"Người dân Trung Quốc đã học được giá trị của hòa bình"..."Trung Quốc chưa bao giờ tiến hành bất kỳ cuộc chiến tranh hay xung đột nào" hay "Trung Quốc luôn đi đầu trong việc hướng tới hòa bình và ổn định khu vực"... Đây là những "Khẩu hiệu" mà Trung Quốc thường rêu rao để đánh bóng hình ảnh của mình. Tuy nhiên, những gì Trung Quốc làm hoàn toàn trái ngược với điều đó.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: INTERNET
Tờ Quốc phòng Trung Quốc số ra tháng 7/2019 có đoạn: "Người dân Trung Quốc đã học được giá trị của hòa bình. Vì vậy, kể từ khi thành lập nước cách đây 70 năm, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) chưa bao giờ tiến hành bất kỳ cuộc chiến tranh hay xung đột nào". Tuy nhiên, những gì Trung Quốc làm hoàn toàn trái ngược với điều đó.
Trung Quốc đã tham gia cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), thâu tóm Tây Tạng (1950), tấn công Ấn Độ (1962), tham gia xung đột biên giới với Liên Xô (1969), tiến hành cuộc chiến với Việt Nam (1979), bắn thử tên lửa vào vùng biển ngoài khơi Đài Loan (1995-1996) và quân sự hóa một cách trắng trợn Biển Đông sau khi chiếm đóng các đảo/ rạn san hô của Philippines và Việt Nam. Bắc Kinh cũng đang phô diễn sức mạnh trong tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) với Nhật Bản và có mâu thuẫn với Seoul về quyền sở hữu bãi đá Socotra (Ieodo/ Tô Nham Tiêu). Trung Quốc có thể châm ngòi xung đột bất cứ khi nào nước này muốn nên thỉnh thoảng lại khẳng định yêu sách của họ. Khi Trung Quốc ngày càng thịnh vượng, khả năng quân sự ngày càng nâng cao và dưới sự lãnh đạo mạnh bạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, những khát vọng và tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc đã tăng gấp bội. Phát biểu trước Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hồi tháng 3/2018, ông Tập Cận Bình tuyên bố: "Người dân Trung Quốc bất khuất và kiên trì, có tinh thần chiến đấu trong trận chiến đẫm máu chống lại kẻ thù đến cùng". Tham gia Đối thoại Raisina hồi tháng 1/2019, cùng với các quan chức hải quân hàng đầu của Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Úc, Đô đốc Hải quân Ấn Độ Sunil Lanba lưu ý rằng Trung Quốc đã bổ sung 80 tàu mới trong 5 năm qua. Không có lực lượng hải quân nào trên thế giới phát triển quá nhanh như hải quân Trung Quốc trong 200 năm qua. Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc đóng có thể sẽ hoạt động trong năm nay và chiếc thứ hai vào năm 2022, nâng tổng số tàu sân bay của Trung Quốc lên 3 chiếc.
Điều quan trọng là giai đoạn hiện đại hóa quân đội Trung Quốc này được tiến hành khi Mỹ sa lầy vào các cuộc xung đột ở Afghanistan và Iraq. Mỹ đã chi 5,9 nghìn tỷ USD cho "cuộc chiến chống khủng bố". Việc quân sự hóa Biển Đông đã được đẩy nhanh dưới thời Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama bị phân tâm trong khi ông Tập Cận Bình lại kiên quyết. Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc đã chỉ rõ: "Các quần đảo trên Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư là những phần không thể thay đổi của lãnh thổ Trung Quốc". Lúc đầu, ông Obama coi Trung Quốc như một đối tác và nước ngang hàng. Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận định: "Chuyến đi đầu tiên của ông Obama tới Trung Quốc báo hiệu một bước ngoặt trong mối quan hệ giữa một cường quốc Mỹ đang suy yếu và một Trung Quốc cảm nhận rằng thời của nước này đã đến".
Đầu tháng 10/2011, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đã cam kết xoay trục sang châu Á, "gia tăng đầu tư đáng kể về cả ngoại giao, kinh tế, chiến lược và các mặt khác" vào khu vực này. Trong khi có sự hoài nghi lan rộng về khả năng thực hiện cam kết này của Mỹ, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích, coi đó là một động thái kiềm chế Trung Quốc. Trung Quốc đã nỗ lực gấp đôi đẩy nhanh kế hoạch của họ, đặc biệt là ở Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố gần 70% diện tích Biển Đông trong cái gọi là "Đường chín đoạn" là của nước này. Biển Đông là tuyến giao thương hàng hải quan trọng và giàu tài nguyên thiên nhiên, trong đó có dầu mỏ. Trung Quốc gạt bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) và cũng không tôn trọng Vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) của các nước ven biển được công nhận trên toàn cầu. Năm 2012, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough và bồi đắp 7 hòn đảo để theo dõi hoạt động trong căn cứ quân sự của Mỹ ở đó. Sự hiếu chiến của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn được thể hiện rõ hơn. Năm 1988, Trung Quốc đã chiếm được phần lớn quần đảo Trường Sa bằng cách gây xung đột với Việt Nam khiến 60 chiến sỹ Hải quân Việt Nam thiệt mạng. Từ năm 2013, Bắc Kinh đã tiến hành bồi đắp các rạn san hô nổi và chìm ở Trường Sa, triển khai tên lửa và hệ thống phòng thủ tên lửa. Các quan chức tình báo Mỹ tiết lộ trên kênh truyền hình tin tức CNBC hồi tháng 5/2018 rằng Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không ở khu vực này. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tất nhiên phủ nhận việc quân sự hóa Biển Đông, tiếp tục cho rằng các thiết bị quốc phòng đã được đặt ở đó để thúc đẩy "tự do hàng hải".
Việc hải quân Trung Quốc tiến hành tuần tra thường xuyên ở Biển Đông và xua đuổi các tàu không phải của Trung Quốc không phải là ít. Ví dụ, tàu hải quân Ấn Độ INS Airavat, di chuyển trong vùng biển quốc tế thuộc Biển Đông, sau khi ghé cảng của Việt Nam hồi tháng 7/2011, đã bị hải quân Trung Quốc quấy rối. Ấn Độ có lợi ích chiến lược và kinh tế ở Biển Đông. Theo thỏa thuận với Việt Nam được ký kết hồi năm 2011, Ấn Độ đã khai thác dầu khí trong EEZ của Việt Nam. Trung Quốc đã phản đối vô cớ và khẳng định "chủ quyền không thể chối cãi" đối với khu vực này. Hành động bắt nạt của Trung Quốc đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với các nước ven biển và các quốc gia khác có lợi ích ở khu vực Biển Đông tự do và mở rộng. Lần đầu tiên, hồi tháng 5 năm nay, Ấn Độ đã tham gia các cuộc tập trận hải quân trong khu vực cùng với Mỹ, Nhật Bản và Philippines. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Shiv Shankar Menon nhận xét: "Cấu trúc an ninh kiểu trục bánh xe và nan hoa bấy lâu nay của Mỹ ở Đông và Đông Nam Á đã không thể ngăn chặn sự nhen nhóm các tranh chấp lãnh thổ-lãnh hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như một trong những cuộc chạy đua vũ trang lớn nhất trong lịch sử khu vực trong 20 năm qua".
Sự thực là ngày nay vẫn còn có việc khẳng định sức mạnh bằng "họng súng". Chỉ có điều các quốc gia này cố che giấu sự xâm lược của họ trong "vỏ bọc" hợp pháp và lời lẽ hòa bình. Trung Quốc đã hoàn thiện nghệ thuật đó. Nước này giỏi tạo ra các bản đồ, tài liệu và các dấu vết củng cố các yêu sách của họ. Chỉ có một mặt trận quốc tế thống nhất mới có thể cản trở chủ nghĩa bành trướng leo thang của Trung Quốc..
Vishnu Prakash, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Hàn Quốc. Bài viết được đăng trên The Korea Times.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét