Sự bắt chước dễ thấy nhất của những nhà cai trị xứ này sau khi làm cách mạng vô sản thành công là gần như bê nguyên xi, đầy đủ những hình thái tổ chức, đoàn thể rườm rà, cồng kềnh, lằng nhằng dây điện của Liên Xô, Trung Quốc về áp dụng vào Việt Nam. Bộ máy cai trị của các đàn anh thế nào, của thằng em cũng đủ mâm bát như vậy. Đứng đầu và ôm trùm là đảng (đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo), tụt thấp dần xuống dưới thì có nhà nước, chính phủ, quốc hội, mặt trận, và đám đoàn thể, hội đoàn láo nháo gồm công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội thanh niên, hội sinh viên, hội cựu chiến binh…
Đứng đầu các hội đoàn luôn là một đảng viên do đảng chỉ định. Liên Xô có đoàn thanh niên cộng sản Lênin (Komsomol) thì Việt Nam có đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; ông anh Trung Quốc có Chính hiệp (Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc) thì ông em đẻ ra Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tất cả đều châu tuần về đảng, chịu sự lãnh đạo của đảng. Dù có đề cử, bầu bán gì cũng cứ do đảng giới thiệu, đảng duyệt, mọi quy trình khác chỉ là hình thức cho có vẻ độc lập, tự do, dân chủ. Sinh ra nhiều tầng lớp nắm quyền, vẽ ra nhiều hội đoàn, chỉ thấy lắm họp hành, hội nghị hội thảo quanh năm, đẻ đủ thứ nghị quyết. Dân chúng cười với nhau rằng, nếu đi thi môn nghị quyết, Việt Nam vô đối, thậm chí vượt mặt các đàn anh Liên Xô, Trung Quốc.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, kể từ tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, chủ tịch quốc hội (tứ trụ) xuống tới phường xã cũng đủ bộ tứ thế, đông như quân Nguyên. Xứ người ta, dàn lãnh đạo cấp cao chỉ cần tổng thống, phó tổng thống, hoặc nơi không có tổng thống thì thủ tướng, là đủ, chả hề thấy những kiểu hội đoàn ăn bám ngân sách như mặt trận, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn…, còn ta (cũng như các anh Liên Xô, Trung Quốc), không những bày đủ tứ trụ mà vẽ thêm một lô xích xông cấp phó, nào phó chủ tịch nước, các phó thủ tướng, trưởng các ban đảng, chả khác gì phố Hàng Song trong thơ Tú Xương “Ở phố Hàng Song thật lắm quan/Thành thì đen kịt đốc thì lang…”. Lắm quan như thế chỉ tổ tốn gỗ đóng ghế cho họ ngự ăn trên ngồi trốc chứ đất nước thì vẫn lệt bà lệt bệt không ngóc đầu dậy nổi. Người ta nói vui với nhau rằng, muốn thoát nghèo nhanh, cách nhanh nhất là giải tán ngay mấy thứ mặt trận, hội đoàn bắt chước Liên Xô, Trung Quốc, dẹp bà phó chủ tịch nước, sai thải bớt mấy ông phó thủ tướng, chỉ sau một đêm lại không vượt cả Thái Lan, Mã Lai chứ chả đùa. Nhiều quan quá, người ta hát chế chọc nhau “Tiến lên ta quyết tiến lên/Tiến lên ta gọi cấp trên bằng thằng”.
Về giáo dục, xứ này dưới thời thuộc Pháp đã được người Pháp xây dựng một nền giáo dục hiện đại tương đối hoàn chỉnh, đào tạo nhân tài, giáo dục chất lượng cao. Khi người cộng sản cướp được chính quyền, họ xây dựng nền giáo dục mới, lấy mẫu hình Liên Xô làm chuẩn, cả về nội dung, chương trình, cách đào tạo... Hồi tôi học phổ thông, việc chấm điểm cũng bắt chước kiểu Liên Xô chấm theo thang điểm 5, chương trình copy hệt của Liên Xô, trong khi rất nhiều thứ rất ưu điểm, thậm chí bắt kịp các nước tư bản tiên tiến mà nước ta từng có thời thuộc Pháp lại bị gạt bỏ, ví dụ dạy ngoại ngữ (tiếng Pháp, hoặc tiếng Anh) như một ngôn ngữ bắt buộc mà Pháp đã duy trì trong hệ thống nhà trường, sang chế độ mới bị bỏ thẳng cánh.
Suốt những năm 60 - 80 mà tôi chứng kiến, cấu trúc hành chính, tổ chức làng xã, huyện thị, tỉnh thành cũng được những người cầm quyền bắt chước theo tổ chức của Liên Xô, Trung Quốc. Ở thành phố không có quận, phường mà là khu phố, tiểu khu (chẳng hạn Hà Nội có 4 khu: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng; Hải Phòng có 3 khu Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền) bởi hai anh lớn cấu trúc thế thì mình cũng phải thế, mặc dù cách tổ chức quận, phường của người Pháp đã hết sức hợp lý, khoa học. Sau năm 1976, không thể cưỡng lại sự chính xác của cái “cũ” ấy, họ (nhà cai trị) đã phải chấp nhận trở lại đơn vị hành chính như cũ, dư luận cười bảo đó là công cuộc cách mạng vĩ đại “đổi mới như cũ”.
Nông thôn cũng vậy, có một thời thấy Trung Quốc “thay trời chuyển đất, sắp xếp lại giang sơn”, tổ chức công xã nhân dân hoành tráng, các vị nhà ta cũng hào hứng lắm. Họ cho rằng hợp tác xã nông nghiệp mà họ đang thực hiện vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thể coi là sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa nên cũng có ý định xây dựng công xã như Trung Quốc. Tôi còn nhớ ở huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) quê tôi, một vài xã đã được thí điểm mô hình công xã kiểu Trung Quốc hồi giữa những năm 70, trong đó có 2 xã Minh Tân, Tân Phong ven sông Đa Độ. Cũng may mà công xã bị chết yểu bởi chính hợp tác xã mà chính quyền tìm mọi cách o bế còn chả tồn tại nổi thì công xã làm sao sống được. Thời những năm 80, cả nước chỉ còn 500 huyện, được ông Lê Duẩn phong là 500 pháo đài vững chắc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình bên Liên Xô, mà huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), huyện Yên Định (Thanh Hóa) được coi là điển hình. Bây giờ cứ ai nhắc lại những điển hình bắt chước, tiêu biểu cho nghèo đói và duy ý chí ấy, người nghe từng sống qua thời đó vẫn sởn gai ốc, rùng mình. (còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét