Một cuộc biểu tình diễn ra tại T.P. Hồ Chí Minh vào sáng ngày 25/6,
để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới gần cửa
vịnh Bắc Bộ. Một người tham gia biểu tình, đề nghị không nêu tên, nói với VOA-Việt
ngữ rằng có khoảng 30 người tham gia cuộc biểu tình vào lúc 8g sáng
ngày 25/6 tại quận Bình Thạnh.
“Tôi là người có mặt trong cuộc biểu tình đó. Anh em tập trung, lúc 8
giờ thì căng biểu ngữ ra, nhưng khi công an tới thì chúng tôi phải thu
dọn. Chúng đuổi rượt, lùng sục chúng tôi trong một siêu thị. Chúng tôi
phải thay đồ mới thoát được. Có khoảng 30 người biểu tình. Vợ chồng anh
Phạm Minh Ngọc do xuống lấy xe ở dưới hầm nên bị tạm giữ, đưa về công an
phường 25 quận Bình Thạnh.”
Một người khác cho VOA biết vì sao anh tham gia cuộc biểu tình này:
“Không cho phép Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh
tế của Việt Nam. Các lý do khác như kinh tế, môi trường. Những người yêu
nước phản đối những việc như vậy. Nhưng chính quyền chà đạp, bắt bớ,
đánh đập thì rất đau lòng.”
Theo người biểu tình này thì cuối ngày hôm qua, vợ chồng anh Phạm
Minh Ngọc đã được trả tự do. Tuy nhiên trong lúc họ còn bị giam giữ, một
người tranh đấu tên Huỳnh Anh Tuấn đến yêu cầu chính quyền thả đôi vợ
chồng này lại bị đánh đập, gây thương tích ở đầu, mắt và hông sườn.
Anh Hoàng Anh Tuấn cho VOA biết như sau:
“Khi tôi nghe anh em biểu tình giàn khoan HD981 bị bắt, tôi đến bên
kia đường của Công an phường. Tôi thấy có một tốp người từ công an
phường đi bộ qua, và đồng thời nhiều 6-7 người đi xe máy, họ rút những
cây sắt inox và đánh tôi. Họ đánh rất nhiều. Họ hô ‘phản động, phản
động.’ Tôi bất tỉnh, ngã xuống, và họ thì cứ đánh tiếp. Chạy một một
đoạn họ đuổi theo đánh thêm 2-3 cái nữa. sau đó thì họ tự bỏ đi.”
Những người tham gia đoàn biểu tình căng biểu ngữ trên đó có ghi
những hàng chữ như “Chúng tôi phản đối Trung Cộng hạ đặt giàn khoan
HD981 vào thềm lục địa của Việt Nam”, “Chúng tôi yêu cầu Trung Cộng rút
giàn khoan ra khỏi hải phận Việt Nam”, “HD981 get out Việt Nam”…
Đoàn biểu tình tuần hành ôn hoà trên các ngả đường khu vực Văn Thánh,
đường Điện Biên Phủ và đường Nguyễn Hữu Cảnh, thuộc quận Bình Thạnh,
Thành phố Hồ Chí Minh.
“Những người này mặc thường phục, toàn bộ họ đeo khẩu trang, người
thì đội nón lưỡi trai, người thì đội nón bảo hiểm. Hầu như khi đánh tôi,
họ cúi mặt xuống, không cho tôi nhìn thấy khuôn mặt họ.
Họ rất là bỉ
ổi, đánh tôi vào những chỗ hiểm như mắt, hông… Đất nước Việt Nam bị xâm
phạm,
người dân lên tiếng họ không bảo vệ mà còn đánh đập. Cho dù tôi
còn lây lất hay như thế nào đi nữa, tôi vẫn sẽ lên tiếng nói, bảo vệ đất
nước Việt Nam chống lại tất cả những người tiếp tay và làm sai trái với
dân tộc Việt Nam.”
Theo một người biểu tình thì chính quyền thành phố đã huy động lực
lượng công an, an ninh, công an giả dạng côn đồ, xe chuyên dụng đến đàn
áp, bắt những người biểu tình lên xe buýt.
Giàn khoan lớn của Trung Quốc từng gây sóng gió trong quan hệ
Việt-Trung sẽ hoạt động ngay gần cửa vịnh Bắc Bộ trong 3 tháng, từ giữa
tháng 6 đến giữa tháng 9 năm nay.
Theo thông báo ngày 16/6 của Cục Hải sự Trung Quốc, giàn khoan
Haiyang Shiyou-981 mà Việt Nam thường gọi là Hải Dương-981 sẽ hoạt động
tại giếng Lăng Thủy 25-4-1, cách đảo Hải Nam 74 hải lý về hướng nam.
Tọa độ của giàn khoan này, theo thông tin của Trung Quốc, là 17 độ 9 phút 7 giây vĩ Bắc và 110 độ 2 phút 9 giây kinh Đông.
Báo Thanh Niên của Việt Nam đăng một tin ngắn trưa ngày 20/6, trong
đó có đoạn cho rằng dàn khoan của Trung Quốc “đang hoạt động phi pháp”
tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến
hành đàm phán để phân định. Nhưng sau khoảng 1 giờ, báo Thanh Niên rút
tin mà không đưa ra lời giải thích nào.
Hồi tháng Tư năm ngoái, Trung Quốc cũng đã triển khai giàn khoan Hải Dương-981 đến vị trí gần sát tọa độ nêu trên.
Khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố Việt Nam
“kiên quyết phản đối” và yêu cầu Trung Quốc “rút ngay” giàn khoan ra
khỏi khu vực này. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã gặp đại diện
Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.
Lần Hải Dương-981 gây sóng gió lớn nhất trong quan hệ Việt-Trung là
khi giàn khoan này được đặt ở vị trí Việt Nam coi là thuộc vùng đặc
quyền kinh tế của mình hồi tháng 5/2014.
Việc này đã làm nổ ra nhiều cuộc biểu tình lớn của người dân Việt Nam
chống Trung Quốc cũng như một số động thái phản đối chính thức của nhà
chức trách Việt Nam. Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981vào tháng
7/2014, sau hơn 2 tháng hoạt động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét