Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

15586 - Trung Hoa và duyên nợ với chủ nghĩa phát-xít


Chủ nghĩa phát-xít (fascism) có mối quan hệ khá thú vị nhưng ít được nghiên cứu và tìm hiểu thỏa đáng tại Trung Quốc. Từ thời kỳ của Tôn Trung Sơn (Sun Yat-sen), đến cuộc đấu tranh chính trị của các nhà cộng sản, cho đến chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện đại, họ chưa từng ngần ngại gọi bất kỳ nhóm đối lập chính trị nào là những kẻ “phát-xít”. Thậm chí, trong giai đoạn 1979, các nhà Marxist Trung Quốc từng phê phán Liên Xô là bọn “phát-xít chủ nghĩa”, đến nỗi phía Liên Xô cũng quyết định gọi ngược lại chính quyền Bắc Kinh là “bọn phát-xít”.
Việc lạm phát sử dụng khái niệm “phát-xít” để đả kích nhau tại Trung Quốc phổ biến đến mức, sẽ không có gì là lạ nếu chính quyền Bắc Kinh lại một lần nữa bị gọi là nhà nước phát-xít hoặc đang trên con đường áp dụng chủ nghĩa phát-xít. Vậy thật sự phát-xít là gì? Chính phủ Trung Quốc hiện nay có phải là một chính phủ phát-xít hay không? Và điều này có can hệ gì đến tương lai của các vùng lãnh thổ lân cận như Hong Kong và biển Đông? 

Nhìn từ lịch sử: Quốc Dân Đảng và quá trình phát-xít hóa

Quốc Dân Đảng (Kuomintang) là chính đảng chính trị lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên được khẳng định đã tiếp nhận, học tập và vận dụng chủ nghĩa phát-xít. Trong đó, các nghiên cứu của Giáo sư Lloyd Eastman, nhà sử học – Trung Quốc học có tầm ảnh hưởng nhất trong giới học thuật phương Tây, được cho là đã ghi nhận rất chi tiết con đường và lịch sử tiếp nhận chủ nghĩa phát-xít của Quốc Dân Đảng. 
Trong cuốn “The Abortive Revolution: China Under Nationalist Rule, 1927-1937” được Trung tâm Châu Á của Đại học Harvard xuất bản năm 1990, ông cho rằng nỗi tức giận, ô nhục, vô vọng và tức giận là những yếu tố căn bản chi phối nền chính trị Trung Quốc những năm đầu thập niên 1930. Khi mà các giá trị Tam dân (Three principles of the People, được biết đến tại Việt Nam gồm Dân tộc, Dân quyền và Dân sinh) và dân chủ do Tôn Trung Sơn khởi xướng dần bị loại bỏ để quay trở lại với thời kỳ phân quyền cát cứ của các lãnh chúa quân sự Trung Quốc, giới dân tộc chủ nghĩa tại đây gặp rất nhiều khó khăn để tìm ra một chủ thuyết có thể giúp cho họ đạt hai mục tiêu quan trọng nhất thời điểm này: vừa bảo toàn những giá trị Trung Hoa, vừa hiện đại hóa quốc gia già cỗi này. Trong những con đường mà nhiều hội nhóm đang cân nhắc xem xét, phái Thanh Y (Blue Shirts), một nhóm các trí thức thuộc Quốc Dân Đảng, tin rằng chủ nghĩa phát-xít có khả năng sẽ là chủ thuyết tốt nhất để đạt được cả hai mục tiêu vừa nhắc đến ở trên. Và cách tiếp cận của phái Thanh Y nhanh chóng được lãnh tụ Quốc Dân Đảng thời kỳ đó – Tưởng Giới Thạch – đặc biệt đánh giá cao. 


Tướng Tưởng Giới Thạch duyệt binh năm 1941. Ảnh: pastdaily.com.

Nhiều tài liệu lịch sử tranh luận rằng, Quốc Dân Đảng dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch rõ ràng đã từ bỏ nguyên tắc Tam dân chủ đạo do chính người sáng lập của họ đặt ra, để cân nhắc và áp dụng chủ thuyết phát-xít thịnh hành tại nước Đức của Hitler hay nước Ý của Mussolini thời điểm bấy giờ. Vậy những đặc điểm của tổ chức nhà nước nào mà họ ủng hộ khiến người ta liên tưởng đến hai quốc gia phát-xít khét tiếng tại Châu Âu như vậy? Giáo sư Lloyd Eastman đề xuất năm đặc điểm sau:
1. Một là nới rộng vai trò của nhà nước trong mọi mặt đời sống xã hội, đồng thời với quá trình chuyển tiếp sang chủ nghĩa toàn trị; 
2. Hai là áp dụng mô hình độc đảng với chiến thuật tuyên truyền ca tụng thần thánh hóa các lãnh tụ, đi kèm theo đó là việc phủ nhận khả năng quản lý nhà nước của mô hình thể chế dân chủ. 
3. Ba là khai thác chủ nghĩa dân tộc (nationalism), trong đó tập trung vào việc bảo toàn và vận dụng các giá trị truyền thống. Tại Trung Quốc, việc áp dụng chủ nghĩa dân tộc sẽ bao gồm với việc cải tạo hệ tư tưởng đạo đức Nho giáo thông qua phong trào Tân Sinh (the New Life Movement)
4. Mục tiêu quan trọng nhất của việc áp dụng chủ thuyết phát-xít tại Trung Quốc là tạo ra “con người phát-xít chủ nghĩa”, người có thể bỏ qua những lợi ích cá nhân và đóng góp, hy sinh cho lợi ích chung, mục tiêu công cộng. 
5. Tôn vinh và ca tụng quân đội, việc sử dụng vũ lực quân sự. 
Như vậy, dù có thể Đệ nhị Thế chiến khiến chúng ta luôn có xu hướng gắn liền chủ nghĩa phát-xít với tội ác diệt chủng và chết chóc, nhưng hệ giá trị cũng như phương thức vận hành quyền lực nhà nước dựa trên chủ nghĩa phát-xít lại được nhiều quốc gia thời kỳ đó coi là giải pháp cho hoàn cảnh cụ thể của họ. 
Thật vậy, lật ngược lại lịch sử lại trước năm 1939, cái nhìn chung của toàn thế giới về chủ nghĩa phát-xít tương đối… tích cực. Đặc biệt phải kể đến những người như Thủ tướng Anh Winston Churchill, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, nhà biên kịch Anh George Bernard Shaw cũng như rất nhiều người khác đã từng bày tỏ sự ngưỡng mộ và dành nhiều mỹ từ để ca ngợi mô hình nhà nước của chủ nghĩa phát-xít và bản thân Mussolini. Chính Hitler cũng là một nhân vật khá được công chúng phương Tây yêu thích ở thời điểm này. 
Giáo sư Maria Hsia Chang, do đó, tranh luận trên China Quarterly là việc phe Thanh Y bên trong Quốc Dân Đảng, cũng như Tưởng Giới Thạch, ủng hộ cách thức và mô hình quản lý của nhà nước phát-xít thật ra không có ý nghĩa khủng bố và bạo lực như chúng ta tưởng tượng về nó ngày nay. Thêm vào đó, bà Maria cũng cho rằng do Quốc Dân Đảng tương đối bất lực trong việc thống nhất một mô hình quản lý nhà nước nhất định, họ không chỉ tham khảo và học hỏi từ mô hình phát-xít, mà còn cả từ phe Quốc gia Xã hội tại Đức (National Socialists), phong trào người Thổ trẻ của lãnh tụ Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Ataturk hay kể phe Bolsheviks theo phong cách Lenin và Stalin. 
Xu hướng cảm tình và áp dụng chủ nghĩa phát-xít của Quốc Dân Đảng ngày xưa, do đó, khó có thể cho là vô đạo đức hay tàn độc như cách chúng ta hiểu về chủ nghĩa phát-xít ngày nay. 

Đảng Cộng sản Trung Quốc và các cáo buộc phát-xít

Là chính đảng thường xuyên sử dụng thuật ngữ “phát-xít” để công kích những thế lực đối lập, có lẽ đảng Cộng sản nước này cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần với việc mình bị sỉ nhục là một đảng phát-xít trong một tương lai gần. Song, nếu xét lại quá trình phát triển của các chính đảng Cộng sản trên toàn thế giới, các đảng phái phát-xít luôn là một trong những đối thủ hết sức cơ bản của họ. Mặt khác, theo nhiều nhà nghiên cứu, chủ nghĩa phát-xít nằm ở phía cực hữu của phổ chính trị, trong khi chủ nghĩa cộng sản lại nằm ở phía cực tả. 
Vậy điều gì khiến cho người ta có thể cáo buộc, hoặc bản thân chính các đảng cộng sản cáo buộc nhau rằng họ có tư tưởng phát-xít? 
Theo quan điểm của người viết, vấn đề trước tiên nằm ở chỗ bản thân chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa cộng sản có quá nhiều điểm chung, hoặc gần như tương đồng, và có thể chuyển hóa qua lại cho nhau ở bất kỳ thời điểm nào. Họ đều hướng đến xây dựng một chính phủ toàn trị với vai trò chính trị độc quyền của duy nhất một đảng phái, họ đều có xu hướng ca tụng lực lượng sử dụng vũ lực và nhu cầu xây dựng những “con người” đặc trưng cho chủ nghĩa của họ. 
Điểm khác biệt căn bản nhất giữa chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa cộng sản, có lẽ là cách mà hai phe tiếp cận cách tổ chức và quản lý nền kinh tế. Phe cộng sản tin vào nền kinh tế tập thể và sở hữu cộng sản, trong khi phe phát-xít lấy các tập đoàn – công ty khổng lồ và sự kiểm soát hành chính từ phía nhà nước làm xương sống cho quản trị xã hội quốc gia. Thêm vào đó, phe cộng sản có phần quốc tế hóa hơn và xem trọng bình ổn xung đột sắc tộc; trong khi phe phát-xít đề cao chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng. 
Những khác biệt này, tuy nhiên, có vẻ như đã không còn tồn tại ở Trung Quốc hiện đại. 


Trung Quốc được cho là đang thực thi thiết quân luật và đưa người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vào các trại tập trung. Ảnh: AFP/2009.

Chủ nghĩa “Dĩ Hoa vi Trung” (khá gần với chủ nghĩa Đại Hán ngày nay, mang hàm ý Trung Quốc là cái nôi, là trung tâm của thiên hạ) luôn nằm trong nền nếp tư duy của đại bộ phận người Trung Quốc, và lại ngày càng được tăng cường như một chiêu bài hiệu quả của chính quyền Bắc Kinh. Kinh tế tập thể cũng đã không còn bất kỳ vai trò gì trong nền kinh tế đương đại của Trung Hoa. 
Thêm vào đó, theo quan sát và tính toán của Jonathan Manthorpe, một cây bút có 40 năm kinh nghiệm về Trung Quốc, Tập Cận Bình từ năm 2012 đã hoàn thành việc thanh trừng gần như toàn bộ đảng Cộng sản Trung Quốc với chiêu bài chống tham nhũng. Tổng quan, đã có hơn 750.000 đảng viên bị giáng cấp, bị khai trừ hay bị hạ nhục; trong đó là 35.600 người bị khởi tố và bỏ tù. Ngay trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan mang bản chất tập trung dân chủ quyền lực nhất của đảng này, có hơn 205 năm thành viên đã bị Tập sờ gáy, và cụ thể bằng 17 thành viên bị bắt và bỏ tù. 
Với tất cả những sự kiện trên, cùng với một số đặc điểm khá tương đồng sẵn có giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát-xít mà chúng ta nhắc đến ở trên, như việc đảng Cộng sản Trung Quốc đang nắm độc quyền lãnh đạo xã hội Trung Quốc và bóp chết toàn bộ cơ sở xã hội dân sự tương tự như cách Hitler đã làm tại Đức, hay việc “lãnh tụ” Tập đã trở thành gương mặt duy nhất đại diện cho toàn Nam Trung Hải, cũng như phong trào chạy đua vũ trang đi cùng với những sản phẩm tuyên truyền về một đội quân Trung Quốc hùng mạnh nhưng chính nghĩa, Manthorpe cho rằng mọi dấu hiệu của một xã hội phát-xít đều đã tồn tại ở Trung Hoa. 
Điều này có vẻ cũng được một học giả Trung Quốc nổi tiếng khác Vương Lực Hùng (Wang Lixiong) tán đồng. Ông này nhận định rằng thật ra các dấu hiệu cơ bản về một nhà nước phát-xít dưới vỏ bọc cộng sản luôn tồn tại ngay từ sau thời kỳ chuyển tiếp từ Mao Trạch Đông sang các cá nhân quyền lực khác trong nội bộ Đảng. 

*** 


Điều đáng lo nhất so với xu thế phát-xít hóa của Quốc Dân Đảng ngày xưa, là chủ nghĩa phát-xít không còn là một dạng học thuyết mới ra đời được nhiều người tìm hiểu với kỳ vọng nó có thể giải quyết được các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội cấp bách. Chủ nghĩa phát-xít đã được chứng minh luôn có khả năng dẫn đến các xung đột vũ trang lớn để tranh giành tài lực với các quốc gia khác, luôn có khả năng dẫn đến các hành vi bạo lực và diệt chủng đối với các sắc tộc và những cộng đồng có nhu cầu, nguyện vọng và nền tảng chính trị khác biệt. Từ những câu chuyện về người Duy Ngô Nhĩ đang được cộng đồng thế giới vạch trần đến điểm nóng Hong Kong, có thể khẳng định rằng chủ nghĩa phát-xít tại Trung Hoa đang chực chờ bùng nổ như nước Đức ngày xưa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét