Một trong những câu hỏi báo chí nước ngoài tốn nhiều giấy mực vài tuần qua là "Tại sao lại chọn Hà Nội" hay "Tại sao chọn Việt Nam". Nếu được hỏi thì câu trả lời ngắn của tôi là "Tại sao không".
Cũng giống Singapore, an ninh luôn là ưu tiên hàng đầu, và Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là một trong những điểm như vậy.
Trong khi công tác an ninh bắt đầu được triển khai và hàng ngàn nhà báo chuẩn bị đón hai vị lãnh đạo thì hai người đóng giả ông Trump và ông Kim đã "cướp show" bằng việc làm huyên náo Hà Nội vào hôm 22/02.
Sự xuất hiện chớp nhoáng trước cửa Nhà hát Lớn của hai công dân, Úc và Canada, có ngoại hình, kiểu tóc và trang phục dễ nhận dạng của họ đã lọt vào ống kính của một số nhà báo trong và ngoài nước.
Truyền thông đưa tin hai người đóng giả này còn đưa ra các thông điệp như hai "chính khách xịn" và "có cả cận vệ" nhưng tin cho hay họ đã được mời về làm việc với chính quyền và chắc sẽ không có "show diễn" nào nữa.
Thế nhưng không ai có thể cấm được sự đi lại của hàng chục người có kiểu đầu ông Kim và ông Trump vì ít nhất một tiệm cắt tóc ở Hà Nội đã và đang quảng bá thương hiệu bằng dịch vụ cắt miễn phí cho khách.
Reuters đưa tin sẽ cấm đi lại một số giờ nhất định tại tuyến đường mà hãng tin này cho rằng Chủ tịch Kim sẽ đi về Hà Nội từ nhà ga xe lửa ở Đồng Đăng nơi ông tới từ Bình Nhưỡng tới sau khoảng hai ngày đêm đi xe lửa xuyên qua Trung Quốc.
Tuy nhiên vì lý do an ninh hiện chưa ai biết được chính xác về lịch trình di chuyển của nhà lãnh đạo Bắc Hàn và điều này là dễ hiểu khi ta xem các chuyến đi của ông Kim ra nước ngoài từ trước tới nay.
Vậy nên với cánh anh em nhà báo như chúng tôi thì việc được mời dự một "đám cưới" mà "cô dâu chú rể" tới lúc nào và "chỗ làm đám cưới" ở đâu chưa rõ là trở ngại không nhỏ.
Thiếu cụ thể
Cuộc họp thượng đỉnh của họ tại Singapore vào tháng Sáu năm ngoái thu hút đông đảo báo giới và sự lạc quan tin tưởng. Thế nhưng những gì diễn ra sau cuộc họp hơn bảy tháng qua là không nhiều và thiếu cụ thể.
Đó là lý do để Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ và Chủ tịch Kim Jong-un gặp lại nhau lần này tại Hà Nội.
Câu hỏi mà truyền thông nhắc nhiều thứ hai là nghị trình bàn thảo thượng đỉnh Mỹ Triều là gì.
Tấm áp phích quảng bá cho cuộc họp thượng đỉnh khá đơn giản, chỉ có quốc kỳ Hoa Kỳ và Triều Tiên với dòng chứ DPRK-USA, Hanoi Summit Vietnam, ghi bằng tiếng Anh, thậm chí không có tiếng Hàn hay tiếng Việt. Khác với các cuộc họp thượng đỉnh quốc tế với thông điệp hay chủ đề rõ ràng, không ai biết hai nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo những chủ đề gì.
Kể từ lần họp thượng đỉnh lần một tại Singapore hồi tháng Sáu năm ngoái, lập trường của Tổng thống Trump không đổi. Ông muốn Bắc Hàn gỡ bỏ "hoàn toàn và có kiểm chứng" các cơ sở hạt nhân. Vào tuần này ông Trump nhắc lại quan điểm muốn thấy Bắc Hàn có động thái "có ý nghĩa" về phương diện hạt nhân.
Ngoài vũ khí hạt nhân mà Bắc Hàn ''khoe'' họ đang có, Bình Nhưỡng cũng có các tên lửa tầm trung và xuyên lục địa, là mối răn đe không chỉ với Hoa Kỳ mà còn các nước đồng minh của Washington trong khu vực như Nam Hàn và Nhật Bản.
Với nguyên tắc "ông đưa chân giò bà thò chai rượu", chắc chắn Chủ tịch Kim cần Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc gỡ bỏ các lệnh cấm vận về kinh tế, đi lại đối với một số nhân vật, mở đường để Bình Nhưỡng tái thiết kinh tế và hội nhập với cộng đồng quốc tế.
Những ngày trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh mà phía Hoa Kỳ xác nhận có những phiên chỉ có hai vị lãnh đạo và phiên dịch, người ta thấy các chuyến tiếp xúc ngoại giao cấp cao.
Phải kể đến là đặc phái viên Triều Tiên Kim Hyok-chol Kim Hyok-chol gặp người tương nhiệm phía Hoa Kỳ là Stephen Biegun vào tuần này tại Hà Nội. Thế nhưng lại là các cuộc họp kín và hai bên đều kín tiếng với báo giới.
Tổng thống Trump là người ưa có những cam kết cụ thể và cho tới nay có vẻ là người quyết nhanh những gì có thể quyết được. Chắc chắn ông không muốn mất thời gian vô ích tới Hà Nội để "đi về tay trắng".
Và báo chí cũng nói tới việc ông Kim có thể sẽ thành công trong việc né cam kết cụ thể bằng cam kết ''hướng tới hòa bình''.
Tức là người ta bắt đầu nói đến thỏa thuận mà hai ông có thể đạt được, nếu có, là không lớn và cụ thể như kỳ vọng.
Nếu vậy thì ta kỳ vọng vừa phải cho sự kiện này có lẽ sẽ đỡ thất vọng và ngạc nhiên hơn.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội: ‘Mỗi phóng viên là một đại sứ du lịch’
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét