Ở Việt Nam ngày nay, chế độ độc
tài còn đứng vững nhờ sự chống đỡ của hai cột trụ chính yếu: thứ nhất công an,
thứ nhì quân đội. Lực lượng công an đã tự hào khẳng định “còn đảng còn mình”,
quân đội thì thường xuyên được nhắc nhở hãy trung thành và bảo vệ đảng, đất nước
và nhân dân đứng hàng thứ yếu.
Do đó, việc nuôi dưỡng hai đứa
con cưng này để vun bồi lòng trung thành của chúng là mối quan tâm hàng đầu của
đảng. Trong thời kỳ gọi là đổi mới nền kinh tế, trong khi giai cấp đảng viên được
đảng khuyến khích lao vào làm ăn và làm giàu, công an và quân đội cũng không bị
bỏ quên.
Trong thể chế cộng sản, quy luật
“tự quản” tuy là một quy luật bất thành văn nhưng áp dụng đồng đều cho mọi lãnh
vực, do một cấp ủy đảng phụ trách và chỉ đạo xuyên suốt. Ngoài các bộ trong
chính phủ, Công an, Quân Đội, Mặt Trận Tổ Quốc, Hội Nông Dân, Hội Cựu Chiến
Binh cũng như các hiệp hội quốc doanh khác đều có một bộ máy kinh tế bao gồm
nhà thương, trường học, khách sạn, du lịch... có mặt khắp nơi. Tuy quy mô lớn
nhỏ khác nhau nhưng nhằm chung một mục đích là phục vụ cho các đảng viên trong
ngành của mình. Thật ra sự phục vụ này chỉ là hình thức mà mục đích làm giàu
cho lãnh đạo thì nhiều.
Ngân hàng Quân Đội CSVN
Riêng Quân Đội, ngoài nhiệm vụ
thông thường là giữ an ninh còn phải làm kinh tế, nào là du lịch, xây dựng, địa
ốc, tin học nên mới có những Công ty xây dựng, Công ty du lịch quân đội và biết
bao công ty lớn nhỏ khác, thậm chí còn có cả Ngân hàng do Quân đội đứng ra
thành lập.
Nhìn vào ai cũng biết đây là một
cuộc chia phần do đảng chủ trương. Nếu trong chính phủ có Bộ Công thương được
giao quyền tung hoành trong nhiều lãnh vực béo bở để làm nghèo đất nước thì
quân đội và công an cũng được chia phần miếng bánh ngon. Cũng có thể hiểu đây
là cách mà đảng ban ơn và mua chuộc lòng trung thành của quân đội, phải luôn
luôn tuyệt đối “trung với đảng” và bảo vệ đảng trước khi “hiếu với dân” cho có
lệ.
Trong cuộc đấu tranh giữ đất của
người dân Đồng Tâm vừa qua đã hé lộ cho người ta thấy bộ mặt của đại gia
Viettel thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội mà người đứng đầu là một thiếu tướng.
Sau đó, sự kiện chiếm đoạt hơn 150 hecta đất của phi trường Tân Sơn Nhất làm dư
luận bùng lên những chỉ trích mạnh mẽ. Lý do là trong “sân bay có một sân golf”
và những công trình khách sạn, nhà hàng “hoành tráng” được cho là nguyên nhân của
“sân bay thành sân mưa” và nạn kẹt xe triền miên của khu vực phi trường. Tất cả
tồn tại ngang nhiên từ thời Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, cho đến nay
nó vẫn được Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân chăm sóc, bảo vệ chặt chẽ hơn bảo
vệ vùng trời đất nước.
Khi vất súng chạy kiếm đồng đô
la, các tướng lãnh xoa tay phấn khởi bảo nhau “quân đội làm kinh tế”, coi như một
cơ hội bằng vàng cho giai cấp chỉ huy. Nghe qua có vẻ như đời sống bộ đội từ
nay sẽ được đãi ngộ khá hơn, hay được hưởng chút ơn mưa móc từ chủ trương này.
Nhưng ngược lại, ai cũng thừa biết chuyện quân đội làm kinh tế không liên quan
gì đến người lính mà chỉ là chuyện cấu kết kinh doanh của một số tướng lãnh địa
phương và Bộ Quốc phòng. Đây là một nhóm lợi ích của Bộ quốc phòng được hợp
pháp hóa bằng chủ trương “làm kinh tế” để che mắt thế gian.
Cùng với các bộ, các ban, các
ngành khác, các tướng tá của Bộ quốc phòng không thể chỉ đeo huân chương đầy ngực
để sống với những danh vị trong quá khứ; mà họ cũng cần có “xu hào rủng rỉnh”
là những đồng đô la xanh xanh đầy quyền lực.
Sau Tháng 4, 1975 không chỉ phi
trường Tân Sơn Nhất mà quân đội lúc đó đã được giao quản lý tất cả kho tàng, đất
đai, doanh trại của chế độ cũ. Và ngay sau đó vài năm dù chưa có chủ trương làm
kinh tế, những ông chủ mới đã phù phép chia chác, xẻ thịt doanh trại cũ, biến
hóa chúng thành những khu biệt thự sang trọng trên hàng trăm nền đất “chùa” vô
chủ. Giờ đây khi vụ đất đai phi trường Tân Sơn Nhất bùng nổ, người ta mới thấy
các tập đoàn lợi ích trong quân đội kinh doanh thật táo tợn. Họ cương quyết bảo
vệ sân golf và khách sạn 5 sao ở hướng Bắc bằng cách đưa đề nghị mở rộng phi
trường về hướng Nam là hướng của khu dân cư. Vì lợi ích bản thân các tướng tá của
Bộ Quốc phòng phủi bỏ câu “vì nhân dân” để chọn câu “vì sân golf”.
Cái hậu quả hiển nhiên là khi mải
mê chạy theo đồng tiền, nhiệm vụ cầm súng chiến đấu bảo vệ đất nước chỉ còn là
câu khẩu hiệu treo tường. Biển đảo hay đất liền còn hay mất giờ đây không còn
là chuyện quan trọng so với chủ trương lớn “quân đội làm kinh tế”, cũng có
nghĩa là quân đôi cương quyết bám bờ làm giàu.
Khi câu chuyện Sân Golf bùng nổ
ngày càng lớn, Bộ quốc phòng tìm cách gỡ gạc chút thể diện còn sót lại trước
công luận. Trong một cuộc họp tại TP. HCM có mặt TT Nguyễn Xuân Phúc, tướng Lê
Chiêm Thứ trưởng quốc phòng tuyên bố rằng "Quân đội không làm kinh tế nữa
mà tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại để bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân
dân.”
Tướng Lê Chiêm Thứ trưởng Quốc phòng
Giống như tín hiệu của một chiếc
pháo lép, tuyên bố của tướng Lê Chiêm chỉ làm người dân ngạc nhiên hơn tin đó
là sự thật. Vì nếu phải rời bỏ một lãnh vực kinh doanh tiền vô như nước, các tướng
tá Bộ quốc phòng sẽ xoay sở ra sao với hàng chục đơn vị kinh tế khác của mình.
Chúng có mặt hầu hết trong các ngành nghề béo bở như viễn thông, nhà đất, xây dựng,
ngân hàng cho đến sân golf, khách sạn, công ty may mặc, công ty vận tải, công
ty du lịch. Đó là những mối lợi khổng lồ lâu nay vun bồi tài sản ngày càng cao
của các anh hùng thời bình. Không dễ gì mà họ trở về với hai bàn tay trắng và
những bộ huân chương lòe loẹt vô bổ.
Không làm kinh tế nữa dĩ nhiên phải
đặt vấn đề thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa các công ty. Nếu phải làm, không gì
tốt đẹp hơn là chính đàn em hay thân nhân của họ sẽ được đẩy ra làm những ông
chủ mới một cách hợp pháp. Thế là lọt sàng xuống nia, câu chuyện “quân đội
không làm kinh tế” trôi qua trót lọt dễ như con voi chui qua lỗ kim.
Điều đáng chua chát hơn khi Lê
Chiêm nói “Quân đội không làm kinh tế nữa mà tập trung xây dựng chính quy, hiện
đại để bảo vệ đảng, nhà nước, nhân dân.” Nó cho thấy lâu nay quân đội đã bỏ
quên nhiệm vụ quan yếu nhất của mình để chạy theo lợi ích cá nhân. Tướng Lê
Chiêm cũng không quên nhấn mạnh thêm rằng xây dựng quân đội trước hết là để “bảo
vệ đảng và nhà nước”, còn nhân dân được xếp cuối cùng. Nhưng có lẽ đã quá muộn
vì khi quân đội nhân dân này bước sang chính quy hiện đại thì nó đã trở thành một
bộ phận phụ thuộc trong quân đội Trung Cộng. Và chính ngay trong lúc này, quân
đội Việt Nam đã tự trói mình làm quân đội của một nước chư hầu của Bắc Kinh.
Trong khi mọi cơ quan quân đội đã
bung ra làm giàu bằng mọi cách mà tuyên bố “chấm dứt mọi hoạt động kinh tế”, chẳng
khác nào ông tướng Lê Chiêm tự nổ súng vào chân mình. Hay nói khác đi ông triệt
con đường làm giàu cũng là con đường thăng quan tiến chức của các đồng chí tướng
tá khác của ông. Cho nên cách hiểu đúng đắn nhất lời tuyên bố của viên thứ trưởng
quốc phòng vừa qua chỉ là lời nói mị dân nhằm mục đích hạ hỏa dư luận đang bực
mình vụ Sân Golf Tân Sơn Nhất và vụ Đồng Tâm.
Rốt cuộc người dân phải tin lời Tổng
thống Thiệu nói: “Đừng nghe những gì cộng sản nói..." Thật đấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét