Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Sông Mekong, con đường thứ hai Trung Quốc tiến xuống Đông Nam Á

 Một công trường xây dựng Trung Quốc chạy dọc theo sông Cửu Long ở Viêng Chăn. Ảnh chụp vào ngày 31 tháng 5 năm 2016.AFP photo



Giữa tháng tư báo chí Thái Lan liên tục đưa tin một đoàn khảo sát Trung Quốc bắt đầu thăm dò các thác ghềnh ở thượng nguồn sông Mekong trên lãnh thổ Thái Lan để có thể phá các thác này mở đường cho tàu bè đi lại giữa các nước hạ lưu và Vân Nam Trung Quốc. Nhiều nhà hoạt động môi trường Thái Lan đã tổ chức phản đối chuyện này.



Tác hại môi sinh và kinh tế



Ngày 25 tháng tư năm 2017, báo Tuổi trẻ tại Sài Gòn cũng đưa lại thông tin chuyện Trung Quốc khảo sát các thác ở Thái Lan để có thể chuẩn bị phá thác, khơi dòng cho tàu bè lưu thông. Tuy nhiên không thấy báo dẫn lời các chuyên gia trong nước về thông tin này.



Chúng tôi đã trao đổi với Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện trưởng viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long để hỏi ý kiến ông về chuyện này. Tiến sĩ Tuấn cho biết là nếu các thác vùng thượng du sông Mekong thuộc lãnh thổ Thái Lan bị phá thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến các loài cá sống ở đó, cũng như là sẽ gây lụt nặng và nhanh hơn vì các ghềnh thác là nơi giữ chậm lại dòng nước lũ.



Tuy nhiên Tiến sĩ Tuấn nói rằng việc phá thác này không chắc ảnh hưởng nhiều đến vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam vì nó nằm khá xa.



Tiến sĩ Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng bộ thủy lợi của Việt Nam nói rằng không thể nói chính xác tác hại của những dự án đó như thế nào vì những vấn đề kỹ thuật mà Việt Nam không có tham gia. Theo ông vấn đề nằm ở chỗ là Việt Nam phải có tầm nhìn xa về những vấn đề như thế này từ trước.



“Việt Nam mình có cải dở từ xưa đến nay, theo tôi là không chủ động, cái gì cũng không chủ động. Trên đời này có hai từ đất và nước, mà hai cái từ này theo tôi các nhà lãnh đạo rất là bị động. Đất thì để cho người ta làm này khác rồi la toáng lên, còn nước thì người ta làm đến nơi rồi, duyệt luận chứng, rồi đầu tư rồi thì mới kêu, lúc đó không giải quyết được vấn đề gì hết. Thành ra vấn đề là phải chủ động quan hệ đối ngoại. Coi những việc đó dưới tầm nhìn năm năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, 50 năm. Chứ nếu người lãnh đạo đi họp sông Mekong mà sắp đến ngày họp thì cấp dưới báo là Thủ tướng phải đi, rồi chuẩn bị mấy câu, đi họp nói mấy câu ba điều bốn chuyện thì như thế không giải quyết được vấn đề gì cả.”



Chuyện đất mà ông Trần Nhơn đề cập là những dự án cho nước ngoài thuê đất rừng mà công luận đã lên tiếng quan ngại cách đây không lâu.



Ông Trần Nhơn nói rằng khi không có tầm nhìn trước thì ngay đối với các quốc gia thân thiện với Việt Nam như Lào và Cam Pu Chia thì Việt Nam cũng khó lòng lên tiếng khi sự đã rồi, huống hồ một nước như Trung Quốc.



Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, người từng tham gia làm chuyên gia bên Lào thuật lại rằng đã từng gặp những nhóm khảo sát người Trung Quốc ở Hạ Lào với những dụ án phá thác ghềnh ở khu vực thác nước lớn nhất Đông Dương này. Tiến sĩ Tuấn nói rằng ngoài những lo ngại về tác động môi trường lên sinh thái của lưu vực Mekong, nhiều người còn lo ngại rằng khi dòng sông Mekong không còn ghềnh thác nữa, Trung Quốc sẽ dùng con đường này để gia tăng ảnh hưởng kinh tế:



“Có một số người không phải là về môi trường hay sinh thái, họ lại nhìn sự ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước ở phía dưới này nhiều hơn. Hàng hóa Trung Quốc sẽ có cơ hội tràn xuống vùng này. Điều này cũng đáng lo ngại, vì hàng Trung Quốc ngoài loại tiêu dùng còn có những loại độc hại, những loại hóa chất, thực phẩm độc hại có thể tràn xuống để bán cho người nghèo. Đó là một điều người ta lo ngại.”



Khống chế Đông Nam Á bằng sông Mekong



 Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất tổ chức tại Tam Á hôm 23/3/2016. AFP photo


Để giải quyết những xung đột lợi ích giữa các quốc gia có chung dòng sông Mekong, hiện nay có Ủy ban sông Mekong gồm bốn thành viên Việt Nam, Lào, Thái Lan, và Cam Pu Chia.



Ông Trần Nhơn bình luận về hoạt động của ủy ban sông Mekong Việt Nam:



“Cái ủy ban sông Mekong khi thì đặt ở bộ thủy lợi, khi thì đặt ở bộ nông nghiệp, rồi bây giờ đặt ở bộ tài nguyên môi trường, theo tôi là rất mờ nhạt trong vài chục năm nay. Cái cách làm việc rất bị động, rất, rất, rất bị động.”



Trên trang web của Ủy ban sông Mekong Việt Nam chúng tôi không thấy đăng tải tin tức về kế hoạch khảo sát và phá thác ghềnh của Trung Quốc tại miền bắc Thái Lan. Tiến sĩ Tuấn nói không rõ là Ủy ban sông Mekong của Thái Lan có tham vấn ủy ban sông Mekong của Việt Nam hay không vì không có thông tin công khai.



Gần đây có những lời đề nghị Trung Quốc tham gia vào Ủy ban sông Mekong với tư cách là một quốc gia có dòng sông Mekong dài nhất. Nhưng theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn, người Trung Quốc lúc đầu chỉ muốn thành lập và lãnh đạo một cơ quan gọi là Lan Thương Mekong với trụ sở đặt ở Vân Nam. Lan Thương là đoạn sông Mekong chảy ngang lãnh thổ Trung Quốc. Bây giờ hầu như tất cả các điểm có thể xây dựng thủy điện trên lãnh thổ của mình, Trung Quốc đều đã hoàn tất các đập nước, nay lại mong hợp tác với các quốc gia ở hạ du:



“Trung Quốc muốn khống chế lưu vực sông Mekong cũng giống như khống chế biển Đông vậy. Nghĩa là họ chiếm các đảo, rồi xây ra thành các thực thể, căn cứ quân sự, để không chế sự đi lại ở biển Đông. Còn ở phía Tây thì họ muốn không chế sông Mekong. Họ hoàn toàn không tham gia gì, không cung cấp các số liệu, rồi xây những đập thủy điện xong rồi bây giờ mới nói chuyện hợp tác. Tôi nghĩ chuyện này cũng muộn màng lắm rồi.”



Cuối tuần lễ đầu tháng năm 2017, Ủy ban quốc tế sông Mekong sẽ nhóm họp. Trả lời câu hỏi là liệu ủy ban này phải cải cách việc hoạt động như thế nào để cho sự hợp tác thõa mãn lợi ích của tất cả các bên được tốt hơn, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn trả lời rằng ông đã đề cập đến vấn đề này từ rất lâu, và cho đến hiện nay thì cũng không thấy có tiến triển, chỉ biết rằng nhiều quốc gia giàu có tài trợ cho ủy ban đang cắt bớt sự trợ giúp của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét