Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Hai số phận...

FB Tuan Ngo
Trước khi đi vào nội dung chính, tôi xin chúc mừng các luật sư đồng nghiệp đã bảo vệ thành công cho Hoa hậu Phương Nga trong một vụ án tốn giấy mực của báo chí. Có quá nhiều thứ để nói và đã quá nhiều người bình luận nên sự kiện này, tôi chưa từng lên tiếng, dù chỉ một câu. 

Hai số phận mà tôi muốn nhắc tới, ấy là Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) và Phương Nga – nhiều người bảo không nên để họ chung một vị trí – nhưng suy cho cùng, họ đều là phụ nữ và quyền con người của họ là như nhau, dù họ là ai. 

Mẹ Nấm là ai, chắc không nhiều người biết, ngay cả bản thân tôi – phần lớn chỉ được nghe, đọc qua báo chí đấy là một người phản động, chống lại chính quyền nhân dân. 

Phương Nga là ai thì nhiều người đã biết rồi, vì cô ấy từng là hoa hậu người Việt ở Nga.


Nhiều người hiểu mục đích, mong muốn của Mẹ Nấm là tốt, là mong muốn cho một xã hội Việt Nam tốt đẹp và công bằng hơn trong tương lai; có thể cách làm của chị là chưa phù hợp, không phù hợp hoặc không có quy chuẩn để có thể phù hợp với pháp luật Việt Nam lúc này.

Ai cũng hiểu, mục đích của Phương Nga là bảo vệ lợi ích cá nhân, bảo vệ cuộc sống sung sướng của mình mà không cần lao động vất vả như những người khác.


Loại bỏ bớt những yếu tố được xem là “chính trị” đi, nếu được quyền so sánh, hãy nói thật đi, bạn tôn trọng người nào hơn?

Chính quyền đã khi nào “ghi nhận” những điều mà những người đấu tranh như Mẹ Nấm đã làm hay chưa? Có bao giờ họ tự đặt câu hỏi “Những điều bà ta nói, có điều gì đúng không nhỉ?”. Nên nhớ rằng, xã hội và con người thường tốt lên từ những nghịch nhĩ, không phải từ những lời khen phong trào. Chúng ta phải dần học cách nghe và sống chung với những điều mà mình cho là “trái tai, gai mắt” ấy nếu như thực tâm mong đất nước đi lên.

Điều mà chúng ta đánh giá cao Phương Nga nằm ở chỗ cô rất bản lĩnh và khôn ngoan trong ứng xử trước tòa- chính cô đã thể hiện cho nhiều người (ngay cả giới luật sư) biết rõ hơn về quyền im lặng của bị can, bị cáo được sử dụng thế nào và sử dụng lúc nào cho khoa học – cô đã góp công lớn trong việc thay đổi lịch sử tố tụng Việt Nam – điều mà cô chưa từng nghĩ trước khi vụ án diễn ra và có thể là cho tới tận thời điểm này. Đối với những nội dung khác, những sự việc đã diễn ra, dù thực hay giả thì hành động nào của cô cũng đã là hành động sai lầm và sai pháp luật, trái đạo đức xã hội và có lẽ không bậc cha mẹ nào muốn con cái mình học theo.

Ngày Phương Nga tự do (dù mới là tạm thời) cũng chính là ngày Mẹ Nấm chính thức bị xét xử và gắn bó lâu dài với nhà tù. 

Có thể đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng nó khiến cho tôi không khỏi chạnh lòng vì những giá trị xã hội bị đảo lộn. Chúng ta chỉ chúi mũi vào thông tin về Phương Nga, về hợp đồng tình ái của cô – nhớ rằng, nếu cô thoát tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì ít nhất cô sẽ phải đối diện việc bị xử lý về hành vi mua bán dâm; nhưng chúng ta quên đi một điều rằng, tương lai cho sự dân chủ và tiến bộ xã hội nằm ở chính những người đang bị mang ra xét xử như Mẹ Nấm. 

Đừng vội nhếch mép cười khẩy tôi! Tôi có thể đọc được suy nghĩ của bạn lúc này: Tương lai của bạn, của con cái bạn chính là sự phục tùng vì bạn biết số mệnh mình chỉ đến vậy mà thôi nên bạn phải bằng lòng hoặc là bạn đang tính chuyện cho con em mai này rời xa đất nước này. Tại sao bạn không nghĩ rằng mình nên đấu tranh từ những điều nhỏ nhất cho quyền lợi của mình, của gia đình mình thay vì chỉ biết cam chịu hay tìm cách bỏ chạy? Tại sao bạn không nghĩ rằng, là người yêu nước thì phải biết sống hiên ngang trên đất nước này? Đấu tranh có phải bao giờ cũng là xấu? Chẳng phải chính nguyên lý của chủ nghĩa Mác –Lê Nin cũng đã từng khẳng định rằng đấu tranh là động lực của sự phát triển xã hội đó sao?

Ngày hôm nay, tôi thấy buồn nhiều hơn vui vì chứng kiến hai số phận này...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét