Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

Nhật Bản: Vì chữ tình, công chúa từ bỏ vương vị

 Công chúa Mako, thuộc hoàng gia Nhật Bản.REUTERS/Jorge Adorno/


Chuyện cổ tích thời hiện đại. Công chúa Mako, con gái lớn của hoàng tử thứ hai của Nhật Hoàng chấp nhận rời hoàng cung để kết hôn với một thường dân. Thông báo chính thức về lễ đính hôn của cô đang làm trỗi dậy nhiều tranh cãi cũng như mối lo ngại cho tương lai của một hoàng tộc trị vì lâu nhất trên thế giới, vì chưa có hoàng nam để kế thừa ngai vàng.



Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles cho biết thêm thông tin:



“Khi quyết định kết hôn với một thường dân mà cô gặp gỡ ở đại học, công chúa Mako sẽ mất vương vị công chúa. Điều luật này, vốn chỉ áp dụng với nữ, đang gây tranh cãi tại Nhật Bản. Trong nhãn quan xã hội nước này, hoàng gia Nhật Bản đang già đi, không có gì mới mẻ và suy đồi. Khi ép buộc công chúa Mako từ bỏ vương miện, hoàng gia đang tước đi một cơ may có hoàng tử kế thừa. Tuy nhiên, sau hoàng tử kế thừa hiện nay, hoàng tộc chỉ còn lại một cháu trai duy nhất, mới được 10 tuổi.



Hiến Pháp Nhật Bản quy định bình đẳng nam nữ, ngoại trừ các thành viên hoàng gia. Quả thật, duy chỉ có con trai là mới được phép lên ngôi vua. Để tránh một cuộc khủng hoảng kế thừa, các chuyên gia đề xuất cho phép phụ nữ trở thành nữ hoàng. Họ cũng khuyến cáo hủy bỏ điều luật gây tranh cãi buộc công chúa từ bỏ vương vị. Một đạo luật bị phản đối dữ dội hơn nữa bởi vì trong quá khứ Nhật Bản từng có những vị nữ hoàng đầy tài năng.”



Luân Đôn: “Axit” loại vũ khí mới giữa các băng đảng



Vương quốc Anh đang phải đối phó với nạn tấn công bằng axit ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Hiện tượng này khiến chính quyền Anh quốc lo ngại do việc sử dụng loại dung dịch hủy hoại đang có xu hướng trở thành một loại vũ khí được ưa thích trong các vụ thanh toán lẫn nhau nhất là giữa các băng đảng tại Luân Đôn.



Theo ghi nhận của cảnh sát Luân Đôn, trong năm 2016 đã có 454 ca bị tấn công bằng axit, tăng 30% so với con số 261 ca năm 2015. Nhưng nếu tính từ năm 2010, tổng cộng đã có hơn 1800 trường hợp như thế. Với con số này, Anh quốc trở thành quốc gia có số lượng các vụ hành hung bằng axit trên đầu người là khá cao.



Phần đông các vụ tấn công xảy ra đều do các nam thanh niên thực hiện nhắm vào nữ giới, do ghen tuông, bị khước từ lời cầu hôn hay bị bội tình. Theo tường thuật của Muriel Delcroix, thông tín viên đài RFI tại Luân Đôn, cách đây vài tuần đã xảy một vụ tấn công bằng axit trong một hộp đêm làm 22 người bị thương, trong đó có hai người cần được chăm sóc cả đời.



Điều gây ấn tượng là 2/3 số nạn nhân là những nam thanh niên, bị tổn thương ở mặt và ngực. Kiểu trả đũa này, hành vi trả thù hay đe dọa hiện đang trở thành loại vũ khí ưa thích của các băng đảng, đặc biệt tại các khu phố đông Luân Đôn. Vẫn theo Muriel Delcroix, sở dĩ tệ nạn trên gia tăng là do điều kiện mua loại hóa chất hủy hoại này quá dễ dàng tại Anh Quốc.



“Hành hung bằng axit đã từng là chủ đề đàm tiếu dưới thời nữ hoàng Victoria. Hơn nữa, axit sunfuric mà người ta từng gọi là sunfat lại chính do người Anh sáng chế ra. Vào thời điểm đó, các vụ tấn công bằng axit bị trừng phạt rất nghiêm khắc, thường là tử hình nên đã giảm hẳn. Ngày nay các chuyên gia giải thích sự trở lại của hiện tượng này do việc rất dễ mua axit sunfuric được bày bán trong bất kỳ cửa hàng dụng cụ sửa chữa nào hay trên mạng internet.



Một loại vũ khí giá rẻ và trên phương diện tố tụng hình sự, không như kiểu tấn công bằng dao, hành hung bằng axit không được xem như là mưu toan ám sát, mà chỉ là hành động gây thương tích và dẫn đến một án phạt nhẹ hơn. Điều đó giải thích vì sao lúc này cảnh sát phải khó khăn đối phó với tệ nạn và tại sao ngày càng có nhiều tiếng nói yêu cầu chính phủ gia tăng luật lệ và các trừng phạt chống lại kiểu tấn công này”.



Cầu Oresund: “Biểu tượng” cho tình hữu nghị hay sự chia rẽ Đan Mạch – Thụy Điển



Dẫu sao thì đó vẫn còn là chuyện nội bộ nước Anh, chưa ảnh hưởng gì đến các nước xung quanh. Trong khi tại lục địa già, tình trạng bạo lực leo thang do các vụ thanh toán lẫn nhau giữa các băng đảng có nguy cơ làm cho quan hệ giữa Thụy Điển và Đan Mạch bị sứt mẻ.



Chiếc cầu Oresund, nối liền thủ đô Copenhague của Đan Mạch với thành phố Malmo của Thụy Điển đang trở thành “chiếc cầu của sự chia rẽ”. Malmo, thành phố biển du lịch đang phải đối phó với các vấn đề tội phạm nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao (14% so với tỷ lệ 6,9% trên toàn quốc), cũng như là tỷ lệ người nghèo cực kỳ cao.



Một phần ba trẻ em tại đây lớn lên trong những gia đình nghèo khó. Malmo cũng là cửa ngỏ để dân nhập cư đi vào Đan Mạch. Một miền đất mầu mỡ cho các băng đảng mafia và tội phạm. Bạo lực leo thang tại Malmo do các vụ thanh toán lẫn nhau giữa các băng đảng buôn vũ khí và ma túy.



Thông tín viên Fabien Vallée tại Copenhague nhận xét tình hình tồi tệ này đã làm cho quan hệ giữa hai nước Đan Mạch và Thụy Điển, vốn dĩ cũng là thành viên của khối Liên Hiệp Châu Âu, trở nên xấu đi từ hai năm nay.



“Malmo chỉ cách Copenhague, thủ đô của Đan Mạch có 20km. Đấy là điểm đang khiến cho chính quyền Đan Mạch lo ngại, e sợ bao lực lan sang nước mình. Hơn nữa bộ trưởng Đan Mạch đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách di dân của Thụy Điển, cho rằng quá ư là dễ dãi, thậm chí khoan dung.



Nữ bộ trưởng Hội Nhập và Nhập Cư nhắm đến việc tái lập kiểm soát biên giới hòng ngăn chặn những người nhập cư trái phép đến từ Thụy Điển. Tuy nhiên, biện pháp này khó thực thi do chi phí sẽ là cao. Bởi vì, theo ước tính số lượng người nhập cư trái phép là ở mức 12000 người.



Hãng đường sắt Đan Mạch DSB (Danske StatsBaner) đã thông báo có thể ngưng tuyến đường nối với Thụy Điển nếu như Đan Mạch tái lập kiểm soát biên giới. Một biện pháp không làm hài lòng khoảng 8500 người dân sống quanh khu vực biên giới hàng ngày băng qua chiếc cầu nối liền hai nước.



Hơn nữa biện pháp này cũng khó có thể thực hiện vì cả hai quốc gia này đều nằm trong vùng Shengen, không gian tự do lưu thông của Liên Hiệp Châu Âu.



Bà thị trưởng thành phố Malmo cho biết cảm thấy bị sốc trước phản ứng của chính phủ Đan Mạch. Theo bà, hai bên cần phải hợp tác hơn là lao vào những điều phù phiếm. Bà cũng lưu ý là nạn buôn ma túy, vũ khí và rượu cũng đến từ Đan Mạch”.



Cầu Øresund nối liền thủ đô Copenhague của Đan Mạch với thành phố Malmö, Thụy Điển.

CC0/daniel4021



Thế giới có đến hơn 28.000 loài cây cỏ thảo dược



Con số thống kê này vừa được Trung Tâm Nghiên Cứu Thực Vật Kew Gardens tại Luân Đôn công bố ngày thứ Năm 18/05/2017. Báo cáo này là kết quả một công trình khảo sát quy tụ 128 nhà khoa học đến từ 12 quốc gia.



Trong số hơn 28.000 loài cây cỏ thảo dược, các nhà khoa học đã phát hiện thêm 1.730 loài cây mới so với năm 2016. Báo cáo của các nhà khoa học nhấn mạnh đến tiềm năng to lớn của nhiều loài thực vật trong việc điều trị nhiều chứng bệnh hiểm nghèo như tiểu đường, sốt rét hay một số chứng bệnh thần kinh như Parkinson…



Giải thích với AFP, bà Monique Simmonds, phó giám đốc về khoa học của Kew Gardens, đơn cử hai hoạt chất « artemisinin và kinin » có trong cây cỏ, được cho là những loại vũ khí quan trọng nhất trong việc phòng chống bệnh sốt rét. Theo thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2015, khoảng 214 triệu người đã mắc chứng bệnh này và 400.000 người tử vong.



Ngoài công dụng chữa bệnh, các nhà khoa học còn khám phá ra nhiều loại cây cỏ có tác dụng làm tăng năng suất cây trồng như việc phát hiện năm loại chi sắn mới, một chi họ khác của giống khoai mì, được xem như là nguồn thực phẩm tương lai.



Mối họa toàn cầu hóa



Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nghiên cứu đến tác động của toàn cầu hóa trong việc hủy hoại các loài cây cỏ. Các nhà khoa học quan sát thấy là chỉ trong vòng có 16 năm gần đây, « trung bình khoảng gần 340 triệu ha cây trồng đã bị thiêu hủy mỗi năm », tương đương với diện tích của Ấn Độ.



Nếu như các vụ hỏa hoạn đôi khi cũng cần thiết cho việc giúp cây cỏ tự tái sinh, do phần lớn có nhiều loại cây thích ứng được với sức nóng, thì báo cáo cũng tính ra được rằng « nếu như không ngăn chặn được hiện tượng lây lan ký sinh và khuẩn gây bệnh trên cây, chi phí tiềm tàng cho nông nghiệp toàn cầu sẽ tốn khoảng 540 tỷ đô la mỗi năm ».



Do đó, báo cáo của các nhà khoa học nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các « biện pháp an toàn sinh thái nghiêm ngặt hơn », nhất là trong lĩnh vực kinh doanh cây giống. Toàn cầu hóa thương mại và các chuyến lữ hành quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát tán các loài châu chấu, cào cào và nhiều loại sâu bọ, đặc biệt là những loài sâu bọ có hại cho cây bắp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét