Thứ Tư, 4 tháng 9, 2019

13598 - ‘Back To School’


Học trò ở Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái đến trường. Ảnh chụp năm 2012. (Hình: Getty Images)


Sau lễ Labor Day vào ngày Thứ Hai đầu tiên của Tháng Chín, là ngày khai giảng năm học mới của học sinh ở Hoa Kỳ. Chúng ta thường quen gọi ngày này là “Ngày Khai Giảng” hay “Ngày Tựu Trường,” nhưng người Mỹ gọi đây là ngày “Back To School” (Trở Lại Trường).
Mấy tiếng “trở lại trường” hình như có chút bùi ngùi, nhắc nhở cho chúng ta một điều gì đó, hơn là nói đến một ngày khai trường hay là ngày đầu của một năm học mới! Có sự trở lại, có nghĩa là đã có một sự ra đi.
Nhắc lại ngày tựu trường, trong mỗi chúng ta đều có một kỷ niệm của một thời thơ ấu đã xa xôi, nhưng hôm nay ở cuối con đường chúng ta đã đi qua, mấy chữ “trở lại trường” hình như đã gieo vào lòng chúng ta một nỗi u hoài, luyến tiếc khôn nguôi. Mỗi năm, có một lần những đứa trẻ trở lại trường, nhưng ở tuổi chúng ta, sẽ không bao giờ có được một ngày như thế nữa!
Ngày trước, chúng ta đã bỏ ngôi trường học để ra đi, mỗi người trong một hoàn cảnh khác nhau. Những thiếu niên nông thôn phải bỏ học để giúp đỡ mẹ cha trong việc đồng áng; những thiếu niên không còn có cơ hội đến trường vì gia đình nghèo khó không đủ sức chu cấp cho con ăn học; những cô thiếu nữ đến tuổi vu quy và những chàng trai bỏ trường vì chiến tranh, có khi không bao giờ có ngày trở lại quê nhà.
Ông Carnot trong câu chuyện một thời của Quốc Văn Giáo Khoa Thư, đã có một ngày trở về trường xưa, thưa với thầy học cũ: “Tôi là Carnot đây! Thầy còn nhớ tôi không?” Nhưng chúng ta thì không, mấy ai được thành đạt để quay lại nói với đám học trò rằng: “Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay!”
Bây giờ sắp là ngày “trở lại trường” của những đứa trẻ, những thanh niên và cả những trang trung niên hiếu học, nhưng với tôi thì không! Cái ngày ấy năm xưa, với hoàn cảnh, mang thân con “chuột chạy đầu sào,” “dưa leo chấm với cá kèo, bởi con nhà nghèo, đi học noọc-man, (*)” ngày bỏ trường, tôi đã quay đầu nhìn lại ngôi trường cũ bao lần, và đã bao đêm mơ thấy mình đang ngồi trong lớp học cũ, thức giấc với nỗi bùi ngùi, thương tiếc. Suốt đời, tôi vẫn mang mặc cảm học hành không đến nơi đến chốn, vẫn biết việc học là vô tận, không ngừng nghỉ.
Người ta vẫn thường gọi tuổi học sinh là tuổi hoa niên, là tuổi vô tư, là thời thơ mộng, vậy mà xót xa thay, trên đời có những đứa trẻ không bao giờ có cơ hội cắp sách đến trường hay có những người phải bỏ học sớm để ra đời.
Tôi đã đọc lại những dòng sau đây trong “Tâm Hồn Cao Thượng.”
– “Con ơi! Hiện thời không một đứa trẻ nào là không đi học!” “Mỗi buổi sáng lúc con ra trường, con hãy nghĩ cùng giờ ấy, trong một thành phố ta có tới ba vạn đứa trẻ cũng như con, đi đến lớp học trong ba tiếng đồng hồ để được mở mang trí tuệ. Con lại nghĩ: xấp xỉ giờ này, con trẻ trên hoàn cầu đều đi học cả!”
Không! Cụ Edmond de Amicis ơi! Không phải con trẻ trên hoàn cầu ai cũng đều được đi học cả!
Nghèo đói, chiến tranh, kỳ thị, thiên tai! Trong khi đang có những đứa trẻ tung tăng đến trường với cặp sách trên vai, hớn hở cùng bạn bè trong những thành phố có tiện nghi thì cũng có những em bé đang mầy mò trong đống rác hôi tanh, hay chân lấm tay bùn, bắt óc mò cua để kiếm miếng ăn. Ra đời, cũng có những người bị coi rẻ, được gọi mạt sát bằng những tiếng “thất học” hay “vô học,” thường được xem như là một tiếng chê trách về nhân cách, chứ không phải là một nhận định về sự thiếu thốn của kiến thức và sự giáo dục. Nhưng “thất học” cũng buồn lắm chứ?
Được đi học, quả là một nỗi hạnh phúc trên đời, và bất hạnh cho ai không bao giờ có dịp cắp sách đến trường hay phải rời nhà trường quá sớm.
Và không phải đứa trẻ nào cũng được đưa rước đến trường trong những chiếc xe hơi hay xe gắn máy, mà phải lội sông, qua những chiếc cầu treo mỏng manh, nguy hiểm. Cũng không phải ai cũng được ngồi trong phòng học tiện nghi, có máy điều hòa không khí, mà vào mùa Đông, với những lớp học không có vách ngăn, gió lộng bốn bề, áo không đủ mặc, chân không có giày dép, thân thể lạnh tím, buổi trưa lót dạ với một củ khoai hay nắm cơm với muối.
Âm thanh gây xúc động trong lòng mỗi người xa trường chính là tiếng trống vào trường hay bãi học. Cũng có nơi dùng tiếng chuông như trường Nữ Trung Học Đồng Khánh Huế ngày xưa. Thời chiến tranh, đường xe lửa bị đào xới, những toa xe và nhà ga bị bỏ hoang phế, người ta dùng những thanh tà-vẹt (taverne) để làm kẻng, tuy âm thanh đi xa, nhưng nghe chát chúa, gắt gỏng, chói tai.
Ai, thời thơ ấu cũng đã trải qua những kỷ niệm của những hồi trống trường.
Tất cả đều đã xa tắp. Không ai lội ngược được trong dòng sông đời người.
Cũng không ai tắm được hai lần trong một dòng sông chảy.
Mỗi năm, mấy chữ “trở lại trường” như gieo vào lòng chúng ta những hồi tường, hối tiếc và bùi ngùi.
Phải chăng, “trở lại,” là vì nơi đó chúng ta đã bỏ ra đi? Chậm hay nhanh, ai cũng đã có một lần từ giã trường học để vào trường đời, nỗi truân chuyên, gai góc của cuộc đời làm chúng ta nhớ thương luyến tiếc đến tuổi hoa niên dưới mái trường cũ.
Hạnh phúc thay là những ngày cắp sách!
Trở lại trường. Chúng ta đã bỏ đi xa, quá xa rồi!
Trở lại trường, điều chỉ còn có ở trong những giấc mơ. (Huy Phương)
—–
(*) Từ tiếng Pháp École Normale, nghĩa là trường Sư Phạm, đào tạo giáo viên dạy bậc Tiểu học thời Pháp thuộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét