Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Phân tích khoản vay mua đất (nhà) của ông Phạm Sỹ Quý dưới góc độ Tài chính – Ngân hàng

Thiều Quang Thắng


Theo báo tuổi trẻ online ngày 29/06/2017, sau nhiều ngày im lặng “đóng cửa” để nghiên cứu thêm về phương án trả lời báo chí thì ông Phạm Sỹ Quý đã trả lời báo chí và cho biết ông vay Ngân hàng để làm biệt phủ 20 tỷ của mình. Xét trên góc độ Tài chính – Ngân hàng, chúng ta thử phân tích qua phương án vay mua nhà của ông Quý xem thu nhập của ông Quý một tháng là bao nhiêu cũng như tính khả thi, hợp lý của phương án vay mua nhà của ông Quý nhé.

+ Trước hết, về tài sản thế chấp của phương án vay mua đất (nhà): Sở dĩ nói vay mua đất (nhà) là vì báo tuổi trẻ thì cho biết ông Quý vay Ngân hàng làm nhà, trong khi báo thanhnien cho biết ông Quý vay tiền để mua đất (ảnh minh họa).
 No automatic alt text available.
Dù là mua đất hay nhà hay mua đất làm nhà thì nói về mặt phương án vay mua nhà đất thì thông thường các Ngân hàng sẽ tài trợ cho bên vay tối đa là 75 đến 80% giá trị tài sản thế chấp và tối đa 90% phương án vay của bên vay. Như vậy, giá trị tài sản thế chấp cho Ngân hàng của ông Quý phải ở mức tối thiểu 25 tỷ đồng (nếu thanh tra không đủ, tức là Ngân hàng định giá láo, có thể gây thiệt hại cho Ngân hàng trong trường hợp ông Quý không thể trả nợ). Hãy xem ông Quý có những tài sản nào:

Ông Quý sở hữu khối tài sản như nào? (Nguồn: Báo tuổi trẻ)

Theo bản kê khai tài sản của ông Quý đã được công bố công khai từ tháng 1-2017, gia đình ông Quý sở hữu một ngôi nhà tại tổ 51 phường Minh Tân (công trình cấp 3) có diện tích xây dựng 600m2 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.
 Image may contain: outdoor and text
Vợ chồng ông còn có một ngôi nhà thứ hai tại khu chung cư Mandarin Garden (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rộng trên 130m2 với giá trị tại thời điểm xây dựng là 2,5 tỷ đồng.

Ông Quý cũng kê khai có sở hữu một nhà tạm diện tích xây dựng 150m2, giá trị 200 triệu đồng đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Ngoài ra ông còn sở hữu mảnh đất 1.000m2 trị giá 500 triệu đồng tại tổ 51 phường Minh Tân, TP Yên Bái đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trang trai diện tích 2ha giá trị 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Quý cho biết đang sử dụng một ô tô Camry.

Như vậy, theo thông tin bài báo thì tổng tài sản của ông Quý chưa đến 5 tỷ đồng. Nó đến từ đâu?

“…Đây còn là kết quả của cả một quá trình tôi lam lũ đi làm từ thời trẻ, nỗ lực vươn lên làm đủ thứ nghề rồi.

Quá trình thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, đã có những lúc tôi lạc trong rừng, ngủ trong rừng.

Từ ngày xửa xưa tôi còn làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ, tôi chả thiếu nghề gì trên đời.

Năm thứ 3 đại học tôi tôi cùng chung với bạn mở xưởng đóng giày ở Ngã Tư Sở…” (Nguồn: Báo tuổi trẻ).

 Image may contain: 1 person, sitting and text

Như vậy, ông Quý xứng đáng là một tấm gương sáng cho chúng ta noi theo để vươn lên trong cuộc sống. Vấn đề là, với giá trị tổng tài sản như vậy, đâu là căn cứ để Ngân hàng cho vay đến 20 tỷ??? Hay là Ngân hàng định giá khống? Nâng giá trị thực của tài sản thế chấp lên?

+ Tiếp theo, nói về số tiền vay, ở đây là 20 tỷ (theo như ông Quý nói) và thu nhập để trả nợ. Theo quy định của Ngân hàng, các khoản vay liên quan đến mua bán bất động sản có thời gian vay tối đa 25 năm và lãi suất cho vay thông thường thấp nhất ở mức 10%/năm (không tính ưu đãi năm đầu lãi suất có thể dưới 10%/năm).

Nếu ông quý vay được 20 tỷ thì mỗi tháng ông Quý phải trả số tiền thấp nhất là 233 tr (như bảng tính đính kèm), trong đó riêng tiền lãi vay là 167 tr. Loại trừ chi phí lãi vay trả Ngân hàng, thì ông Quý phải để lại khoảng 20 tr để chi tiêu gia đình và các việc cá nhân. Như vậy, một tháng ông Quý phải có thu nhập tối thiểu 250 tr (1 năm là 3 tỷ đồng). Hãy xem thu nhập của ông Quý thế nào:

Trong bản kê khai ông Quý cho biết thu nhập trong năm 2016 tăng 1 tỉ đồng. Theo ông Quý lý giải đây là “thu nhập các nguồn từ trang trại được nhận thừa kế từ bố mẹ năm 2016” (Nguồn: Báo tuổi trẻ)

Báo tuổi trẻ chỉ nói thu nhập trong năm 2016 của ông Quý tăng thêm 1 tỷ đồng chứ không nói tổng thu nhập và phần tăng thêm này là từ “thu nhập các nguồn từ trang trại được nhận thừa kế từ bố mẹ năm 2016”. Như vậy, phần thu nhập không đến từ trang trại được nhận thừa kế từ bố mẹ năm 2016 tối thiểu là 2 tỷ đồng, tương đương 167 tr/tháng. Khoản thu nhập này là từ đâu??? Có đủ chứng từ chứng minh cho Ngân hàng không?

Cuối cùng, nói về tính logic khi đi vay nợ Ngân hàng. Với kinh nghiệm 10 năm làm tài chính Ngân hàng, tôi xin khẳng định luôn người giàu rất kỹ tính khi đi vay. Với những người đi vay đến 20 tỷ Ngân hàng thì thứ 1, họ phải sở hữu tài sản tích lũy ít nhất là 50 tỷ trở lên và thứ 2, họ chỉ vay ưu đãi trong thời gian rất ngắn rồi tất toán từ một nguồn nào đó (ví dụ dân BĐS bán tài sản đầu tư để trả nợ). Trường hợp ông Quý thì “…Tôi vay khoảng gần 20 tỉ. Bây giờ vẫn còn nợ nhiều, nợ cả anh em bạn bè vẫn chưa trả được bao nhiêu…”. Tóm lại, với những thông tin ông Quý cung cấp, đi vay để è cổ trả nợ mỗi tháng tiền lãi không hơn 150 tr là điều khá phi lý. Thanh tra chính phủ có thể nhanh chóng cho biết Ngân hàng nào cho ông Quý vay và cung cấp hồ sơ vay trên mặt báo cũng là một cách để chứng minh cho sự trong sạch của ông Quý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét