Một chiếc Su-35 của Nga bay thử trước một triển lãm hàng không ở Quảng Đông, Trung Quốc, năm 2014
Chính quyền của Tổng thống Trump hôm 20/9 áp đặt lệnh trừng phạt đối với quân đội Trung Quốc vì họ mua chiến đấu cơ và các hệ thống tên lửa của Nga, vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào Moscow vì đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 ở Hoa Kỳ.
Tại Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ và yêu cầu các lệnh trừng phạt phải bị rút lại. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ sẽ áp đặt ngay các biện pháp trừng phạt đối với Cục Phát triển Quân cụ của Trung Quốc (EDD), là cục thuộc quân đội chịu trách nhiệm về vũ khí, khí tài; và cục trưởng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) vì đã tham gia vào các giao dịch quan trọng với Rosoboronexport, hãng xuất khẩu vũ khí chính của Nga.
Các biện pháp trừng phạt liên quan đến việc Trung Quốc mua 10 máy bay chiến đấu SU-35 vào năm 2017, và các thiết bị liên quan đến hệ thống tên lửa địa đối không S-400 vào năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Họ cấm cục nói trên của Trung Quốc và ông Lý xin giấy phép xuất khẩu và tham gia vào hệ thống tài chính của Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bổ sung cục và ông Lý vào danh sách đặc biệt của Bộ Tài chính nêu tên các cá nhân mà người Mỹ bị cấm làm ăn, kinh doanh cùng.
Hoa Kỳ cũng đã đưa vào danh sách đen thêm 33 người và tổ chức liên quan đến quân đội và tình báo Nga, bổ sung họ vào một danh sách theo luật năm 2017, có tên là Đạo luật Chống Các Đối thủ của Mỹ Thông qua Các Biện pháp Trừng phạt, gọi tắt là CAATSA.
CAATSA cũng tìm cách trừng phạt Nga vì hành động xâm lược của nước này ở Ukraine và dính líu vào cuộc nội chiến Syria.
"Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ mạnh mẽ với những động thái phi lý của phía Mỹ và đã phản đối kịch liệt", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phát biểu với các phóng viên ở Bắc Kinh. Ông nói thêm là động thái của Mỹ đã làm tổn hại nghiêm trọng tới các mối quan hệ song phương và quân sự.
"Chúng tôi mạnh mẽ thúc giục phía Hoa Kỳ sửa chữa sai lầm ngay lập tức và hủy bỏ các lệnh trừng phạt, nếu không phía Mỹ sẽ nhất thiết phải chịu trách nhiệm về hậu quả", ông nói, nhưng không đi vào chi tiết.
Trung Quốc trao đổi và hợp tác quân sự “bình thường” với Nga, nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực, không trái với luật pháp quốc tế hoặc nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào, ông Cảnh nói thêm.
Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Nga để thúc đẩy hợp tác chiến lược ở mức cao hơn nữa, ông nói.
Nga cũng phản ứng hôm 21/9, với việc thứ trưởng ngoại giao Sergei Ryabkov cảnh báo rằng Mỹ chớ có "chơi với lửa".
"Chúng tôi đề nghị những người vận hành bộ máy trừng phạt của Washington ít nhất cũng cần làm quen với lịch sử của chúng tôi để ngừng việc đi vào những vòng tròn luẩn quẩn", ông Ryabkov nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/9 đã ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện các biện pháp trừng phạt.
Một công tố viên đặc biệt cấp liên bang đang lãnh đạo một cuộc điều tra hình sự về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.
Một quan chức chính quyền Mỹ không muốn nêu tên đã cung cấp thêm thông tin với các phóng viên, cho biết rằng các biện pháp trừng phạt đối với cục của Trung Quốc thực ra nhằm vào Moscow, chứ không phải Bắc Kinh hay quân đội Trung Quốc, cho dù đang có cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
“Mục tiêu tối thượng của những biện pháp trừng phạt này là Nga. Các biện pháp trừng phạt theo luật CAATSA trong bối cảnh này không nhằm mục đích làm suy yếu khả năng phòng thủ của bất kỳ quốc gia cụ thể nào”, quan chức này nói với các phóng viên trong một cuộc họp qua điện thoại.
"Thay vào đó, các biện pháp ấy nhằm mục đích bắt Nga phải trả giá cho những hành động xấu của họ", quan chức cho biết.
Tại Moscow, nghị sĩ Nga Franz Klintsevich nói các biện pháp trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến các thỏa thuận về S-400 và SU-35.
"Tôi chắc chắn rằng các hợp đồng này sẽ được thực hiện đúng lịch trình", ông Klintsevich được hãng tin Interfax của Nga trích lời cho hay. "Việc sở hữu các thiết bị quân sự này rất quan trọng đối với Trung Quốc", ông nói.
Các nhà phân tích an ninh ở châu Á cho biết động thái này chủ yếu có tính biểu tượng và sẽ chỉ càng đẩy Moscow và Bắc Kinh lại gần nhau hơn.
Ông Ian Storey, thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore, nói: “Việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến việc bán vũ khí của Nga cho Trung Quốc”. Ông nói thêm rằng Moscow cần tiền của Trung Quốc, còn Bắc Kinh muốn có công nghệ quân sự tiên tiến.
Ông Collin Koh, một nhà phân tích an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam của Singapore, cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không làm được gì nhiều để chống lại mối quan hệ về nghiên cứu và phát triển đang phát triển giữa Trung Quốc và Nga.
(Reuters, VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét