Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Khai thác đá tàn phá Vịnh Hạ Long: Trách nhiệm của Ban Quản lý Vịnh ở đâu?

Nhà báo và Công luận



(CLO) Nhiều dấu hỏi lớn liên quan tới vụ một công trình khai thác đá, phá núi trên Vịnh Hạ Long được báo giới phát hiện trong những ngày qua đang được đặt ra. Tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra, nhưng có làm tới cùng việc xem xét trách nhiệm của ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban quản lý Vịnh TP Hạ Long hay không đang là thắc mắc lớn nhất từ dư luận.

Nỗi đau của kỳ quan thế giới

Vịnh Hạ Long là di tích quốc gia đặc biệt, hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và được bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới cần được bảo vệ.

Sự việc khai thác đá tàn phá Vịnh Hạ Long chỉ được phát hiện khi báo giới lên tiếng với những hình ảnh và những bằng chứng xác thực. Đó là hình ảnh những quả núi bị phá tan nát bởi mìn và đá được vận chuyển bằng xà lan vô tư giữa thanh thiên bạch nhật. Địa giới khai thác đá được xác định tại khu vực Cửa Bé trên vùng vịnh Hạ Long (thuộc phường Hà Tu, TP.Hạ Long và phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả), thuộc khu vực quản lý của Lữ đoàn Hải quân 170 (Bộ Quốc phòng).



Công trường khai thác đá đang từng ngày “gặm nhấm” Vịnh Hạ Long.
Được biết, ngay sau khi sự việc được phát hiện và phản ánh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo làm rõ. Theo đó: Giao Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh phản ánh, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các biện pháp khắc phục, đồng thời đề xuất xử lý vi phạm theo quy định pháp luật, đảm bảo không ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan khu vực; Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 05/07/2017.

Việc vào cuộc kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh là cần thiết để bảo vệ Di sản. Nhưng điều khiến dư luận băn khoăn là việc tàn phá Vịnh Hạ Long nghiêm trọng như thế, vậy mà chưa thấy trong chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh nhắc đến việc xem xét trách nhiệm của những cán bộ được giao quản lý Di sản thiên nhiên vô giá này, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu: Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.

Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã ở đâu?

Được biết, Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long là ông Phạm Hồng Hà. Lãnh đạo Quảng Ninh đã giao “ấn kiếm” cho ông Hà nhận trách nhiệm quản lý và bảo vệ Di sản, nhưng lạ thay trong suốt những ngày qua khi vụ “ăn” đá, phá Vịnh nóng rẫy trên công luận và dư luận, ông Hà đã im lặng không một lời giải thích.

Nếu nhìn lại nhiều năm qua, khi nhiều quả núi ở Vịnh Hạ Long bị san phẳng, thì có lẽ sự im lặng của ông Hà là điều dễ hiểu, bởi nói là việc của công luận, còn im lặng là phong cách truyền thống của ông rồi.

Thế nên, sự việc vừa xảy ra, dù nghiêm trọng đến nỗi đích thân Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc phải tức tốc  ra Vịnh thị sát và ra lệnh ngưng khai thác ngay thì ông Phạm Hồng Hà vẫn kiên trì… im lặng.

Ông Phạm Hồng Hà và bộ máy của Ban quản lý Vịnh Hạ Long đã không biết việc gì xảy ra với Di sản thì quả thật là chuyện lạ đời? Khai thác đá nổ mìn ầm ầm như thế, vận chuyển đá bằng xà lan hiên ngang giữa thanh thiên như thế, không biết thì kể cũng lạ. Nhưng nếu biết mà nhắm mắt làm ngơ trong ngần ấy năm thì là một tội ác với di sản thế giới, niềm tự hào của Việt Nam cũng như nhân dân Quảng Ninh nói riêng.

“Không biết” vẫn thường được hiểu là… “không có lỗi”. Nhưng trong vụ việc nghiêm trọng này, nếu ông Phạm Hồng Hà và cả bộ máy Ban Quản lý Vịnh cùng đồng thanh… “không biết” thì đó là một sự vô trách nhiệm. Nếu thế, thì nguy to cho Vịnh Hạ Long khi từng ngày, từng ngày Di sản này sẽ bị biến dạng.

Tỉnh Quảng Ninh kiên quyết làm rõ sai phạm trọng vụ việc này, đó cũng là điều người dân mong đợi. Nhưng trách nhiệm (trách nhiệm kỷ luật, thậm chí là trách nhiệm hình sự, nếu gây hậu quả nghiêm trọng) của Ban quản lý Vịnh Hạ Long, trước hết là của Trưởng ban Phạm Hồng Hà là điều mà dư luận mong mỏi phải được xử lý đến nơi đến chốn.

Không giữ được Vịnh Hạ Long thì trách nhiệm chung là cả bộ máy chính quyền tỉnh Quảng Ninh, nhưng lỗi lớn nhất ở đâu thì mọi người đều đã thấy. Vậy thì, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ninh còn chờ gì mà chưa làm rõ; làm rõ để có biện pháp xử lý thích đáng bằng kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Phạm Hồng Hà? (nếu hành vi vi phạm mà ông này thực hiện gây hậu quả nghiêm trọng).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét