Ảnh chụp ông Lưu Hiểu Ba, tháng
3/2005, tại Quảng Châu. Handout / LIU FAMILY / AFP
Nhà đấu tranh Trung Quốc Lưu Hiểu
Ba (Liu Xiaobo), một trí thức 55 tuổi, vừa được xuất tù để điều trị bệnh ung
thư giai đoạn cuối. Ngày 08/10/2010, Giải Nobel Hoà Bình được trao cho Lưu Hiểu
Ba, lúc đó đang thụ án 11 năm tù vì bất đồng chính kiến. Ông bị kết án vì là một
trong số các tác giả của Hiến chương 08, được 300 trí thức soạn thảo năm 2008,
yêu cầu dân chủ hoá chế độ mà trên thực tế chỉ là yêu cầu áp dụng chặt chẽ luật
pháp.
Xã luận của nhật báo Le Monde cho
rằng những câu chuyện như Lưu Hiểu Ba xảy ra rất nhiều tại Trung Quốc trong thế
kỷ XXI, nhưng thường nhanh chóng bị báo chí ỉm đi. Tin Lưu Hiểu Ba được trao Giải
Nobel Hoà Bình gần như bị kiểm duyệt tại Trung Quốc. Sau đó, giáo sư ngành ngữ
văn lại chìm trong vô danh chốn lao tù ở tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), giáp ranh với
Bắc Triều Tiên.
Vài ngày gần đây, tên của ông lại
được nhắc đến vì ông được điều trị ung thư gan ở Thẩm Dương (Shenyang), thủ phủ
tỉnh Liêu Ninh và án tù vẫn không được giảm. Vợ ông, bà Lưu Hạ (Liu Xia), bị
giam lỏng tại gia ở Bắc Kinh, cũng không được đến thăm chồng.
Ông Lưu Hiểu Ba bị viêm gan từ
vài năm nay, mà theo xã luận Le Monde, có thể bị mắc trong những lần bị cầm tù
và trong trại cải tạo lao động trước đó. Chính quyền Bắc Kinh muốn tránh việc một
nhà bất đồng chính kiến đang bị giam cầm bị chết trong tù, trong bối cảnh kỳ Đại
hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ XIX sắp diễn ra.
Hình ảnh không mấy gì tốt đẹp đó
cho thấy sự khép kín và hành động tàn nhẫn của một hệ thống chính trị vẫn còn
rõ nét từ năm 2012 và kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Hình ảnh này
cũng cho thấy một chế độ dưới sự lãnh đạo của ông Tập không chịu được bất kỳ
hành động bất đồng chính kiến nào, dù dưới hình thức ôn hoà, như trường hợp của
Lưu Hiểu Ba, của hàng chục, thậm chí hàng trăm luật sư bị tống giam, “mất tích”
vài ngày, vài tháng và bị kết án nặng một cách không thương tiếc vì dám phản đối
bất công khi chỉ lên tiếng yêu cầu thực thi luật pháp.
Tại Đại hội đảng Cộng Sản Trung
Quốc diễn ra vào mùa thu, cơ quan trung tâm của đảng sẽ được bầu lại. Người ta
trông chờ vào các nhà “hiền tài” và lão luyện. Theo xã luận của Le Monde, những
người này sẽ còn xứng đáng hơn với danh tiếng trên nếu bỏ thời gian lắng nghe -
chỉ lắng nghe thôi - một nhà trí thức mảnh dẻ nhưng đầy tham vọng cho đất nước
vĩ đại của mình. Nhưng đến ngày đó, chắc là giáo sư Lưu đã đi vào cõi vĩnh hằng.
Ấn Độ - Hoa Kỳ duy trì quan hệ “hài hoà” dưới thời Modi - Trump
Từ khi lên nắm quyền vào năm
2014, thủ tướng Ấn Độ đã bốn lần đến Washington gặp tổng thống Barack Obama. Chỉ
vài tháng sau khi tân tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ông Narendra Modi lại
đến Nhà Trắng để nhắc lại “sự hài hoà” trong quan hệ giữa hai nước.
Chuyến công du của thủ tướng Ấn Độ
được Libération đánh giá là “Cuộc gặp gỡ nồng nhiệt giữa Donald Trump và
Narendra Modi”. Còn nhật báo Le Monde lại cho rằng “Bị Trung Quốc làm lu mờ, Ấn
Độ ấn định vị trí bên Hoa Kỳ”. Theo nhật báo, cả hai nhà lãnh đạo có phong cách
khá giống nhau : cùng đề cao chủ nghĩa dân tuý, trở thành nhà lãnh đạo từ một
“outsider” và đều thích dùng mạng xã hội, về điểm này tổng thống Mỹ hài hước :
“Chúng ta là những nhà lãnh đạo thế giới”.
Nhưng đằng sau mối quan hệ song
phương “chưa bao giờ mạnh đến vậy”, theo phát biểu của tổng thống Mỹ, vẫn còn
nhiều điểm bất đồng, nổi bật nhất là vấn đề thị thực cho lao động nhập cư có
trình độ cao và Hoa Kỳ quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Thế nhưng,
cả hai điểm này dường như trở thành vấn đề thứ yếu trong cuộc gặp giữa hai nhà
lãnh đạo.
Thủ tướng Ấn Độ đến Washington
sau thủ tướng Nhật Bản và chủ tịch Trung Quốc, trong bối cảnh chính quyền Trump
tập trung nhiều hơn vào châu Á, kể từ khi Bắc Triều Tiên liên tục thử vũ khí đạn
đạo và nguyên tử. Trong bài viết “Modi cam đoan quan hệ đồng minh tốt của Ấn Độ
với Hoa Kỳ sẽ được tiếp tục”, Les Echos nhận định chuyến công du Washington của
ông Modi là cách nhắc lại thẳng thừng rằng, trước một Trung Quốc ngày càng hùng
mạnh, trục New Delhi-Washington có thể sẽ trở nên quan trọng đến mức nào.
Ông Modi cũng “muốn duy trì với
Trump quan hệ tuyệt vời mà ông đã có với Obama”. Và một trong những bằng chứng
thể hiện tinh thần đó là ông đến Washington với một danh sách mua trang thiết bị
quân sự, trong đó có nhiều máy bay không người lái Predator, chiến đấu cơ và một
yêu cầu hợp tác kỹ thuật để giúp New Delhi có được tầu sân bay chạy bằng hạt
nhân.
Pháp : Mang thai nhờ kỹ thuật hỗ trợ y tế gây tranh cãi
Trong lĩnh vực y tế-xã hội, sau bốn
năm nghiên cứu, ngày 27/06, Ủy ban Quốc gia Tư vấn Đạo đức (CCNE) đưa ra ý kiến
ủng hộ mọi phụ nữ (kể cả các cặp đồng tính nữ hay phụ nữ đơn thân) có thể sinh
con nhờ kỹ thuật hỗ trợ y tế (procréation médicalement assistée, PMA). Trước
đó, biện pháp này đã được áp dụng với các cặp vợ chồng vô sinh. Chủ đề này đều
được các nhật báo Pháp đưa tin và bình luận.
Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết
“Ủy ban đạo đức bật đèn xanh cho biện pháp sinh con nhờ hỗ trợ kỹ thuật y tế”
được các hội LGBT đánh giá là “dấu hiệu mạnh mẽ và sáng suốt” đồng thời yêu cầu
Nghị Viện nhanh chóng thông qua. Thế nhưng, biện pháp này lại bị các hiệp hội bảo
vệ gia đình truyền thống phản đối.
Libération đưa ra nhận định :
“Sinh con nhờ hỗ trợ kỹ thuật y tế, sau mặt đạo đức, giờ đến mặt chính trị”. Thực
vậy, biện pháp này nằm trong chương trình tranh cử tổng thống của Emmanuel
Macron.
Le Monde cho biết là người ủng hộ
biện pháp hỗ trợ y tế sinh sản (procréation médicalement assistée, PMA), tổng
thống Pháp Macron từng tuyên bố chỉ chờ kết luận của Ủy ban Quốc gia Tư vấn Đạo
đức. Ý kiến của 3/4 tổng số 39 thành viên của tổ chức này có thể mở đường cho một
đạo luật mới.
Nhưng Le Figaro lại đánh giá trên
trang nhất rằng “Macron đứng trước một lựa chọn có rủi ro cao”. Xã luận của nhật
báo thiên hữu đặt hàng loạt câu hỏi : Liệu cho phép mọi phụ nữ áp dụng kỹ thuật
này chỉ đơn giản là “mong muốn” của một cặp hay của một cá nhân ? Liệu người ta
có thể tước bỏ quan hệ máu mủ của đứa trẻ ? Liệu có thể quyết định thay đứa trẻ
một cuộc sống không cha ? Trả lời nhật báo Le Figaro, nhà tâm lý học Pierre
Lévy-Soussan đánh giá : “Quyền của người lớn không được thay thế lợi ích của đứa
trẻ”, vì như vậy, trẻ em sinh ra nhờ hỗ trợ y tế chỉ là nạn nhân của “ham muốn
vô hạn” của người lớn.
Bài xã luận “Nỗi lo chính đáng” của
La Croix không nghi ngờ về tình yêu của các cặp đồng tính hay mẹ đơn thân dành
cho con nhưng thừa nhận hoàn toàn “sự vắng bóng của người cha” gây nên một nỗi
lo chính đáng. Theo điều 7 của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, mà Pháp đã phê
chuẩn, trẻ em, “trong chừng mực có thể, có quyền được biết cha mẹ của mình”.
Bài báo kết luận sự “có thể được này” xứng đáng cần được bảo vệ.
Khủng hoảng Vùng Vịnh : Qatar mở cửa nhập khẩu hàng quốc tế
Từ ngày 05/06, Qatar bị các nước
láng giềng lần lượt cấm vận vì bị cáo buộc “yểm trợ khủng bố”, trong khi Ả Rập
Xê Út và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cung cấp đến 80-90% lương thực thực
phẩm cho Qatar.
Thế nhưng, trong phóng sự “Tại
Qatar, những người giầu tự xoay xở chống phong tỏa”, đặc phái viên Libération
cho biết chính quyền Doha chuyển sang nhập khẩu các mặt hàng từ nhiều nước khác
nhau.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước được hưởng lợi
nhất từ cuộc khủng hoảng vùng Vịnh này. Một cầu hàng không do Qatar chi trả đã
được triển khai trong thời gian ngắn kỉ lục giữa các cảng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ
và Doha để thay thế các mặt hàng do 4 nước láng giềng đang đòi “chia tay”.
Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện rõ
tình đoàn kết. Sự đồng nhất quan điểm về Hồi Giáo chính trị giữa hai nước đã
khiến tổng thống Erdogan thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác quân sự và ngoại
giao-thương mại với Doha. Vì thế, hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ là những sản phẩm đầu
tiên được hưởng các thỏa thuận thay thế hàng nhập khẩu của quốc gia Hồi Giáo giầu
có này, với thị trường được thẩm định là 5 tỉ đô la.
Iran cũng nhanh chóng muốn ghi điểm
về mặt chính trị và thương mại đối với các nước Ả Rập vùng Vịnh. Chỉ vài ngày
sau lệnh cấm vận, hãng hàng không Iran Air đã chuyển sang Doha 6 máy bay, mỗi
chiếc chở 90 tấn thực phẩm và rau quả.
Các doanh nghiệp Pháp và Úc cũng
tranh thủ thời cơ Qatar mở cửa nhập khẩu thực phẩm. Gia cầm và quả chà là bio của
Pháp xuất hiện trên thị trường, 4.000 con bò Úc và Mỹ được chuyển đến quốc gia
Trung Đông giầu có này nhờ cầu hàng không đặc biệt do hãng hàng không Qatar
Airways đảm nhiệm.
Với những biện pháp trên, Vương
quốc Ả Rập giầu có muốn khẳng định sức mạnh kinh tế và khả năng vượt qua khủng
hoảng, đồng thời cũng lên án sự phong tỏa “bất hợp pháp” và “vô nhân đạo” mà bốn
nước láng giềng áp đặt. Qatar yêu cầu các nước này dỡ bỏ cấm vận và tiến hành đối
thoại, song cũng không ngại tuyên bố “khi muốn xử lý cuộc khủng hoảng một cách
văn minh, người ta không bắt đầu bằng các biện pháp trừng phạt quá đáng và đưa
ra các tối hậu thư như thế”. Điều này muốn ám chỉ đến 13 yêu cầu trong tối hậu
thư, bị đánh giá là “phi lý”, mà Ả Rập Xê Út và các đồng minh gửi đến Doha qua
trung gian Koweit.
Google bị Bruxelles phạt 2,42 tỉ euro
Công cụ tìm kiếm Google bị
Bruxelles cáo buộc lạm dụng vị thế áp đảo nhằm tạo thuận lợi cho công cụ so
sánh giá “Google Shopping” từ năm 2008 tại 13 nước Liên Hiệp Châu Âu.
Với quyết định phạt 2,42 tỉ euro,
cả hai nhật báo Le Monde và Les Echos đều đánh giá “Bruxelles phạt Google khoản
tiền kỉ lục”, hơn cả khoản tiền phạt 1,06 tỉ euro đối với Intel vào năm 2009.
Libération lại cho rằng “khoản tiền
phạt của Liên Hiệp Châu Âu với Google không đến mức ghê gớm lắm” vì Ủy ban châu
Âu hoàn toàn có thể áp dụng mức trừng phạt 10% doanh thu hàng năm của doanh
nghiệp. Năm 2016, doanh thu của Google là 80 tỉ euro (trong đó lợi nhuận là 18
tỉ euro). Nếu tính 10%, Google sẽ bị phạt 8 tỉ euro, có nghĩa là gấp 3 lần so với
mức phạt mà Liên Âu đưa ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét