Một trạm đổ xăng ở Hà Nội (Ảnh minh họa).
Ngoài xăng, thuế môi trường đối với dầu diesel sẽ tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, dầu mazut và dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít, dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít và mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.
Trước đây, thuế môi trường đối với xăng chỉ 1.000 đồng mỗi lít, cho đến ngày 1/5/2015 tăng lên 3.000 đồng/lít, kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2019 là 4.000 đồng/lít và lộ trình dự kiến sau năm 2020 sẽ thu thuế môi trường 8.000 đồng trên mỗi lít xăng.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tăng thuế môi trường trong xăng sẽ không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng năm 2018, đảm bảo mục tiêu kiềm giữ lạm phát dưới 4% trong năm nay.
Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Bùi Trinh, xăng dầu là sản phẩm thiết yếu nên khi tăng giá xăng sẽ dẫn tới ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá sản xuất PPI, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng CPI… và sẽ là một điều đáng lo ngại.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, quyết định tăng thuế môi trường lần này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, vì các chi phí sẽ đều tăng khi giá xăng tăng. Ông nói tiếp:
“Xăng là mặt hàng thiết yếu trong đời sống xã hội hiện nay, nếu mà tăng thuế môi trường tính vào xăng thì giá xăng tăng lên, mà giá xăng tăng lên thì giá tất cả mặt hàng tăng lên. Trong kinh tế học, có cái gọi là cân đối liên ngành, tức là giá đầu vào một sản phẩm tăng thì giá đầu ra của nó sẽ tăng. Và giá đầu ra của một sản phẩm tăng sẽ lại trở thành giá đầu vào của một sản phẩm khác. Thí dụ giá xăng dầu tăng thì giá sắt thép sẽ tăng, giá sắt thép tăng thì giá các mặt hành sử dụng sắt thép sẽ tăng, nhà cửa sẽ tăng. Từ đó nó sẽ dẫn đến tăng mặt bằng giá cả. Cái sự tăng giá đó sẽ thể hiện đầy đủ sau ba tháng kể từ khi áp dụng cái thuế này.”
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh thuộc Học viện Tài chính Việt Nam lại cho rằng việc tăng thuế môi trường đối với xăng cũng là điều hợp lý:
“Nếu mà nói giá xăng của các nước trong khu vực, thì hiện nay giá xăng dầu của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực Châu Á. Mà nếu nói thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu thì Việt Nam vẫn ở dưới mức trung bình chung của thế giới. Vì thế việc chúng ta tăng thuế bảo vệ môi trường lên thì nó cũng bình thường thôi, chứ không có gì để chúng ta đáng nói cả.”
Tuy nhiên, theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, không thể so sánh giá xăng với các nước xung quanh như Singapore, Thái Lan, Malaysia vì mức thu nhập của người dân của họ cao hơn ở Việt Nam. Theo bà so sánh chi phí xăng dầu Việt Nam rẻ hơn một chút mà lại quên đi các yếu tố là thu nhập của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác là so sánh không sòng phẳng. Bà cho biết thêm ý kiến:
“Nếu chưa chứng minh được là sử dụng tốt thuế môi trường thì không có lý do gì mà thu thêm của người dân, bởi vì thu thêm mà vẫn như vậy thì không ai sẵn sàng đóng thuế cả.”
Trước những lo ngại về việc sử dụng tiền thu thuế môi trường như thế nào. Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 20 tháng 9 năm 2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tiền thuế bảo vệ môi trường phải chi cho bảo vệ môi trường, thì người dân mới thấy sòng phẳng, chứ không phải thu chỗ này chi cho chỗ khác.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính Việt Nam, khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể, mà thực hiện nhiệm vụ chi theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cũng nhìn nhận rất khó tách bạch thu chi tiền thuế bảo vệ môi trường, vì tiền thuế bảo vệ môi trường khi thu vào thì đều nhập vô nguồn thu ngân sách nhà nước. Và hàng năm chính phủ lập ra kế hoạch chi tiêu ngân sách dựa vào tổng thu, chứ không tách riêng ra là thuế bảo vệ môi trường chỉ chi cho bảo vệ môi trường. Ông nói tiếp:
“Việc chi cho bảo vệ môi trường nó cũng được hiểu theo các nghĩa khác nhau, và thông thường thì các nhà kinh tế học hiểu theo cái nghĩa rộng nhất của từ bảo vệ môi trường. Trong đó nó có cả việc làm các đường giao thông, cầu cống, để từ đó giảm thiểu ách tắc giao thông thì từ đó nó cũng giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nghĩa rộng như thế thì cũng không thể tách bạch chuyện thu cho bảo vệ môi trường thì chi cho bảo vệ môi trường.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh tình hình bội chi ngân sách hiện nay của Việt Nam khá căng thẳng, vì vậy cho nên Bộ Tài chính tìm các nguồn thu để trang trải cho các nguồn chi cũng là một điều dễ hiểu. Theo ông, quyết định tăng thuế môi trường với xăng dầu lần này sẽ giúp ngân sách có thêm khoảng 15.600 tỉ đồng. Ông cho rằng đây là khoản thu lớn cho ngân sách nhưng sẽ làm tăng chi phí vận tải, tăng giá thành tất cả sản phẩm dịch vụ trên thị trường Việt Nam, dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp ASEAN khác ngay tại quê nhà.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thì lại cho rằng nguồn thu ngân sách nhà nước bị thu hẹp vì thuế xuất nhập khẩu giảm, do Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương với các quốc gia và nhiều khu vực trên thế giới. Ông cho biết thêm:
“Thật sự mà nói nguồn thu ngân sách đang rất là khó khăn. Tuy nhiên nếu mà nói vì nguồn thu ngân sách mà tăng thuế bảo vệ môi trường thì cũng chưa hẳn đúng. Nếu từ 1/1/2019 Việt Nam tăng thêm 1.000 đồng phí môi trường cho mỗi lít xăng thì cả năm 2019 cũng chỉ thu thêm từ 15 đến 16 ngàn tỷ đồng, thì rõ ràng nó chưa là gì cả để nói rằng nó có thể bù thâm thủng ngân sách.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, mức tăng thuế môi trường trong xăng lên 4.000 đồng mỗi lít là không hợp lý, chính phủ Việt Nam nên có nỗ lực cắt giảm chi phí, cân đối ngân sách, hơn là nỗ lực tăng thêm phí môi trường để bù cho các khoảng bội chi ngân sách.
Theo tin chúng tôi mới nhận được, tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá của Bộ công thương sáng ngày 28 tháng 9 năm 2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết nên dời ngày tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng. Theo ông Hải, thời điểm tăng thuế môi trường đối với xăng rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng, sẽ tác động tới điều hành CPI cả năm 2019. Vì vậy, ông Hải kiến nghị nên tăng vào thời điểm khác thích hợp hơn.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Công Thương nêu lo ngại về thời điểm tăng thuế môi trường đối với xăng. Tại cuộc họp báo của Ban chỉ đạo giá hồi tháng 7, ông Đỗ Thắng Hải cũng đã nêu vấn đề này và đề nghị chưa tăng ngay thuế bảo vệ môi trường với xăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét