Bá Tân
Đây là của hiếm ở tầm thế giới, cùng một ngày, hai cựu bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông (Bộ 4T) bị khởi và bị bắt giam. Nếu luật pháp chuẩn mực như các nước văn minh, hai bị can này, một thời đứng đầu cai trị báo chí quốc doanh, bị bắt và đưa ra xét xử từ lâu, chứ không phải “ngâm tôm” đến tận bây giờ.
Là tư lệnh ngành báo chí, luôn gào thét báo chí phải xông lên chống tham nhũng, vậy mà hai cựu Bộ trưởng bộ 4T trở thành bị can, thủ phạm chính gây ra vụ đại án tại AVG. Dư luận xã hội cũng như báo chí không bất ngờ khi biết cơ quan điều tra bắt giam hai cựu bộ trưởng. Gây ra trọng tội, tham nhũng cả núi tiền, đã bị phanh phui trên mặt báo, có gì là bất ngờ khi đại quan tham bị lùa vào trại giam, chờ ngày đưa ra xét xử.
Hai cựu bộ trưởng bộ 4T bị bắt cùng một ngày, việc đó như là đại họa với báo chí quốc doanh, là nhục nhã tột độ của báo chí. Báo chí quốc doanh nên treo cờ rủ sau khi hai cựu tư lệnh ngành bị bắt giam. Lịch sử báo chí quốc doanh mãi mãi không quên “sự kiện lịch sử” nhơ nhuốc này. Báo chí quốc doanh, trước hết là đội ngũ “binh đoàn” tổng biên tập, hãy nhìn tấm gương Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn để mà hành nghề, để mà lập thân.
Cha làm cha chịu, con làm con chịu, đó là mặt luật pháp. Đã đành như vậy nhưng cha-con, trên-dưới, thầy-tớ còn có quan hệ nhân-quả. Cha là kẻ trộm cắp, loại bất lương, để lại tiếng xấu cho con cháu và ngược lại. Cái lưu đọng “ngàn năm bia miệng” là như vậy. Hai cựu bộ trưởng bộ 4T bị bắt trong một ngày, để lại “bia miệng” ngàn năm cho báo chí quốc doanh. Hàng năm, đến ngày 23 tháng 2, báo chí quốc doanh nên treo cờ rủ để tưởng nhớ sự kiện có một không hai này.
Cả hai bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn có chung “lò xuất phát” là Ban Tuyên giáo Trung ương. Trước khi “chạy” được chức bộ trưởng bộ 4T, Nguyễn Bắc Son từng giữ chức Phó ban Tuyên giáo Trung ương. Trương Minh Tuấn còn dày dặn hơn, nguyên là cán bộ chủ chốt của Ban Tuyên giáo Trung ương, kể cả sau khi vượt qua chặng đường “xơ xác quân thù” trở thành Bộ trưởng Bộ 4T, Trương Minh Tuấn còn nắm giữ chức Phó ban Tuyên giáo Trung ương.
Chẳng biết Ban Tuyên giáo Trung ương quản lý, giáo dục như thế nào mà để cho cán bộ chủ chốt của họ trở thành những “đồng chí” đại tham nhũng. Ban Tuyên giáo Trung ương nên coi đó là bài học nhớ đời, phải chủ động ngăn chặn không để có thêm những “nguyên là” như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn.
Lúc đương chức, Nguyễn Bắc Son đối xử với báo chí có vẻ “lành” hơn. Trương Minh Tuấn thì ngược lại, thời gian tại vị không lâu, nhưng luôn “khét tiếng” hành báo chí. Trương Minh Tuấn “hành” báo chí rất có dụng ý, xuất phát từ động cơ cá nhân, mưu lợi cho bản thân. Khi cần tăng điểm cho cuộc đua tiếp theo, Trương Minh Tuấn tìm mọi cách “trị” báo chí và coi đó là thành tích để dâng lên bề trên.
Trương Minh Tuấn dằn mặt báo chí còn có dụng ý khác, qua đó “dạy cho báo chí” bài học phải biết điều với quan đầu ngành. Biết điều, kể cả có sai phạm, vẫn được nhỡn nhơ làm ăn theo ý muốn. Không biết điều, cho dù làm đúng luật, lên bờ xuống ruộng là việc khó tránh khỏi. Cơ quan báo chí biết điều với Trương Minh Tuấn không chỉ bằng lời nói nịnh hót, mà là, cái quan trọng nhất, cầm cái gì trong tay, cái gì đếm được…
Báo Đại Đoàn Kết là đại điển hình cách hành xử theo “luật rừng” của Trương Minh Tuấn. Trong thời gian ngắn, báo Đại Đoàn Kết gây ra một sai phạm nghiêm trọng, và một sai phạm đặc biệt nghiêm trọng. Vụ tuyên truyền “nước mắm vô lương”, báo Đại Đoàn Kết thuộc nhóm sai phạm nghiêm trọng. Riêng vụ việc sai phạm đặc biệt nghiêm trọng là “đặc sản” của báo Đại Đoàn Kết: Mượn luận điệu xuyên tạc của bọn bành trướng Trung Quốc để công bố thông tin mang tính khẳng định: Việt Nam xâm lược Campuchia.
Sau khi gây ra sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhiều người đinh ninh báo Đại Đoàn Kết (trước hết là Tổng Biên tập) sẽ bị thẻ đỏ, bị loại khỏi cuộc chơi. Vậy mà, nhờ sự “biết điều” nặng ký với Trương Minh Tuấn, báo Đại Đoàn Kết thoát nạn ngon lành, sai phạm đặc biệt nghiêm trọng (xuyên tạc Việt Nam xâm lược Campuchia) coi như không có. Trớ trêu hơn nữa, sau đó không lâu, báo Đại Đoàn Kết còn được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen, trở thành tấm vải thưa để tờ báo này che mắt thánh.
Cách hành xử của Trương Minh Tuấn, tiếp đó là Ban Tuyên giáo Trung ương nhận được sự bằng lòng tột độ của những phần tử gây ra sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, và kể cả phía “đồng thanh tương ứng” bành trướng Trung Quốc.
Rồi sẽ đến ngày Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn ra khỏi trại giam, sau thời gian mất quyền công dân. Trở về với gia đình, chắc lúc đó họ chưa hết người quen, cho dù thượng cấp và thuộc cấp đã xóa sạch cái tên hai cựu quan tham này. Lúc ra khỏi tù, họ còn đọc báo hay không, họ suy nghĩ thế nào về báo chí quốc doanh. Giá như có phép thần cho họ trở lại ngôi vương báo chí quốc doanh, họ sẽ điều hành, quản lý báo chí quốc doanh như thế nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét