Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

6264 - Mỹ răn đe Trung Quốc với cuộc tập trận trên biển phối hợp 4 binh chủng

Mai Vân

Tàu sân bay USS Ronald Reagan và hải đội tác chiến cùng oanh tạc cơ B-52 của Không Quân và chiến đấu cơ F/A 18 của Hải Quân, trên biển Philippines, trong cuộc tập trận Valiant Shield 2018 ngày 17/09/2018.U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 3rd Class Erwin

Vào lúc quan hệ với Trung Quốc có dấu hiệu căng thẳng trên cả bình diện thương mại lẫn quốc phòng, ngày 23/09/2018, Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ vừa kết thúc một cuộc tập trân hợp đồng binh chủng với quy mô lớn hiếm thấy ở vùng đảo Marianas (Marianas Island Range Complex) ở miền Tây Thái Bình Dương và đảo Guam. Mở ra từ ngày 16/09, cuộc diễn tập mang tên Valiant Shield 2018 được giới phân tích quân sự đánh giá là mang một tính chất răn đe rõ rệt đối với Trung Quốc khi cho thấy sự vô hiệu của “tên lửa diệt hàng không mẫu hạm” mà Bắc Kinh thường phô trương gần đây.
Trong một bản thông cáo công bố ngày 15/09, Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết là cuộc tập trận Valiant Shield 2018 huy động một lực lượng gồm khoảng 15.000 người, đến từ toàn bộ 4 binh chủng của Quân Đội Mỹ: Hải Quân, Không Quân, Lục Quân và Thủy Quân Lục Chiến.
Trên bình diện các phương tiên được tung vào cuộc tập trận của riêng Mỹ, diễn ra hai năm một lần ngay sau cuộc diễn tập đa phương RIMPAC, có hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, 15 chiến hạm và quân hạm đủ loại, cùng với 160 máy bay trong đó có loại oanh tạc cơ chiến lược B-52.
Valiant Shield là một cuộc tập trận hợp đồng binh chủng được thiết kế từ năm 2006 nhằm mục tiêu rèn luyện năng lực phối hợp tác chiến và sẵn sàng chiến đấu của cả 4 binh chủng tạo thành lực lượng võ trang Hoa Kỳ.
Đặc biệt năm nay, trong khuôn khổ một sự chuyển hướng chiến lược nhằm đối phó với hai đối thủ cạnh tranh được chỉ định rõ là Trung Quốc và Nga, cuộc tập trận Valiant Shield 2018 bao hàm nhiều bài tập liên quan đến các kỹ năng bảo đảm an ninh trên biển, đổ bộ, chống tàu ngầm và phòng không.

Trung Quốc, đối tượng của Valiant Shield 2018
Đối với tờ Business Insider, ấn bản Pháp, đối tượng nhắm tới của cuộc tập trận Valiant Shield 2018 chính là Trung Quốc dù không một quan chức Mỹ nào nói ra.
Bài viết công bố hôm 19/09, vào lúc cuộc tập trận Valiant 2018 đang diễn ra mang một tựa đề rất rõ ràng: Bên trên các bức ảnh về cuộc tập trận trên biển Philippines, tờ báo ghi nhận: “Một bức ảnh cho thấy rõ vì sao “tên lửa diệt hạm” của Bắc Kinh sẽ không thắng được ở Biển Đông trong một trận đánh”.
Phân tích chung của Business Insider ghi nhận:
Quân Đội Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận trên Thái Bình Dương kết hợp oanh tạc cơ chiến lược hạt nhân, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ kế tiếp, một tàu sân bay và hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo.
Đó là những trang thiết bị mà Mỹ phải cần đến trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến thật sự với Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc đã xây dựng một lực lượng Hải Quân to lớn hơn Mỹ và chế tạo ra loại hỏa tiễn chuyên dùng để công phá tàu sân bay, nhưng cho đến giờ này, chưa có dấu hiệu gì là lực lượng đó có thể thật sư hoạt động như mong đợi trong môi trường chiến tranh.
Đối với tác giả bài phân tích, trong thời gian qua, Hải Quân Trung Quốc đã cố vươn lên để vượt qua Mỹ về mặt lực lượng vì muốn khóa chặt Biển Đông không cho Mỹ tiếp cận. Bắc Kinh đã gia tăng việc triển khai các loại tên lửa, chiến đấu cơ, oanh tạc cơ có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Thế nhưng, chỉ cần nhìn qua một bức ảnh về cuộc tập trận của Mỹ gần đây – tức là cuộc tập trận Valiant Shield 2018, thì thấy Mỹ vẫn còn hơn xa Trung Quốc.
Hải Quân Trung Quốc chỉ hơn được Mỹ trên giấy tờ
Theo Business Insider, trên mặt khối lượng thì Bắc Kinh có phần hơn Washington: Trung Quốc đã đóng thêm tàu chiến với một tốc độ mà Mỹ khó thể vượt qua, chế tạo ra cả một kho tên lửa chống tàu sân bay với tên của từng hàng không mẫu hạm Mỹ viết trên đấy. Về phía Mỹ thì số lượng tàu trong hạm đội ngày càng ít đi, và già đi.
Hệ quả của tình hình nêu trên là đồng minh của Mỹ tại châu Á đã bắt đầu công khai nêu ra câu hỏi là liệu Mỹ còn có khả năng đáp trả một Trung Quốc đang vươn lên hay không.
Thế nhưng, theo tờ báo, Trung Quốc quả là có lợi thế, nhưng trên giấy tờ, trong lúc chiến tranh thì lại không hề diễn ra trên giấy tờ.
Valiant Shield 2018 và ưu thế Mỹ
Tờ báo đã nêu bật thế thượng phong của Mỹ vừa được thể hiện nhân cuộc tập trận Valiant Shield 2018, phối hợp hoạt động của các binh chủng khác nhau.
Theo Business Insider, chỉ riêng sự tồn tại của cuộc tập trận Valiant Shield đã nêu bật khiếm khuyết của Trung Quốc: là chưa hề có được một hoạt động phối hợp nhuần nhuyễn giữa các binh chủng như vậy.
Hải Quân Trung Quốc đặt ra mối đe dọa với một lực lượng đông đảo, kèm theo là các hỏa tiễn tầm xa, nhưng vấn đề là chưa rõ lực lượng này có thể phối hợp tốt với không quân, lục quân hay pháo binh hay không. Trong lúc đó thì Quân Đội Hoa Kỳ đã thường xuyên thao dợt nhuần nhuyễn để nâng cao kỹ năng hợp đồng binh chủng trong bối cảnh chiến tranh thực sự.
Trong khi Trung Quốc chế tạo thêm những loại tên lửa gọi là “sát thủ diệt hàng không mẫu hạm”, có khả năng hạ đo ván đội tàu sân bay của Mỹ, vấn đề là làm sao các sát thủ này đến được tàu Mỹ. Trên giấy tờ, hỏa tiễn Trung Quốc có thể bắn xa hơn những chiến đấu cơ có tầm hoạt động rộng nhất tàu sân bay Mỹ, nhưng khái niệm chống tiếp cận khu vực A2/AD đó của Trung Quốc chưa bao giờ được thử nghiệm trên hiện trường...
Bức ảnh đầy ý nghĩa
Trong bức hình chụp cảnh cuộc tập trận Valiant Shield mà Business Insider chú ý, người ta thấy chiếc tàu sân bay Reagan dẫn đầu một hải đội tác chiến bao gồm đầy đủ các khu trục hạm được trang bị tên lửa dẫn đường, tàu tiếp liệu cho các hành trình dài, và bên trên chiếc Reagan là một oanh tạc cơ hạt nhân B-52.
Theo phân tích của tờ báo, chiếc B-52 với tên lửa hành trình mang theo, có thể tấn công các vị trí của Trung Quốc từ những khoảng cách xa. Các chiến đấu cơ F-15 của Mỹ tại Hàn Quốc có thể phóng đi các tên lửa tầm xa có khả năng triệt hạ các điểm phóng tên lửa của Trung Quốc trước khi các tàu sân bay Mỹ đến gần.
Các chiến đấu cơ F-35B của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, ra quân lần đầu tiên nhân cuộc tập trận này, có khả năng ẩn mình trước màng lưới radar Trung Quốc để tiêu diệt bất cứ mối đe dọa nào.
Còn để đối phó với các tên lửa đã vượt qua được các đợt tấn công ngăn chặn kể trên, mỗi chiếc tàu sân bay Hoa Kỳ đều được nhiều khu trục hạm có tên lửa dẫn đường đi theo hộ tống, và loại khu trục hạm này đã được thiết kế chính là để bắn hạ các loại tên lửa đạn đạo.
Gần đây, Mỹ cũng đã thực hiện thành công thử nghiệm đánh chặn tên lửa với một tàu khu trục Nhật Bản dùng công nghệ Mỹ bắn hạ một tên lửa đạn đạo đang bay. Ngoài ra Mỹ cũng có thể dựa vào sự trợ giúp của Hàn Quốc, Úc, và rất có thể là Ấn Độ, trong trường hợp phải chống lại Bắc Kinh.
Báo Business Insider kết luận bài viết bằng một nhận xét của phó đô đốc Tom Rowden, nguyên tư lệnh Lực Lượng Chiến Hạm trên Mặt Nước của Hải Quân Mỹ, nêu bật khác biệt giữa một chiến hạm Mỹ và một chiến hạm Trung Quốc: “Một chiếc thì không tài nào tìm được đường ra khỏi một túi giấy ướt và một chiếc thì sẽ lật đổ bất cứ cản lực nào trên đường đị”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét