Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

9366 - Mật vụ Bắc Hàn


Theo như thông báo, cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn sẽ được diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28 cuối tháng Hai này. Tại sao là Hà Nội và kết quả như thế nào là câu chuyện thời cuộc được lý giải theo dăm cách khác nhau. Nhưng một điều chắc chắn là các nhân viên mật vụ của cả hai quốc gia hiện đang có mặt tại Hà Nội với những kế hoạch bảo vệ an ninh chặt chẽ và căng thẳng, không loại trừ những nghi ngờ và bất đồng trong phương án của riêng mình. Các mật vụ Mỹ đã được nhắc đến khá nhiều đó đây, ở đây chúng ta thử tìm hiểu về mật vụ Bắc Hàn có gì khác biệt, cùng dăm vấn đề an ninh trước thềm thượng đỉnh.

mat-vu-bac-han1
Kim Jong Un đã mang đến 12 vệ sĩ bên cạnh chiếc limo của mình trong cuộc gặp tại Nam Hàn – nguồn Time Magazine



Hồi cuối tháng Tư năm ngoái, tại cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Nam và Bắc Hàn tại Seoul, thế giới lần đầu chú ý cảnh 12 cận vệ Bắc Hàn mặc áo trắng, cà-vạt xanh và vest đen đồng phục, chạy bộ hộ tống chiếc xe Limousine đang chở lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un, giữa những chiếc xe hộ tống tiền trạm và theo sát sau đuôi. Cảnh tương tự này đã lặp lại tại Singapore trong cuộc họp thượng đỉnh lần đầu giữa TT Donald Trump và Kim Jong-un vào tháng Sáu sau đó. Ắt lần này, những người theo dõi tin tức về cuộc họp có thể lại chứng kiến cảnh các cận vệ chạy dọc theo xe Limousine trên đường phố Hà Nội như vậy.
Việc các mật vụ Hoa Kỳ hay những quốc gia khác vây quanh xe tổng thống khi xe lăn bánh chậm qua đường phố để tổng thống có thể vẫy chào dân chúng hoặc chạy xe mô tô bám quanh, chứ hiếm có cảnh chạy bộ theo xe như kiểu cận vệ Bắc Hàn như vậy. Cũng có thể đó chỉ là màn phô diễn, khoa trương của Bắc Hàn để cho thấy mức độ quan trọng của lãnh đạo, nhưng đồng thời nó cũng là những tấm bia người, lá chắn bao bọc cuối cùng để bảo vệ Kim Jong-un, người được cho là luôn mang nỗi ám ảnh bị ám sát và được bảo vệ nghiêm ngặt còn hơn cả ông và cha mình từng có.
mat-vu-bac-han
Kim Jong-Un tại Singapore vào tối ngày 11 tháng 6 năm 2018. Bên phải của KJU là vệ sĩ chính và Giám đốc Văn Phòng Sĩ Quan Phụ Tá (Office of Adjutants) – Ảnh: KCNA / KNS
Trước khi nói về nhóm cận vệ này cũng nhắc sơ qua Biệt Ðoàn Tư Lịnh Phòng Vệ (Guard Command) của Bắc Hàn. Theo các nguồn tin tình báo phương Tây và Nam Hàn, đây là biệt đoàn tác chiến đặc nhiệm riêng biệt với quân số khoảng 100,000 người, chịu trách nhiệm bảo vệ gia đình lãnh tụ và các yếu nhân chính phủ, ngăn chặn các nguy cơ và trấn áp những âm mưu đảo chánh, theo dõi các viên chức và tướng lãnh cao cấp của Bắc Hàn, cũng như chịu chung trách nhiệm cùng với Lữ Ðoàn Phòng Vệ Bình Nhưỡng và Bộ Chỉ Huy Phòng Không thuộc Bộ Quốc Phòng trong việc bảo vệ Bình Nhưỡng. Biệt đội này nhận lịnh trực tiếp từ Kim Jung-un, được ưu đãi và tẩy não để có sự trung thành tuyệt đối với họ Kim, đồng thời được huấn luyện đặc biệt và trang bị kỹ thuật cao cùng các vũ khí, thiết bị tối tân nhất, kể cả xe tăng, pháo binh hạng nặng và hỏa tiễn. Quanh phủ chủ tịch hay các dinh thự tư gia của họ Kim là do nhiều tiểu đoàn thuộc lực lượng phòng vệ này trấn thủ và bảo vệ nghiêm mật.
Nhóm mật vụ bảo vệ trực tiếp Kim Jong-un ước tính có khoảng 200 nhân viên được tuyển chọn và sàng lọc rất kỹ càng từ biệt đoàn phòng vệ này. Nhóm sĩ quan mật vụ này thuộc Phòng Sáu (Office 6), có tên chính thức là Văn Phòng Sĩ Quan Phụ Tá (Office of Adjutants) trong số hàng ngàn nhân viên khác lo về hậu cần, y tế, thông tin liên lạc… trong các chuyến đi của họ Kim. Tương tự như nhóm mật vụ Hoa Kỳ bảo vệ tổng thống và các yếu nhân chính phủ, đây là nhóm cận vệ chịu trách nhiệm đi tiền trạm, lên phương án bảo vệ lãnh tụ, làm việc và phối hợp với các nhóm mật vụ của các quốc gia khác như tại các cuộc họp thượng đỉnh vừa qua. Họ là những mật vụ duy nhất được phép mang súng khi gặp Kim, thường tạo hai vòng bảo vệ cuối cùng, trong số khoảng sáu đến bảy vòng bảo vệ mỗi khi Kim Jung-un xuất hiện nơi công chúng hay công du, theo các nguồn tin cho biết. Nhiều người là thuộc giòng họ của các viên chức hay tướng lãnh cao cấp và trung thành với lãnh tụ, hay được điều tra lý lịch nhân thân hai ba đời, được tuyển chọn từ  nhỏ và trải qua các chương trình huấn luyện lâu dài và đặc biệt, hệt như các lực lượng đặc biệt quân đội Bắc Hàn. Giỏi võ thuật, bắn súng nhanh và giỏi, khả năng phán đoán và ứng biến nhanh lẹ, những phẩm chất ắt không thể thiếu đối với các toán cận vệ của bất cứ quốc gia nào. Họ được huấn luyện để có thể quan sát tinh tường, phỏng đoán chính xác và phản ứng kịp thời trước những rủi ro trong chu vi bảo vệ lãnh tụ. Ðiều khác biệt là họ được tẩy não trong thời gian dài để có niềm tin mãnh liệt rằng, Kim lãnh tụ là một vị Thánh, đúng theo nghĩa đen và họ được sinh ra chỉ để làm nhiệm vụ “cao cả” là bảo vệ cho “vị thánh của dân tộc”.
Việc bảo vệ các nguyên thủ quốc gia trong các cuộc họp thượng đỉnh là điều khá phức tạp và có lắm điều bất ngờ, kể cả giữa các cuộc họp với nguyên thủ các nước đồng minh. Không phải chưa từng xảy ra cảnh mật vụ xô xát với giới an ninh sở tại hay với nhau. Trong một thước phim của hãng AP đưa tin về hội nghị APEC 2004 tổ chức tại Chile, cảnh xô xát giữa các mật vụ đã xảy ra khá náo động khi các mật vụ Chile ngăn cản không cho các mật vụ Mỹ được theo vợ chồng Tổng thống George W. Bush vào dự tiệc chiêu đãi của Tổng thống Chile, đích thân TT Bush phải quay lại để kéo tay người trưởng toán mật vụ duy nhất được theo vào với mình. Hay như mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) vốn nổi tiếng là hung dữ và thiếu chuyên nghiệp, từng đánh cả nhân viên an ninh các nước sở tại. Hồi 2009, một mật vụ TNK đã bước vào khoảng cách không cho phép với TT Obama, bất chấp lời cảnh cáo của mật vụ Hoa Kỳ, buộc các mật vụ HK phải vật ngã trong tình huống bắt buộc.  Rồi mới hai năm trước, các mật vụ TNK này lại vây đánh, hành hung cả những công dân Mỹ ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ, khi những người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ kéo đến đại sứ quán nước này để biểu tình phản đối Tổng thống TNK sang công du Hoa Kỳ và ghé vào đây, tạo ra một khung cảnh khá hỗn loạn và đầy bạo lực cả một khu vực, buộc cảnh sát và mật vụ Mỹ phải nhảy vào can thiệp.

mat-vu-bac-han2Những người bảo vệ của Kim đã được nhìn thấy mặc nhiều trang phục và mang theo nhiều vũ khí khác nhau. nguồn The Drive

Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Trump và họ Kim lần thứ nhất tại Singapore được cho biết đã gây lắm nỗi nhức đầu, bất an lẫn nghi ngờ cho mật vụ cả hai phía cùng lực lượng an ninh Singapore trước nhiều đòi hỏi, thỏa thuận giữa các bên. Khả năng ám sát hoặc bên này hoặc bên kia khó lòng xảy ra nhưng không phải không nằm trong các tình huống giả định giữa các nhóm mật vụ, nhất là trước sự thất thường và đầy nghi kỵ của họ Kim. Hoặc giả có một âm mưu đảo chánh nào đó đang ngấm ngầm diễn ra tại Bình Nhưỡng và những kẻ chủ mưu sẽ cài người để thực hiện những điều bất ngờ. Bên cạnh đó, không loại trừ sự hiện diện của cơ quan tình báo Nga, Trung Cộng hay các tổ chức khủng bố quốc tế.  Giới mật vụ và tình báo hai quốc gia đã phải dựa vào các cơ quan an ninh Singapore để làm trung gian, thuyết phục trong vấn đề bảo vệ an ninh ở mức tối đa cho tổng thống hay lãnh tụ của mình trước những vấn đề ngoài vòng kiểm soát của họ. Trong lần gặp thứ nhất, cả hai bên đã đồng ý theo đề nghị của phía Singapore khi chọn cụm resort Capella cho cả hai phái đoàn cùng trú ngụ và họp, tránh việc di chuyển qua lại trên đường phố để đến nơi họp nếu phải ở các khách sạn khác nhau.
Vấn đề an ninh cho cuộc họp thượng đỉnh diễn ra tại Hà Nội lần này cũng vậy. Giới lãnh đạo Bắc Hàn từng tuyên bố điều tiên quyết để xem các cuộc họp có thành công hay không phải là sự an toàn tuyệt đối cho Kim Jong-un. Các nguồn tin cho thấy trong khi Hoa Kỳ nhắm đến Ðà Nẵng vì TT Trump đã từng sang dự APEC hồi hai năm trước, cũng như các mật vụ HK đã quen thuộc và có những kế hoạch, phương án bảo vệ tổng thống tại đây thì Bắc Hàn lại nghiêng về Hà Nội, nơi họ đặt đại sứ quán và có thể có cuộc họp riêng với giới lãnh đạo Hà Nội – những “đồng chí” có “mối quan hệ hữu nghị” lâu đời, từ thời ông nội của họ Kim. Họ không muốn thêm những rủi ro hay phương án bảo vệ khác nhau khi phải di chuyển giữa hai thành phố. Giới an ninh Việt Nam xem ra cũng đang lo lắng trong việc bảo vệ an ninh chung cho sự kiện quan trọng này, khi mới tuần trước Công An Hà Nội vừa tổ chức hội nghị bàn về phương án giữ an ninh cho cuộc họp thượng đỉnh này cùng với Bộ Công An và Bộ Tư Lịnh Thủ Ðô, qua kế hoạch sẽ điều động thêm hàng ngàn công an lẫn quân đội giữ an ninh chung. Vấn đề giải trừ vũ khí hạch tâm trên bán đảo Triều Tiên chưa biết sẽ ra sao nhưng phía sau hậu trường, mật vụ Bắc Hàn ắt đang mất ngủ trong kế hoạch bảo vệ lãnh tụ của mình cho đến khi họ Kim về đến Bình Nhưỡng an toàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét