Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Ước muốn không tưởng: Một con dao hai lưỡi

Lê Mạnh Hùng



Chúng tôi có tật hay nói chuyện chính trị tại nhà. Vợ chồng con cái nhiều khi cãi nhau loạn cả lên vì những chuyện không đâu. Thành ra cuộc bầu cử tại Anh vừa qua cố nhiên là một trong những đề tài tranh cãi gay go trong gia đình. Tương tự như vậy Brexit, việc nước Anh rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu cũng là một đề tài nói chuyện chính.

Ngay khi có kết quả bầu cử, tôi nói với vợ tôi “Thế này là tốt cho một cái Brexit nhẹ nhàng” Vợ tôi cũng đồng ý với tôi. Vì cả hai chúng tôi đều ủng hộ Anh ở lại Châu Âu thành ra chúng tôi đều vui mừng.

Thế nhưng rồi tôi bổng suy nghĩ. Những ngày trước, khi bà Thủ Tướng Theresa May còn được chờ đợi sẽ chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử, tôi đã biện luận rằng một chiến thắng như vậy cho bà May sẽ là một tin mừng cho Brexit nhẹ nhàng vì với chiến thăng như vậy bà May sẽ không sợ những người chống Châu Âu trong đảng.

Và cuối cùng tôi phải công nhận rằng ta có thể lấy hầu hết mọi trường hợp xảy ra và đưa ra một giải thích hợp với ước muốn của mình. Tuần trước nhà phân tích Nate Silver viết trên tờ New York Times rằng “Donald Trump làm cho Châu Âu trở thành cấp tiến trở lại” và xét đến khả năng rằng tiếng xấu của ông Donald Trump tại Châu Âu đã đóng góp vào việc dân chúng từ bỏ các đảng cực hữu như Freedom Party tại Áo, Front National tại Pháp hoặc UKIP tại Anh. Lý luận của ông Sliver khá hấp dẫn, nhưng tôi không bỏ được cảm giác rằng điều làm tôi chia sẻ lý luận này chính là vì nó cũng là điều tôi muốn tin.

Một bằng chứng dựa trên khoa học hơn của khuynh hướng cho những ước muốn không tưởng của mình thành hiện thực được cung cấp bởi ba nhà tâm lý gia Ben Tappin, Leslie van der Leer và Ryan McKay. Các nhà tâm lý này nghiên cứu về hai thiên kiến điều hành nhiều suy nghĩ của người ta thiên kiến gọi là “confirmation bias” tức là thiên kiến chúng ta thấy cái gì mà chúng ta muốn thấy và thiên kiến “desirability bias” – thiên kiến muốn những ước vọng của chúng ta trở thành hiện thật.

Một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ, ông Tappin và hai đồng liêu làm một cuộc thí nghiệm và chia những người tham dự vào thí nghiệm này thành bốn loại: ủng hộ bà Clinton và chờ đợi rằng bà sẽ thắng; ủng hộ ông Trump và chờ đợi ông sẽ thắng; và những ủng hộ viên của hai người nhưng e sợ rằng họ sẽ thua. Sau đó họ đưa cho những người tham dự các dữ liệu thăm dò dư luận mới trong đó khuyến dụ rằng hoặc ông Trump hoặc bà Clinton sẽ thắng.

Và kết quả cho thấy rằng người ta ngắm không phải vào cái gì mà họ chờ đợi sẽ thấy mà là cái gì mà họ hy vọng sẽ thấy. Người ta tập trung vào những bằng chứng thuận theo ước vọng của mình và bỏ qua những bằng chứng ngược lại. Thiên kiến “desirability” mạnh hơn là thiên kiến “confirmation.”

Trong nhiều trường hợp đây là một điều tốt. Trong doanh nghiệp chẳng hạn, phải có một niềm lạc quan rất mạnh thì người ta mới dám nhảy ra làm ăn vì khả năng thất bại là quá lớn. Và ngay cả khi thành công, lợi ích họ thu được cũng không bằng lợi ích họ cung cấp cho xã hội. Một công trình nghiên cứu của nhà kinh tế Bill Nordhaus cho thấy các công ty Mỹ thu được chỉ khoảng 4% trị giá của các canh tân của họ với sự cạnh tranh của các công ty khác cung ứng các món lợi cho người tiêu thụ dưới hình thức phẩm chất tốt hơn hoặc giá cả rẻ hơn. Với khả năng thành công thấp và thu hoạch khi thành công như vậy, nếu không có một niềm lạc quan quá mức người ta không bao giờ dám bỏ việc để tự kiếm ăn cho mình. Doanh nghiệp muốn phát triển phải cần những ước vọng không tưởng như vậy.

Thế nhưng ước vọng không tưởng này lại là một con dao hai lưỡi trong chính trị. Tại Pháp ông Emmanuel Macron vọt lên tới thành công nhờ một đợt sóng lạc quan hy vọng rằng một nhà chính trị tay mơ có thể chữa được những căn bệnh kinh niên của nước Pháp. Cố nhiên là tôi hy vọng rằng ông Macron sẽ thành cộng, nhưng hy vọng không không đủ. Còn tại Mỹ, một phần lớn nhưng hấp dẫn của ông Trump với cử tri nằm trong quan điểm rằng những ai nói rằng chính sách là những cái gì phức tạp đều là những kẻ nói láo. Vấn đề là đơn giản và giải đáp sẽ đơn giản nếu ta mạnh và khôn. Thế nhưng ta có thể thấy tại đây ước vọng không tưởng này không những không giải quyết được vấn đề mà còn tạo ra vấn đề.

Tại Anh cũng vậy, năm ngoái chiến dịch vận động cho Brexit về căn bản dựa trên một ước vọng không tưởng. Khẩu hiệu của ông Boris Johnson rằng nước Anh có thể “Have its cake and eat it too,” vừa rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu vừa tiếp tục hưởng tất cả các quyền lợi của việc là một thành viên. Làm sao có thể đạt được chuyện này không bao giờ được những người chủ trương Brexit nói ra, nhưng cái thiên kiến ước muốn không tưởng đã giúp ý tưởng này được nhiều người ủng hộ. Người ta hy vọng rằng ông Boris Johnson nói đúng và dần dà người ta tin tưởng vào ông. Đặc biệt sự tin tưởng này được làm cho dễ dàng hơn bởi so sánh với những gì các chuyên gia nói ra về những hậu qua của việc rút ra khỏi. Và họ cảnh cáo rằng nước Anh không có thời gian, nhân lực và cả chuyên môn cần thiết để giải quyết tiến trình rút ra khỏi châu Âu và tạo ra những thỏa hiệp mậu dịch mới.

Ông Johnson nói rằng mọi chuyện đều dễ dàng trong khi các chuyên gia cảnh cáo rằng nó sẽ rất khó khăn. Với các cuộc thương thuyết nay đang diễn ra, chúng ta đã biết rằng ai đúng. Nhưng chúng ta cũng đã thấy cái gì tạo ra âm hưởng đối với các cử tri.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét