Tác giả: Roger Boyes
Những cư dân đầu tiên của Forest City sẽ chuyển đến vào hè này. Nó được gọi là Forest City (Thành phố Rừng) vì khu này trước là rừng ở Malaysia. Bruno Maçães cho rằng trong 10 năm tới, thành phố này sẽ có tới 1 triệu cư dân. Các tòa nhà chọc trời đang được hoàn thiện sau một tuần xây dựng suốt ngày đêm. Nó là một phần của thế giới được xây dựng bên ngoài Trung Quốc, nhưng theo các quy tắc của Trung Quốc để thực hiện một giấc mơ Trung Quốc. Maçães quá khéo léo nên không muốn nói ra điều hiển nhiên: chỉ có ai điên hoặc hết lựa chọn mới tới đó sống.
Khi thành phố dần hình thành, bốn tầng lớp xã hội dần định hình. Ở trên đỉnh là những người Trung Quốc giàu có và muốn một nơi an toàn để trữ tiền, cũng như có không khí trong lành để hít thở mà không cần đeo khẩu trang. Tất cả các biển hiệu đều được viết bằng tiếng Quan Thoại. Rồi tầng lớp tiếp theo là những người cung cấp dịch vụ y tế giáo dục. Họ cũng là người Trung Quốc, nhưng sẽ có cả những người Anh được thuê để điều hành các trường cấp ba cho giới quý tộc. Tầng lớp thứ ba là nhân viên an ninh, chủ yếu là người Nepal. Cuối cùng là những người Bangladesh và Ấn Độ, chuyên xây dựng, sửa chữa, và lau dọn – những người vô hình.
Forest City là một phần của chiến lược Vành đai và Con đường của Bắc Kinh nhằm thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở 70 quốc gia. Kế hoạch trở thành siêu cường và thiết lập trật tự thế giới mới của Trung Quốc đòi hỏi việc xây nhiều cảng nước sâu, kể cả ở những chỗ không cần cảng, đảm bảo an ninh cho chuỗi cung ứng, và bảo vệ các tuyến hàng hải với Trung Quốc. Kế hoạch này bao gồm giúp đỡ Zimbabwe giám sát người dân và đầu tư vào các nước có nguồn khoáng sản hiếm cần thiết cho nền kinh tế đang phát triển. Kế hoạch cũng bao gồm việc giao những nhiệm vụ địa chiến lược mới cho các nước mà Trung Quốc muốn là đồng minh của mình: Kazakhstan là “cửa ngõ tới Châu Âu của Trung Quốc”, Pakistan là “cửa ngõ tới Ấn Độ Dương”, Djibouti là “cửa ngõ tới Đông Phi”.
Maçães miêu tả tất cả những điều này qua giọng văn súc tích và sắc bén mà độc giả đã làm quen qua cuốn sách đầu tiên của ông, The Dawn of Eurasia (Bình minh của Á-Âu). Forest City được miêu tả là giống với thế giới của nhà văn khoa học giả tưởng Hao Jingfang trong cuốn Folding Beijing (Bắc Kinh Luân Chuyển) với một chút tô điểm từ cuốn Republic (Cộng hòa) của Plato”. Maçães không muốn được nhắc đến trong mục châm biếm Pseud’s Corner trên tạp chí Private Eye, nhưng ông viết vậy bởi ông đã đọc cả sách của Hao và Plato nên muốn gợi nhớ tới một “thế giới toàn trị không tưởng kinh điển và siêu hiện đại”. Maçães, cựu bộ trưởng phụ trách Châu Âu của Bồ Đào Nha và giờ là nghiên cứu viên cao cấp của Đại học Nhân dân Trung Quốc, là một những bộ óc sáng suốt nhất trong thời đại hỗn loạn này.
Cuốn Vành đai và Con đường: Trật tự Thế giới của Trung Quốc là một bài luận văn dài về chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc thiết lập trật tự thế giới mới. Mặc dù cuốn sách này thiếu một văn phong báo chí như trong cuốn đầu của ông, nó vẫn rất hấp dẫn. Ví dụ, ông mổ xẻ về dịch vụ làm mối giữa phụ nữ Ukraine và đàn ông Trung Quốc. Ông phân tích về việc đầu tư của Trung Quốc đang làm nên những kì tích về kĩ thuật và xây dựng, bao gồm việc mở rộng cao tốc Karakoram nối liền Tân Cương ở miền Tây Trung Quốc với miền trung Pakistan. Châu Á đang phát triển một phần nhờ tham vọng của Trung Quốc, và vì thế Maçães rất phấn khích.
Tuy nhiên, vấn đề của dự án Vành đai và Con đường nằm ở cách triển khai và động cơ. Liệu Trung Quốc có đang dùng dự án này để ngụy trang cho sự trỗi dậy về quân sự để đối đầu với Hoa Kỳ hay không? Nó sẽ dẫn tới đâu? Liệu nó có dẫn tới Bẫy Thucydides, trong đó cường quốc đang lên và cường quốc nguyên trạng chật vật tìm cách tránh chiến tranh?
Hoa Kỳ không chỉ là quốc gia duy nhất lo ngại về việc Trung Quốc thách thức nguyên trạng. Maçães kể câu chuyện về một gián điệp Ấn Độ, mật danh Con khỉ, tìm cách thâm nhập vào Pakistan để tài trợ cho các nhóm ly khai ở Balochistan nhằm phá hoại quan hệ giữa Pakistan và Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang xây dựng cảng Gwadar ở Pakistan. Đây sẽ là mục tiêu chính trong âm mưu của Ấn Độ nếu nó được thực hiện. Nhưng tại sao Ấn Độ phải lo lắng về kế hoạch của Trung Quốc? Maçães trả lời rằng: “Sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ hiện diện từ cả phía Đông, Tây, và Bắc. Kế hoạch của Trung Quốc cũng sẽ đồng thời giúp Pakistan cắt đứt Ấn Độ khỏi Iran về mặt địa chính trị”.
Trung Quốc đang tìm cách giảm tính dễ bị tổn thương của mình bằng cách đầu tư mạnh vào các tuyến hàng hải để vận chuyển nguyên liệu thô và nhiên liệu. Các tuyến này không chỉ đi qua các cảng nước ấm, mà còn ngày càng phụ thuộc nhiều vào Bắc Cực. Khi băng ở đây tan, việc vận chuyển qua tuyến đường phía bắc từ Châu Âu về Trung Quốc sẽ nhanh hơn nhiều so với hiện giờ. Cho tới giờ Trung Quốc phải chấp nhận rằng họ không thể thực hiện kế hoạch này đơn phương, mà phải đàm phán điều khoản với Nga và các nước khác giáp Bắc Băng Dương.
Trung Quốc đầu tư dưới dạng cho vay, tuy nhiên họ thường chấp nhận trả nợ bằng cổ phần thay vì tiền mặt. Kết quả của kế hoạch này là các nước như Pakistan và Sri Lanka đang nghi ngờ rằng họ đang bị Trung Quốc xâm chiếm chủ quyền qua các dự án cơ sở hạ tầng. Các dự án thường được thực hiện bởi nhân công Trung Quốc, nên nó không tạo nhiều việc làm cho các nước sở tại; quản lí Trung Quốc ở các dự án cũng thường độc đoán. Dự án Vành đai và Con đường có thể dẫn tới phản ứng xấu từ các nước này do lo ngại về sự trở lại của chế độ thực dân kiểu mới.
Những kế hoạch này sẽ có tương lai như thế nào? Maçães mường tượng về Trung Quốc năm 2049, một thế kỷ sau ngày thành lập quốc gia cộng sản này. Liệu sẽ có lễ kỉ niệm không? Liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc có còn cầm quyền để tổ chức đại lễ không? Tác giả nhìn thấy bốn khả năng. Khả năng thứ nhất, Trung Quốc sẽ dần hội nhập với trật tự thế giới tự do và nền kinh tế của họ sẽ ngang bằng với Hoa Kỳ. Cùng với nhau, họ sẽ thống trị nền kinh tế quốc tế, nhưng về quân sự và chính trị thì Trung Quốc sẽ không thách thức sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Ở kịch bản thứ hai, Trung Quốc sẽ thế chỗ Hoa Kỳ trở thành cường quốc số một thế giới, nhưng trật tự thế giới – bao gồm các thể chế đa phương và tự do thương mại – sẽ như cũ. Trường hợp thứ ba có kết quả đáng lo ngại hơn: Trung Quốc không những thế chỗ Hoa Kỳ, mà còn thay giá trị phương Tây bằng giá trị Trung Hoa, và Bắc Kinh sẽ thiết lập trật tự mới. Trường hợp cuối cùng là khả thi nhất. Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ buộc phải chung sống với nhau, trong đó cạnh tranh và hợp tác đồng thời xảy ra. Trường hợp này sẽ hơi giống với mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
Không trường hợp nào có thể xua tan mối lo ngại. Cuộc cạnh tranh quyền lực gay cấn này sẽ kết thúc như thế nào? Maçães nói: “Nó sẽ là một thế giới của thánh, tiên tri và ma quỷ.” Ông đúng ra nên nhắc tới cả tướng lĩnh quân đội. Mặc dù Maçães lạc quan về kịch bản tương lai, khó mà có thể tưởng tượng được Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể tái thiết lập được mối quan hệ của họ mà không có đối đầu quân sự. Chúng ta đều nên lo ngại về điều đó.
Belt and Road: A Chinese World Order. Tác giả: Bruno Maçães, Hurst, 2018, 288 trang, giá: 20 bảng.
Nguồn bản gốc tiếng Anh: Times of London, 14/12/2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét