Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

6297 - Tâm tư của những nhà báo đảng viên

Thảo Vy (VNTB) 

Đảng của ai? Nước của ai?

Ở Việt Nam, luật bất thành văn là tổng bí thư có quyền quyết định cao hơn thủ tướng. 

Nhà báo Đặng Tâm Chánh, cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị đặt hàng loạt câu hỏi đến tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân tang sự nơi chốn chôn nhau cắt rốn Ninh Bình của ông Trần Đại Quang: “Đây không phải như chuyện nhà lo hậu sự. Mà là việc nước: đảng của ai? Nước của ai? Những thông tin ban đầu này cần được Uỷ ban Kiểm tra làm rõ: Có chủ trương của đảng, hay của địa phương xây dựng nơi chôn cất Chủ tịch nước Trần Đại Quang như thế này không? Nguồn gốc đất đai, tài sản, vốn liếng xây dựng công trình này từ đâu? Tình trạng pháp lý về đất đai của khu vực đang triển khai công trình này? Thực tế có việc triển khai huy động nguồn lực công của ngành, của địa phương trong xây dựng công trình này?”.

Câu hỏi tương tự cũng được đặt ra hồi tháng 10-2013 dịp Quốc tang ông Võ Nguyên Giáp. Địa điểm an táng ông Giáp là khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình, nằm cách đèo Ngang khoảng 4 km. Địa thế này nếu là thuộc sở hữu tư nhân, thì có thể gọi gia đình của ông Giáp là chúa Đảo Yến.

Hình ảnh lễ Quốc tang Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang sáng ngày 26.09.2018. Ảnh: Vneconomy
Trước đó, trung tuần tháng 6-2008, mặc dù di nguyện để lại lúc sinh tiền của ông Võ Văn Kiệt là hỏa táng khi ông mất, tro cốt sẽ được rải xuống khúc sông ở huyện Củ Chi, Sài Gòn, nơi mà hai người con và người vợ của mình đã mãi nằm lại đó; tuy nhiên khi ấy tổng bí thư Nông Đức Mạnh lại buộc phải chôn cất ông Võ Văn Kiệt tại nghĩa trang TP.HCM.

Ở Việt Nam, luật bất thành văn là tổng bí thư có quyền quyết định cao hơn thủ tướng. Do đó không cơ quan báo chí nào lên tiếng về chuyện ông Nông Đức Mạnh đã vi phạm Nghị định số 62/2001/NĐ-CP do Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành. Theo đó, tại Điều 9.3 có quy định: “Trong trường hợp gia đình có nguyện vọng hoả táng hoặc an táng tại quê nhà, Ban Tổ chức lễ tang có trách nhiệm tổ chức chu đáo theo quy định tại các Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 và 17 Chương II của Quy chế này”.

Một nhà báo đảng viên ngại nêu tên, tiếp tục đặt vấn đề: Ông Trần Đại Quang không phải là liệt sĩ [*]. Do đó nếu thật sự đảng viên luôn đi đầu trong nêu gương tuân thủ pháp luật, thì việc lập khu lăng mộ gia đình hiện nay ở khu đất trước nhà riêng của ông Trần Đại Quang tại Ninh Bình, là vi phạm pháp luật.

Đặc biệt việc vi phạm này lại có sự tham gia đông đảo của các ban, ngành tỉnh Ninh Bình. Luật Ngân sách Nhà nước 2015 không có điều khoản nào cho phép các vị lãnh đạo của tỉnh Ninh Bình xuất tiền ra để phục vụ cho chuyện hạ tầng đường sá, điện nước của khu lăng mộ đó; cũng như việc xây dựng ‘quảng trường’ cho một lễ Quốc tang khác ngay trước cổng nhà ông Trần Đại Quang; (mà Luật Ngân sách Nhà nước không có quy định thì làm sao quyết toán được, nếu như đó không phải là chuyện của ‘tham nhũng chính sách’!)

Phải chăng ở đây còn có một tên gọi khác nữa dành cho những đảng viên quan chức trong bộ máy công quyền: Tham nhũng chính sách - bao gồm cả chính sách quyền lực. Sở dĩ có thể nhấn mạnh như vậy, vì ở Việt Nam nếu không là đảng viên thì không thể được ‘cơ cấu nhân sự’. Trong nghề báo, nếu không là đảng viên thì đừng bao giờ mơ tưởng tới ghế tổng biên tập.

“Đảng của ai? Nước của ai?” như thắc mắc của nhà báo đảng viên Đặng Tâm Chánh và có lẽ còn nhiều đảng viên khác nữa, xem như đã có câu trả lời rõ ràng.


[*] Nghị định số 23/2016/NĐ-CP, quy định về các hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang, và cơ sở hỏa táng, đã loại trừ không điều chỉnh “nghĩa trang liệt sĩ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét