Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

9367 - Hồng Y George Pell và sức mạnh của pháp luật


         Hồng Y George Pell rời tòa án ở Melbourne, Australia, 26 tháng Hai, 2019.

Sự kiện Hồng Y George Pell bị kết tội xâm hại tình dục trẻ em (với hai bé trai thuộc ca đoàn), tức tội ấu dâm, đã trở thành đề tài thảo luận nhiều nhất trên mọi cơ quan truyền thông Úc từ trưa hôm qua cho đến hôm nay. Và hiển nhiên sẽ còn tiếp tục trong những ngày tới. Đề tài này chiếm đầy các trang báo, truyền thanh, truyền hình và các trang mạng chính mạch cũng như các ngôn ngữ sắc tộc, qua mọi thể loại đặc sản truyền thông. Phần lớn thì giờ của tin tức trên các cơ quan truyền hình Úc hôm qua cũng chỉ đề cập đến bản tin này.
Hồng Y George Pell là người đứng đầu giáo phận Công giáo Úc hơn hai thập niên qua, giữ vai Tổng Giám mục Melbourne từ năm 1996 đến 2001, Tổng Giám mục Sydney từ năm 2001 đến 2014, và được bổ nhiệm làm Hồng Y năm 2003. Ông được sự tín nhiệm của tòa thánh Vatican qua ba đời giáo hoàng. Ông được xem là nhân vật thứ ba tại tòa Vatican chỉ vài tháng trước. Không chỉ chịu trách nhiệm về tài chánh cho Vatican kể từ năm 2014, ông còn ảnh hưởng mạnh mẽ về chính sách ngoại giao và là người Vatican phải tham khảo về mọi vấn đề liên quan đến Úc. Và tất nhiên trong chức vụ hồng y, các điều liên quan đến việc bổ nhiệm tổng giám mục, giám mục, cũng như linh mục hay các mục vụ quan trọng tại Úc, đều trực tiếp hay gián tiếp phải thông qua ông.
Vì địa vị và tầm ảnh hưởng lớn lao như thế của ông Pell, bản án này đã gây xôn xao dư luận Úc từ mọi phía.
Có người vẫn chưa tin điều này, vẫn nghĩ là ông vô tội. Có người cho rằng sự kiện này khó thể xảy ra. Có người phủ nhận hoặc nghi vấn kết quả. Ngay cả khi đã biết kết quả bản án này, cựu Thủ tướng Úc John Howard vẫn khẳng định rằng nó không hề lây chuyển quan điểm của ông về ông Pell. Chính ông Howard là một trong mười người ảnh hưởng mạnh mẽ tại Úc viết thư tham chiếu tư cách của ông Pell (character reference) trước khi bồi thẩm đoàn đi đến kết luận bản án.
Và cũng có nhiều người phẫn nộ.
Nhưng phần lớn ai nấy đều cảm thấy bàng hoàng và sốc đến tận cùng. Nhiều người theo đạo Công giáo hiển nhiên cũng cảm thấy bị tổn thương tột cùng.
Đây là lần đầu tiên một người cao cấp nhất của Giáo hội Công giáo Úc, thuộc thượng tầng lãnh đạo của Tòa thánh Vatican, bị kết án xâm hại tình dục trẻ em. Ông Pell vẫn khẳng định mình vô tội. Luật sư của ông cho biết sẽ kháng án. Nhưng hôm nay họ quyết định không nộp đơn tại ngoại hầu tra, mà không nêu rõ lý do. Ngày 13 tháng Ba năm nay mới chính thức biết án lệnh của tòa là gì, ông sẽ bị tù bao nhiêu năm v.v... Ông hiện nay 77 tuổi và sức khỏe có vấn đề, nên án lệnh tùy thuộc rất nhiều các yếu tố và hoàn cảnh cá nhân như trường hợp của ông Pell. Tối nay ông Pell phải nằm sau song sắt.
Trong vụ án này, những ai muốn biết tình tiết sự vụ có thể đọc bài hoặc xem video. Trong phạm vi bài này, tôi thấy có ba điều đáng nói về luật pháp của nền dân chủ Úc.
Đầu tiên là về bồi thẩm đoàn. Theo thường lệ thì 12 người bình thường trong xã hội được chọn một cách ngẫu nhiên. Tôi đã từng được chọn làm một bồi thẩm trong một vụ án khác trước đây nên cũng biết sơ về thủ tục. Cho một vụ án thì thường có khoảng vài chục người được chọn vào vòng đầu, sau đó khoảng 20 đến 25 người được chọn vào vòng hai, và vào vòng ba trong phiên tòa thì bênh bị cáo, tuy có quyền đề cử, nhưng phải cùng với bên nguyên cáo hoặc công tố viên chọn ra 12 người sau cùng.
Trong trường hợp đặc biệt này, có đến hơn 100 bồi thẩm được chọn. Lý do là để tìm một bồi thẩm đoàn công minh chính trực nhất. Trong ngày đầu tiên của phiên xử, chánh án Peter Kidd đề nghị những bồi thẩm nào cảm thấy mình không thể vô tư, công trực bởi vì mình là người theo đạo Công giáo hay là người có cảm xúc không tốt về tòa thánh, thì cả hai thành phần này nên tự loại mình. Chánh án Kidd nhấn mạnh: “Phiên xử này không thể sử dụng như là cơ hội để dùng Hồng Y George Pell như vật tế thần cho các hành vi không nằm trong cáo trạng hay các hành xử hay thất bại của Giáo hội Công giáo nói chung”.
Bồi thẩm đoàn đầu tiên cho vụ án này đã không đi đến quyết định chung cuộc. Và bị giải tán nhiệm vụ. Đến bồi thẩm đoàn lần thứ hai, sau khi phiên xử kéo dài đến năm tuần và mất ba ngày để tranh luận thuyết phục nhau với tất cả các bằng chứng trình bày trước mắt họ, lần này bồi thẩm đoàn đã cuối cùng nhất trí kết luận với nhau.
Nói chung tiến trình chọn bồi thẩm đoàn và cả tiến trình xét xử công minh tại phiên tòa trong nhiều tuần là không thể đặt vấn đề.
Điều kế tiếp là lệnh cấm/bịt miệng, mà tiếng Anh gọi là suppression/gag order. Thật ra bồi thẩm đoàn đã đi đến quyết định vụ án này vào ngày 11 tháng 12 năm 2018. Mãi cho đến giờ mới được công bố chính thức. Tại sao? Lý do là vì lệnh cấm này.
Cũng theo quan điểm của chánh án Peter Kidd nói trên, vì ông Pell bị tố cáo đến hai vụ xâm phạm, một vụ xảy ra vào thập niên 1970 lúc ông còn là một linh mục ở Ballarat thuộc tiểu bang Victoria, và một vụ mới hơn, vào năm 1996 lúc ông là Tổng Giám mục Melbourne. Vụ án hai có khả năng bị nhận chìm bởi kết quả vụ án một, theo chánh án Kidd. Cho nên ông Kidd cho rằng để công bằng và chánh trực cho ông Pell và cho vụ án hai, để kết quả của vụ án một (dù có tội hay không) không ảnh hưởng đến vụ án hai, nhất là tác động của kết quả lên bồi thẩm đoàn của vụ án hai, thì mọi thông tin về kết quả của vụ án một phải bị bít hết. Lệnh của chánh án Kidd cấm cả việc đưa thông tin đơn sơ, chẳng hạn có hai hay mấy vụ án, bởi ngay cả thông tin như thế có khả năng làm cho bồi thẩm đoàn nghi ngờ là ông Pell có thể gặp nhiều hơn một vụ án. Để rồi đưa đến định kiến, ảnh hưởng đến quyết định vô tư, khách quan v.v…
Nhưng vào hôm qua, thứ Ba 26 tháng Hai, vụ án thứ hai đã được Giám đốc Công tố Kerri Judd quyết định không tiến hành vào tháng Tư này, sau khi cảm thấy không đủ bằng chứng. Vì thế lệnh cấm/bịt thông tin không còn lý do để tồn tại. Và nó đã được nhất lên. Do đó truyền thông đã ào ạt đưa tin về sự kiện này trưa hôm qua.
Tóm lại, lệnh cấm này có thể được dùng để ngăn ngừa định kiến khi thi hành công lý, hay để bảo vệ an toàn của một người đặc biệt nào đó, hay vì vấn đề an ninh quốc gia hay quốc tế v.v… Thế nhưng trong vụ này, sau khi bồi thẩm đoàn thứ hai đi đến quyết định về kết quả vụ án ngày 11 tháng 12 năm 2018, một số cơ quan truyền thông đã đưa tin và vì thế đã vi phạm lệnh cấm này.
Và đây là điều thứ ba mà tôi muốn nói trong bài này. Quyền lực của ngành tư pháp. Trong phạm vi trách nhiệm xét xử của tòa quận Victoria (Victorian County Court) mà Trưởng Chánh án là Peter Kidd, ông có thẩm quyền ra lệnh điều này nếu xét thấy chính đáng, và bất cứ ai vi phạm, dù là truyền thông hay đương kim hay cựu thủ tướng, hay bất kể ai, đều có thể bị xét xử và phải có trách nhiệm giải trình.
Một số tờ báo, kể cả báo uy tín hàng đầu Úc The Age, đã vội vã đưa thông tin về kết quả vụ án này sau ngày 11 tháng 12 năm 2018. Mặc dầu chỉ đưa thông tin vô thưởng vô phạt, như "Một nhân vật rất cao cấp đã bị kết án vào thứ Ba về một tội phạm nghiêm trọng, nhưng chúng tôi không thể báo cáo danh tính của họ do lệnh cấm", các ký giả thuộc báo The Age cùng nhiều cơ quan truyền thông khác sẽ phải đối phó với khả năng bị phạt lẫn tù trong những ngày tháng tới. Tội khinh thường tòa án (contempt of court) cũng được Giám đốc Công tố Kerri Judd xem xét đối với các cơ quan truyền thông mà có thể vi phạm tội định kiến đối với phiên tòa này.
Cũng xin nói thêm là sau khi đi các mẫu tin trên sau kết án năm ngoái, các cơ quan truyền thông đã xin phép tòa được đưa tin này đến công chúng nhưng đã bị chánh án Peter Kidd mắng. Ông Kidd nói với luật sư biện hộ cho các cơ quan truyền thông: “Trong vòng 72 tiếng đồng hồ, khách hàng của ông đã chọn tấn công tòa án, tấn công luật pháp mà không bao giờ đưa ra một lập luận pháp lý nào cho tôi”. Và ông Kidd đã từ chối hủy lệnh cấm này cho đến trưa ngày hôm qua.
Theo tờ The Gurdian thì có đến 100 ký giả bị xem là vi phạm lệnh cấm trên có thể bị án tù.
Điều đáng nói là lệnh cấm này tất nhiên chỉ có hiệu nghiệm trong nước Úc mà thôi. Luật tiểu bang Victoria hay quốc gia Úc không thể có quyền hạn đối với các phóng viên nước ngoài. Vì thế nên tin Hồng Y Pell bị kết tội đã bay xa khỏi Úc ngay lập tức trong thời đại tin học, được các cơ quan truyền thông như The Washington Post đăng ngay ngày sau đó, mặc dầu tờ báo này cũng cẩn thận không dám nêu đích danh nguồn tin từ ai để những người đó tại Úc khỏi bị tội vạ.
Không phải ai cũng ủng hộ lệnh cấm này, nhất là các ký giả đã nhận thư từ Giám đốc Công tố Victoria. Luật bên Mỹ có lẽ khác với luật của Victoria hay Úc. Ký giả Damien Cave thuộc báo The New York Times cho rằng “Ý tưởng rằng một thẩm phán tại một tòa án ở Melbourne có thể thực sự xác định những gì thế giới có thể đọc về một nhân vật có tầm ảnh hưởng toàn cầu như vậy tôi nghĩ là một cú sốc thực sự đối với thế giới”. Nhưng nếu thấy luật cấm này hơi quá và muốn hủy bỏ hay thay đổi nó thì phải thực hiện tại quốc hội thôi.
Vụ án này cho thấy mọi thành phần xã hội, từ những người tưởng bất khả xâm phạm, từng đứng đầu các cơ quan tôn giáo, truyền thông, hành pháp, lập pháp và cả tư pháp, cũng phải tôn trọng và thi hành pháp luật. Bởi nó đều có răng cứng và không chừa kẻ vi phạm nào cả.
(Úc Châu, 27/02/2019)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét