Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

Đổi đời nhờ phẫu thuật thẫm mỹ


 Phẫu thuật cắt mắt cho một phụ nữ. AFP photo


Phẫu thuật thẩm mỹ có thể hoàn toàn thay đổi diện mạo của con người nhưng đi kèm với nó đôi khi là cái giá quá đắt mà người ta phải trả nếu biến chứng xảy ra hoặc không may phẫu thuật thất bại.
Rủi ro lớn như vậy nhưng ngày càng nhiều phụ nữ bị cuốn vào vòng xoáy phẫu thuật thẩm mỹ. Liệu có phải do những thay đổi trong cuộc sống lớn lao đến nỗi phụ nữ dám đánh cược cuộc đời mình như một canh bài “được ăn cả ngã về không”?

Phép màu cho phụ nữ

Phẫu thuật thẩm mỹ không phải chỉ mới xuất hiện trong thế giới phẳng hiện đại ngày nay mà thực chất là nhiều thế kỷ trước đây. Những ca phẫu thuật thẩm mỹ đầu tiên được ghi chép là vào thế kỷ XVI ở nước Anh và châu Âu. Ngày ấy, người ta quan niệm rằng phụ nữ nếu có gương mặt xấu xí thì nghĩa là tâm hồn của họ cũng “méo mó”. Tuy nhiên do ngày đó thuốc gây mê chưa được phát minh nên con người phải chịu muôn vàn đau đớn. Chính vì vậy mà chỉ những trường hợp bị xã hội kỳ thị là “tâm hồn cực kỳ méo mó” mới đành chấp nhận phẫu thuật.

Đến thế kỷ XX phong trào phẫu thuật thẩm mỹ rầm rộ hơn, đặc biệt là ở Mỹ. Lúc bấy giờ ở Mỹ dân nhập cư Do Thái, Ailen và người Mỹ gốc Phi ngày càng đông với các đặc điểm khác với người da trắng như mũi hếch, mũi lớn và mũi tẹt. Đây là dấu hiệu của sự khác biệt chủng tộc và do đó họ bị coi là xấu xí.

Ngày nay, phẫu thuật tu sửa nhan sắc đã phát triển với tốc độ chóng mặt trên toàn thế giới. Theo khảo sát của Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế (ISAPS), năm 2011 chỉ có khoảng 15 triệu người trên thế giới đụng dao kéo để làm đẹp. Cũng theo ISAPS, con số này tăng lên thành hơn 20 triệu vào năm 2014, và 55 triệu năm 2015.

Phẫu thuật thẩm mỹ bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc, nhưng ngày đó chủ yếu là giải quyết các ca hở môi và làm vạt da đơn giản. Đây là phẫu thuật ghép các vạt da để che phủ những vết thương hở. Hiện tại, tại Việt Nam, phẫu thuật thẩm mỹ đã len lỏi vào mọi ngõ ngách, mọi gia đình và đã phát triển để có thể xử lý những ca nghiêm trọng hơn như gọt xương mặt thành chuẩn V-line chẳng hạn. Theo Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM, những năm gần đây, trung bình thành phố này tiến hành hơn 100.000 ca “dao kéo” mỗi năm.

Nhiều ví dụ trong cuộc sống đã minh chứng rằng phẫu thuật thẩm mỹ giống như một phép nhiệm màu cho phụ nữ. Chúng tôi trò chuyện với chị Quách Thị Kim Phượng, người được báo chí gần đây nhắc đến thường xuyên với biệt danh “Thị Nở tái sinh”, hay “cóc ghẻ hóa thiên nga”. Chị Phương sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo tỉnh Daknong. Chị không may mắn được sinh ra với ngoại hình có người lịch sự thì nói không ưa nhìn, còn người nặng lời thì nói là “xấu ma chê quỷ hờn”. Nước da ngăm đen, nhiều mụn, cộng với chiếc hàm hô, mũi tẹt và đôi môi từng bị nói “thái vội cũng được hai đĩa thịt” đã biến cuộc sống của chị thành địa ngục suốt hơn hai chục năm.

Lúc nhỏ, hồi em vẫn còn học mẫu giáo, nhà vẫn nghèo, bố mẹ lo làm ăn kinh tế nên em cũng nhếch nhác. Ngay ngày đó các bạn đã kỳ thị em rồi. Đang đứng xếp hàng thì có bạn bạn ấy cấu em. Lúc đó em không hiểu tại sao nhưng giờ lớn lên em đã hiểu và vẫn còn nhớ như in. Khi em đi học cấp 1 vì lúc đó có rất nhiều con giãn (một loại sinh vật giống con muỗi) nên em xin tiền mẹ mua đôi tất để đeo. Khi tới lớp các bạn nói rằng bạn Bích Liên đeo đẹp chứ em đeo không đẹp, các bạn nói nhìn em đeo buồn cười lắm. Đến năm lớp 4 các bạn chơi trò chơi như ô ăn quan, đá cầu, nhảy dây thì em chỉ được ngồi nhìn thôi chứ không được chơi cùng. Ví dụ hôm nào em may mắn được chơi, mà có bạn xinh đẹp học giỏi khác xin chơi cùng thì các bạn sẵn sàng loại em ra ngay.

Chị Phượng kể rằng khi lớn lên chị cứ nghĩ các bạn sẽ hiểu biết hơn và bớt kỳ thị mình. Nhưng thực tế lại trái ngược, những năm học cấp hai chị liên tục bị bạn bè trêu chọc là con hô, bàn nạo dừa,…Đến người bạn ngồi cạnh mấy năm trời cũng phân chia ngăn bàn và nếu chị vô tình nhích tay sang ngăn bạn ấy thì sẽ bị đánh. Điều đáng buồn là bạn đó chỉ làm như vậy với một mình chị. Khi chị Phượng thay đổi kiểu tóc, các bạn đã xúm lại mỉa mai rằng “ôi hôm nay Phượng đẹp mà đẹp lạ” và nhấn mạnh từ “lạ” ý nói đã xấu còn điệu đà. Quãng thời gian trên ghế nhà trường thường là khoảng tuổi thơ đẹp của đời người, nhưng với chị nó là sự cô lập, xa lánh và trở thành trò đùa chế nhạo cho chúng bạn.

Ấy vậy mà đến khi trưởng thành lập gia đình, cuộc sống của chị không khá lên là bao:

Lần đầu tiên em xuống để ra mắt bên nhà chồng thì họ đứng ở bếp họ chỉ trỏ con này thế nọ thế kia. Đến hôm cưới mẹ chồng em kể rằng cô hàng xóm nói tại sao thằng Hà đẹp trai như thế mà lại đi lấy cái con xấu như vậy. Thiếu gì gái đẹp mà phải lấy nó? Nhưng lúc đó nghe mẹ kể em cảm thấy rất bình thường vì từ nhỏ em đã bị chê xấu nên đâm ra chai lì rồi.

Đỉnh điểm nhất là có lần khi em đang đeo đôi bông tai hạt cườm ở nhà. Có một bạn nam sang nhà chồng em thấy vậy bĩu môi nói “chuột chù đi giữa đồng hoa, tô son trát phấn vẫn ra chuột chù”.

Quyền phụ nữ

 Một phụ nữ đang được xâm môi. AFP photo

Sau những lần quá tủi hổ vì bị chế giễu thẳng mặt, chị Phượng quyết định tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ sau khi xem những chương trình truyền hình về những người phụ nữ thay đổi diện mạo hoàn toàn nhờ phẫu thuật. Ban đầu, gia đình chị phản đối kịch liệt, đặc biệt là bố chị. Nhưng sau đó mẹ chị, người cũng là nạn nhân bị kỳ thị vì ngoại hình xấu, đã thuyết phục bố chị đồng ý cho chị phẫu thuật. Nhân vụ tiêu thắng lợi lúc đó, gia đình đã đầu tư khoảng 150 triệu để chị “phá đi xây lại” khuôn mặt mình.

May mắn hơn chị Phượng, chị Huyền Trang từ nhỏ khuôn mặt đã có những đường nét hấp dẫn riêng. Tuy nhiên chị thường mất tự tin vì đôi mắt “không biết nói chuyện”, không gây được thiện cảm từ người khác trong khi đó công việc của chị yêu cầu phải tiếp xúc với khách hàng thường xuyên. Chị Trang tâm sự với chúng tôi:

Mình thấy cuộc sống của mình không thoải mái lắm, làm cái gì cũng không thành công. Mình đi bán hàng nhưng lại không tự tin giao tiếp với mọi người. Khi con mắt mình không được đẹp mình không tự tin nói chuyện với người khác, dần dần người ta không mua hàng. Về sau mình mới nghĩ rằng có lẽ là do mình rụt rè, con mắt mình luôn né tránh ánh mắt người khác nhìn mình. Do vậy mình không trao được niềm tin cho người khác. Đó là lý do mình tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ.

Chị Trang kể lại thời điểm đó cứ hễ muốn đăng hình lên trang cá nhân là chị phải dùng đến 3, 4 phần mềm chỉnh sửa ảnh để khiến khuôn mặt chị dễ nhìn hơn. Chính vì vậy khi người ta gặp chị bên ngoài thường thấy hụt hẫng, thất vọng. Khi quyết định đến với phẫu thuật thẩm mỹ, gia đình chị cũng phản đối nên chị phải làm vụng trộm.

Trải qua bao đau đớn trên bàn phẫu thuật, cuối cùng cuộc sống cũng mỉm cười với chị Trang. Hiện tại khuôn mặt chị gần như đã hoàn hảo, mọi đường nét hòa quyện với nhau tạo nên nét quyến rũ riêng. Một người bạn của chị nói với chúng tôi rằng nhìn chị bên ngoài rất tự nhiên, khó mà nhận ra đã qua phẫu thuật thẩm mỹ. Công việc, cuộc sống của chị cũng vì vậy mà khởi sắc đi lên:

Từ đó trở đi cuộc sống của mình thay đổi hẳn luôn, tức là mình làm gì cũng thuận lợi hơn. Kể cả việc bán hàng và các môi quan hệ cũng có nhiều hơn. Ngày xưa người ta nhìn chị họ không nể đâu. Tức là người ta chỉ nghĩ chị là một đứa con nít thôi. Bây giờ người ta khác lắm, mười người thì cả mười nói chị có thần thái bên trong. Mà thực ra cái thần thái đó là do mình đẹp lên nên mình tự tin hơn dẫn đến cách nói chuyện của mình cũng tư tin hơn nên mình tạo cho người ta cảm giác mình chững chạc hơn. Đối với công việc bán bất động sản, mình cũng kiếm được nhiều tiền hơn từ sau khi phẫu thuật thẩm mỹ”.

Còn đối với Phượng, những thay đổi trong cuộc sống của chị người ngoài cũng có thể nhìn ra. Câu chuyện của chị được lan tải trên khắp các mặt báo khiến chị vô tình trở thành người nổi tiếng. Hiện tại trên trang Facebook của chị đã có hơn 20.000 người theo dõi. Mỗi một động thái, hình ảnh, dòng tâm sự của chị đều được hàng ngàn người “like” và chia sẻ. Những dòng bình luận dưới câu chuyện của chị thường là những lời khen ngoại hình xinh đẹp, ý chí vượt lên số phận và những lời cầu chúc cho cuộc sống của chị từ nay được yên bình.

Cuộc sống của em thay đổi rất là nhiều. Những người trước đây từng ghét em, chê em ra mặt thì bây giờ họ khác lắm, ra bắt tay, mời nước, nói chung là nhìn em bằng con mắt khác hoàn toàn. Ra ngoài đường thì rất nhiều bạn biết em, hoặc nếu không biết thì họ nhìn giống như có một cô hot girl vừa đi qua. Em tự thấy mình bình thường không phải hot girl nhưng em tự tin hơn khi mọi người nhìn. Trước đây em xấu nếu mọi người nhìn em, em thấy rất xấu hổ, bước đi thật nhanh”.

Cũng nhờ may mắn được nhiều người biết tới nên chuyện tìm việc làm đối với chị Phượng đã dễ dàng hơn. Hiện tại chị mong muốn tìm được một công việc yêu thích tại Sài Gòn mà không phải lao động tay chân khổ cực như những ngày ở dưới quê.

Ngoài những mặt tích cực, phẫu thuật thẩm mỹ cũng đi kèm với những tai nạn khó lường. Trên các trang mạng xã hội ngày nay, giới trẻ thường xuyên chia sẻ những vụ tử vong trên bàn phẫu thuật thẩm mỹ, hay những gương mặt lố bich cứng đờ như tượng sáp vì quá lạm dụng phẫu thuật, và một số còn biến mình thành những nhân vật dị hợm như mặt rắn, hay yêu tinh, khiến người đối diện không khỏi hoảng sợ. Đó là còn chưa kể đến những biến chứng hậu phẫu thuật, và những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đã được giới y khoa minh chứng. Năm 2014, ở Việt Nam từng chấn động vụ án giám đốc trung tâm thẩm mỹ Cát Tường thủ tiêu xác một phụ nữ tử vong khi nâng ngực tại trung tâm này. Đây cũng là một bài học lớn cho phụ nữ nói chung và những người ôm mộng đổi đời nhờ phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng.

Người xưa thường nói phụ nữ hồng nhan thì thường bạc mệnh. Nhưng ngày nay, những lợi ích sắc đẹp mang lại cho phụ nữ quá lớn khiến người ta nói lái câu đó thành hồng nhan bạc triệu. Tuy nhiên, thiết nghĩ rằng phụ nữ không nên chỉ mải mê chạy theo vòng xoáy nhan sắc bên ngoài, mà cũng nên vun cho các giá trị tâm hồn thật đẹp đẽ bên trong bởi vì đó mới là những giá trị trường tồn và đáng được trân trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét