Ảnh minh họa chụp tại Bệnh viện
Đa khoa tỉnh Hòa Bình hôm 30/05/2017. AFP
Người dân trong nước than phiền
nhiều về ngành y tế; trong khi đó bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tuyên bố trước
Quốc hội là gần 90% bệnh nhân được hỏi ý kiến nói họ hài lòng với thái độ của
nhân viên chăm sóc y tế ở những cơ sở công. Thực tế ra sao và cần có những giải
pháp gì để thoát khỏi tình trạng lâu nay?
Công - tư trái ngược!
Ngược lại với tuyên bố của bà bộ
trưởng Nguyễn thị Kim Tiến, một người dân nói với đài RFA rằng chị không dám đến
bệnh viện công khám khi mang thai vì nhân viên ở đó không cởi mở và thủ tục quá
rườm rà:
Bệnh viện công tôi không đến mấy
đâu vì họ không nhiệt tình, niềm nở, không tận tâm chu đáo bằng ở ngoài. Đợt có
bầu tôi toàn đi bệnh viện tư thôi vì bệnh viện công thủ tục rườm rà mà khám qua
loa chứ không tận tình từng tí từng tí một như ở ngoài.
Một người dân khác thì nói rằng
chị cảm thấy mệt mỏi vì phải chạy tiền “bồi dưỡng” cho bác sĩ, nhưng vẫn phải
làm vậy là vì:
Vì cách ứng xử của bác sĩ luôn tỏ
ra không hài lòng, hôm rồi tôi phải chờ bác sĩ đến hơn một tiếng song không thấy
bác sĩ đâu cả. Nghe người ta bảo là phải biết đưa phong bì.
Một người khác lại phản ánh rằng
nhân viên tại các bệnh viện công quá vô trách nhiệm:
Khi vào bệnh viện tư thì dịch vụ
phục vụ tốt hơn, thái độ phục vụ của họ thì tốt và họ có trách nhiệm hơn. Bệnh
viện công thì tồi quá, không tin tưởng, họ làm thất sách vô trách nhiệm lắm.Chỉ
trách là dân nghèo thôi chứ còn là những người có tiền, quan chức họ cũng chẳng
bao giờ đi khám ở đây đâu mà.
Lỗi tại ai?
Cuối tháng 3 vừa rồi, BV Nhi đồng
1 TP.HCM đưa ra kết quả khảo sát về những điều bệnh nhân không hài lòng khi đến
khám tại bệnh viện này. Kết quả đưa ra 15 điều người dân không hài lòng nhất,
trong đó 3 điều đầu tiên liên quan đến thủ tục rườm rà, và điều thứ 4 và 5 liên
quan đến thái độ chăm sóc người bệnh của điều dưỡng, cách hỏi bệnh và thăm khám
của bác sĩ.
Hồi giữa năm ngoái, Vụ Tổ chức
cán bộ (Bộ Y tế) công bố số liệu cho thấy chỉ trong vòng 2 năm có đến gần
16.000 nhân viên y tế bị bệnh nhân và người nhà phản ảnh qua đường dây nóng về
thái độ phục vụ.
Nhận xét về nguyên nhân dẫn đến sự
không hài lòng của bệnh nhân, ông Lê Đình Sáng, giảng viên đại học Y khoa Hà Nội
cho rằng đó là do tư tưởng ban ơn của một số nhân viên:
Có thể là vì người ta chưa hiểu
được rằng người bệnh là khách hàng của mình. Mô hình y tế bây giờ chính người bệnh
mới nuôi sống các bệnh viện. Thứ hai, có thể họ sống quen trong tàn dư của bệnh
viện cũ ngày xưa, vẫn theo tư tưởng ban ơn. Một số cá nhân thì do nhân cách của
con người. Thứ 3, cũng có thể do áp lực công việc của họ quá lớn nên nhiều lúc
họ bức xúc.
Trong khi đó Giáo sư, Tiến sĩ Lê
Văn Thành, một giảng viên y khoa trường Đại học Y dược Hà Nội nay đã về hưu lại
cho rằng nguyên nhân dẫn đến những thái độ chưa được đẹp của một bộ phận nhân
viên y tế là do áp lực “cơm áo gạo tiền” khi đồng lương của họ không được xứng đáng:
Vấn đề tốt hay xấu phụ thuộc vào
đồng lương và điều kiện làm việc của cán bộ, nhân viên. Muốn tốt thì sự đãi ngộ
của xã hội với nhân viên đừng để họ thiếu thốn quá. Hi sinh đã quá nhiều nhưng
không được đáp ứng lại nên đời sống của họ còn quá khó khăn.
Tuy nhiên Giáo sư Lê Văn Thành
cũng nói rằng thái độ đáng chê trách trong ngành y không chỉ đến từ một phía
nhân viên, mà ngay cả một số người dân cũng có thái độ quá khích, không tôn trọng
đội ngũ y tế:
Hiện nay nhân viên y tế cũng bị
người dân đối xử không tốt, đánh bác sĩ, nhân viên chỉ là vì chẩn đoán hơi sai
hay chưa vừa ý cái gì. Hôm nay mới nghe nói mới thông qua luật rằng bệnh nhân
đánh lại bác sĩ thì phải tù nhưng thực ra có bệnh nhân nào đánh đâu, mà là người
nhà họ đánh bác sĩ. Luật phải sửa một câu là bệnh nhân đánh bác sĩ không được
nhưng thân nhân đánh bác sĩ cũng phải bị pháp luật xử lý.
Bất ổn tại bệnh viện
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ
2010 đến nay, cả nước có không dưới 20 vụ điển hình về mất an ninh trật tự
trong bệnh viện. Tính riêng các vụ vũ lực thì có đến 70% đối tượng bị tấn công
là bác sĩ, 15% là điều dưỡng và 60% vụ việc xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu,
chăm sóc cho người bệnh.
Hầu hết các vụ bạo lực xảy ra là
do người nhà bệnh nhân bất mãn với một quyết định hay kết quả điều trị của bác
sĩ.
Về vấn đề này, ngày 20/6 vừa qua
Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung, theo đó tội hành hung
người chữa bệnh cho mình có thể bị phạt tù 3 năm.
Cách giải quyết
Ông Lê Đình Sáng cho rằng để thay
đổi thái độ của nhân viên y tế, trước hết cần giao quyền tự chủ cho các bệnh viện
công để đội ngũ y tế tự gánh lấy hậu quả nếu số lượng bệnh nhân giảm:
Giao cho bệnh viện tự chủ và lãnh
đạo mà làm gương cho nhân viên. Phải coi người bệnh thực sự là khách hàng để
thay đổi thái độ phục vụ bởi vì nếu không người bệnh đi chỗ khác. Nếu họ mất
khách hàng, thấy thuốc mà không có bệnh nhân thì chắc chắn là không hay nữa.
Ngày xưa bệnh nhân tìm đến bệnh viện còn ngày nay họ có quyền lựa chọn ai cung
cấp dịch vụ cho mình.
Quyền tự chủ ở các bệnh viện công
được Chính phủ quy định từ năm 2006, có thể hiểu đơn giản là quyền tự chịu
trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của
các bệnh viện. Tuy nhiên hiện tại còn nhiều bệnh viện công chưa thực hiện theo
cơ chế này.
Còn theo Giáo sư Lê Văn Thành,
ngoài biện pháp tăng thu nhập cho nhân viên y tế, giáo dục là căn cơ gốc rễ nếu muốn thay đổi
thái độ làm việc của họ:
Muốn thay đổi căn cơ phải thay đổi
giáo dục ngay từ nhà trường, xã hội và gia đình. Con người đó mà được giáo dục
tốt và trả đồng lương đầy đủ thì ít có chuyện làm sai lắm. Đừng cứng nhắc dạy
vài khẩu hiểu, không thể giáo dục một con người như vậy được. Nếu giáo dục
không nhìn rộng ra thì sẽ đưa đến chỗ xuống cấp.
Ngành Y tế đầu tháng 6 vừa qua đã
chính thức áp dụng tăng giá 1.900 dịch vụ đối với những người không có thể bảo
hiểm y tế. Người dân nói rằng đây là một chính sách ép họ phải tham gia bảo hiểm
y tế trong khi dịch vụ này bộc lộ quá nhiều bất cập khiến họ không muốn tham
gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét