt hai miền Nam Bắc

Hai hành động này phải diễn ra song song. Hai bên đồng ý sẽ ký một Hiệp ước Hòa bình - hoặc có thể bắt đầu ngay, thậm chí có thể cũng có cả một bản dự thảo về những nét chính của hiệp ước này. Ngược lại Bắc Hàn cam kết phi nguyên tử hóa với sự giám sát quốc tế, theo một lộ trình (Road Map) và bắt đầu ngay bằng việc ngừng hẳn những thí nghiệm nguyên tử và phóng tên lửa.
Một khi hiệp ước được hoàn thành thì sẽ do bốn nước cùng ký (giống như đã ký Thỏa ước 1953): Hoa Kỳ, Bắc Hàn, Nam Hàn và Trung Quốc.
Sớm nhất có thể, Mỹ sẽ bảo đảm an ninh, nới lỏng cấm vận và bắt đầu viện trợ cho Bắc Hàn.
Viện trợ thực phẩm là việc dễ nhất vì hiện nay Mỹ đang có lượng thực phẩm thặng dư quá lớn, nhất là thịt, sữa, phó mát.
Tóm lại, hai bên sẽ đi một bước mới và vững chắc. Bước đó dài hay ngắn thì còn tùy thuộc vào những đàm phán về "Road Map" trong mấy ngày còn lại trước 27 tháng 2, 2019.
Hồi năm 1954, quốc tế mở Hội nghị Geneva để bàn về Chiến tranh Triều Tiên và cuối cùng lại xoay sang bàn về Đông Dương và Việt Nam vì trận Điện Biên Phủ dữ dội chiếm dần nghị trình thảo luận.
Ngày nay, nếu nhân loại may mắn, chúng ta sẽ thấy câu chuyện ngược lại. Việt Nam mở đầu cho hòa bình ở Triều Tiên.
Điều này có đến hay không thì còn phải chờ xem nhưng chắc chắn là cuộc họp Trump - Kim ở Hà Nội sẽ phản ảnh quyết tâm muốn khép lại cái màn đêm u tối để ánh sáng bình minh sớm ló rạng trên Bán đảo Triều Tiên, gần 66 năm sau.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của GS Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch những ngày cuối cùng của trong chính phủ VNCH. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về chính trị Mỹ tại Việt Nam và châu Á.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét