Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

6277 - Đảng đang tiếp tục khoét sâu sự bất bình đẳng chính trị trong xã hội?


Những bất bình đẳng ấy, với người dân miền Nam, có lẽ bắt đầu từ sau tháng tư năm 1975.


Trong lễ Quốc tang Trần Đại Quang có một tình tiết mà dường như các Quốc tang trong thời gian vừa qua đều không có: gia đình người mất xin miễn nhận phúng điếu. Ngoài ra bàn thờ hương linh được đặt bày theo nghi thức Phật giáo, điều mà ở Quốc tang gần nhất của cố thủ tướng Phan Văn Khải cũng không có những hình ảnh này, mặc dù khi ấy báo chí nhận tin là gia đình ông Khải mong muốn lễ tang của ông được tiến hành trong khuôn viên đất đai gia đình, và theo nghi thức Phật giáo.

Xem ra sự bất bình đẳng về chính trị mà Đảng đặt để ra đã bắt đầu được chính những gia đình đảng viên dần phá vỡ.

Ở Việt Nam, chính trị phải đồng nghĩa với đảng Cộng sản

Thế nhưng dường chừng Đảng vẫn chưa chấp nhận điều đó, khi trong một phát biểu vào sáng ngày 25-9 tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lặp lại điệp khúc quen thuộc mang đậm màu sắc kiểu chủ nghĩa ‘a-pac-thai’ [*], khi yêu cầu người sẽ đứng đầu nhiệm kỳ mới của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải “có bản lĩnh chính trị vững vàng”.

“Bản lĩnh chính trị vững vàng”, theo huấn thị của ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, là “phải đảm bảo tiêu chuẩn chung của cán bộ quy định trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. (trích diễn văn của ông Trọng, sáng ngày 25-9, bài diễn văn có tại http://bit.ly/2xFiNbE).

Thẻ đảng viên ĐCSVN.
Ông Tổng bí thư cũng ra đề bài cho người sẽ ngồi vào ghế chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, là cần giải quyết thực trạng “một bộ phận công nhân, người lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều đến những vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống cụ thể trước mắt, ít quan tâm đến những vấn đề cơ bản, lâu dài, có tính chiến lược như ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, vai trò, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm của giai cấp công nhân...; một số bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm sai trái, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. (Nguồn đã dẫn).

Ông Tổng bí thư tiếp tục khoét sâu về sự bất bình đẳng về quyền tự do chính trị được Hiến định [**], khi đưa ra mệnh lệnh cho vị tân chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhiệm kỳ mới: “Chú trọng giáo dục giữ vững bản lĩnh, có ý thức nhạy bén chính trị, tăng sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động để kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”. (Nguồn đã dẫn)

Trình độ chính trị: ‘A-pac-thai’ lý lịch

Sự độc quyền chính trị ấy còn hiện diện trong tất cả thủ tục hành chánh có liên quan tới phần lý lịch cá nhân, với việc luôn có đề mục khai bắt buộc mang tên “Trình độ chính trị”. Mặc định có các lựa chọn để tự ghi: đảng viên, đoàn viên, quần chúng. Chi tiết hơn thì “Cao cấp chính trị”, “Trung cấp chính trị”, “Sơ cấp chính trị”. Chính trị trong phân chia 3 cấp bậc này đều cùng đồng nghĩa với “đảng Cộng sản”.

Sự bất bình đẳng chính trị suốt hơn 40 năm qua còn được thể hiện trong điều mà ai cũng tưởng rất nhỏ nhoi, đó là ở tấm thẻ Chứng minh Nhân dân, (hay gần đây dùng lại tên gọi như ở miền Nam trước năm 1975 là Thẻ Căn cước), có mục “Dân tộc”. Người Việt, ai cũng được mặc định ghi trên tấm thẻ đó là dân tộc ‘Kinh’.

Với người miền Nam, họ rất lạ lùng khi sau tháng 4-1975, gần như đụng tới thủ tục hành chánh gì cũng buộc phải khai lý lịch. Chuyện “ngụy”, xin không bàn ở đây. Tự dưng ai cũng phải khai là dân tộc Kinh. Phải chăng “Kinh” để phân biệt với “người Thượng” mà dân miền Nam vẫn hay dùng trong khẩu ngữ?

“Người Kinh” trong khẩu ngữ miền Nam được hiểu là cách nói gọn của “người Kinh đô”, khác với cách hiểu về người Kinh của miền Bắc dễ nhầm lẫn đây là một sắc tộc đến từ Trung Hoa. [***]

Tương truyền, sau khi lên ngôi, Gia Long đã cho tuyển chọn và bổ nhiệm người thân thích, họ hàng tỏa đi khắp nới nắm giữ các chức vụ từ làng xã cho đến huyện, phủ… Hết bà con thì lấy người đồng hương Phú Xuân, kinh đô nhà Nguyễn, đất tổ của Nguyễn Hoàng, Nguyễn Kim. Người Kinh có nghĩa là người Kinh đô. Dần dà, khái niệm “người Kinh” được mở rộng thành người miền xuôi, bao gồm cả người Hoa, người Chăm…

Ngược lại, theo cách hiểu giản lược ở miền Nam là “người Thượng” nghĩa là người miền núi, người vùng cao. Bởi đơn giản khi gọi là dân tộc Thái, Hoa, Chăm, H’ Mông, Tày, Nùng, Ê Đê…, thì phải dùng từ dân tộc Việt. Phải chăng đây cũng là một thứ ‘apartheid’chính trị mà Hà Nội đã áp đặt trên toàn quốc từ sau tháng tư, 1975?

Người viết bài này không những chỉ muốn mình là dân tộc Việt, mà còn muốn bất kỳ ai là dân tộc Việt cũng được thực hiện quyền tự do chính trị, một thứ chính trị không phải là độc quyền của những người nhân danh đảng viên Cộng sản như ông Nguyễn Phú Trọng.

Điều đó cũng giống như gia đình ông Trần Đại Quang đã lựa chọn nghi thức Phật giáo để đưa tiễn người thân của mình về nơi an nghĩ, chứ không phải bằng những bài phát biểu giáo điều tuyên giáo đảng mà sinh thời người mất đã nghe nhàm tai (!?).

Chú thích:

[*] Trong khái niệm ‘apartheid’ (phân biệt chủng tộc) hay ‘apartness’ (phân lập). Chính sách phân lập đã loại tất cả những người không phải là da trắng ra khỏi các cơ quan quyền lực, trừ một số rất ít người da màu. Các cá nhân trong xã hội bị phân loại theo chủng tộc. Sự phân loại đó được thừa nhận về mặt pháp lý và được xây dựng thành luật để quản lý các nhóm người trong xã hội. Quyền công dân của người da màu và da đen bị siết chặt, kể cả quyền bầu cử.

[**] Hiến pháp 2013, Điều 14.1 “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”; Điều 16 “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; Điều 25 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”; Điều 28 “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.

[***] Người Việt hay người Kinh là một dân tộc hình thành tại khu vực địa lý mà ngày nay là miền Bắc Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Đây là dân tộc chính, chiếm khoảng 86,2% dân số Việt Nam và được gọi chính thức là dân tộc Kinh để phân biệt với những dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Ngôn ngữ chính sử dụng là tiếng Việt theo nhóm Việt-Mường. Người Kinh sinh sống trên khắp toàn thể nước Việt Nam và một số nước khác nhưng đông nhất vẫn là các vùng đồng bằng và thành thị trong nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét