Thêm công cụ “quản” chạy chức?
Quy định 205 được nhiều người cho là tạo thêm “công cụ” để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền. Vì, cũng với mục đích nêu trên, trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung Ương khóa XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (TBT) cũng đã ban hành Nghị quyết số 26 để chống tình trạng bổ nhiệm họ hàng, “cánh hẩu” gây bức xúc dư luận trong năm 2018.
Sau hơn một năm Nghị định 26 thực hiện, việc chạy chức, chạy quyền, quan liêu, tham nhũng, lợi ích nhóm vẫn không giảm đi, ngược lại đang có chiều hướng gia tăng khi càng ngày càng nhiều cán bộ bị kỷ luật. Vậy với Quy định mới này TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc kỳ vọng điều gì?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS nhận định rằng, đối với những yêu cầu trong Quy định 205, không khác so với những quy định đã được ghi vào trong luật.
“Bây giờ người ta có nêu kỹ hơn về những điểm đó thì nó chỉ chứng tỏ rằng bộ máy của ĐCSVN đã không tuân thủ những quy đỉnh rất thông thường của việc quản trị và sự vi phạm đó đã trở thành căn bệnh ung thư từ lâu rồi và đến bây giờ ông Tổng Bí thư đành phải ký một quyết định như thế. Bất kỳ tổ chức doanh nghiệp nào cũng đều phải tuân thủ những quy định như thế, những cách này tại VN đã được nói rồi nhưng vẫn vi phạm nên với một nền nếp kiểu như thế thì cách này rất khó có hiệu quả.”
Đồng ý với việc những quy định về công tác quản lý cán bộ đã có đầy đủ trong Luật, giờ thêm quy định xem ra không phù hợp, nhà báo Lê Trung Khoa từ Berlin, Đức nhận định:
“Việc thứ hai là đương nhiên ông Trọng đang tìm cách chống tham nhũng, chạy chức chạy quyền thì đó là điều cần thiết nhưng không dựa vào các điều luật của quốc gia để thực hiện thực thi điều đó mà lại ra một luật lệ riêng cho thấy luật pháp nhà nước không được tôn trọng một cách đầy đủ. Việc chạy chức chạy quyền như thế sẽ làm cho chế độ có những người lãnh đạo thời gian qua, sắp tới và hiện tại không xứng đáng với trách nhiệm mà họ được giao nhận.”
Ngoài ra, nhà báo Lê Trung Khoa còn cho hay, đứng trước nguy cơ đó ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tìm mọi cách để ngăn chặn nhưng cách làm của ông chỉ giải quyết trên ngọn chứ không bức tận gốc vấn đề. Do đó, theo nhà báo Lê Trung Khoa, VN cần thay đổi thể chế và đó là điều tốt hơn - hiện đại dân chủ tự do hơn mới có hiệu quả, chứ không sẽ còn thêm nhiều quy định luật lệ nữa được ra đời và mọi chuyện đâu sẽ vào đó, ngày càng phức tạp hơn.
Cơ chế giám sát ra sao?
Đối với Quy định mới của TBT Nguyễn Phú Trọng, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp - Nhà nghiên cứu cao cấp về lợi ích chiến lược và chiến lược quốc tế từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng, những quy định này chỉ nằm trên giấy, còn việc thực hiện nó còn phù thuộc vào nhiều vấn đề, hành động cụ thể giám sát của từng cấp và người dân.
“Quá trình chọn người đưa vào chỗ này chỗ kia trong tổ chức phải được sự giám sát của người dân chứ tự giám sát lẫn nhau thì có giảm hay không mình không biết. Cái cách người dân giám sát như thế nào thì trước đây đều có quy định hết rồi nhưng chưa thấy giám sát được gì cả vì tổ chức ấy đóng kín nên người dân giám sát phải giám sát như thế nào thì lại thêm những quy định khác. Càng nhiều quy định nhiều người càng chạy.”
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp còn giải thích thêm, việc dùng từ chạy chức chạy quyền là không đúng và không phù hợp chỉ nên là chạy chức bởi vì không ai không có chức mà lại không có quyền.
Nhà báo Lê Trung Khoa phân tích thêm về cơ chế giám sát của người dân hiện nay cũng đã được thực hiện khá mạnh trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội và có ảnh hưởng rất lớn nhưng cần phải được mở rộng thêm. Ông nói:
“Người dân phản ánh với Đảng với nhà nước đã làm quá nhiều, quá lâu nhiều chục năm qua rồi nhưng vẫn không hiệu quả vì những cơ quan công quyền, tiếp nhận thì bản thân những cơ quan đó chống tham nhũng lại tham nhũng nên người ta không nhận được những khiếu nại của người dân. Cơ chế giám sát của người dân nên được mở rộng hơn nữa và nhà nước cần xem xét thấu đáo hơn nữa tiếng nói và mong muốn của người dân nếu muốn đất nước phát triển và văn minh hơn.”
Trong Quy định 205 vừa được ban hành có quy định rõ nghiêm cấm các hành vi như cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.
Ông Trần Bang một nhà quan sát chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình rằng “Chính điều này là không minh bạch, và coi thường nhân dân, loại nhân dân ra khỏi lĩnh vực chọn, giám sát, phê phán "cán bộ"... những kẻ tham nhũng quyền lực là những kẻ giấu diếm "hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy hoạch"
Chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 13?
Dư luận xã hội quan tâm vụ việc đặc vấn đề cho rằng, việc ông Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký Quy định 205 trong thời điểm này cũng nhằm thanh trừng nội bộ, sàng lọc cán bộ, củng cố quyền lực và tạo lòng tin trong nhân dân, chuẩn bị danh sách cán bộ “chuẩn” cho Đại hội 13?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định điều đó chắc chắn là để củng cố lại sự lãnh đảo của Đảng “…bằng cách nhân cơ hội này loại trừ những phe phái khác đi và tất nhiên họ muốn bằng cách này lấy lại lòng tin của người dân nhưng lòng tin của người dân đã mất lâu rồi và với quyết định như thế này thì còn lâu mới lấy lại được lòng tin của người dân, chắc chắn nó là công cụ hữu hiệu để thực hiện các bước Đại hội Đảng lần thứ XIII.”
Nhà báo Lê Trung Khoa thì cho rằng, quy định này chủ yếu được đưa ra để củng cố lại phe cánh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước những “đối thủ” khác, cùng với những quy định này “ông” sẽ có đầy đủ biện pháp để tìm kẻ hở nhằm triệt hạ các “đối thủ” bằng những quy định như thế này.
“…Trước đây tại Đại hội lần thứ XII thì ông cũng đưa ra nhiều quy định, tiêu chuẩn và cuối cùng ông vẫn là người trúng nên giờ đưa ra quy định kỷ luật cán bộ chạy chức chạy quyền thì nó cũng không khác gì chỉ có tinh vi hơn và mang tính hủy diệt đối với những người có khả năng tranh giành quyền lực cũng như phe cánh của ông trong thời gian tới.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét